Áng mây

Huỳnh Thị Nhung (Khóa 13)

    Má tôi là áng mây trời,
    Mỗi khi nhớ má tôi nhìn mây trôi    ...

    Cuối năm khi không gian se lạnh, mùa xuân đang đến với biết bao nỗi mong chờ của nhiều người được đoàn viên dưới mái nhà thân yêu. Giờ thì qua ngưỡng lục thập hoa giáp, những người như tôi đều mong ước tìm lại ngày ấy đã đâu còn của thời thơ ấu. Gia đình tôi có 8 anh em đều được đi học ở trường Tiểu học Lái Thiêu, khi lên trung học thì 3 đứa đầu được học trường Trịnh Hoài Đức, 5 đứa sau vì trường Phan văn Hùm đã được xây dựng gần nhà nên 5 đứa em sau tôi đi học gần nhà. Nhà tôi nằm trên đường Nguyễn Trãi là một ngôi nhà xưa rất đẹp trên tuyến đường, có nguồn gốc của gia đình ông Cả Kiết là hương cả trong làng Tân Thới Lái Thiêu, ông còn là chủ tiệm Đỗ Kim ở đường Đỗ hữu Vị chợ Lái Thiêu. Căn nhà ba gian với tám cây cột gõ đen mun, mái ngói mát rượi, mà hồi còn nhỏ tôi cảm thấy nhà mình quá lớn như một ngôi chùa với liễn đối sơn son phết vàng trên cột nhà, trang thờ có những hàng lam chạm khắc hoa văn chim hoa, sân sau nhà thật là rộng có giếng nước lúc nào nước cũng trong vắt dù nền vách giếng có nhiều rong rêu. Nhà hàng xóm đều là nông dân đất rộng nhà vách đất, cạnh bên nhà của ông Út có chuồng bò cạnh bên là một cây rơm cao, trồng toàn cây ăn trái, hàng rào là những cây điều sân nhà ông Út cũng là nơi diễn ra nhiều trận thư hùng của mấy đứa con trai trong xóm. Ĺc còn nhỏ ngoài giờ đi học lúc nào chúng tôi cũng lấm lem đất cát, quần mặc ở nhà đứa nào cũng có miếng vá ở dưới mông. Quần bị rách do tuột cầu tuột đu dây chơi bập bênh trong sân trường Ấp Trưởng, là nơi Sư đoàn Bạch Mã Đại Hàn xây dựng khu trò chơi trong sân trường. Chúng tôi lớn lên  cùng các bạn hàng xóm đồng trang lứa phá phách đủ trò, và lúc nào Anh Hai tôi cũng là đầu tàu bày đặt đủ kiểu. Ba tôi thường phạt anh quỳ ngay cây cột gõ, mỗi khi có bạn tìm anh thì chúng tôi đều trả lời cùng một ý: "Ảnh bận lau cột gõ rồi". Càng bị phạt nhiều, anh càng nghĩ ra lắm chiêu, cả một đám bạn hàng xóm cùng nhau hưởng ứng, kể̃ cả người lớn cũng đồng tình cho chúng tôi chùm nhum mà chơi giỡn bày trò.
