THỦ DẦU MỘT HỒI ĐẦU THẾ KỶ HAI MƯƠI
QUA CÁI NHÌN CỦA NGUYỄN LIÊN PHONG


HOÀNG ANH
(24-12-2010)


Nguyễn Liên Phong là tác giả của bốn cuốn sách được xuất bản vào đầu thế kỷ 20:
1/Nam Kỳ Phong Tục Nhân Vật Diễn Ca (1909, Sài Gòn)
2/Án Túy Kiều (1910, Sài Gòn)
3/Từ Dũ Hoàng Thái hậu (1913, Sài Gòn)
4/Điếu Cổ Hạ Kim Thi Tập. (1915, Sài Gòn)
Án Túy Kiều và Từ Dũ Hoàng Thái Hậu nay không còn nghe ai nói đến, có thể đã tuyệt bản, nên không biết nội dung ra sao.
Điếu Cổ Hạ KimThi Tập, khổ in 8, chia làm hai thiên. Phần nhứt: “Điếu Cổ”, dài 112 trang, thơ điếu những danh nhân, anh hùng chống Pháp đã hy sinh. Phần Hạ Kim, hay “Khánh hạ”, viết về những nhân vật đương thời có lòng từ bi, bác ái, đã có nhiều hoạt động giúp đỡ những người nghèo khó, dài 134 trang, in tại Imprimerie de l’Union ở Sài Gòn năm 1915. Cụ Vương Hồng Sển nói về tác phẩm này như sau:
“Đây là bộ sách ít ai giữ được và trở nên một tập phẩm hiếm có của những người chơi sách” (1)
Quyển Nam Kỳ Phong Tục Nhân Vật Diễn Ca, xuất bản năm 1909, tại nhà in Phát Tóan, Sài Gòn, nay may mắn còn lưu lại được, là tác phẩm rất quý giúp cho thế hệ hôm nay biết được nhiều điều về vùng đất Nam kỳ lục tỉnh cách nay cả trăm năm. Sách khá dài, làm theo thể thơ lục bát (220 câu, chưa tính bài Tựa), lời thơ nôm na, giản dị, nhiều từ địa phương nay không còn sử dụng. Tuy vậy, giá trị sử liệu thì lại rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về miền Nam xưa.
Tác phẩm mô tả các đặc điểm nổi bật, tiêu biểu về phong cảnh, con người, phong tục của 21 tỉnh thành của miền Nam lúc đó. Mở đầu là Vũng Tàu, cuối cùng là Sa Đéc, lần lượt lướt qua đầy đủ từ Sài Gòn, Gia Định đến tận Rạch Giá. Trong đó, có bài nói về Thủ Dầu Một, địa danh thứ tư, từ trang 13 đến trang 15, qua gần ba trang thơ. Tuy dù là một tỉnh có diện tích khá rộng, đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt, lại nằm giáp với hai thành phố lớn là Sài Gòn và Biên Hòa, nhưng trái với hai nơi trên, tài liệu viết về Thủ Dầu Một ngày xưa rất hiếm, thế nên bài thơ của ông Nguyễn Liên Phong là rất quí để tìm hiểu về Thủ Dầu Một thời kỳ đó.
Đáng chú ý hơn nữa, là, tuy nằm giữa những địa danh xưa nay nổi tiếng như Vũng Tàu, Bà Rịa, Biên Hòa, Gia Định, Sài Gòn… tỉnh Thủ Dầu Một lại được tác giả dành cho những lời ca ngợi khá nồng nhiệt về đất và người nơi đây. Ngay hai câu thơ mở đầu, ông viết:
“Thủ-dầu-một cảnh rất xinh thay
Xứ tốt gỗ cây khéo thợ thầy”
Lại nói:
“Tuy là một chỗ xứ quê
Nhơn hòa đại lợi ví kề Trường An
Dân đều no ấm thanh nhàn
Non nhơn nước trí bỉ bàn vui say”
Vào bài, tác giả giới thiệu gần như đủ cả các cảnh trí tiêu biểu nơi đây, nào là Tòa Bố, nay là Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh:
"Dầu, sao im ái tứ bàng
Bố đường trên nổng lặng trang tư bề"
Rồi lần lượt, tới xóm làm ghe, trường học, chợ búa; từ chợ Thủ, đến chợ Bưng Cầu, chợ Búng, Hưng Định, Bình Nhâm, An Phú… thảy đều có mặt. Đến các vùng quê như vườn cây trái Bình Nhâm, Tân Thới, nhà thờ Lái Thiêu, Vĩnh Trường, suối Tham Miêng, nổi danh nhờ mỏ đất sét cao lanh. Đâu đâu tác giả cũng phát họa đôi nét điển hình nhất:
“Ghe đua êm ái nhẹ nhàng
Bình-nhâm, Tân-thới hai làng hậu tiên
Làng Vĩnh-trường, suối Tham-miêng
Đất như bột trắng vò viên mịn màng
Các nơi lò chén gần xa
Tới chở đất ấy vào ra liền liền”
Ông cũng điểm qua các công trình kiến trúc tín ngưỡng như chùa Hội Khánh, đình Bà Lụa, miếu thờ bà chúa Thai Sanh, ông Huỳnh Công Nhẫn, bà Linh Sang với các giai thoại truyền thuyết dân gian:
"Đình thần phong cảnh tốt thay
Trong Rạch-Bà-Lụa ngoài rày đại giang
….
Chùa phật bền vững mối giềng
Tên chùa Hội-khánh lạc quyên của nhiều
Thiện nam tín nữ dập dìu
Xúm nhau bồi đắp mĩ miều ngoài trong

