Vĩnh Trường
Bác Sĩ Nhà Quê






Phía mặt trời lặn đó là thành phố mới của Bình Dương. Theo con đường đất đi về phía trước bên trái chừng 150 mét là có đường nhựa, đi chừng 1000 mét nữa sẽ tới đường Tạo Lực-1 vô thành phố mới.
Chỗ này 10 năm trước làng mạc đông đúc , bây giờ bên trái đường chỉ có bò và cỏ, loại cỏ ống cho bò ăn, phải trồng lén lén thôi chứ mà người ta không cho trồng, vì đất đã "quy hoạch", làm đường nhựa dọc ngang hết trơn....
Đi ra đường N1 gần đường Tạo Lực có 1 dãy phố lầu tái định cư gần 40 căn mà không có ai ở hết, bán chẳng ai mua, cửa sắt đã bắt đầu mục dưới chân. Bởi vì giá cao quá mà chất lượng thì (...), cho nên bà con nhận tiền đền bù rồi đi chỗ khác ở, còn dư tiền để làm chuyện khác nữa.

Con đường đất này là ranh giới giữa "quy hoạch và không quy hoạch".
Bên tay phải đường thì vẫn còn làng xóm, lò gốm, vườn tược...Nhưng đường đi thì cong cong quẹo quẹo, nhiều cua nguy hiểm. Lúc trước có tin đồn là sẽ "quy hoạch" luôn bên này, cho nên chẳng ai dám cất nhà tốt. Lại có tin là "Huyện" chưa đồng ý. Nhưng rồi trên huyện xuống, làm đường "Giao thông nông thôn", mở rộng và đổ bê tông hết mấy con đường cong cong quẹo quẹo đó, nhưng quên không gắn đèn đường. Hậu quả là có 1 mớ thanh niên và dân lành phải chết oan. Bây giờ thì yên tâm rồi, sẽ chẳng có vụ "quy hoạch" nào nữa hết, tại sao bà con biết hông ?

Ngay chỗ tôi đứng đây, có 1 cái cầu bằng bê tông nho nhỏ bắc qua con suối, 2 đầu cầu có bảng giới hạn trọng lượng xe dưới 2 tấn. Người dân ở đây gọi nó là cây cầu Bà Tám Quán. Bởi vì mấy mươi năm trước, khi mà nó còn là cây cầu ván, thì đã có tiệm tạp hóa của bà Tám ở đây rồi, và từ đó thành danh " Bà Tám quán", cầu Bà Tám quán. Sau này tới bà Út, con của bà Tám tiếp tục "sự nghiệp" của quán tạp hóa, cho tới khi bà nghỉ bán vì bị bịnh, rồi nhà bị "quy hoạch giải tỏa làm khu chung cư" ( Nguyên văn giọng dân sở tại ). 

Con suối chảy qua cầu cũng là ranh giới tự nhiên giữa xã Tân Vĩnh Hiệp và thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên.
Cây dừa này chính là cây dừa ngay sau nhà của bà Tám Quán, không hiểu sao khi đoàn xe máy ủi san bằng vùng này lại để lại cây dừa này? Có lẽ vì nó nằm trong phạm vi bờ suối, thuộc một "đơn vị chủ quản" khác. Bây giờ người ta toàn đo đạc bằng máy, chính xác từng xăng-ti-mét, vì làm dư cũng không ai trả tiền, đó là lời của một anh bạn của tui, bây giờ làm thầu. Vậy mà đây đó vẫn nghe thấy có nhiều vụ "giải tỏa nhầm, cưỡng chế nhầm", lạ quá ta ?
Cây dừa đó là của bà Tám Quán, tôi biết chắc, bởi vì bà Tám có bà con với tôi. Bà giống hệt bà cố của tôi. Ông ngoại tôi thương bà lắm, ông kêu bà bằng dì ruột.
Từ hồi tôi 7-8 tuổi, ông ngoại và má tôi hay đưa tôi vô nhà bà Tám chơi hay nhân dịp giỗ quảy gì đó. Sau này tôi vẫn tiếp nối truyền thống đó, thay thể ông ngoại và má tôi mỗi khi nhà bà Tám có giỗ. 
Một lần, cách đây tròn 12 năm, nhân lễ cúng giỗ bà cố Tám ( tôi gọi bà như vậy). Tôi được ngồi chiếu trên với ông Hai tôi và các bô lão, được ông Hai tôi vinh hạnh giới thiệu là "Thằng cháu làm bác sĩ trên bịnh viện tỉnh". Các bô lão hỏi han nhiều rồi hỏi tôi mở phòng mạch chưa, hay về đây mở phòng mạch đi, vô giúp cho bà con khỏi phải đi xa, từ nhà cháu vô đây chỉ có 6 cây số thôi. Trong này chỉ có 1 ông bác sĩ thôi mà tuốt dưới chợ Tân Khánh lận...
Tôi về suy nghĩ, nói với đàn anh, vợ và ba má tôi, ai cũng nói tùy tôi quyết định. Vậy là đúng 1 tuần sau, phòng mạch nhà quê của tôi ra đời, tới nay cũng tròn 12 năm.
Phải nói rằng cái nhà của tôi là bà con ở đây góp gạch xây nên đó, tôi mang ơn bà con ở đây nhiều lắm. Có người tuy đã về nhà mới ở thiệt xa, nhưng khi bị bịnh cũng lặn lội về phòng mạch nhà quê của tui. 
Bạn có biết chỗ này không?
Ấp Vĩnh Trường, xã Tân Vĩnh Hiệp.