Ai về quê cũ cho tôi nhắn

Phong Thu


Mỗi lần về Việt Nam thăm gia đình, chị tôi, các cháu và bạn bè thường rủ tôi đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên. Và như một thói quen hay một nỗi nhớ xa xôi với những kỷ niệm gần gủi thân thương, tôi chưa bao giờ từ chối.

Người đầu tiên chế biến món bánh bèo bình dân thành món ăn độc đáo là bà Nguyễn Thị Kiên, ở An Thạnh, Búng. Bánh bèo bì Mỹ Liên ở chợ Búng đã truyền ba đời và nổi tiếng trên một trăm năm, trở thành món ăn đặc sản của tỉnh Bình Dương. Khách phương xa đến thăm viếng vườn trái cây Bình Nhâm, Cầu Ngang, Búng thường ghé quán bánh bèo bì Mỹ Liên để thưởng thức món ăn mang hương vị đậm đà của tỉnh Bình Dương.

Nói đến Chợ Búng Lái Thiêu, chúng ta cần biết qua vùng đất nầy. Chợ Búng-Lái Thiêu là một trong những ngôi chợ xây dựng lâu đời, sầm uất nhất của tỉnh Bình Dương. Lái Thiêu gần Sài Gòn, Biên Hòa, lại là giao điểm của giao thông đường thủy và đường bộ nên người Hoa và người Việt đến đây lập nghiệp rất sớm. Ngành thương mại, quán bán thực phẩm, quán ăn đã phát triển nhộn nhịp. Những ngày cận Tết, các ghe cá từ U Minh, tỉnh Rạch Giá, và ghe thuyền miền Tây, An Giang, Hậu Giang, đến bán cá, bán mắm, bán gạo, nếp và phân phối cho các chợ xung quanh và chợ Bình Dương. Sau đó, các thương thuyền mua đồ gốm, chén bát, lu hủ, bàn ghế chở về Miền Tây bán. Chợ Lái Thiêu còn có trung tâm buôn bán trái cây, có nhiều quán ăn nổi tiếng được lưu truyền lâu đời và được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, khi Việt Nam mở cửa làm ăn buôn bán với nước ngoài, quán tiệm cũng phát triển theo cấp số nhân và nhiều người dân Bình Dương, Búng-Lái Thiêu cũng biết chế biến nhiều món ăn khác để phục vụ cho khách du lịch sành điệu ăn chơi, nhậu nhẹt.

Khi tôi còn ở Việt Nam, mỗi mùa trái cây ở cầu Ngang, Búng, Lái Thiêu, tôi và bạn bè rủ nhau đi chơi vườn, ăn trái cây hái từ trên cây xuống. Mùa trái cây bắt đầu từ Mùng 5 tháng 5 Âm Lịch. Thời gian đó cũng là mùa học sinh nghỉ hè. Cầu Ngang bắt đầu đông khách và nhà vườn cũng kiếm được bộn tiền từ việc bán thức ăn, nước giải khát, trái cây. Lũ học trò như chúng tôi cũng mê đi chơi trong vườn trái cây ở Cầu Ngang, vừa ăn trái cây đủ loại, vừa dạo chơi thơ thẩn và nghe tiếng ve kêu rộn rã trong vòm lá trên đầu. Thú vị nhất là buổi trưa la cà tạt vào quán Mỹ Liên làm một dĩa bánh bèo bì, nhâm nhi mấy cái nem chay chua và nem thịt nướng. Khi bạn đã đến đây và ăn một diã bánh bèo bì, bạn sẽ có cảm giác thèm và nhớ hương vị béo ngậy đọng lại trên đầu lưỡi của dĩa bánh bèo. Có người nói rằng bánh bèo chỗ nào cũng như nhau, có gì mà phải so sánh, chạy lung tung tới Búng để mua ăn. Như nhiều người bàn tán, bánh bèo Mỹ Liên có nét đặc biệt làm khách phương xa ăn xong nhớ mãi. Cái bánh làm bằng bột gạo trắng tinh, tròn trỉnh, dai dai, có hành lá xào với mở, đậu xanh vàng ngậy, những cọng bì trộn thính thơm thơm, đậu phụng giã nhỏ, có các loại rau thơm cắt nhuyễn phủ lên trên và chén nước mắm ngọt ngọt, chua chua nổi lên trên mặt những miếng ớt, tỏi bầm nhỏ, những cọng cà rốt và cũ cải trắng cắt thật khéo. Mỗi lần ăn bánh bèo Mỹ Liên, tôi chan nước mắm nhiều đến muốn ngập lụt cái diã bánh bèo. Và mỗi khi tôi nhìn người chủ quán sắp bánh bèo ra diã là nước miếng tôi muốn ứa ra.

