Thầy Cũ Trường Xưa
Nguyễn Ngọc Nhơn (CHS
khoá 3 - Marseille)
« . .
. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và
gió lạnh, Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn
đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường
này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần
này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh
tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi
đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học..."
(Thanh Tịnh)
Đã trên 54 năm mà bài chánh tả đầu
tiên học với thầy Lương văn Minh ở lớp Đệ Thất trường Nguyễn
Trãi còn in sâu trong trí nhớ. Bao
nhiêu bạn bè cùng trang lứa thuở đó chắc
cũng như vậy Làm sao mà quên được! Qua biết bao
nhiêu thăng trầm, anh em gặp lại nhau trên xứ Pháp
khi nhắc lại bài này, vẫn còn thuộc lòng.
Giống như câu chuyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư của
ông Sơn Nam, kể lại cuộc gặp gỡ giữa thầy phóng viên
trên Sè gòn xuống tận Chắc Cà Đao kiếm anh
chàng đặt mua báo năm. Báo gởi đều đặn hàng
tuần mà không biết làm sao ban biên tập vẫn
chưa nhận được tiền. Đêm về, muỗi kêu như sáo thổi,
cả hai phải buông mùng chun vô ngồi bên trong.
Dần dà chuyện nọ dẫn chuyện kia qua tới chuyện hồi xưa, thuở
cã hai còn đi học. Họ nhắc lại mấy bài trong quyển
Quốc văn giáo khoa thư... Người này đọc một câu,
người kia tiếp câu kế, đúng chữ, đúng nhịp. Rồi cả
hai mơ màng thả hồn tìm về những kỷ niệm thời thơ ấu.
Thiệt đã hết sức!
Tui viết chánh tả, ba cái vụ dấu hỏi ngã, tui chịu
thua. Nhờ bài chánh tả này, tui học được hai chữ
chắc chắn bỏ dấu ngã là Những và Cũng. Tới
bây giờ tui vẫn còn dở ẹc mặc dù cũng có
rán học thêm mấy bài của Sư phụ Cao chính
Cương. Tui dặn thằng tui: nhớ nghe! Bộ ba đi chung với nhau,
Không, Sắc, Hỏi; Huyền, Ngã Nặng. Họ tên thì
họ phải viết dấu ngã, Nguyễn Đỗ, Vũ, Võ chẳng hạn.
Còn chữ gốc Hán Việt khởi đầu bằng M, L, N, D, V (
Mình Là Người Dân Việt) thì nhắm mắt cứ bỏ
dấu ngã. Vậy mà Tui vẫn còn chưa quen bỏ dấu tự
động . . . trúng liền! Khổ hết sức, mong bạn bè
thông cảm.
Giống như trong chuyện vui Don Camillo của Giovanni Guareshi vậy
mà:
Xã trường Peppone là đảng viên Cộng Sản Ý
với Cha sở Don Camillo vốn là bạn học cùng lớp với nhau
thời Tiểu học. Peppone lên tới lớp nhứt rồi bỏ học đi theo
làm cách mạng. Một hôm, Peppone viết thông
cáo đem dán ngoài nhà làng.
Có ba câu mà tới bốn lỗi chánh tả. Cha sở
Don Camillo lén lén lấy viết mực đỏ khoanh mấy lỗi
đó rồi lại còn thêm vô hai chữ « Con
Lừa » làm dân chúng chế nhạo Peppone
quá trời.
Sau đó, Cha sở bị Chúa Jesus quở một trận « Bộ nghĩ
rằng ngươi may mắn được học lên cao, biết thêm năm ba chữ
La tinh rồi có quyền chê khen người ta vậy à? Quan
trọng là ở Nội dung, Ngươi đừng có thấy mấy chi tiết vụn
vặt đó rồi quên cái Ý chánh,
cái Tâm của người ta » Ôi chao, nghe đã
hết sức, lời Chúa phán dạy sao hợp ý con
quá đi, Lạy Chúa tôi, con xin tạ ơn Chúa
Amen!
(Nói sao thì nói, nếu quí vị có dịp
đọc 6 cuốn Don Camillo, tui chắc quí vị cũng sẽ như tui, thương
anh chàng Peppone này lắm. Dù ít học
tánh tình cục mịch nhưng chất phát thiệt
thà, không điếm đàng, mánh mung, trước sau
như một chỉ biết có đảng CS là trên hết và
yêu đảng hơn . . . mạng sống của mình. Một chuyện
khác xảy ra vào trưa hè khoản đầu thập niên
50, chưa có Computer. Peppone đang ngồi đánh máy
lọc cọc kiểu gà mổ, mồ hôi ướt hết áo thì
thư ký trên chi bộ Tỉnh đạp xe xuống kiếm : «
Ông Chủ tịch Tỉnh hỏi Xếp viết bản báo cáo
thành tích của Xã xong chưa, kêu tui xuống
lấy mang về gắp. Trể cả tuần nay rồi » Đang cực khổ, đấu tranh
giai cấp với cái máy đánh chữ Olivetti, Peppone đổ
cọc cự lại : « Ê, bộ mầy tưởng chắc đánh máy
dễ lắm à ? Nói cho mầy biết nha, đánh máy
còn khó hơn . . . làm cách mạng nửa
đó! Tao khẩn trương suốt cả tuần nay, tranh thủ, khắc phục từng
chữ một, bây giờ mới xong nè. Chờ tao ký tên
rồi mang về trên Tỉnh một bản» Nói xong, Peppone
rút bản đánh máy ra, định ký tên
thì bổng bỏ xuống bàn, lấy tay vỗ trán chửi thề :
« Thôi chết mẹ rồi! Tao nhè để ngược mấy tấm carbone
!»
