Bạch Đằng xóm nhỏ ngày xưa

Lâm Quang Khải

Tối này trong giấc mộng tui gặp lại bác hai Hiệp Thành và bác tư Phú An, bác Tám Nhà Đèn, bác năm Thạnh Lợi, bác bảy Châu và các bác khác nữa. Mấy bác vui mừng nói với tôi, mầy kể chuyện xưa bến Bạch Đằng, cô bé BDX hỏi chuyện cô Quờn, mà cái thằng BSNQ, nó tìm ra câu chuyện xưa đó trên Gô gồ, cắt nghĩa rõ ràng, cũng ngộ quá chứ hén? Hổng biết sao mấy ổng dám kêu là cái thằng BSNQ nữa? người ta giờ là BS mà.
Nói chuyện cô Quờn, câu chuyện thời sự xưa nay, chữ ghen , vẫn là vậy, chỉ khác là “cái ghen” dám đốt chồng, dưới con mắt người thời đó còn lạ quá, còn nay thì… thường thôi, đốt cắt xẻo…đủ loại. Thời nay thì đàn ông lén vợ đi lén phén… gọi là đi ăn phở. Hồi xưa diễn đàn nhà sàn Hiệp Thành thì mấy ông kể chuyện, (báo đăng Phạm Duy) đi ”ăn chè” ở Nhà Bè sau bị vợ phát giác thì cười hăng hắt … nói dối vợ đi ăn chè, nay gọi là ăn phở đó bạn.
Bình Dương, cuộc sống vẫn âm thầm trôi như nước dòng sông Thủ. Chiều chiều buổi gặp mặt “ hóng mát” nhà bác Hiệp Thành vẫn mọi ngày như mọi ngày, lâu lâu thầy giáo Thọ, ông Năm Chi ghé vào thêm cho xôm tụ.

Rồi một ngày kia bác Hiệp Thành mua xe hơi. Đó là xe Simca màu trắng. Tôi khoái lắm, như là ba tôi mua vậy. Nhớ mỗi khi đi Saigon về, xe chạy tới Nam Bắc Hiệp, tiếng kèn xe hơi của bác nhấn “tin tin”, người ở nhà chưa nghe được tiếng, nhưng mấy con chó ở nhà đã quắt đuôi mừng rỡ, ra đón chào.

Còn Bác Năm xóm đầu chợ trên thì mua chiếc Bờ Rô 203 Peugeau mui trần coi còn đã nữa. Tôi nhớ là trong đám bạn đó, Ba tôi thích nhất là bác Năm, Ba cứ về khen với má hoài: “Anh Năm tánh tình điềm đạm dể thương”. Mấy người bạn còn kêu ổng là Ông Hoàng Shihanook, Vua Cao Miên. Bác Năm dáng người không cao lớn lắm, da hồng hào đen, mặt chữ điền, mặt mày vui tươi nhân hậu. Ai cũng quí bác, riêng tụi nhỏ nầy nói lén nhau: “Sao ổng đen đen vậy mà sao ba mình nói đẹp.?!”

Có xe, mấy bác hay đi Saigòn chơi, đôi khi cho tôi theo. Một kỷ niệm mà tôi nhớ hoài, coi một đoạn phim hai vợ chồng nằm trên giường âu yếm, xong rồi bổng tự nhiên chàng kép đực ôm quần bỏ chạy. Cả rạp cười ồ. Giọng cười lớn, sảng khoái của bác Năm nghe sang sảng vui tai. Tôi thằng nhỏ chẳng hiểu tại sao lại cười.

Tôi biết sở thú, vườn Bồ Rô…từ dạo đó.
Khoảng một ngàn chín trăm năm tám năm chín, chợ Bình Dương có “phong trào” mua sở cao su. Lúc đó còn quá nhỏ để hiểu chuyện cho rõ , nhưng tôi dùng chữ phong trào ở đây là vì bác Hiệp Thành mua trước, sở ở Kiến An, Bến Cát, sau đó là bác Năm, mua ở Chánh Lưu, và đến ba tôi. thì mua kế bên bác Hiệp Thành.

