Tình bạn

Tu Nguyen


    Ai có vào trang nhà Trịnh Hoài Ðức và đã đọc bài " Ai còn...Ai mất..." của một người ở khóa 3 đàn anh đàn chị THĐ, sẽ nghĩ gì?. Riêng tôi, tâm tư mình như chùng lại và cảm xúc dâng trào khi mình cũng là một học trò của ngôi trường Trịnh Hoài Đức thân yêu ấy.
    Khóa 3 tức là đàn anh của khóa 11 chúng tôi. Bây giờ tôi cũng sắp sỉ 60. Vậy đàn anh đàn chị cũng có thể sắp vào tuổi thất thập rồi. Thế mà các anh các chị vẫn còn nhớ nhau, gọi tên nhau từng người, nhớ về nhau từng kỷ niệm ngày còn chung lớp. Thật cảm động làm sao ấy!. Ai đã từng là học trò, có học trò nào như ở trường THĐ chúng tôi không?
    Ba mươi mấy, bốn chục năm dài đăng đẵng, xa xôi cách trở, "Ai còn...Ai mất ...Ai lạc chân mây, lạc cuối trời". Lời thơ của đàn anh đàn chị , đọc xong rồi nghe như thấm sâu vào trái tim mình. Nó làm cho nước mắt rưng rưng. Nó làm cho tình thầy, tình bạn, trổi dậy mạnh mẽ và cứa sâu vào da thịt cho mình tạo nên một nổi đau dịu dàng tha thiết.
     Ngày xưa, khi cài phù hiệu trường Trịnh Hoài Đức lên ngực áo, lúc ra đường hoặc ngồi trên xe đò chung với các bạn học trò các trường khác, tôi thật hãnh diện và có chút tự hào âm thầm, không biết tại sao!. Hôm nay, với tuổi đời sắp lụn tàn, tôi vẫn ngẩng cao đầu vì mình là học trò  của ngôi trường THĐ thương yêu.
     Không phải tôi tự hào vì trường THĐ to lớn nhất tỉnh nhà, mà là vì hôm nay tôi nhận thức được tình thầy tình bạn của trường tôi sao thắm thiết, sâu sắc đến tận da thịt con người chúng tôi .
     Nhớ những ngày qua xa trường, xa bạn, những kỷ niệm, những vui buồn bên bạn bè thuở học trò, tôi đã chôn kín tận trong góc khuất của tâm hồn, không dám khơi dậy vì sợ cuộc sống trần tục dẫy đầy gian lao sẽ làm lấm lem những hình ảnh đẹp ấy đi .
     Khi đọc bài ""Ai còn...Ai mất...", tôi không dằn được nước mắt, nhớ lại bọn chúng tôi của khóa 11 thân yêu mà những ngày qua bọn chúng tôi họp lại sau bao ngày xa cách. Giờ đây, kẻ còn, người mất, có đứa tận phương trời xa, có người biệt mù nơi xứ lạ.
     Từ lúc họp mặt nhau lần đầu ở nhà Dung, lúc ấy lòng tôi còn e ngại, vì tôi sợ lòng người muôn hình vạn sắc, biết ai thế nào. Rồi thêm từng buổi họp, vui vẻ bên nhau, tâm sự cùng nhau, an ủi, hiểu nhau rồi nghe lòng trải rộng thương mến nhau. Ngày đầu tiên gặp nhau sau ba mươi tám năm rồi xa, không ai còn nhận được ai, nhất là Lê Tâm. Nhỏ nầy ngày xưa làm phó lớp, học giỏi đa nhe. Nhỏ không nhận được bọn chúng tôi, trừ mấy bạn đã  từng họp với nhỏ. Còn tôi, Phương Loan, Chín, H Mỹ và vài bạn nữa, nhỏ hoàn toàn không nhớ được. Thế mà sau vài ngày họp lại bên nhau, nhỏ Tâm lại là đầu tàu trong các vấn đề giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.
     Khi nghe Quý bị tai biến, chính nhỏ đôn đốc bạn bè đên thăm. Biết chị Ngọc Ánh gặp khó khăn, nhỏ lại hô hào bạn bè đóng góp để giúp chị vượt khó. Rồi nhỏ Chín ngã quỵ với cơn bệnh hiểm nghèo, nhỏ lại cùng Phương Loan, Chị Hai, vào bệnh viện thăm hỏi. Khi Chín về nhà, nhỏ lại kêu gọi bạn bè mau tới thăm nom cho Chín vui.