Đối với riêng tui, viết tiếng Việt coi vậy không phải dễ.
Tui viết cho vui, vừa viết vừa học thêm cách ẹo qua ẹo lại
kẻo thiên hạ chê là Tiếng Tây chưa biết
mà tiếng Việt đã quên. Chuyện vui về bảng quảng
cáo của gian hàng bán cá là một
thí dụ tiếu lâm về viết tiếng Việt: "Ở ĐÂY CÓ
BÁN CÁ TƯƠI".
Người đi qua, kẻ đi lại bàn ra tán vào: Cá
đương nhiên phải tươi mới có người mua, Viết dư chữ!
Ông bèn bỏ chữ Tươi còn « Ở Đây
Có Bán Cá » Thiên hạ lại chê dư
hai chữ Ở Đây ! Hổng lẻ bán ở chỗ khác à! Ờ
há, thấy có lý ông bèn bỏ bớt hai chữ
Ở Đây. Câu quảng cáo còn ba chữ «
Có Bán Cá » Chưa yên, người
khác lại nói, có cá mới bán chứ hổng
có thì lấy gì mà bán. Ông thấy
đúng, bỏ luôn hai chữ còn lại có một chữ
«Cá» thôi. Khách hàng đến mua
cá nói với ông: Ghi chữ «Cá»
làm gì? Không lẽ họ tới đây đòi mua
thịt à! Từ ngoài đầu chợ đã nghe mùi, biết
ở đây bán cá rồi!
Rốt cuộc, ông bỏ luôn bảng quảng cáo bán
cá mà vẫn bán đắt như . . . tôm tươi
vì khách hàng đã hiểu ngầm với nhau, gặp
mặt ông họ gọi là Ông Bán Cá.
Tui học việt văn với Thầy Đoàn văn Thuận, người Huế, ở THĐ. Tất
niên năm đệ Tam, Thầy có ngâm thơ cho học trò
nghe bài Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan. Thuở
đó, tui chưa từng tận mắt nghe thấy ai ngâm thơ hết.
Nét diễn tả, đôi mắt nhìn vào cõi xa
xăm, giọng Huế vang lên nhẹ nhàng: « Nàng
có ba người anh đi bộ đội. . . những đứa em nàng,
có em chưa biết nói . . . » Đám học
trò im lặng ngồi nghe, giọng thơ dìu dặt như từng chữ
ngọt ngào rót vào lòng. Tui nhắm mắt thả
hồn lơ lửng trên đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt của
Thầy. Hay quá hay, quá nghệ sĩ, lãng mạn
tình tứ, vị Thầy đáng kính của tui ơi. Sau
đó Thầy ngâm tiếp bài Tiển Người Trên
Sân Ga của Nguyễn Bính. Lời thơ là cả một nổi buồn
cô đơn vô tận xoáy xoay vào hồn:
Có lần tôi thấy một
người đi,
Chẳng biết vê đâu, nghĩ
ngợi gì
Chân bước hững hờ theo
bóng lẻ
Một người làm cả cuộc
phân ly.
Làm sao mà quên khi tui vừa mới lớn lên
vào tuổi mơ mộng, lại được Thầy minh ngâm thơ cho nghe.
Thầy Tô Hoà Dương, con của nhà văn Bình
Nguyên Lộc gốc Tân Uyên BD, dạy Toán năm Đệ
Tam. Thầy có hai bằng Cử nhơn Toán và Triết !
Tánh tình hề hà, giảng bài xong, Thầy ưa
hỏi Các anh em hiểu chưa ? Đứa nào đưa tay vì
có chỗ chưa hiểu, thì Thầy tỏ ra hết sức ngạc nhiên
: Hổng hiểu ? Vậy mà hổng hiểu ? Trời ơi, hể mở miệng là
VN có bốn ngàn năm văn hiến, tám triệu năm lịch
sử, văn minh văn hoá. Có chút xíu vậy cũng
hổng hiểu. Rồi Thầy giảng lại. Từ đó, bạn học ưa xài chữ
4000 văn hiến để chọc quê nhau!
Một trong 3 câu hỏi toán của Thầy cho thi đệ nhứt lục
cá nguyệt mà tui còn nhớ : Ba cây kim đồng
hồ chỉ số 12 ( 0h 0mn 0sec) Kim giây bắt đầu di chuyển. Hỏi:
1/-Khi nào kim giây gặp lại kim phút sớm nhứt
2/- Khi nào kim phút là phân giác của
kim giờ và kim giây.(độ chính xác là
1/ 100).