Vì sở cao su thì đường rừng khó đi, nên phải mua xe jeep. Chiếc xe mà tui khoái nhất là của bác Năm, mầu quần quân , capo hơi bầu bầu không thẳng đuộc như jeep của quân đội Pháp phế thải bán ra. Kế là chiếc của bác Hai, chỉ nhớ là đẹp lắm thôi. Những loại jeep này, lội sình thì hết sẩy.
Tôi lại biết thêm ‘’mùi sình’’ của rừng . Mùi đất rừng khác với mùi đất bưng. Sình, cộng mùi cây, mùi rừng lá ; khác với sình đất ruộng, sình của bờ sông Bạch Đằng, Và giờ đây thế giới của tôi, mở rộng thêm. Lô cao su với những hàng cây mút mắt, cây cối bạt ngàn.
Thường qua nhà bác chơi, phía bên này thấy chợ cá và chợ, tầm mắt không không được xa. Bên này thì tôi chơi với anh Tam, cậu Mười, nhánh thợ bạc ( làm vàng). Phía bên kia, chơi với chị Mai, dì Chín, cánh làm bếp. Nhìn về phía thành Săn Đá ( sau gọi Công Binh), nhìn dòng sông nước lặng lờ chảy lên xuống, mang lục bình trôi xuống rồi lại trôi lên. Mặt sông đôi khi tôi coi như mặt nồi ‘’bông cỏ’’.

Tui tánh hay lục tìm thắc mắc, hay chui vô cái sàn nhà của bác hai Hiệp Thành, từ dưới sông mà coi lên, coi chống mấy cột và mấy tấm ván ra sao.

Nước ròng mấy thằng con trai xuống sông lượm đạn. Đạn này không phải là viên bi để chơi, mà đạn này là đạn của súng bắn đó nha. Không biết ai bỏ đầy dưới sông (chắc tụi Pháp rút lui. Rồi bỏ chăng?). Bọn nhỏ cạy đầu đạn lấy thuốc súng đốt pháo bông. Mấy người lớn la quá chừng, sợ nguy hiểm. Tụi này lén vào “giang sơn” tụi nhỏ là hẽm sau nhà, vui chơi mà quên muồi xú khí…. Khi thì bắn chim se sẻ, nướng ăn, ba bốn thằng ăn có một con chim sẻ chút xíu,
Trên nóc của dãy nhà Bạch Đằng , hai mái ngói giao nhau tạo thành chữ V (ngược) mấy con chim sáo hay về làm tổ. Tụi này canh khi sáo con nở, bắt về nuôi. Tới mùa mận có trái, lấy đá hay miểng ngói, chọi lên cây mận, trái rụng xuống đất, lấy một cây sào dài, đầu gắn một cây đinh nhọn, chỉa lấy ra. Đôi khi đàn chó dữ trong nhà sủa, sợ bỏ chạy.
Tôi thường thả dọc theo hàng dương, lần lên cầu tàu hoặc tới nhà thủy tạ . Đám cây cổ thụ bên dinh tỉnh trưởng, tôi cho là những rừng cây của tôi. Nghe tiếng ru của hàng dương trong gió. Nghe gió như mang lại những mùi thơm xóm nhỏ. Mùi hanh nắng gắt, mùi ẩm mềm của mái nhà, cây cỏ sau cơn mưa. Mê lắm… mê lắm.
Khi thì dựa hàng rào nhà đốc phủ Đẩu say mê ngắm hòn non bộ bên trong nhà, để tâm trí mặc tình rong rũi chơi theo núi non ghềnh đá, qua những cầu nhỏ gặp mấy ông câu cá, lại gặp cả mấy ông tiên nữa, lúc này còn quá nhỏ nên không biết tìm tiên nữ để ngắm nhìn. Nghĩ lại đây cũng là nhân gây những ‘’chủng tử non bộ’’, để lớn lên làm nghề bán cây cảnh hòn non ở xứ người, người Tây u, họ cũng chịu và mê lắm. Cũng vui một điều, khi lớn lên hỏi thăm bạn bè xóm khác, thì ra bạn mình cũng có những sở thích hòn non như vậy.
Ông Đốc Phủ Đẩu ít khi giao tiếp với bên ngoài. Thỉnh thoảng ông vác baton đi ra dạo xóm Bạch Đằng, qua bến xe ngựa ông đáp lời chào hỏi thân tình với bà con xe ngựa, xe ba bánh, bình dân. Tới xóm phố Bạch Đằng, ông thăm hỏi tâm tình với ông Phú An, ông Tám Nhà Đèn.Mỗi lần ông xuất hành như vậy, đối với xóm nhỏ là một biến cố vui, có dịp dân tình bàn tán, tỏ tình quí mến. Mấy người con gái của ông cũng ít giao du, thỉnh thoảng tới mùa cây mận xanh sau hè chín, mấy bà hái trái cho xóm Bạch Đằng làm quà. Cây mận này mỗi lần nhắc tới, tôi thấy thơm ngon đặc biệt, chưa gặp cây thứ hai ngon như vậy.
Một ngày kia, biến cố xảy ra, ông Đốc Phủ Đẩu, lại vác baton xuất hành ra xóm như mọi lần. Cụ vừa bước xuống lề đường ngã ba Bạch Đằng - Phan Thanh Giản, bến xe ngựa, bổng có một con ngựa chứng chồm lên, làm cụ té quị. Người ta vội đỡ cụ lên, thấy cụ bị thương nên vội đem về nhà cụ. Ngày hôm sau thì cụ qua đời. Ông xe ngựa vừa thương, vừa hối hận lại vừa sợ bị liên lụy. Nhưng sau đó hay tin , trước khi mất cụ có trối lại với con cháu là: “Đêm hôm trước cụ nằm mộng, thấy ‘’ông bà về’’ có bảo là ngày mai không được ra đường, đó là ngày xấu, có thể mất mạng”. Nhưng sáng dậy cụ quên mất nên mới xảy ra cớ sự, vì vậy ông dặn người nhà không được làm khó dễ người ta.