Đặt tên là nước Mội-bà
Cất bên cái miễu thờ bà Linh-sang
Ra tay lấp mội ấy đi
Nước tiên bật mất còn chi mà cầu."

Về con người, ông cũng hết lời ngợi khen:
“Đờn bà nghĩa khí nhiều tay lịch
Hương chức thanh cần chữ dạ ngay”
……

“Tục hay ham chuộng đạo văn
Trẻ già khản khái xa gần thiện lương
Roi còn gốc trước văn chương
Ăn chơi đờn địch khiêm nhường phong lưu
Nhiều nhà tích đức đi mưu
Nhiều tay kiến nghĩa không cưu bạc tiền
Thường thường trọng đạo thánh hiền
Quan hôn tan tế lễ liền vảng lai”

Bài thơ nói về Thủ Dầu Một này, đúng là một tài liệu rất quý giá đối với giới nghiên cứu muốn tìm hiểu về đất và người ở địa phương hồi đầu thế kỷ trước.
Ngoài những cống hiến về văn học, khảo cứu, ngày nay ông còn được nhắc đến ở lãnh vực âm nhạc, khi được xem là người đã góp công hình thành nên nền đờn ca tài tử Nam Bộ:
“Đàn tài tử miền Nam được thành hình vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các nhạc sĩ miền Trung đi vào trong Nam theo phong trào Cần Vương…
Những nhạc sĩ miền Trung vào Nam truyền nhạc Ca Huế như các ông Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá (Tư Ba dạy đàn tranh, kìm, tỳ bà, ông Phạm Đăng Đàn dạy đàn độc huyền ở Vĩnh long.” (2)
Cụ Vương Hồng Sễn, người mê hát và bậc thầy về chuyện xưa tích cũ, cũng có nhắc đến việc này:
 “Nguyễn Tùng Bá là một phong lưu tài tử, dân Sài Gòn, con ông Nguyễn Liên Phong, tác giả bộ “Điếu cổ hạ kim” thi tập, in năm 1915. Ông Nguyễn Liên Phong cũng là tay đờn danh tiếng như Nguyễn Tùng Bá.” (3)
Đọc những gì Nguyễn Liên Phong viết, cho thấy tác giả là người đi nhiều, biết sâu, hiểu rộng và ắt phải là tay tài tử lịch thiệp. Tuy vậy, thân thế và sự nghiệp của tác giả ngày nay lại không được biết rõ ràng lắm.
Có thể đoán chừng giai đoạn ông đã sống, do chính tác giả cung cấp, qua bài thơ ông viết về cụ Đồ Chiểu:
“Lúc tôi xuống chợ Ba Tri có gặp ngài, thì con mắt ngài đã thọ bịnh rồi, ngài có làm một bài thi tự thuật như vầy:
Xe ngựa lao xao giữa cõi trần
Biết ai Thiên tử biết ai Thần?
Nhạt (sic) Thiều tiếng giứt không trông phụng,
Sữ Lổ biên rồi khó thấy lân
Khỏe mắt Hi Di trời ngũ quí;
Mõi lòng Gia Các (sic) đất tam phân
Công danh chi nữa ăn rồi ngủ;
Mặc lượng cao dày xử với dân.”
Bài thi ấy tám câu đều là thuật chuyện con mắt mình không thấy.” (4)