Lúc còn học tiểu học, tôi mơ mình mau lớn một chút để tự đạp xe đạp đến Búng ăn bánh bèo cho đã cái bụng. Mùa hè cuối năm lớp Năm, tôi đã thực hiện ước mơ đó. Tôi không còn ăn quà vặt và mua đồ chơi ở cái chợ Lồng ở Thủ Dầu Một. Dù tôi mê đọc sách hơn cả ăn quà sáng, nhưng trong một tuần lễ, tôi cũng không đi mua sách của bà Mười Ú bên bên vệ đường gần tiệm vàng Nhựt Hưng mà để dành tiền trong con heo đất để chu du một chuyến Cầu Ngang. Tôi rủ rê một đám “âm binh” gồm mấy đứa bạn học chung lớp, phá phách, trèo cây giỏi số một để có cơ hội ăn trái cây nhiều nhất và có những cuộc chơi ngoài trời ngoạn mục. Mùa hè, là mùa của lủ học trò tha hồ rong chơi, nghịch ngợm. Chúng tôi thảnh thơi bơi lội, thả diều, chơi u mọi, bắt dế, đá banh, bán quán…Chúng tôi lặn lội đạp xe kót két, cọc cạch, đèo nhau gần một tiếng đồng hồ, mồ hôi chảy ròng ròng. Cả đám âm binh, ồn ào như cái chợ trời, tha hồ ngồi xổm trên mấy cái ghế đòn thấp sát đất được kê dọc trong cái quán Mỹ Liên nhai ngấu nghiến miếng bánh bèo thơm phức. Vì quán quá đông khách không có chỗ ngồi, nên nhiều đứa phải phải bưng diã bánh ra ngồi chồm hổm ngoài hiên. Có đứa húp nước mắm rồn rột và có đứa liếm hết sạch cái diã không còn chừa một tí gì nhưng vẫn còn liếm mép. Ăn xong một diã bánh, ních thêm mấy cái nem chua và uống một ly nước dừa là no cành hông. Chúng tôi thoả mãn kéo nhau đạp xe vòng vòng trong vườn trái cây và xế chiều trở về thị xã. Cả đám con nít háo ăn, nghịch ngợm nghĩ đó là những ngày thú vị nhất của tuổi hoa niên. Chúng tôi tha hồ tán hưu, tán vượn về chuyện đi ăn bánh bèo và còn được tặng trái cây không lấy tiền làm mấy đứa khác nghe xong phát thèm, ganh tị và ao ước được một lần lén cha, lén mẹ đi chu du như chuyện “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của nhà văn Tô Hoài. Thật ra, lủ âm binh vừa mua trái cây, vừa canh chừng chủ cho mấy tên ma lanh leo trèo, chôm chỉa thêm cho đỡ tốn tiền. Thế nhưng, các bác, các cô chú miệt vườn hiền lành không ra lối, không chửi bới như những người kẻ chợ. Họ thấy đám lâu la mặt mày sáng sủa nhưng túi không tiền nên cũng muốn vừa bán vừa cho. Đó là thời kỳ cuối thập niên 60 đầu 70, khi chiến tranh còn ác liệt, con người còn mơ ước tìm sự bình an và xem mạng sống của con người cao qúy hơn tiền bạc, của cải, vật chất. Họ nghĩ bom đạn có thể sẽ tàn phá tất cả trong một tích tắc thì những chùm chôm chôm, măng cụt, dâu da…còn có nghĩa gì đâu. Cái nhân hậu, hiền hoà, chân chất đó cũng giống như những giọt mưa hạ rơi trong những mảnh vườn cây sum xuê quả ngọt quê tôi. Cái tình người mang mang trong dạ như chất chứa tất cả sự quê mùa, mộc mạc, đơn giản, rộng lượng của trái tim người Bình Dương sống bao đời trong nương rẫy, ruộng vườn.