    Nhớ lại khi xưa, nhà tôi lúc nào cũng nồng ấm giọng nói tiếng cười từ sáng đến tối, dù có cãi nhau thì chỉ một lúc lại tụm năm tụm ba .Lúc má bệnh không đi đâu nữa, má kể lại, chỉ điểm danh được các con giờ ăn giờ ngủ, ngoài giờ đi học đứa chạy đầu trên đứa đi xóm dưới, mà về đến nhà má tôi đều biết đứa nào đi đông đi tây. Nhà tôi mở tiệm tạp hóa má tôi vừa bán hàng vừa chăn đám con. Thường buổi trưa má tôi hay bắt đứa lớn giữ đứa nhỏ và căn dặn đi có đi chơi thì đi nhà Bà Cố, nhà Bà Ba, Bà Tư, nhà hàng xóm và chúng tôi thường lội ùm xuống vàm sông Sở Cải. Bà Cố tôi cầm cái roi mây vừa nhịp vừa la om sòm nhưng không có đứa nào bị ăn roi hết. Hồi nhỏ cứ thắc mắc sao má biết mình đi đâu, làm gi , lớn chút thì hiểu má tôi bán hàng vừa hỏi hàng xóm có thấy mấy đứa nhỏ con tui đi đâu không. Hàng xóm không có bao nhiêu người nên ai cũng trả lời má như điệp viên chỉ điểm không công. Má tôi rất giỏi việc xử án hơn cả Bao Công, tí xíu là có đứa mét má ơi, má hỡi…Trong túi áo bà ba của má lúc nào cũng có sẵn chai dầu Nhị Thiên Đường. Con vấp té đứt tay là xức dầu liền, cho má hun một cái là hết đau nhe … Má tôi có tài báo động “Ba về”, và vì sợ ba chúng tôi giả bộ ngoan hiền khi có ba ở nhà. Ngày nào trời mưa không đi đâu được thì anh em tôi xúm nhau hát cải lương, lấy khăn làm áo cổ trang, lấy mền mùng làm phông màn, mũ mão đao kiếm thì tự chế, cây chổi lông gà dành hát Hồ Quảng; cũng có lon chảo khua chiêng gióng trống. Chúng tôi thuộc lòng các đoạn cải lương mà chúng tôi thích do những nghệ sĩ như Thanh Nga, Hùng Cường, Út trà Ôn, Thanh Sang, Út bạch Lan, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và nhiều nhiều nữa diễn. Tuồng tích quanh đi quẩn lại chỉ biết có bấy nhiêu: Lan và Điệp, Con gái chị Hằng, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Tiếng hạc trong trăng, Tình Chú Thoòng , Đắc Kỷ ho ga. Tân nhạc thì cũng chung chung những bài phổ biến thời đó đa số là nhạc Bolero, nhạc của nhạc sĩ Nhật Trường, Hùng Cường Mai lệ Huyền…. nhiêu đó cũng đủ làm má điếc tai.
    Lớn hơn khi học trung học, Anh Hai tôi theo mấy ông họa sĩ vẽ phông tuồng tích các đoàn cải lương về diễn ở rạp hát cũ là rạp Tân Lạc bên phía cầu Đúc Lái Thiêu đi Bình Dương, rạp Phương Lạc là rạp hát mới nằm phía Bình Dương về Sài gòn. Từ đó má nói nó có hoa tay, lúc nào anh cũng vẽ vẽ. Mỗi chiều khi nghe chiếc loa cũ kỹ ra rả rè rè tiếng hát của cô đào Lệ Thủy ở rạp hát Tân Lạc với bài hát Cô hàng chè tươi. Rạp nầy thường chiếu phim Ấn Độ, chiếu phim Tây du Ký. Anh em tôi thường đi coi cọp nhờ có Dì Hai gác cửa rạp cho vô. Lúc đó Anh Hai kể công do anh xin Dì Hai cho một đám em vào xem, nhưng thật ra Dì Hai đẹp người da dẻ hồng hào mập mạp là bạn nối khố của má tôi từ hồi kháng chiến chống Tây. Có lần đoàn hát Thanh Hương Hùng Minh về diễn một tuồng cải lương võ hiệp, nghệ sĩ Hùng Minh bay vèo vèo giơ tay chưởng phát ra lửa xẹt xẹt… điện làm phỏng tay, thế là NS Hùng Minh được ra ngoài sớm ăn cháo gà. Anh em tôi chạy ra đòi xem bàn tay bàn tay bị phỏng, nghệ sĩ Hùng Minh xòe ra liền (hồi đó làm gì có "fan cuồng"). Còn nghệ sĩ Lệ Thủy, Diệu Hiền, Thanh Hương lúc nào cũng sẵn sàng vui cười với đám con nít bu quanh nhìn mặt .
