Viếng đồi thi nhân,
cảm xúc về thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử


Vĩnh Xuyên


    Vừa qua nhân chuyến liên hoan trình diễn thơ của đoàn Bình Dương do Bộ VH-TT & Du Lịch tổ chức, đoàn đã đến viếng đồi thi nhân Hàn Mặc Tử, dịp này tôi có vài cảm xúc về thơ Đường luật của nhà thơ họ Hàn.

    Nhà thơ Hàn Mặc Tử có cuộc đời đau thương khiến ta không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến ông. Nhìn bia mộ, tên thật của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình, Nhưng nắng gió ở mảnh đất quê hương Lệ Mỹ không ngăn nỗi bước chân của nhà thơ nên Hàn Mặc Tử đã sống ở đất Quy Nhơn từ nhỏ cho đến cuối đời. Ông không may, mắc phải bệnh phong, vào nằm điếu trị tại nhà thương phong Quy Hòa và mất vào ngày 11/11/1940 tại Quy Hòa, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mộ ông được cải táng vào ngày 13/2/1959 tại Gềnh Ráng, một địa danh luôn gắn liền và nhiều kỷ niệm trong cuộc đời nhà thơ.

    Nhà thơ mất đi nhưng những tác phẩm của ông vẫn đọng mãi trong lòng mọi người. Ông đến với thơ rất sớm, năm 15 tuổi Hàn Mặc Tử đã xướng họa thơ Đường Luật với thi sĩ Mộng Châu. Chúng ta hãy đọc bài thơ họa Đường luật đầu tiên, biểu lộ một tình cảm thiết tha, chan chứa của Hàn.

    VỘI VÀNG CHI LẮM

Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây?
Chầm chậm cho mình giữ mối dây!
Về đến thần kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay!
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi,
Chỉ một lòng son muốn giải bày.
Này nhạn ! Ta còn quên chút nữa:
Con tim non nớt tặng nàng đây!

    Năm 16 tuổi với các bút hiệu Phong Trần, Lệ Thanh, tác phẩm của ông gởi đăng trong các báo: Phụ Nữ Tân Văn, Đông Dương tuần báo, Trong khuê phòng, Người Mới v v....

    Năm 1936, bút hiệu Hàn Mặc Tử ra đời khi ông chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Sàigòn mới..

    Hàn Mặc Tử mất đi nhưng tác phẩm của ông vẫn còn âm vang mãi trong lòng mọi người với các tập thơ: Gái quê, Đau thương, Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi Giữa Mùa Trăng...Trong đó tập thơ duy nhất là Gái quê được xuất bản lúc ông còn sống.

    Nếu ở Thơ Mới, Hàn Mặc Tử đã làm cho người đọc đau nhói vì những vần thơ được viết ra từ sâu thẳm của con tim với những tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí, thậm chí đến điên loạn, phản ảnh trực tiếp một tâm hồn yêu thơ, yêu đời chan chứa, nhưng lại quằn quại vì cơn bệnh đau đớn dày vò, thì ở thể thơ Đường luật, người đọc lại tìm thấy ở đó sự chửng chạc và trong sáng của một tâm hồn thơ dành cho đời.

    Theo một số người, thường có quan niệm rằng: thơ Đường luật - một thể thơ thất ngôn bát cú rất gò bó về niêm luật, đối phải chuẩn ở hai câu thực và hai câu luận nên chỉ dành riêng cho người lớn tuổi, ngâm vịnh và xướng họa bên tách trà, chén rượu. Đây là quan niệm sai lầm. Ngay cả thời hiện đại của chúng ta ngày nay, thơ Đường luật được sáng tác rất mạnh ở các CLB thơ Đường như ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội và các tỉnh thành bạn. Bởi lẽ, thơ Đường luật mang một sức hút kỳ lạ với bất cứ ai đã tìm đến nó. Tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy có nhiều nguyên nhân: 1. Tính hô ứng: Một đặc tính của thơ Đường luật. Khi nhận bài thơ, nếu thú vị, ta có thể chấp bút họa vần. Cứ như thế bên hô bên ứng. 2. Thích chinh phục cái khó: Làm một bài thơ Đường luật đã khó, họa lại bài thơ càng khó hơn. Có người nói: "làm thơ Đường tôi có cảm giác mình giống như người mù, nhưng sau khi dò dẫm, va vấp, té lên té xuống và sau đó đi lại một mình tự nhiên thì không hạnh phúc nào bằng!". 3. Mở rộng tầm giao tiếp: Xướng họa thơ Đường giúp ta có thêm bè bạn, có thể trở thành tri âm tri kỷ mà chưa một lần biết mặt,"Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình". Ngày nay khi công nghệ internet phát triển, vòng tay bè bạn còn có thể mở rộng hơn. Một bài xướng đưa đi, có thể nhận lại hàng trăm bài họa, đó chẳng phải là điều lý thú lắm ư !

    Và đối với Hàn Mặc Tử, ông đến với thơ Đường luật rất sớm với những bài mang phong cách già dặn, bài nào cũng đầy thi vị, ký tên Phong Trần và Minh Duệ Thi.    

    Theo nhà thơ Quách Tân, bạn thân thiết với nhà thơ cho biết, cụ Phan Sào Nam sau khi xem thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử, cụ có viết như sau: "Từ khi về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm khá nhiều, song chưa gặp bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay cười lên một tiếng lớn, ấy là thỏa hồn thơ đó"...

    Trong bài Thức Khuya, mang một nỗi niềm u uất vì thế cuộc, tâm sự ngổn ngang, được nhiều người khen ngợi nhất. Tác giả rất sáng tạo trong ngôn từ, rất gợi hình và sống động:

THỨC KHUYA
(Đêm không ngủ)

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chân
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn

Và bài :

CHUYẾN ĐÒ NGANG

Chẳng hẹn hò sao gặp gỡ đây
Người thời như tỉnh, kẻ như say
Trong veo làn nước soi đôi mặt
Xa tít quê nhà trỏ một tay
Tâm sự mới trao, bờ đã đến
Nỗi niềm chưa cạn, khách về ngay
Ba sinh duyên nợ âu là thế
Một chuyến đò đưa nghĩa một ngày

    Qua hai bài thơ rất hay ở trên, Hàn viết ra lúc còn rất trẻ.
Hai câu: "Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối/Gió thu lọt cửa cọ mài chân" Cho thấy dùng từ quá ư hình tượng ở hai câu thực của Hàn. Cũng vậy bài "Chuyến đò ngang" cũng để lại ấn tượng thật sâu sắc.

    Đến với bài:
  
BUỒN THU

Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu tha thiết lắm, thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoáng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Chỉ có thông kia chịu với trời

Với bài nầy, nghệ thuật sáng tác thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử đã được khẳng định một cách rõ rệt nhất.

"Ấp úng không ra được nửa lời/Tình thu tha thiết lắm, thu ơi!", cho thấy ấp úng mãi vẫn không làm sao diễn tả điều mình muốn nói, bởi tâm sự ấy nó mênh mang quá, tha thiết quá, nó vượt khỏi sự kiểm soát của ngôn từ, như không nói mà như đã nói biết bao điều, phải chăng là đỉnh cao nghệ thuật sáng tác thơ của Hàn..

Viếng đồi thi nhân tại thành phố Quy Nhơn, thăm mộ Hàn Mặc Tử, cảm xúc về thơ Đường luật của Hàn, đã lưu lại trong tôi và mọi người hai chữ "Trời Văn" là vậy.

   12/9/2012