Thế nhưng ngày nay, cái nhân hậu, ấm áp tình người nơi đó có còn không tôi không biết được. Một lần về Việt Nam, xe chạy qua Cầu Ngang, nhà thơ họ Lê, bạn thân của tôi nói với tôi rằng “trái cây bây giờ không còn như ngày xưa đâu bạn. Những người chủ vườn thấy có khách phương xa đến, họ phải chạy ra chợ mua trái cây về bán lại với giá cắt cổ”. Xã hội nào, con người đó. Đã xa lắm rồi thời gian tuổi vàng, tuổi ngọc, tuổi hoa niên êm đềm, ấp áp tình người.

Khi tôi vào Trung Học, tôi đã về Sài Gòn sống trong khu nội trú trường QGNT. Tôi giã từ bạn bè với những ngày rong chơi thơ thẩn, đầy thú vị. Tôi không còn có dịp trở lại quán bà Kiên ăn bánh bèo bì vì đường sá bị đắp mô, gài mìn rất nguy hiểm. Sau năm 1975, một vài lần tôi ghé ngang ăn bánh bèo Mỹ Liên, nhưng không cảm thấy mê ăn như thời còn bé. Có thể vắng bạn hiền món ăn không còn thú vị háo hức như xưa chăng? Mỗi lần đến đây, tôi lại có cảm giác buồn khi nhớ từng khuôn mặt của từng đứa bạn tóc mây chưa chấm ngang vai đã bị cuốn đi trong cuộc chiến khốc liệt. Có đứa đã chết trong bom đạn, đứa lưu lạc, đứa thì cuộc đời nổi trôi như dề lục bình trên con sông Lái Thiêu, có đứa bị đạn pháo kích của cộng sản tàn tật suốt đời. Tôi rất ít ghé quán Mỹ Liên để ngồi hồi tưởng lại kỷ niệm học trò.

Rồi tôi đi xa thật xa, cuối chân mây của bên kia bờ Thái Bình Dương. Sau 12 năm rời xa quê hương, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2001, tôi trở về thăm nhà. Người rủ rê tôi đi ăn bánh bèo Mỹ Liên là B.S Bạch Yến, một người chị, người bạn lâu đời của tôi. Con người nầy thu hút tôi kỳ lạ bởi sự dịu dàng, thân ái, nhân hậu, tốt bụng và ngay thẳng.

Ngày Mùng 4 Tết, thay vì đi ăn nhà hàng, ăn bánh tét, bánh ít, dưa hấu, bánh tráng, dưa chua với thịt kho Tàu, B.S Bạch Yến lại rủ tôi đi ăn bánh bèo bì Mỹ Liên. Tôi vui vẻ nhận lời ngay. Cháu Trung, con rễ chị lấy chiếc xe hơi chở chúng tôi đi. Chợ Búng giờ đây đã thay đổi hẳn. Hai bên là những dãy phố buôn bán sầm uất. Phố xá mọc lên san sát, có nhiều nhà cao tầng đã xoá dần những cảnh sắc thiên nhiên mà tôi yêu thích. Bên ngoài quán, xe hơi đậu đầy, nhưng người phục vụ trong quán đã hướng dẫn cho khách có chỗ đậu xe cẩn thận. Ngôi quán nhỏ bây giờ là một căn nhà lầu 3 tầng, khang trang. Tầng trên cùng dành cho khách quý, cán bộ. Nơi đây có ban công, và gió mát lùa vào mát rượi. B.S Bạch Yến gọi người chủ quán là Cô Năm. Tôi không biết cô Năm là con hay cháu bà Nguyễn Thị Kiên. Cô Năm mặc cái áo bà ba trắng, tóc uốn cao, người đẩy đà. Cô Năm thấy B.S Bạch Yến thì tay bắt mặt mừng. Họ quen nhau từ hồi nảo hồi nao nên câu chuyện trao đổi đã nổ như bắp rang. Chúng tôi được ngồi cái bàn gần ban công, bên cạnh là một cây hoa mai cao lớn được trồng trong một cái chậu sành. Bây giờ là vào dịp Tết nên hoa mai nở vàng rực. Những cánh mai mềm mại rung rinh trong gió. Cô Năm sai người bồi bàn dọn ra cho chúng tôi bốn diã bánh bèo bì còn nóng hổi. Trên mỗi diã có thêm 4 miếng nem thịt màu đỏ hồng. Tôi cắn nhẹ một miếng, vị giác của tôi bị kích thích bởi hương vị chua chua, ngọt ngọt và mùi thơm tỏi, ớt, lá dông khiến tôi thèm ăn hơn. Lâu lắm rồi tôi không ăn bánh bèo bì Mỹ Liên và lúc nầy tôi cảm thấy đói cồn cào nên ăn một lúc hết một diã. B.S Bạch Yến còn gọi thêm một diã nem nướng, chị gắp vào diã tôi và nói rằng ăn đi để về Mỹ không có loại nem nầy để ăn. Thật vậy, ở Mỹ có nhiều quán tiệm Việt Nam, nhưng chưa có nơi nào bán bánh bèo nóng hổi, và những miếng nem chua và nem nướng ngon như ở quán Mỹ Liên. Tôi ăn xong, còn mua thêm mấy chục cái nem chua đem về cho gia đình. Tôi muốn mua bánh bèo bỏ lên xe đem về nhưng B.S Bạch Yến và các cháu cười nói rằng đem về là hết ngon. Còn cô Năm thì nói “hể ai thèm thì tự động mò tới quán của cô”.