Để dễ suy đoán, xin nhắc lại đôi điều: cụ Đồ Chiểu mang tật thưở 27 tuổi (từ năm 1848), mất  ngày 3 tháng 7 năm 1888. Ông Phan Văn Hùm (1902-1946), người sinh sống vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng là uyên bác, cho thấy cũng khá mơ hồ về Nguyễn Liên Phong :
“Sách của ông Nguyễn Liên Phong ra năm 1915, là hai mươi bảy năm sau khi cụ Đồ Chiểu mất. Năm 1915 ấy ông Nguyễn Liên Phong nói (nơi bài “tự tự”): “tôi già yếu”. Nhưng không biết lúc ấy bao nhiêu tuổi. Gỉa như năm 1915 ấy ông tám mươi tuổi đi. Thời ông có gặp cụ Đồ chăng nữa cũng phải vào lối năm mươi năm trước là cùng, chớ không thể sớm hơn được nữa. Vì nghe đâu ông là một người Trung Kỳ can án quốc sự phạm mà bị đày vô Nam Kì. Tôi không tưởng dưới ba mươi tuổi ông đã lo quốc sự trong buổi xưa ấy, là buổi mà trong vòng ba mươi, người ta còn dùi mài trong trường ốc. Nếu ông gặp cụ Đồ vào thưở ông ba mươi tuổi, thời là vào lối năm 1865, bấy giờ cụ Đồ mù hai mắt đã mười bày năm rồi.” (5)
Về sau, nhờ truy cập internet, chúng tôi tìm được bản tiểu sử của Nguyễn Liên Phong, tóm tắt những nét chính như sau:
Nguyễn Liên Phong còn gọi là Nguyễn Phong, Tuần Phủ Phong, ông sinh năm Tân Tỵ, 1821. Ông quê làng Thịnh Lạc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là làng Thịnh Lạc, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông là em ruột của hoàng giáp Nguyễn Thái (1819-…). Ông xuất thần trong một gia đình làm quan ở vùng đất Hoan Châu (Nghệ Tĩnh), đậu cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Nghệ An, làm quan nhiều nơi thăng đến chức Tri Phủ, Tuần Phủ nên tục gọi ông là Tuần Phủ Phong.
Ông tham gia phong trào Cần Vương tại Nghệ Tĩnh, bị Pháp bắt đày đi biệt xứ. Vào Nam, ông làm báo, đi lại và giao du nhiều, nhờ thế, ít có ai hiểu biết tường tận về vùng đất này như ông. Nguyễn Liên Phong mất lúc nào, ra sao, nay không còn ai biết.
Ông đã là người thiên cổ, nhưng những gì ông viết vẫn còn lưu lại mãi với đời, nhất là với vùng đất miền Nam, nơi mà dường như chỗ nào cũng từng ghi dấu bước chân ông, trên những nẽo đường lãng du lánh nạn giặc Tây, đem theo cây đàn để giải khuây cho mình, và cho bao người mến mộ khách tài hoa một thưở.

GHI CHÚ:

1/ Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, nxb.Tp Hồ Chí Minh, 1997, tr.261
2/ (Trần Quang Hải: Thế nào là “nhạc thính phòng”? Sự lạm dụng của từ này)
 (bachyenh.multiply.com/reviews/item/5)
3/ (Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát, trích từ (http://maxreading.com/sach-hay/hoi-ky-50-nam-me-hat/tro-lai-ban-phiem-1089.html)
4/ Nguyễn Liên Phong (Điếu cổ hạ kim thi tập, trang 103)
5/ (Phan Văn Hùm, Tuyển tập Phan Văn Hùm, tr.738, nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2003)