Đám ma cụ Đốc Phủ Đẩu được tổ chức ba ngày sau, đứng ngoài hàng rào nhìn vào, tôi thấy linh cữu được đưa ra cánh trái và an táng tại miếng đất đó, trong khuôn viên của nhà.

Sự giao tiếp của nhà này: cổ kính, nhẹ nhàng chừng mưc, nhưng vẫn giữ được niềm thân ái với bà con.
Dòng đời Bạch Đằng xóm nhỏ bình lặng trôi, tới ngày ba mươi tháng tư bảy lăm, thì bà Hai bà Tư bị bắt vào nhà “giải lao’’ và sau đó bị bức tử, lìa cỏi đời ô trọc. Nhà thì bị ‘’quản lý’’.
Thật tình ra mà nói, tôi lấn cấn mãi điểm này. Nhà, sau này là di sản quốc gia, chủ nhân được “qui chụp, và đối xử tàn bạo’’ như vậy. Lịch sử ngày sau, có lý giải thế nào, đó là câu chuyên của ngày mai . Từ câu chuyện này ta thấy, muốn sống bình an, trong một xã hội nhiểu nhương, luật lệ như rừng rú, không phải dễ vậy. Một câu chuyện bùi ngùi thương cảm cả đời tôi.
Và xóm nhỏ tình người ngày xưa, từ ngày đó lật qua một trang khác.
Nhắc lại, ‘’nhà bác hai Hiệp Thành’’, là kỷ niệm đầu đời, tôi vẫn làm hành trang mang theo suốt mãi. Nhớ lớn lên rồi, mỗi lần gặp bác gái, bác vẫn nhét tiền vào túi tôi: “Cho mầy ăn bánh”. Khi tôi có vợ con rồi, bác vẫn làm nghĩa cử này. Thậm chí, sau này gặp chị Lan ở Cali, con gái lớn của hai Bác… xứ lạ quê người , chị mừng mừng lắm lắm, như gặp lại những gì trân quí của ngày xưa , coi như tôi còn bé nhỏ như ngày nào: “Phẻ hông em?”. Rồi lại vẫn cái màn cho tiền, như là một nghĩa cử cụ thể của tình thương. Hình như Bình Dương xưa, lúc đó,’’thương thì phải cho tiền’’?

Tôi nhắc lại những việc này để muốn nói là Bình Dương xưa của mình, cái tình bà con, là như vậy.

1/2015

****
Ghi chú:

BDX: Bình Dương Xưa (facebook)
BSNQ: Bác Sĩ Nhà Quê (facebook).