Khi chúng tôi ra về, cô Năm còn tặng cho mỗi người một bịch bánh hột điều. Tôi đem nem, đem bánh về khoe các cháu và chị tôi làm ai cũng bò ra cười. Ai đời Tết mà đòi đi ăn bánh bèo và còn khoe như được tặng vàng. Đó là món quà Tết Nguyên Đán mà tôi được B.S Bạch Yến lì xì vào Mùng 4 Tết năm 2001.

Rồi năm 2008, tôi có dịp trở về Việt Nam lần thứ 2. Cùng đi với tôi có anh Vinh, người bạn cùng học chung trường QGNT, anh Phát bạn của anh Vinh đang sống ở Sài Gòn, cháu Thạch, nhà thơ họ Lê. Tôi lại bô bô khoe khoang, quảng cáo với các bạn tôi về món bánh bèo bì Mỹ Liên tuyệt cú mèo. Tôi nghĩ đó là đặc sản đặc biệt của miệt Bình Dương, của người Bình Dương. Tôi không dám khoe trái cây Bình Dương nữa vì ai cũng biết thời kỳ vàng son của nó đã khép lại. Và mùa nầy gần Noel, nhà vườn làm gì có trái cây để khoe. Khi xe chúng tôi chạy ngang qua chợ Búng, cháu Thạch dừng xe lại quán bánh bèo Mỹ Liên. Tôi lại được dịp thửởng thức món bánh bèo với nem chua, nem nướng. Món ăn dân giả nhưng gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm về vùng đất, con người mà tôi đã từng đến và đi. Nhà thơ họ Lê chắc lưỡi khen ngon, còn anh Vinh và anh Phát thì nói danh bất hư truyền. Khi ra về, anh Vinh còn mua thêm mấy chục cái nem đem về tặng vợ.

Chiều xuống nhanh, gió mang hơi nóng làm rát da người. Con đường tráng nhựa hình như bốc khói. Hơi nóng phả vào không gian sự oi bức làm chúng tôi đổ mồ hôi. Trên những con rạch tôi đi qua, cây cối hình như đã chết dần mòn. Vườn cây Búng, Bình Nhâm, Lái Thiêu một thời vang bóng cây ngọt trái lành, vườn cây sai quả đã không còn như xưa. Nhiều người nói rằng vườn cây đã bị đốn bỏ vì chết dần mòn. Cây không ra hoa và không đậu trái. Người ta bán đất, bán vườn và những doanh nhân đã lập thành xí nghiệp, kinh doanh, khách sạn buôn bán nên vườn cây ngày càng thu hẹp. Con rạch chạy dọc theo quốc lộ ngày xưa nước lênh láng, xanh ngắt bây giờ lờ đờ, xanh sậm, bốc mùi tanh ngay ngáy. Cỏ cây hai bên bờ nhàu nát. Những mảnh vườn trái cây xanh ngát, trùng điệp, cây trái trĩu cành với những trái sầu riêng, măng cụt, dâu da, bòn bon và những trái chôm chôm tróc ngọt lịm còn đâu. Tôi tiếc ngẩn ngơ một quá khứ đã quá vảng không ai còn thèm nhớ đến. Người ta bây giờ muốn làm giàu bằng kinh doanh buôn bán. Ai cần chi cái đất đai vườn ruộng nhà quê, nghèo nàn, lạc hậu kia. Nhà thơ họ Lê nói nhỏ vào tai tôi về những xí nghiệp dọc theo hai bên đường, những Hotel tráng lệ, những trung tâm thương mại, xí nghiệp, lò gốm, Siêu Thị v.v… Bình Dương đổi thay nhiều quá đến nổi tôi không dám đi đâu một mình vì sợ lạc đường. Thời gian không chờ đợi ai. Thời gian cứ im lặng, lửng thửng trôi đi đã mấy chục năm. Ngay cả tôi bây giờ cũng đã già rồi còn gì!