    Mê văn nghê,̣ Anh Hai ôm đàn ghi ta đi khắp xóm. Anh dàn dựng cho cả xóm hát tuồng cải lương,  có đêm diễn ở sân khấu là một ngôi mả đá ong thật cao to. Các anh chị hàng xóm có giọng ca hát cải lương cũng rất ngọt ngào. Sau nầy có Chị Cao Thị Thắng thành danh nghệ sĩ. Ba tôi sợ anh học dốt nên cứ vắng anh là ba bắt anh em chúng tôi tìm bắt anh về tiếp tục quỳ lau cột gõ cho ba.
    Anh Hai còn lấn sân qua điện ảnh. Anh làm một cái thùng giấy carton bằng thùng đựng sữa bò Con Chim hiệu Nestle ngày trước (thùng đựng 48 hộp sữa), trong thùng treo một cái bóng đèn 100 wat đã rút ra hết dây tóc bên trong đựng nước, chỉ với một cái kiếng nhỏ rọi mặt của má. Anh lấy ánh sáng mặt trời hội tụ chiếu qua bóng đèn phát những đoạn phim Ấn độ, Tây Du Ký; với cái drap giường trắng căng trên tường. Nhà tôi trở thành một cái rạp chiếu bóng mini, dù chỉ coi đi coi lại có một đoạn phim mà anh em chúng tôi thì cười nắc nẻ vui hết biết.

 

    
    Chúng tôi còn có một kho đồ chơi chứa trong cái hầm chống mọt chê sau nhà. Đó là mấy bộ điện đàm bằng lon sữa bò đứa nhà trước la làng đứa nhà sau úp vô tai nghe; xúm nhau đồng la: Alô alô dừa khô lên giá, ai có má đem đổi dừa khô. Vậy mà má tôi vui lắm khi chúng tôi nghêu ngao hát xướng làm trò ... Với hai cái ống lon nối với sợi dây là chúng tôi đã lóc cóc đi cà khiêu té lên té xuống. Rồi nào là diều giấy, mắt  kiếng mặt nạ bằng giấy bồi... Đồ hàng của tôi thì đủ loại gồm nồi niêu lớn nhỏ, chén tô dĩa bể miệng, cái gối bằng sành để nằm hút thuốc Lào; chén chung, hủ to hủ nhỏ, mấy con cá treo tường để trồng trầu bà … thôi thì nhiều lủ khủ. Nhà ở gần lò gốm, đồ phế thải ra, chủ không bán được thì đổ đống sát cạnh ranh nhà, chúng tôi lượm chơi thoải mái (giờ mà còn ố la la … đồ cổ vô giá). Hồi đó nồi niêu chỉ bằng đất nung và dễ vỡ chứ không được bằng nhôm thiếc như bây giờ. Phía sau nhà tôi là lò gốm Liên Hiệp Thành do nhiều người góp tiền thành lập gọi là công xi, Ông tám em của ngoại tôi có một phần hùn trong công xi. Ông sống chung với người Hoa từ nhỏ, người khắc khổ, nụ cười hiền hậu. Ông thường vác cái khạp đi lên dốc lò nung hay từ lò nung xuống lưng đã còng … Ông thương anh em chúng tôi lắm, lúc nào cần đất sét là trèo qua hàng rào chất bằng những cái khạp cái lu, chạy qua kiếm ông xin một đất sét cục lớn tha hồ sáng tạo một bầy thú. Ông còn móc dây lưng quần gói đựng tiền cắc cho chúng tôi mua kẹo ú ngậm hoài không hết, vừa ngậm vừa phình má như con khỉ. Anh tôi hay nắn những con thú, con trâu, con bò... nhìn sinh động lắm. Mấy con cờ tướng cũng vò bằng đất sét…. Sân sau nhà tôi có một cây ổi thơm lừng, lúc nào cũng có trái chua trái chín, chúng tôi thường leo lên vắt vẻo trên cây… Nhớ lại thấy anh em tôi quậy thiệt, vậy mà má tôi cưng hết biết, gia tài của má tôi là một bầy con phá phách.