Thầy Nguyễn Trí Thành dạy Vạn Vật năm đệ tam và
Lý Hoá năm đệ nhị. Học trò rất «
khoái » phương pháp sư phạm của Thầy vì chỉ
cần chú ý nghe giảng trong lớp, đến ghi vô tập
thì chỉ tóm tắt các điểm chính, còn
lại chừng hơn 1 trang. Dể nhớ, dể thuộc, có thể nói
đó là tinh tuý của bài học. Nhớ thuộc bao
nhiêu đó đủ đi thi rồi. Học trò quá nhiều,
sau gần 50 năm, làm sao mà Thầy nhớ cho hết. Riêng
em vẫn còn thấy Thầy hiện hữu trước mặt, đứng trên bục
giảng trong lớp ở từng trệt đối diện nhìn ra sân cờ THĐ
cũ. Thầy mặc áo sơ mi trằng tay dài, cà vạt
màu xanh, dáng gầy, hơi có chút xíu
răng khểng bên trái, gương mặt hiền từ Thầy thấy chưa, em
đâu có quênThầy.
Ngày qua ngày, rời THĐ, thi vô trường Hàng
Hải Trung Tâm Kỹ thuật Phú Thọ. Gần 300 thí sinh
lấy 24 chỗ, 16 chính thức thì tui đứng hạng 17 nằm trong
danh sách thí sinh dự khuyết. Cũng rán lắm chớ
nhưng làm sao tranh lại với thiên hạ! Nào là
dân Bac Tú Tài Tây, người khác
đã học xong hoặc đang năm cuối bên Khoa học, Luật. Phần
nhiều lớn hơn tui 7, 8 tuổi. Họ trở lại học năm thứ nhứt để được hoản
dịch vì lý do học vấn. Ngoài đời, tầm cở đó
là các giáo sư Toán, Lý Hoá,
Pháp Văn như mấy Ông Thầy tui không hà, học
trò quèn như tui mà bày đặt chen đua với
các Sư phụ, vô phép quá đi.
Cuộc thi gồm 6 bài toán đủ loại, có thể giải bằng
tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Tiếp theo là một bài
Thème Việt dịch ra tiếng Pháp và một bài
Pháp Translate into English. Nhờ mấy câu thơ về công
thức biến đổi Lượng giác của Thầy toán Nguyễn Vũ Hải ở
THĐ dạy mẹo cách nhớ, tui giải chớp nhoáng mấy bài
toán dù không có bảng lượng giác
(không được mang theo vô phòng thi) tới bây
giờ tui vẫn không quên:
Cos đối, Sin bù, Phụ
chéo, Tang khác Pi ( 180°)
Cos cộng Cos bằng hai Cos Cos,
Cos trừ Cos, trừ hai Sin Sin
Sin cộng Sin bằng hai Sin Cos
Sin trừ Sin bằng hai Cos Sin
Sin bằng Sin Cos, Cos Sin
Cos bằng Cos Cos, Sin Sin dấu trừ.
Thầy ơi, nếu Thầy biết là mấy chục năm sau, ba đứa con em khi
học lên cấp III bên Pháp, tụi nó đều thuộc
lòng bài tiếng Việt này thì chắc Thầy sẽ
vui lòng lắm lắm.
Học trò Nhơn xin Tri ơn quí thầy THĐ, Nguyễn Trí
Thành dạy Lý Hoá, thầy Nguyễn văn Trừng
Pháp văn, Thầy Hải, thầy Tô hoà Dương Toán,
Thầy Phong, Cô Ngọc, Cô Tường Vy Anh văn, thầy Điềm, Thầy
Nguyễn Huy ( trục Chépone) Sử địa, Thầy Phạm minh Kiên,
thầy Thuận Việt văn, cô Long (qua đời).
Học trường Việt, tui khổ sở với dấu Hỏi Ngã. Vô
Hàng hải thì lại kẹt tiếng Tây, giống đực, giống
cái, nghe Thầy giảng chữ được chữ mất.
Tui tội nghiệp cho tui, từ chết tới bị thương. Ê, tiếng Tây
của tui không phải tệ như loại tiếng bổi đâu nha, học
trò cưng của Thầy Trừng Pháp văn ở THĐ đó.
Không phải tã con dê bằng Com lơ sen, dà na
cọt, dà na bạt ( Comme le chien, il y a corne, il y a barbe (
giống như con chó mà có sừng, có
râu). Tui viết tiếng Tây rất để ý văn phạm như lời
dạy của Thầy Nguyễn tiên Sanh và Phạm duy Nhượng ở trường
Nguyễn Trãi. Trực tiếp nghe giảng rồi ghi chú, thì
tui hiểu loáng thoáng vì còn phải dịch ra
hiểu theo tiếng Việt. Hởi ơi! Mà toàn là danh từ
kỹ thuật không hà, tìm trong cuốn Danh Từ Khoa Học
của Ông Hoàng Xuân Hản, dịch ra tiếng Việt cũng
khó hiểu luôn! Kỷ niệm đáng thương của tôi,
trong môn Navigation Hải Hành, có chữ
Taximètre, chỉ dụng cụ gắn hai bên đài chỉ huy để
đo phương giác. Vừa thấy chữ đó là tôi
liên tưởng ngay đó đồng hồ xe taxi, ô là la .
