HỘT VỊT LỘN VÀ THƠ ĐƯỜNG

(Kính tặng ông Giang Khánh Phong)
Hoàng Anh (BD)
(30-12-12)

 

Hồi xưa, mỗi lần Tết tới, ngoài bao nhiêu thú vui như chơi lô tô, lắc bầu cua… còn có cái thú ngày mùng một được tiền lì xì, tui với vài đứa bạn rủ nhau ra chợ kiếm mấy cái sạp bán hột vịt lộn ngồi ăn, ngon ơi là ngon. Hồi đó con nhà nghèo, ít khi má tui cho tiền ăn bánh, lúc nào rảnh tui hay đi theo bầy trẻ trong xóm, kéo nhau vô rừng hay xuống bưng bắn chim hoặc trèo cây hái trái nhãn lồng, trái sai, trái trâm, trái cò ke, trái bứa… để ăn. Mặt đứa nào đứa nấy đỏ lơ lửng vì nắng, mồ hôi thì chảy ròng ròng.

Tết mặc quần áo mới, được ăn hột vịt lộn, xong kéo nhau đi coi chớp bóng (movie) hay cải lương thì sướng mê tê rồi. Chỉ tiếc một điều là, mấy bà mấy cô bán hột vịt lộn hay đưa cho bọn nhóc tì tụi tui mấy cái trứng lớn quá, có khi con vịt đã thành hình, đầy lông lá, nhìn rất sợ. Lúc nào mua cũng dặn kỹ, làm ơn lấy con nhỏ nhỏ thôi, căn dặn hoài, nhưng thế nào lâu lâu cũng bị một lần, bỏ thì tiếc tiền, mà ăn thì trợn trạo nuốt không vô. Tui còn nhớ có lần mua bánh mì, bà bán bánh lấy ra một ổ mà vỏ đã cháy đen. Tui nói bà lấy dùm cho ổ khác, ổ đó cháy rồi. Bà nói tại mày còn nhỏ không biết, cháy như vầy mới ngon, người ta kiếm mua ăn không có, tao thấy mày thấy thương nên tao mới bán cho đó chứ. Tui hơi nghi, nhưng cũng tin tin. Tới chừng cầm ổ bánh mì, vừa ăn vừa đi tới trường, bánh mì đắng ngét ăn không được, bỏ thì tiếc, mà ăn thì giận bà ấy cho tới già luôn. Con nít đúng là dễ bị dụ.

Tưởng chuyện chỉ xảy ra hồi còn bé, nào ngờ lớn lên, ăn hột vịt lộn cũng vẫn bị cảnh đó hoài. Một hôm, khi đang ngồi với nhau trên hè phố chợ, tôi hỏi một ông bạn vong niên chuyên nghề bán trứng ở đường Trưng Vương, chợ Thủ Dầu Một. Rằng: “Thấy người ta khi mua trứng hay cầm hột vịt đưa lên nắng để coi, coi làm sao thì biết hột vịt vừa ăn vậy anh Năm?”

Anh Năm hỏi lại tui:

-Thầy có biết bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế không?

Ông kêu mình bằng Thầy hẳn hoi, mà hỏi thì thiệt tình mình ú ớ, nhưng ông bà có dạy cái gì không biết thì phải dựa cột mà đứng nghe. Nên tui có sao thì thưa thốt làm vậy:

-Bài đó có biết, nhưng mà tui không thuộc, chỉ nhớ mang máng thôi.

Ông liền đọc, giọng trầm hùng, sang sảng:

“Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.”

Rồi ông lại đọc tiếp, bản dịch bằng tiếng Việt

“Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi.
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.”

Bài thơ này có nhiều bản dịch khác nhau lắm, cái tui mới đọc đây là bản của Tản Đà. Bài này do ông Trương Kế đời nhà Đường mần, tả cảnh một người ngủ qua đêm trong chiếc thuyền, khi nghe tiếng quạ kêu, trăng lặn và nhìn thấy màn sương mờ trên bãi sông, những cây phong lá xanh vào tiết thu đã ngả sang màu đỏ đứng quạnh hiu ven bờ, cảnh gợi nổi buồn man mác, rồi bất chợt nghe tiếng chuông chùa Hàn San vẳng lại, làm tâm hồn thêm bao nỗi xao xuyến băn khoăn.