    Thường thì để chuẩn bị giỗ hay Tết, má tôi bận rộn vừa lo buôn bán, còn nuôi vài con gà, dọn dẹp nhà cửa rồi làm đủ loại nào mứt dừa mứt gừng... Má tôi nấu ăn rất ngon và làm rất nhanh nhẹn. Má cắt may cho anh em chúng tôi mỗi đứa một bộ quần áo mới kiểu và vải giống y nhau. Tám anh em tôi hay giỡn với má: bận đồ giống nhau vầy giống con Bà Phước (Công Giáo). Ba tôi thì năm nào Tết đến cũng tự pha sơn, sơn lại cửa chính mà những cái cửa hồi xưa không có khóa, chỉ cài bằng cây song hồng. Màu sơn thì lúc nào những lá sách bên trong cũng là màu xanh lá nhạt bên ngoài xanh lá đậm. Tết đến là nhà tôi rất đẹp, sáng trưng nhất xóm.     Ngày Tết nhà tôi không thơm hương trầm như nhà của nội tôi nằm trên dốc Cầu ông Đành, mà thơm mùi hoa vạn thọ. Má tôi chưng nhiều vạn thọ do các cậu dì của má tự trồng rồi gánh ra tặng cho má chưng Tết .
    Ba ngày Tết ăn chơi chúng tôi đánh bài 3 lá, cờ cá ngựa, lắc bầu cua. Ban ngày chơi chưa đủ, tối đến chúng tôi đốt đèn cầy hoặc lén lấy cây đèn dầu hột vịt chun dưới bộ divan chơi tiếp, khi nào buồn ngủ quá thì mới trèo lên ngủ .
    Anh em chúng tôi sợ ba tôi lắm, dù ông rất ít la rầy. Hồi đó chúng tôi hay nói ba tôi là một cái bóng mát che cuộc đời chúng tôi tối om om. Ông cứ sợ đứa mê văn nghệ văn gừng, đứa mê đắm tiểu thuyết ủy mỵ, đứa mê coi tivi không chịu học hành. Có những lần mê chơi quên giờ giấc ba tôi đi dạy học về; vừa nghe má kêu “Ba về”, chúng tôi vội vã cuốn hết mền mùng đạo cụ kiếm gỗ, mũ mão vua quan bằng mấy tờ giấy bồi nhét hết xuống dưới cái divan to đùng. Nền nhà tôi lót gạch bông, chúng tôi đi ra vô hoài dơ lắm, nhưng sạch nhất vẫn là chỗ gầm divan to để ngủ là sạch bong, nơi thì thầm to nhỏ và tiếp tục chơi  kể chuyện ma cỏ của anh tôi.
    Chủ nhật chúng tôi được ăn ngon vì có ba ở nhà, nhưng đứa nào cũng ngại ông già Ba tri khó tính, thường chúng tôi trốn má ù chạy xuống nhà bà cố tôi ở đầu cầu Sở Cải, lội mương bắt cua, bắt còng, bắt cá lòng tong. Cậu Năm, Dì Tư Cậu Út... cũng bằng tuổi nên cả đám con nít “quậy hết ga”. Bà Cố tôi lúc nào cũng cầm cây roi tre dài nhịp nhịp: không đứa nào được xuống sông nhe, vậy mà cả đám đều biết lội sông, bơi ếch bơi chó như nhái ….
    Những năm học trường Trịnh Hoài Đức, anh tôi đã là thanh niên. Má tôi yêu thương anh bao bọc anh không từ chối bất cứ điều gì. Anh muốn mua máy ảnh chụp hình, mua một dàn nhạc lập thành đội văn nghệ. Má nuôi dạy anh tôi đức tính gia trưởng để sau nầy kế tục ba tôi là trưởng tộc. Anh tôi được thụ hưởng tất cả tình thương yêu của má, cho đến ngày anh có gia đình riêng thì tình thương yêu không còn dành cho em út nữa.