Biết bao giờ tôi trở lại Bình Dương để còn nhìn lại mảnh trăng xưa, dòng sông cũ, còn được nhìn lại từng khuôn mặt, nụ cười, tiếng nói bạn bè. Trong trái tim tôi không có khoảng cách của tình người.

Và bạn ơi! Tôi vẫn còn muốn tìm lại hương vị quê hương qua món bánh bèo bì Mỹ Liên chợ Búng. Xin chờ tôi nhé Bình Dương yêu dấu!



Bánh bèo bì Bình Dương

Trần tiến Dũng
(Báo Người Việt)

Cả miền Nam đâu cũng có món bánh bèo bì, cần gì phải đi đến Bình Dương để thưởng thức món ăn xưa nay vốn là món bình dân. Ấy vậy mà Tường Vân rất hào hứng nói: “Em có cô bạn, sẵn sàng một chiếc Mazda bảy chỗ, bốn giờ chiều anh nhớ tới, anh em mình đi Bình Dương ăn bánh bèo bì”.

Trong ký ức của tôi, Bình Dương chỉ là miệt cầu Ngang, nơi ngày còn đi học, vào những ngày Chủ Nhật, tôi “cõng” cô nàng cùng lớp hoặc cô tiểu thư hàng xóm trên chiếc xe đạp, ì ạch dặm đường gió bụi đến Lái Thiêu, “chun” vô vườn, kiếm gốc cây rậm rạp để ngồi ăn măng cụt, chôm chôm, bòn bon, đặc sản của Lái Thiêu, Bình Dương thời ấy.

Ngày đó, trong túi tôi lúc nào cũng đem theo chai dầu Nhị Thiên Ðường, để khi các nàng bị kiến cắn, có cái mà thoa lên da trắng xuân thì của quí nương. Ngày đó, có lúc tôi đi qua chợ Búng, nghe nói chợ này có món bún bì ngon lắm, có lúc túi cũng rủng rỉnh chút tiền, định bụng mời các em món bì bún cho biết với người ta nhưng kỳ cục thay chưa lần nào thực hiện được. Lý do đơn giản là chỉ sau khi mặt trời lặn, chợ tan, tôi mới tìm thấy lối ra khỏi vườn cây xanh trái ngọt. Ngu sao ngồi với con gái mà về sớm.

Ngày nay, dân khấm khá ở Sài Gòn ai cũng có đất vàng, đất bạc ở Bình Dương, riêng một số “bạn nghèo cũ” của đất Bình Dương, nếu nay vẫn còn nghèo mà có dịp trở lại, đi lớ ngớ là lạc đường.

Trên chiếc xe do chính chủ nhân, Yến, một thiếu phụ Hà Nội, người có gương mặt buồn rười rượi cầm lái. Buổi chiều xuân muộn ở hướng Ðông Bắc Sài Gòn, mây và gió cũng thấp thoáng sắc u hoài không duyên cớ.

Ba người: Yến, Tường Vân và Nguyên không có ký ức về món bánh bèo bì và đất, gió Bình Dương. Trong khi tôi, Nguyễn Viện, anh Trần Quang và Văn Phương, mỗi người một mẩu chuyện hướng về những góc thơ mộng ký ức Bình Dương xưa. Không cần phải gọi, vùng ký ức này cũng tự nhiên thấp thoáng món bánh bèo bì.