. .
Tui vừa nhỏ tuổi nhứt, tiếng Tây dở ẹc như vậy nên bạn
bè gọi diễu tui là thằng Tây con (tưởng hay lắm ai
dè là con nít mới bập bẹ học nói).
Đúng là nhà quê trên tỉnh xuống
Sè gòn, hiền khô chưa biết ăn chơi, nhảy đầm (Khi
xưa em bé em ngu béng beng, em lấy dây thun em quấn
gì gì đó) Mới đây, xem vidéo
đám học trò trong đó có tui đến thăm thầy
DUCASSE trên Paris, bạn học bên Mỹ nói tui bây
giờ thành Tây . . già. Ô, hơn ba chục năm
trên đất Pháp rồi chứ đâu phải ít! Và
tui hiểu tại sao người khuyết tật câm thường bị điếc (để khỏi
phải nghe mà không nói được) Nghĩ trong đầu, bực
thiệt nhưng hổng lẻ mình chịu thua thiên hạ sao?
Học mới có mấy tháng thì tới vụ bãi
khoá, biểu tình Phật giáo. Ở nhà tui
mài mò, rán tự học, dò lại hết cho thấu
đáo các bài trong trường. Lúc vô học
lại, thầy Tổng Giám thị Trương Thế Phiêu ngạc nhiên
thấy tui tiến bộ rõ rệt khi làm bài "Cách
thiết lập trục toạ độ một bản đồ với tỉ lệ định sẵn (Canevas)" được
Thầy DUCASSE phê Très Bien mới hỏi: Bộ gia đình em
có ai đi tàu, dạy kèm cho em à? Thầy
đâu có biết, tui tra tự điển muốn chết thân. Với sức
người, vo gạo tui cũng. . . nấu thành cơm. Sông có
thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý
ấy không bao giờ thay đổi. Chỗ nào không hiểu,
ngoài giờ học, tui bắt đầu dám hỏi thẳng Thầy DUCASSE.
Biết tui dở tiếng Tây, Thầy giải thích chậm chậm,
không phải lẹ như với bạn tui trong lớp. Rồi từ từ khá
hơn, tui gọi thẳng tên các dụng cụ, đồ nghề bằng tiếng
Tây mà không thèm dịch nữa. Tui không
bao giờ quên được câu chuyện Thầy kể về sao Vénus
(Vệ Nữ, Kim Tinh) Lúc đó vào một buổi chiều thứ ba
khi trả lại bài tập định vị trí con tàu bằng
toán thiên văn hàng hải calcul astronautique
làm cuối tuần ở nhà. Tui có kể cho Thầy nghe trong
điện thoại sau mấy chục năm bắt lại được liên lạc. Nhờ Thầy
mà em chưa hề làm toán này sai trong đời
hải nghiệp. Thầy rất vui, nhớ ra liền quê tui ở trên Thủ
dầu Một và bảo tui bây giờ nói tiếng Tây
khá hơn xưa nhiều. Tui hay hơn tui thôi nha. Bây giờ
tui nói tiếng Tây hay như Tàu nói tiếng . .
. Việt chứ không dám hay hơn ai khác đâu hi
hi. (Hồi đó, Ba tui có nói, ngày nào
con nằm chiêm bao, thấy nói chuyện với Tây
thì ngày đó mới khá): Đến nay đã 5
tuần, mấy em làm quen với loại toán thiên văn
hàng hải, mặt trời, mặt trăng, hành tinh và
các vì sao khác. Chỉ riêng có sao
Vénus là các em tính sai góc giờ (
Angle horaire) do lộn dấu của sai số correction"V" lúc cộng
lúc trừ. Các em đừng quên điều này:
CHÍNH VÌ VẬY NGƯỜI TA LẤY VENUS TƯỢNG TRƯNG CHO
PHÁI NỮ, ĐÀN BÀ. Họ cũng y hệt! Lúc vui
lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc
nũng nịu lúc giận hờn, họ đổi dấu cộng sang trừ không
có lý do. Hỏi lý do còn khó hơn
đường lên trời! Là dân đi biển, các em
nên cư xử với họ làm sao để mai đây, một mình
trên biển xa khơi, các em vẫn hãnh diện nhìn
sao Vénus, cầm kính lục phân (Sextant) đo độ cao,
tìm ra đâu là hướng trở về gặp lại những người
đàn bà tuyệt vời ấy! Ôi chao, gần 50 chục năm qua
rồi mà hình ảnh Thầy cầm xấp bài làm của
học trò; cười cười, nói chuyện này vẫn còn
nằm trong trí tui như mới hôm qua.
