Trở về 4

Thuỳ Vương

     Đã hơn 10 năm, nay lại Trở Về...
    Lòng tôi luôn muốn gởi lời tri ơn, cảm tạ đến anh Tam Tu, chủ trang nhà Trịnh Hoài Đức, đã lập nên nhịp cầu kết nối tâm giao, xuyên suốt từ bao năm qua cho hết bạn bè đã từng trải một thời hoa niên trên sân trường Trịnh Hoài Đức.
    Và tôi, cũng từ đó... sống lại với tình thân bạn hữu, một thời đã qua... Mà đến giờ, nhờ sự kết nối hàng năm, đã giúp tôi được gặp lại một tình thân trong quá khứ, sau bốn mươi lăm năm ly biệt...
    Bốn mươi lăm năm đằng đẵng trong dòng đời cuốn xoáy ngã nghiêng.
    Bốn mươi lăm năm hun hút sợi tơ mành, rã tan mây khói.
    Bốn mươi lăm năm đắm chìm, quên lãng.., tưởng chừng mất tăm, tưởng chừng không bao giờ có một ngày gặp lại... một người bạn, một người anh, một người thầy, một năm đầu ở Văn Khoa, đã là một chỗ dựa thuần khiết, đưa tôi đi qua một đoạn đời ngắn ngủi.
    Một ngày, chính từ Trang Nhà Tam Tu từng vun quén đầy đặng, sâu lắng ấy, đã làm rộn lên trong tôi tiếng reo vui hạnh phúc, cùng nước mắt vơi đầy.., là lần Tam Tu báo, có một người xưa cũ từ Văn Khoa đã tìm thấy được chị Vương từ trang nhà Trịnh Hoài Đức...
                 