Ký ức không có tuổi, ký ức về một món ăn lại hoàn toàn là một đứa bé. Với đứa bé ấy, cảnh vật có thể khác nhưng nước miếng thèm ăn, hương vị kích thích từ một món ngon cũ không bao giờ khác.

Và từng ấy con người tuổi trung niên ngồi trong chiếc xe, mỗi người đều có riêng một “khẩu cảnh” với món bánh bèo bì. Nhưng với riêng người “tình đầu” thì nỗi hào hứng dễ bốc hơn. Không chộn rộn sao được khi “danh và vị” của món ăn này, ngày nay đã là một thứ “báu vật” của một địa phương nổi tiếng hào phóng không kém gì Sài Gòn. Không nôn nao sao được khi mà món bánh bèo, món bún mỗi vùng mỗi khác, thế thì “dung nhan“ của cô nàng bánh bột gạo ở đất người đẹp Thẩm Thúy Hằng ra sao!

Quán bánh bèo bì Mỹ Liên

Chúng tôi đến Bình Dương lúc năm giờ. Dù là dân đô thị quen ăn muộn, ngủ trễ nhưng không ai tránh được chuyện chuông đồng hồ sinh học réo lên vào lúc chim chuẩn bị về tổ, gà vô chuồng. Nguyễn Viện, ngồi phía trước, nhà văn “dễ thương vô bờ” khi đưa ra phác thảo kế hoạch ăn uống. Nguyễn Viện nói: “Bình Dương có hai quán bánh bèo bì nổi tiếng. Kế hoạch của mình là vào quán mới, tên là Mỹ Liên, quán này nghe nói trẻ tuổi hơn, mới xây lại nhưng ngon hơn nên mình vào ăn bánh bèo trước. Sau đó mình đến quán sáu mươi năm tuổi ăn bì bún. Cả chuyến đi này chỉ ăn bánh bèo với bì bún nên để dành bụng mà ăn”.

Nằm ngay bên đường vào thị xã Thủ Dầu Một, quán Mỹ Liên thoạt trông chỉ thấy giống một tiệm chạp phô. Chiều Thứ Bảy khách ăn đông như đi chùa ngày rằm. Ðời nay là vậy, nếu gặp cảnh người xe nườm nượp thì y như rằng không là trung tâm nhậu nhẹt cũng đích thị là quán ăn ngon.

Trong quán, tầng trệt, tầng lửng, lầu một hết bàn, may mà chúng tôi còn “giành” được cái bàn ở tầng trên cùng. Lúc lên cầu thang nhìn xuống gian bếp, thấy lủ khủ thau, thúng đựng rau tươi, bún, bì, bánh tráng, người nhà bếp có hơn cả chục, ai cũng hối hả, lăng xăng. Rồi đi qua từng tầng, nhìn cảnh khách ngồi ăn, ngồi chờ. Toàn cảnh quán Mỹ Liên này, khiến chúng tôi hình dung đến đám giỗ của một gia đình nhà giàu tỉnh lẻ.

Lúc người đàn ông phục vụ đến kêu chúng tôi gọi món. Tất nhiên là chúng tôi gọi “cho bảy dĩa bánh bèo”. Chính người đàn ông này cho chúng tôi biết quán có trên một trăm năm tuổi. Khởi nghiệp bán bánh bèo bún bì là một người đàn bà, với cái gánh hàng rong bên đường. Bà bán cho khách ăn ngồi chồm hổm không kịp, nên từ từ kê bàn lúp xúp lấn vô sân, rồi sau đó vô nhà trên, nhà dưới, đến đời nay mới lên lầu.

Người đàn ông phục vụ có miệng cười thấy hai hàm răng này nói: “Bà chủ quán hiện nay đã sáu mươi ba tuổi, bà là cháu ngoại của bà gánh bánh bèo hồi xưa. Mấy anh cứ tính ra thì biết cố cựu cỡ nào”.

Theo lời anh bán hàng kể, quán Mỹ Liên mới thật là quán bánh bèo bì xưa nhất ở đất Thủ Dầu Một. Chúng tôi thấy kiến thức “lịch sử bánh bèo bì” ở đất Bình Dương của mình là sai. Thiệt tình mà nói, xứ mình đâu có nhà sử học ẩm thực hay bộ từ điển món ăn nào để tra cứu. Về văn minh ăn uống, ai đồn sao nghe vậy, dẫu có trật lất, trật lơ cũng đâu có gì mắc cỡ!