Tui nhớ thầy Quyền dạy Elect, kỹ sư điện tốt nghiệp ở Grenoble
Pháp. Thỉnh thoảng, Thầy nhắc lại kỷ niệm khi du học với giọng
bực bội là lúc thi tốt nghiệp, Thầy chỉ đậu được hạng
nhì, thua một con đầm!
Thầy Jean Ducasse và các anh cựu sinh viên
trường
Việt Nam Hàng Hải
Đến Pháp vào dịp Noël 5/ Dec/1979, tui nộp đơn liền
lên Bộ HH, xin cấp cho bằng tương đương Thuyền Trưởng HH thương
thuyền CMM. Ba tuần sau, nhận được thơ trả lời. Bộ từ chối vì
không có liên hệ bang giao HH với VN nhưng cấp giấy
giới thiệu tui xuống trình diện trường Marseille và tuỳ
nơi đây quyết định. Ngày 7/ Jan/ 1980, sau cuộc khảo
sát bằng tiếng Anh về trình độ hàng hải (vì
nghĩ rằng VN bây giờ nói tiếng Mỹ) tui phải kể lại chuyến
tàu rời VN, phương pháp hải hành như thế
nào? Sau đó, cả ba vị gồm Giám Đốc Mr RANGO,
Giáo sư TREMILLON và Giám Thị OZANO đồng ý
nhận tui vào năm thứ hai Kỹ sư Hàng hải (chương
trình 4 năm) nhưng hỡi ơi, nếu đi học thêm hai năm nữa
thì ai nuôi vợ con. Cho nên, tui xin học khoá
nào lẹ lẹ để đi làm kiếm tiền thì Mr RANGO cho tui
vào lớp CDQ. Thêm một khám phá: Tui
có tên mới! Thầy và bạn trong lớp gọi tui là
Anh nờ 'N' rồi GUYEN chớ hổng còn Nhơn nửa. Thầy kêu
lên bảng làm toán mà tui vẫn ngồi yên
thì có chết hông! Ô, tui tên Nhơn chứ
đâu phải như vậy. Đi chưa tới một ngày đàng
mà đã học hết mấy sàng khôn! Ngẫm nghĩ lại
chuyện xưa tức cười, hôm nọ tui kể lại trong điện thoại cho thằng
bạn học đang ở bên Mỹ thì nó trả lời bộ có
mình mầy sao, ai cũng vậy hết!
Câu nói của thầy Quyền lởn vởn trong đầu bắt tui phải hết
sức cố gắng không để thua Tây. Cũng nhờ quí Thầy
bên nhà rèn luyện, Trời Phật Chúa Bà
còn thương nên dù mới vừa ra khỏi trại cải tạo, đầu
óc còn lùng bùng ba cái chữ họp tổ,
tự kiểm với đấu tranh, hết khẩn trương rồi khắc phục, tui vô lớp
đã trễ hơn thiên hạ 4 tháng. Đến tháng
6/1980, nhờ cố gắng, tui đậu ra được hạng nhứt Diplôme phần
lý thuyết Sĩ quan Trưởng Phiên CDQ chỉ sau gần 6
tháng đặt chân lên đất Pháp. Nhờ đó
mà Bộ hàng hải cấp luôn cho Brevet bằng toàn
phần khỏi cần qua 10 tháng tập sự. Năm sau, sẵn dịp nghỉ bờ
Congé hai tháng, tui nạp đơn xin thi tự do bằng Thuyền
Trưởng CC trong khi chờ đợi Bộ HH trả lời đơn xin cấp bằng CMM, Thuyền
Trưởng HH thương thuyền Pháp. Lần này, tui được 16,82
vinh danh thí sinh gốc VN, đậu trên hạng nhì
Bernard MARQUES gần 3 điểm trung bình. Năm 1996, tui đang
làm trong Capitainerie cảng Marseille, có Jean BOILOT học
sau tui mấy khoá vào làm việc chung. Hắn kể lại
là mấy Thầy ở trong trường, CHABERT dạy Astro, DELOLME dạy
Navigation, CHOMARD dạy Carte cứ nhắc tới tên mày
hoài mà bây giờ tao mới gặp mặt.
Tui viết ra đây không phải để nói về thằng tui.
Đã vào cuối đời, già rồi, còn ganh đua,
bày đặt khoe khoang làm gì. Tui viết để cho bạn
bè cùng lớp đọc, như là lời cám ơn sự dạy
dỗ đối với Quí Thầy ở trường HH bên nhà. Tui
không trao chuốt câu văn, nhớ sao viết vậy.