***
    Người từ Văn Khoa xưa cũ ấy chỉ có thể là anh, một thương binh đã để lại chiến trường Hạ Lào một cánh tay, trở về học tiếp khoa Anh Ngữ. Anh để ý tôi trong phòng sinh hoạt thông tin sinh viên ban Triết, khi tôi lơ đãng ôm cây đàn guitar ai để góc bàn, hát một bài của nhạc sĩ Lê Uyên Phương. Biết tôi yêu mê cặp uyên ương nầy cùng những tình khúc của họ, anh hứa sẽ đưa tôi đến nhà và gặp gỡ anh chị... Ôi thế là tôi kết người anh bạn độc thủ  nầy ngay tức khắc, vì thực sự lúc đó anh chị cùng những tình khúc mới lạ, cuốn hút, đã làm tôi mê đắm...
    Tôi phải chờ thêm một thời gian, vì anh chị ở Đà Lạt chưa về, đến khi trời bắt đầu lạnh hơn, cô con gái nhỏ của anh chị bị yếu phổi, mới đưa bé về Sài Gòn.
    Hàng ngày, sau giờ học, thậm chí có ngày bỏ học, anh và tôi lang thang qua từng con phố... Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... uống cà phê, ăn vài món chơi chơi trên đường phố, chuyện trò vui vẻ...
    Cuối cùng tôi cũng đến với anh chị Lê Uyên & Phương, lần đầu cùng với anh bạn thương binh lạ lùng nầy.
     Và sau đó, tôi vẫn cứ đến một mình... vậy mà anh chị vẫn đón nhận tôi, len lỏi vào đời sống gia đình nầy thật từ tâm và nhân ái. Lòng rộng mở của anh chị làm tôi hồn nhiên, vô tư như một đưa bé sa vào lòng người nhân hậu.
    Anh chị vẫn rộng cửa đón tôi mỗi lần tìm đến, thậm chí cả những bữa ăn thanh đạm, ấm áp, ngon lành. Cả những đêm dẫn tôi lên căn gác, phòng ngủ, cũng là nơi sáng tác, luyện tập của anh chị... Tôi cảm nhận được tấm lòng bao la, nhân hậu của anh chị, so với cả khung trời rộng mở bao la bên cánh cửa căn phòng đầy ắp yêu thương thơ mộng ấy, là bầu trời đêm mênh mông Chợ Lớn...
    Giờ anh Phương không còn nữa, tôi luôn muốn nghiêng mình mỗi khi tuỏng nhớ người nhạc sĩ tài hoa với tình yêu cao cả tuyệt vời, đã để lại cho thế hệ nầy những tình khúc mãnh liệt, nồng cháy, thiết tha... Và chính nơi khung trời êm ả thân thương của sân trường Trịnh Hoài Đức, tôi đã một thời cất lên những tình khúc đó cùng tiếng đàn của bạn Dương Tiểu Nam, người cũng vừa từ giã bạn bè chúng tôi, ra đi, về nơi ấy...
    Và cũng với tình yêu thương của anh chị Lê Uyên Phương, đã cho tôi theo dự một đêm ca nhạc tổ chức tại một rạp hát lớn ở Mỹ Tho của trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, trong tuần lễ Văn Hoá Học Đường năm 1973 (?).
    Chuyến đi gồm ba chiếc xe 16 chỗ, có nhiều ca sĩ như Khánh Ly, Thanh Lan, Lê Uyên Phương..., học sinh sinh viên trong phong trào du ca như Nam Lộc, Nguyễn Đức Quang... thời đó.
    Đêm đó tôi có một tiết mục trình diễn ở khoảng giữa chương trình. Tôi được ôm cây đàn của anh chị, hát bài Cho Lần Cuối của anh... mà mỗi lần ngồi nhớ lại, tôi tưởng mình như qua một giấc mơ.
    Và tiếng hát tôi đêm đó, không biết làm sao đã đi vào lòng một thầy giáo trẻ dạy môn Văn, mà vài năm sau, tôi tình cờ biết được qua một người em bạn, học với thầy ở khu tị nạn chiến tranh dành cho dân Bình Long... Một buổi học, thầy bất giác kể lại lòng mình, có một đêm, nghe tiếng hát...
    Vào giờ cuối của đêm diễn ấy, có một bất ngờ. Từng người đã diễn trong chương trình được xướng danh ra sân khấu, nhận mỗi người một kỷ niệm chương xinh xắn nằm trong hộp gỗ bọc nhung xanh thẫm, bên trong bọc nhung đỏ, khắc tên riêng từng người trên đó, ghi dấu Tuần Lễ Văn Hoá Học Đường do tổng thống khởi xướng...
    Đấy là một trong những kỷ niêm sâu xa, ăn khắc vào tâm thức tôi từ người anh bạn độc thủ lạ lùng ấy.
    Từ đó đến khi mất dấu anh, tôi cũng chưa hề biết gì hơn về thân phận, gia đình, hay những sinh hoạt về cuộc sống của anh.
    Sau bốn mươi lăm năm gặp lại nầy, từng ngày, từng ngày... tôi mới được nghe anh kể lại rất nhiều, rất nhiều...
    Tôi nghe trong nước mắt ràn rụa..., không tin nổi những gì anh đã trải qua giữa cuộc đời. Cha mẹ mất sớm, người thân không ai đoái hoài bảo bọc, sống trong viên mồ côi của các sơ, lớn hơn chút được chuyển qua chủng viện, chịu không nổi những bất cập trốn ra, tự sống, đi học, đi lính.., thành thương binh, rồi trở về, được cấp trên đưa vào ngành tình báo, vì anh từng là biệt kích với nhiều khả năng thích hợp với hoạt động của ngành đặc biệt nầy.
    Sau 75, anh bị bắt đi cải tạo, bị biệt giam, bị tra khảo... Cuối cùng trốn thoát và vượt biên.
    Với anh, đây lại là một câu chuyện khác đầy sóng gió truân chuyên và trải qua quá nhiều cung bậc.
    Và hôm nay, trở về lần cuối nầy, tôi xin nghiêng mình đa tạ cuộc đời với từng nỗi yêu thương, từng hồi khóc hận, từng lúc cho đi, từng khi đón nhận, những bạn bè thân yêu trải qua quãng đời tôi... lời đa tạ khắc sâu từ ký ức một thời tới một ngày mai... vẫy tay... giã biệt./.