Nhưng khi nghe tin bánh bèo bún bì của quán này, năm 1999 được tỉnh Bình Dương cử đi thi món ngon cả nước và trúng giải nhất, được cấp bằng lộng kính, treo lên tường hẳn hoi thì đương nhiên thực khách tứ phương ưng chuyện ăn ngon mà thiếu kiến thức ắt cũng phải trầm trồ. Ra vậy! Dân Nam Kỳ bán đồ ăn vốn coi trọng tiếng khen của thực khách hơn là chuyện lòe cái bằng chứng nhận hạng “dzách lầu”. Nhưng một khi chủ quán chịu trưng lên cho bá tánh xa gần biết cái “miếng giấy” đó, ắt phát xuất từ lòng tự hào hơn là nhu cầu bon chen cạnh tranh thời buổi kinh tế thị trường bát nháo.

Làm bánh bèo

Bánh bèo làm bằng bột gạo. Vì là món bình dân để ăn chơi nên không nhất thiết phải làm bằng một thứ gạo thơm ngon đắt tiền. Nhưng hầu như cái bánh bèo nào cũng ngon lành.

Nếu hiểu ‘tiến trình” từ một loại gạo bình thường, làm thành bột, thành bánh thì sẽ vỡ lẽ. Mỗi cái bánh bèo là một cuộc đời của những hạt gạo tắm gội trong nước, hay văn vẻ hơn là thanh lọc trong nguồn cội của nước. Tôi nhớ ngày xưa, má tôi làm bánh bèo như vầy.

Khởi đầu, bà sai mấy chị tôi đổ nước uống, thường là nước mưa vào gạo để ngâm qua đêm. Hôm sau mấy chị tôi lại đổ nước, gút cho tới khi nào bốc gạo lên ngửi không còn mùi chua, do lên men của cám gạo gặp nước. Sau đó má tôi biểu ra nhà sau rửa sạch cối đá mà xay. Tôi ham ăn bánh bèo nhưng ghét chuyện má tôi làm bánh bèo đãi khách, vì xay bột mỏi tay lắm. Hạt gạo đã xay thành bột, bột hòa trong nước, gọi là bột nước. Lúc này má tôi mới ra tay, bà đổ bột nước vô một cái bao vải, cột miệng thật chặt, sau đó bắt tôi bưng cái cối đá đè lên, để qua đêm. Lúc đó tôi suy diễn chuyện má tôi tự tay cột chặt miệng bao, bao bột nước là cô gái được má tôi xe duyên cùng anh chàng cối đá. Giống như chuyện đàn ông đàn bà ngủ với nhau qua đêm. Sáng hôm sau nước đục trong bao bột chảy hết, phần gạo còn lại kết tinh trắng ngần. Chưa hết, má tôi lại gọi mấy chị em tôi đem mấy cái nia tre ra, rồi thay nhau ngắt từng cục bột trải lên nia, đem phơi nắng. Bột làm bánh bèo sau khi tắm gội trong nắng sẽ khô đi và chờ má tôi đổ bánh, bà sẽ canh liều lượng khách ăn mà sử dụng, phần bột khô còn lại để dành cho lần đổ bánh khác. Ðể có được thứ bột đúng tiêu chuẩn đổ bánh, một lần nữa, bà lại quậy bột với nước, chất tinh anh trong trắng của gạo lại được hòa vào nguồn nước.

Quê tôi dùng từ đổ bánh bèo chớ không nói làm bánh bèo. Ngày đó, đất gốm xứ Bình Dương này có sản xuất một loại chén nhỏ chuyên dùng cho việc đổ bánh bèo. Ðổ bánh là một nghệ thuật, khi đổ (rót) bột, tay đổ dứt hột (giọt bột) thì bột bánh phải vừa ngám, tròn đầy cái chén, không hao bột, không thiếu bột, có vậy, sau khi hấp chín mỗi cái bánh bèo mới bung nở như một nụ xuân thì, trông xinh đẹp biết bao !