Thầy Phùng Lương Ngọc bên Pháp về làm GĐ
thay thế thầy Đặng văn Châu dạy Carte Marine năm thứ hai. Sau giờ
học chiều, trên đường về, Thầy cho tui quá giang ra
Ngã Bảy đón xe về BD. Trên xe, Thầy kể lại
lúc du học bên Tây, gặp biết bao nhiêu
là khó khăn khi xin xuống tàu tập sự vì
mang quốc tịch VN. Tui nhớ hoài bài zône
d'incertitude d'estime với erreur de vitesse, erreur d'observation par
sextant và erreur du Cc, làm sao tìm cách
giảm vùng nghi ngờ khi sắp vào đất liền. Thầy đâu
có biết là đứa học trò Nh này khi thi
môn Carte Marine bằng Thuyền Trưởng CC bên Tây, bản
đồ số 5316 vùng biển Bretagne Pháp, em
«Trúng Tủ» bài Atterrissage với vùng
nghi ngờ. Một lần nữa, đây là lời tri ơn của em với tất cả
tấm lòng đối với Thầy. . .
Có điều này tui chắc chắn là anh em hàng
hải bên nhà không biết! Đừng tưởng tui hay nha, cũng
mới biết đây thôi: Hồi đầu năm 2010, Thầy PELLEN OM1 hồi
xưa dạy tui môn Machine marine có đến ăn cơm ở tiệm của
phân nửa kia nói cho biết, dân hàng hải
Pháp khi đậu thi tuyển vào làm giáo sư
trong trường trực thuộc Bộ Giao Thông, đều trở thành Sỉ
Quan Hiện Dịch, cấp bực khởi đầu là Trung Uý Hải
Quân ( giống như Bác sĩ bên mình vô
quân đội mang lon Trung uý quân y vậy) Thầy PELLEN
khi về hưu, mang cấp Phó Đề Đốc và hưởng hưu bổng trong
điều kiện đó! Ông nói, nếu bây giờ đất nước
xảy ra chuyện, Tổng Thống cần đến thì tao phải trở về quân
ngũ liền!
Ngoài ra, còn có một số các giáo sư
thỉnh giảng như Hoa Tiêu, Giám đốc sở hàng hải, GĐ
sở khí tượng, Cựu Thuyền Trưởng về hưu, Bác sĩ v. . .v
Thảo nào, bây giờ tui mới hiểu. Hồi còn trong
trường, vào các dịp lễ, tui thấy mấy ông Thầy mặc
quân phục toàn là cấp Tá HQ hết trơn.
Các vị Thầy của tui trong trường Marseille phần lớn là
cựu sĩ quan hàng hải của 2 hãng tàu Pháp
Messageries Maritimes gọi tắt là MM và hãng
Chargeurs réunis, hãng 5 sao mà ngày xưa
chạy qua Đông Nam Á.
Ông Cerigelli sinh trưởng tại Saigon, Hải quân Trung
Tá, Luật Sư hàng hải là Giám đốc sở
hàng hải Marseille phụ trách môn Législation
maritime. Năm lên 13, ông theo cha mẹ hồi hương (1953)
Cách nói chuyện, giảng bài của ông rõ
ràng, kỹ lưỡng, chính xác đúng là
một nhà luật học. Chẳng hạn như đang giảng về đề tài
nào đó mà cần dẫn chứng thí dụ thực tiễn
đã xảy ra, ông nói: tôi xin mở dấu ngoặc. Rồi
sau cùng, ông không quên: tôi
đóng dấu ngoặc và giảng tiếp. Trong 15 phút nghĩ
giải lao, ông kể cho tui những kỷ niệm xưa: Mr NGUYEN à,
tôi biết nói tiếng Việt trước tiếng Tây vì
bà vú nuôi của tôi là người Việt.
Bây giờ quên hết rồi, chỉ còn sót trong
trí nhớ vài ba chữ bậy bạ như Ăn no quá, chết rồi.
Cái bụng mập, Đu mẹ …. Cười chết được! Ông còn nhớ
luôn lời bài hát bằng tiếng Nhựt bản thuở đó
rất thịnh hành : bản Shina no yoru! Tui cũng có biết
luôn cả hai lời Việt và Nhựt nửa, tựa là Vọng
Tô Châu: Nhớ. . ., về miền đồng núi xa (hồi xưa chị
của thằng bạn học bên hàng xóm dạy tui hát
lúc 9, 10 tuổi gì đó).Ông ta hát một
câu Shi . . . , i na no yoru yo thì tui tiếp minato no
akari, murasaki no yo ni. Đôi mắt ông ta sáng
lên tiếp liền Noboru janku no, yume no fune . . . như thấy lại
những kỷ niệm tuổi thơ. Nghe khoan khoái trong lòng như
lúc học đàn guitare cổ điển, ai đó dợt bài
14 của Carulli, điệu nhạc 6/8 thông thả trải dài
không có lạc qua valse 3/ 4 sống động, vui tươi.
Thầy CASTAGNERA có một nhận xét chính xác
nhưng rất tức cười về cách đi ăn cơm tiệm của người mình.
Khoảng cuối thập niên 50, mỗi khi tàu ghé qua
Saigon, ông thường mang bom, nho, fromage, rượu chát qua
cho bạn bè VN. Chiều đến, họ đèo ông trên
chiếc Vespa kiếm chỗ ngồi nhậu bia 33 trên bến tàu Nguyễn
Huệ. Hổng có xem ông đi qua mà thích ngắm
bà đi lại! Ôi chao, lạng lách sao mà thấy sợ
quá chừng (Thời bây giờ chắc hết dám đi luôn)
Lai rai rồi lên xe, đi ăn cơm tàu tuốt trong Chợ Lớn. Ăn
xong, chạy về SG kiếm chỗ ăn tráng miệng, chè đủ loại.