     Một điều rất đáng ngạc nhiên là khi nhỏ Tâm hô lên là bạn bè ừ cái rụp luôn. Thật quá nể, chẵng biết nhỏ Tâm có bùa mê không, mà nhỏ lên tiếng là có tiếng OK liền của bạn bè. Còn riêng tôi, nói ra thì thật xấu hổ, ngày đầu gặp nhau, nhỏ Tâm nói với tôi: "Tôi thật tình không nhớ chị là ai". Tôi buồn quá cở và tự thấy mình bị cách xa bạn bè, và lòng như bị tổn thương, vì tôi không quên bạn bè người nào cả, nhất là nhỏ Tâm, Lâm Thúy Vân, Nông thị Ngọc Liễu... Tuy là không chung nhóm, nhưng tên nào tôi cũng nhớ như in.
     Nhưng rồi ngày tháng bên nhau qua những buổi họp mặt, lòng tôi cởi mở và thấy không có gì quan trọng cả. Bạn bè vẫn thân tình thương mến nhau, mọi cách ngăn được xóa mờ và cùng bắt tay trong những điều mà chính nhỏ Tâm đề xướng, và một điều bất ngờ làm cho tôi không thốt được nên lời. Đó là qua những ngày Chín đau nặng, bọn chúng tôi cùng nhau họp lại an ủi, động viên cho Chín vượt qua. Chín là bạn thân của tôi nên biết rất rỏ về hoàn cảnh của tôi. Chín đã âm thầm cho Lê Tâm và các bạn biết là tôi đang phải khó khăn đối mặt với "tín dụng đen" để lo cho ông chồng tôi mổ não vì tai nạn giao thông.
     Thế là nhỏ Tâm lại là người đầu tiên đặt vấn đề với bạn bè cùng chung tay góp sức để cho tôi mượn và trả lại lâu dài để tôi thanh toán phần nào "tín dụng đen" đang đè ép tôi. Khi tất cả đã hội ý rồi, Tâm mới báo cho tôi biết. Tôi giật mình và vô cùng khó xử. Nhận thì sợ mất bạn. Mà không nhận thì phụ lòng bạn. Tôi ngập ngừng chưa nói được tiếng nào thì Tâm đã lên tiếng: “Chị phải nhận, vì đây là tình mà bạn bè dành cho chị, không nhận tức là phụ lòng chúng tôi rồi”.
     Thế là tôi riu ríu nhận mà lòng như đang khóc, khóc vì những gì bạn bè dành cho tôi, mà cũng khóc vì mừng phần nào khó khăn đã có bàn tay bạn bè đỡ nâng. Tôi tỏ lời cám ơn thì Chị Hai rầy: "Bạn bè giúp nhau mà cám ơn là không nên, vì như thế thì không còn ý nghĩa gì nữa”.
     Còn X. Dung thì mail: “Cái gì làm được cho nhau hôm nay thì cứ làm, không đợi đến lúc này hay khi khác”.
     Chị Hồng thì bảo: "Ngày xưa đi học, bài văn đầu tiên thầy cho làm là bài "Một con ngựa đau cả  tào không ăn c?, vậy thì hãy để cho Hồng thực hành theo bài văn thầy đã dạy".
     Nhỏ Đổ Năm thì kêu ầm lên: “Bạn bè mà chị, giúp nhau để tình bạn chúng mình càng thân thiết hơn chứ sao đâu”.
     Mỹ Duyên nhắn lời: “Hãy yên lòng bạn ơi”.
     Phương Loan rất lặng lẽ: “Chúng ta là một nhà, cứ bình tĩnh vượt qua”.
     Giác thì gọi điện: “Mầy đã nhận quà bọn tao chưa?. Mong mầy đứng vững”.
     Nhìn nhỏ Chìn trên xe lăn, tôi nói như khóc: “Mầy đừng giúp tao Chín à”. Nhỏ nạt tôi một cái thật lớn và hỏi: “Mầy có phải là bạn tao không?”. Nước mắt tôi chực trào ra, và lòng thì dạt dào niềm cảm xúc khó diễn tả thành lời. Tôi lặng lẽ nhì nhỏ Tâm, không dám nói cám ơn, sợ nhỏ hỏi như nhỏ Chín chắc tôi khóc quá.
     Không biết nhỏ Tâm có mê lực gì mà đến các bạn không chung trường, chung lớp như Hạnh và Út cũng đồng lòng góp tay giúp tôi, và chúc tôi vượt khó.
      Ôi, phải nói gì đây cho bạn bè hiểu rằng tôi xúc động vô cùng và muôn vàn cảm kích những tấm lòng bè bạn mà chỉ mới gặp lại nhau trong khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi nầy.
     Có phải tôi là người hạnh phúc quá không, khi tôi được là người con của Trịnh Hoài Đức, vì ở nơi này tôi có được tình bạn cao quý và thắm thiết biết bao, khi mà ở tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn còn có được chân tình này, cũng như đàn anh, đàn chị, tuổi đời sắp vào thất thập mà vẫn còn nhớ về bè bạn, gọi tên nhau từng người, tìm nhau khắp bốn phương, dù biết rằng kẻ ở chân mây, người cuối nẽo trời xa...