    Thời thơ ấu tươi đẹp qua đi, tôi nhớ má tôi cơ cực nuôi đủ 8 đứa con với một ông chồng khó tính, vừa lo buôn bán vừa lo việc nhà cơm nước cho một đàn con. Má tôi dạy con tự lực, biết làm việc nhà lặt vặt. Má bắt chúng tôi phụ má mua bán đi chợ mua hàng rồi giao hàng, đứa nào siêng má cho ăn chè. Bà Ba Campuchia bán chè rất ngon thưởng cho, làm nhiều thưởng nhiều làm ít thì ăn chè má nấu. Má tôi không được đi học biết chữ do học lớp bình dân. Ngày sinh mỗi đứa má tôi đều nấu chè cho ăn. Chúng tôi không biết má cúng van vái Mẹ sanh Mẹ độ cho con cái khỏe mạnh không đau yếu. Má tôi chưa hề than buồn - than khổ bao giờ vì nuôi con. Cực thân má chịu được, nhưng má không thể gánh hết nỗi đau tinh thần các con dồn cho má gánh gồng, má tôi khóc. Bạn bè buôn bán cùng thời với má tôi ở chợ Lái Thiêu ai cũng thân với má, người nào cũng con đông, giỏi giang và còn rất đẹp người… Dì Hỷ bán gạo, bà chủ tiệm Đức Thành kêu má tôi là “Bà An nàm nắn”. Tôi hỏi hoài bà mới nói nghĩa là người Việt bán quán. Dì Năm Thành, Dì Sáu  Guốc, Dì Hai Vinh, Bác Tư Đại Hải, Bác Tư Dân Sanh… là bạn của má tôi. Bây giờ gặp tôi, Bác Tư Đại Hải tâm sự: "Má con với mấy bác mấy dì hồi trước buôn bán làm ăn chơi hụi hè chung với nhau mấy chục năm chưa bao giờ mích lòng, chưa bao giờ gian dối, giờ mua bán lộn xộn khó tin người lắm".
    Má tôi bệnh mất sớm, chưa được có một ngày thảnh thơi hạnh phúc… Các em tôi khóc: "Các con chưa làm gì đền ơn cho má mà má vẫn thương con…" Trước đây má tôi thường đi chùa đêm đọc kinh, làm phước chôn người không thân thích, cứu giúp người bần cùng khốn khổ. Và những ngày sau cuối tôi mới ngộ ra má tôi chấp nhận nghiệp của mình, nuôi con trả nghiệp. Nếu thật sự có thuyết luân hồi, má tôi đã trả xong nghiệp mình vay từ muôn kiếp trước.
    Có ba đứa con học trường Trịnh hoài Đức, má tôi vui lắm vì cũng phải học giỏi mới thi đậu vào trường. Thời đi học anh em tôi cũng có những tài lẻ. Anh tôi vẽ báo tường viết văn, quay roneo báo Trắng với anh Dương tiểu Nam. Tôi cũng mơ làm văn sĩ, làm thơ lục bát. Thằng thứ tư chơi đàn guitar cho ban nhạc nhà trường, đá banh góc trái…. Má tôi hay nói vui: "Hổng  biết lớn lên làm nên trò trống gì cho má nhờ … Mấy em nhỏ học trường Phan văn Hùm gần nhà… Điều má tôi ao ước nuôi các con ăn học thành tài không thành như ý nguyện. Những ngày cuối cùng tôi an ủi má: "Má cũng còn được gọi là Cô Ba ( vợ ông Thầy giáo)".  
    Má tôi, ánh sao Bắc đẩu vẫn mãi soi đường cho tôi. Khi đau ốm bệnh tật tôi vẫn còn hay kêu “Má ơi” … Má mất rồi nhưng má vẫn thương yêu anh em chúng tôi… Anh Hai tôi cũng theo má ra đi. Anh như biết trước mệnh khổ nên sau một năm ngày mất, tro cốt anh được thủy táng xuống sông gần Cầu Sắt xe lửa Phú Long. Nhiều người còn nhớ đến anh tính hào hoa nhưng bước đi và cuộc sống của anh chan hòa nước mắt của má tôi.
    Áng mây bay qua, bay mãi vào hư không, như dòng đời đã trôi đi… Má tôi vẫn là ánh sao trên bầu trời, dịu dàng soi rọi quanh tôi, dù tôi vẫn nguyện cầu má sớm siêu thoát nhưng tôi vẫn hay mơ còn có má yêu thương…