Rồi đi uống cà phê, nghe nhạc PHÁP. Một buổi chiều
đi ăn mấy tiệm !
Vui nhứt là Thầy CHABERT, Capt de Vaisseau, Đ.tá HQ, dạy
Thiên văn, toán astronautique và tân
toán học rất thương học trò. Khi ra thi mà
thí sinh không trả lời được thì ông vừa
làm vừa giải thích ra hết trơn. Rồi ông hỏi hiểu
chưa, hiểu thì ông cho 14/20! Lúc đó,
ông khoản 45 tuổi, độc thân.Ông thường nói,
Bon commandant thuyền trưởng giỏi khác với một CDT
expérimenté thuyền trưởng dày kinh nghiệm. Giỏi
là tới khi về hưu không có tiếng tăm, bị mắc cạn,
đụng tàu gì hết còn kinh nghiệm thì ngược
lại.
Tui có một kỷ niệm khó quên với thầy CHABERT: Sau
khi ra trường, tui được một người VN chở hết gia đình chạy dọc
mé biển từ Marseille qua Nice cho biết. Tới chỗ nọ, gần Saint
Tropez từ trên cao, thấy phía dưới có một
bãi biển quá đẹp, bèn ngừng xe lại. Để bà
xã và đám nhỏ trên xe, tụi tui đi xuống dọ
đường thì gặp thầy CHABERT mặc quần tắm, khăn vắt vai, ở trần ở
dưới bãi đi lên. Thấy tui, ông ta nói: Ủa, Mr
NGUYEN, mới tới Pháp có mấy tháng mà Vous
đã biết chỗ này rồi à ? Tui đáp: nhờ người
bạn VN này chở hết gia đình đi qua Nice cho biết, thấy
chỗ này đẹp xuống dọ đường chứ đâu có biết
gì ! Và đây là câu trả lời ( Nhớ nghe
quí vị, một người Pháp bất chợt nói chuyện
này, không có chuẩn bị trước chứ chẳng phải VN hay
Tàu đâu nha ): À, vậy sao! Nè, mà
Vous cũng biết rồi, từ quả đất lên mặt trăng rất gần, chỉ
có 384.000 km, bằng 1/ 400 của khoảng cách mặt trời. So
về khối lượng cũng vậy. Chỉ có phân nửa mặt trăng lộ diện
xoay quanh quả đất mà thôi. Phân nửa kia gọi
là Vẽ Đẹp Bí Mật Của Chị Hằng. Qua bao thế kỷ, Cảnh trăng
rầm hấp dẫn làm con người lúc nào cũng mơ
ước được đặt chân lên đó. Đời nhà Đường
bên Tàu chẳng hạn, Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện,
nằm mơ được bay lên cung Quãng Hàn xem vũ
khúc Nghê Thường. Khi thức dậy, Ông nhớ lại rồi dạy
cho cung nữ múa hát.
Mãi đến tháng 7/1969, Hoa Kỳ phóng hoả tiễn
Appolo, con người mới đặt chân lên cung trăng. Họ mới
khám phá ra bí mật của chị Hằng mà ai cũng
mơ ước, thèm được chiêm ngưỡng đó: khi lại gần
thì hỡi ơi, chỉ thấy toàn là . . lỗ với lỗ ! !
Chào Mr NGUYEN, chúc quí vị một ngày vui vẻ.
Đọc tới đây, có ai hiểu gì không, đưa tay
lên ? Ủa, không có ai hết à! Tui cũng vậy.
Tiếp tục, lối đi kín đáo lần xuống bãi cho đến khi
cảnh tượng hiện ra trước mắt, tui mới hiểu câu nói của
thầy CHABERT : Ây da, Tui đang đi vào khu vực . . . TẮM Ở
TRUỒNG. Ô là la! Từ nhỏ đến giờ tui chưa từng thấy chị
Hằng . . . Tây. Cũng chưa coi tuồng cải lương Con Gái Chị
Hằng. Bây giờ trước mắt lại quá nhiều . . . Con Bé
của Chị Hằng như vậy đâm ra hoảng thiệt. Bèn thối lui !
Dáng dấp của tui hơi phong trần, dân đi biển lì
sóng gió như chưa biết sợ gì nhưng lại có
cái tật . . . hơi nhát nên tui nhịn hay lắm kể cả
nhịn thèm, nhịn ngắm hihi. Hai đứa bèn đi trở
lên. Anh bạn VN cười quá chừng : ông Thầy đáo
để thật, nói xa nói gần bây giờ mới hiểu !
Tự nhiên nhớ lại bài thơ Thầy Đồ:
Thầy Đồ là người tài bộ,
Gánh đồ đi giao thụ phủ Vĩnh
Trường.