Thực ra ông Trương Kế cám cảnh bến Phong Kiều, làm ra chỉ được hai câu thôi rồi ông bị bí, chưa biết làm tiếp ra sao. Cùng lúc ấy, có ông sư ở chùa Hàn San, cũng cảm hứng cảnh trăng đầu tháng mông lung huyền ảo nên làm được hai câu:

“Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tợ ngân câu, bán tợ cung”

Hai câu này, ông biết hôn, ý muốn nói mồng ba mồng bốn trăng còn mờ chứ chưa đặng tỏ, người Việt mình hay nói trăng lưỡi liềm, là giống cái liềm mình dùng để cắt lúa. Nửa thì giống cái móc câu, nửa thì giống như cái cung. Làm tới đây thì ông sư già cũng bí, thao thức hoài không ngủ được. Chú tiểu bưng khay trà vô phòng cho thầy, thấy thầy có vẻ trầm tư mới hỏi, biết đầu đuôi câu chuyện, chú xin thầy cho phép làm tiếp hai câu, thầy đồng ý. Chú mở nắp bình trà chuẩn bị châm vô chung, vừa đọc liền:

“Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không”

Ý là như cái ấm trà, khi mở nắp ra để nằm trên bàn, lòng hướng lên trên, rót nước vô chung, trong ấm còn có phân nửa nước. Ráp với hai câu của sự cụ thì ý tứ liền lạc mà rất hay. Thầy khen trò nức nở, còn nghĩ rằng chắc là nhờ “Thánh nhập” mách bảo cho, chớ sức chú tiểu thì làm sao mà làm nổi hai câu thần sầu chớp nhoáng như thế, bèn sai trò đi thắp nhang và đánh chuông tạ ơn Trời Phật. Chú vọng chuông, khi ấy ông Trương Kế cũng đang nằm trằn trọc tìm tứ thơ, thì bổng nhiên nghe tiếng chuông chùa ngân nga, nhờ vậy ông liền cảm tác tiếp được hai câu:

“Cô Tô thành ngoại Hàn San tự.
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”

Thầy thấy bài thơ này có hay không. Hay, mà mình biết nguồn gốc của nó, nghĩa lý của nó thì nó càng hay hơn. Đời Thanh, thầy  biết hôn, ông Khang Hữu Vy cho khắc bài thơ này lên tấm bia đá lớn dựng ở chùa Hàn San để ai đến đó viếng chùa thì đều có thể đọc được.

Thấy ông nói khá lâu mà chẳng ăn nhậu gì với câu tui hỏi, tui sốt ruột, ái chà chà, hay là ông này định dấu nghề, muốn đánh trống lãng hay sao chớ. Tui bèn trả lời:

-Hay thì nó hay thiệt đó, nhưng mà làm sao nó giúp mình biết cách coi hột vịt lộn coi nó lớn hay nhỏ chứ anh Năm?

Ông Năm Hột Vịt nói ngay:

-Đó, nhờ cái bài đó đó, nó chỉ cho mình cái bí quyết đó, thầy không thấy sao?

Xưa nay tui ráng coi hột vịt mà vẫn mù trất, có biết giống gì đâu, đành thú thiệt. Ông Năm bắt đầu giảng giải:

-Mỗi loại trứng từ lúc đẻ đến lúc nở có thời kỳ khác nhau. Trứng cút mất 16 đến 17 ngày, hột gà 19 đến 21 ngày, còn hột vịt khoảng một tháng. Hột vịt mới nửa tháng, khi đưa lên nắng soi, vầng sáng ửng nắng trong hột vịt khá nhỏ, như cái lưỡi liềm, nên gọi là “Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung. Bán tợ ngân câu, bán tợ cung”.  Đến chừng được 19 tới 21 ngày, đưa trứng lên soi nắng, thấy vầng sáng lúc này chiếm khoảng gần phân nửa, như trăng mồng 8 mồng 9, thì lại giống như câu: “Bán trầm thủy để bán phù không”. Lúc này, miếng mề trắng trong trứng mỏng và bao phủ thân vịt, gọi là úp mề, vừa ăn nhứt.  Nếu bán không kịp, để thêm nữa thì vịt đã gần thành con, chất nước cạn dần, trong khoảng bóng nắng nhìn thấy chỉ còn phân nữa có vệt mờ mờ như mây phủ, đó là lúc hột vịt sắp nở.