Bánh bèo Bình Dương nhân đậu xanh. Cũng có thể hình dung màu xanh của đậu như nhụy hoa tô điểm cho cánh hoa bánh bèo trắng ngần, gọi mời những cái miệng bướm, miệng ong thèm ăn. Kèm thính gạo trộn với bì (da và thịt heo nạc) rắc phủ trên bánh bèo. Thính như là thứ phấn hoa đậm hương, khiến cho hương vị của bánh bèo quyến rũ vô cùng.

Người miền Nam ưa ăn thính. Món bì ăn cơm tấm cũng được trộn thính và gần như thính là một món đặc biệt được dùng cho các món bì. Thính làm từ gạo, hạt gạo sau khi nhảy múa (rang) trong chảo, trong nồi với lửa tới khi cháy bén, tỏa mùi thơm khen khét. Rang bén mùi khét thôi chớ không được phép khét. Ðể đạt được chuẩn mực này người rang phải có kinh nghiệm và chính kinh nghiệm lâu năm mà một số bà buôn gánh, bán bưng đạt được tới nghệ thuật rang thính. Bà nội trợ nào cũng rang được thính, nhưng làm món bì mà rang thính không có bí quyết riêng thì không mong gì tiệm ăn của mình trở thành trứ danh.

Món bánh bèo bì, bún bì, bì cuốn Mỹ Liên quả là có thứ thính đặc biệt không thể nhầm lẫn hay bắt chước. Ở các quán bán món bì nổi tiếng khác cũng vậy. Còn hỏi đặc biệt cỡ nào thì phải tự mình ăn, tự mình so sánh mới biết.

Khẩu vị bánh bèo bì

Khi bảy dĩa bánh bèo được bưng ra thì trời cũng vừa sập tối. Diễn viên gạo cội của điện ảnh Sài Gòn, anh Trần Quang dùng khăn giấy lau đũa muỗng những cử chỉ chầm chậm của anh phần nào cho thấy vẻ trân trọng món bánh bèo bì. Có lẽ không ít hơn ba mươi năm anh mới “gặp lại” món bánh bèo Bình Dương. Lúc từ Mỹ về Việt Nam, anh không nghĩ rằng lại có “duyên” ăn món này. Bởi vậy, không phải người sang hay có tiền là đương nhiên được gặp lại món ngon ngày cũ. Cái thú ăn uống trên đời có khi phải có duyên mới được toại ý.

Anh Trần Quang dùng đũa chạm vào từng cái “hoa” bánh bèo thật nhẹ nhàng, anh từ từ ăn, chắc là muốn cho hương vị bánh bèo từ từ thấm vào khẩu vị. Có thể đó là phong cách ăn quí phái của những người Bắc xưa. Cũng có thế là anh đang cảm nhận cho hết vị ngon của mỗi cái bánh bèo bì, rau thơm, nước mắm, những vị ngon thiệt tình của món ăn miền Nam, vị ngon chừng như biết chia sẻ nỗi ẩn ức sâu kín của thân phận người lưu vong.

Lúc ăn gần hết dĩa bánh bèo, tôi mới để ý chỉ có tôi và anh chàng nông dân ngồi bàn bên cạnh là lấy muỗng múc nguyên cái bánh bèo, nước mắm chanh đường, rau thơm cho một lúc trọn vẹn vô miệng. Phải ăn uống đúng phong cách vùng miền mới thấy ngon thấy đã là vậy!

Tôi hỏi Yến: “Sao thấy cô ăn không mạnh miệng?”. Cô nói: “Mới lần đầu ăn nên lạ”. Tôi lại hỏi: “Thấy bánh bèo sao?”. Nghĩ một lúc, Yến nói: “Nước mắm ngọt quá, không quen!”.

Tường Vân giải thích: “Miền Bắc thích nước chấm có vị chua hơn. Trong này ăn ngọt quá!”.

Mỗi món ngon của từng miền đất vốn tự nhiên đã tồn tại trong chiều dài thời gian và không gian văn hóa đặc thù. Tự món ngon đó đã dung chứa mọi khác biệt của khẩu vị. Và có lẽ những ai có cuộc sống từng trải đều có thể chiêm nghiệm rằng: khi nói con người có quyền thay đổi món ăn theo khẩu vị thì ngược lại món ăn cũng có đủ năng lực làm thay đổi con người.

Tôi khoái ăn bánh bèo bì Bình Dương, trước tiên là vì nó ngon đến mức tự tại.