Tới đây thì tui mới ngả ngửa ra. Thì ra là vậy, mà bấy lâu mình không biết! Mà ngạc nhiên hơn, ông Năm Hột Vịt sao lại tìm ra cách giải thích hay ho chí lí như vậy ta! Cái này, đọc báo ngày nay thấy người ta thường nói là phương pháp trực quan sinh động hay cái gì đó giống giống như vậy. Cho ông Năm Hột Vịt vô lớp giảng bài, biết chừng đâu học sinh mau hiểu mà lại không phải ngủ gục trong lớp.

Ông Năm không phải là người có ăn học. Ông thường kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của ông, hồi nhỏ nhà nghèo, phải phụ cha mẹ làm việc rất vất vả cực nhọc, ăn học không tới nơi tới chốn. Tuy là gốc người Hoa, ông nghe nói tiếng Hoa thì được, mà đọc viết thì không thông. Lớn lên, ông quyết tâm mày mò tự học chữ Hán, chữ Nôm, rồi biết ai hay chữ, ông đến học hỏi. Ông may mắn gặp được nhiều người tốt bụng sẵn lòng chỉ bảo. Ông thường nhắc tới những cái tên như ông thầy ba Rừng, thầy Huệ Trì, thầy ba Chóng ở chùa Long Sơn, thầy Quốc Nam, thầy đồ Luân Viễn… Đến bây giờ, với những người đã khuất, ông vẫn khắc ghi trong bụng lòng nhớ ơn sâu xa những vị thầy ngoài trường lớp đó. Nhờ ham học, nên dù khá bận rộn vất vả với việc buôn bán, ông vẫn cặm cụi ghi ghi chép chép. Hai vợ chồng ông ngồi chịu đựng mưa nắng giữa chợ đời, bán hột vịt, hột gà, trứng cút, ráng làm ăn nuôi hai đứa con trai ăn học. Khách đến mua đồ ở sạp của ông, thấy một quang cảnh chưng hàng ngồ ngộ: giữa đống trứng, là những tấm bảng thô sơ bằng giấy bồi viết vài câu thơ nổi tiếng, vài câu gia huấn hữu ích:

“Lòng đầy thương mến
Dù đâu cũng vậy
Trong lòng giữ mãi
Không bao giờ quên”

Hay:

“Kẻ biết phụng dưỡng thân mình, có chức vụ cao không kiêu căng, thân phận thấp hèn không làm loạn, bị người làm nhục ở đám đông mà không  tranh cãi. Chức vụ cao mà kiêu ngạo thì mạng vong, bần cùng mà làm loạn thì bị trừng phạt, tranh cãi với người thì sinh ra ẩu đả”

 Ông bán hàng thì lúc nào cũng vui vẻ, miệng đọc oang oang tùy hứng, khi thì vài câu thơ Đường, khi thì vài câu cách ngôn nói lên nhân tình thế thái… Có lẽ cũng nhờ ông nói năng hoạt bát vui vẻ như vậy, mà ông buôn bán rất đắc, và cũng nhờ vậy, hai đứa con ông đều tốt nghiệp đại học, một đứa còn đang du học bên Mỹ chưa về.

Ngoài việc buôn bán, nay dù tuổi đã trạc bảy mươi, ông vẫn dành thời gian để tiếp tục tự học và để dịch những tác phẩm mà ông thích hay khi có ai yêu cầu. Ông cũng thường tham dự các lễ cúng đình, chùa, và luôn sẵn lòng dịch giúp các câu liễn hay văn bia cho vài nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh đến nhờ ông giúp đở. Khi đó, tên của ông ghi dưới các ông trình này không còn là ông Năm Hột Vịt nữa, mà là Giang Khánh Phong.

Tui là một trong những ngừơi mắc nợ ông vì những nhiệt tình giúp đở đó, nhất là nhờ ông, tui biết thêm một bài thơ Đường bất hủ và hết thắc mắc khi thấy người ta đưa hột vịt lộn lên soi trong nắng nheo nheo mắt nhìn.

(06-01-2013  )