Trước nha môn thiết trí
học đường,
Dạy năm đứa chi hồ dã
dã.
Những bữa thầy Đồ nhàn hạ,
Đồ ra sân, ngắm ã
hái hoa.
à lom khom, ã để . . .
đồ ra,
Đồ trông thấy, ngâm nga
tức khắc.
Phong tiền lạng mạn hoa xuân
sắc,
Thuỷ diện lang bang bạnh thổ thần.
Đồ ngâm rồi, Đồ đứng tần ngần,
Đồ nọ ngắm đồ kia không chớp
mắt.
Suốt năm canh Đồ nằm khôn nhấp,
Những mơ màng Đồ nọ tưởng đồ
kia.
Đồ ơi, gặp gỡ làm chi !
Thử hỏi quí vị chứ đêm đó, tui có ngủ ngon
giấc hay trở mình hoài. Nói thiệt nha, trằn trọc
một lúc rồi cũng thiếp đi. Giật mình tỉnh dậy, mồ
hôi đầy mình : Đêm qua, tui vừa mơ gặp . . .
ân nhân râu dài, tóc bạc phơ, nhờ
ông ta mà hôm nay tui thành Tây . . .
giấy ! ! !
Có Thầy dễ chịu như vậy thì cũng có Thầy gắt gao,
khó chịu dễ sợ, đánh rớt thí sinh dù rằng
đó là . . . con ruột của mình. Đối với ông,
thuyền trưởng là phải giỏi nghề vì trách nhiệm
nặng nề. Khi tàu cập bến ở nước khác thì đó
là một quốc gia nhỏ trong một quốc gia. Cho nên, khi chấm
thi môn loại vấn đáp, hỏi đứa con ruột mà nó
không trả lời được, ông ta cho điểm loại và
nói : Mầy về nhà nói với vợ tao là thằng
con của bả học dở quá, chưa làm thuyền trưởng được. Năm
tới phải ở lại lớp. Nghe khủng khiếp chưa!
Một ông giám khảo ở trường khác đến chấm thi,
còn khó ghê gớm hơn nữa : một thí sinh
đã bị ổng đánh rớt năm rồi trên miền Bắc, trường Le
Havre. Năm nay sợ quá, trốn ổng xuống đây ghi tên
thi vì ông này chuyên chấm trên
đó. Ông nổi danh là Người Chuyên Giết
Thí Sinh. Số xui tận cùng, năm nay ông ta lại xuống
miền Nam! Khi thấy tên ổng trên danh sách
giám khảo chấm môn loại Calcul d'assiette, nó than
trời. Mà thiệt, lần này, ông ta đánh rớt
nó nửa! Thê thảm quá.
Ông ngồi nơi bàn học trò, nó đứng trên
bảng. Ông cho tựa đề xong, nói : Je vous écoute,
tôi nghe anh đây.Thằng nhỏ chết điếng, không viết
được một chữ. Mấy phút trôi qua, ông nói:
còn nhiều người sau anh đang đợi bên ngoài
kìa, anh viết cái gì đi chớ! Viết chữ a đi.
Nó lật đật viết chữ a. Ông tiếp: đừng ngưng lại kéo
dài nét cuối ra, kéo ra nửa, ra nửa, tới cửa rồi,
thôi cám ơn, đi ra luôn đi ! Ghê chưa
các bạn đồng khoá của tui, chưa vô phòng thi
mà thấy ướt quần rồi.
Vậy mà số tui hên, hay không bằng hên
là vậy. Tới phiên lên máy chém,
ông hỏi tui về Carène Liquide với cách tính
Moment d'inertie trong hầm tàu dầu. Ối giời ơi, đây
là món ruột của em đấy các anh ạ! Mới coi lại
bài này hôm qua thôi. Nghe tui trả lời
suôn sẻ vừa dẫn chứng công thức, chừng được ba phút
thì ông ta chận lại, hỏi: anh có làm thuyền
trưởng rồi phải không ? Tui đáp dạ có. Ông ta
nói : Tốt, được rồi, Cám ơn anh, anh có thể đi ra
!!! Lại Chúa Bà, Trời Phật, có bao nhiêu chữ
Amen, Mô phật tui làm ráo hết. À, tui nhớ ra
rồi, ông ta tên là MENAN, nghe nói hồi xưa
vốn là Phó Thuyền Trưởng chiếc tàu FRANCE với
câu ghi chú bất hủ trên Paris Match Voici Le France
dont La France est fière. ( Đây là chiếc tàu
France mà nước Pháp hãnh diện vì nó).
Cha mẹ tui vốn là nhà giáo ở tỉnh BD. Chuyện
tôn sư trọng đạo, quân, sư, phụ là truyền
thống tốt đẹp của dân mình. Trong nhà, cả hai
thường hay nhắc nhở điều đó với con cái.
Ngày Ba Vú tui qua đời, học trò củ đội khăn tang,
đến quỳ trước linh cữu. Có anh chị học trên tui mấy năm,
hoặc học sau tui mấy khoá. Hết lớp này đến lớp
khác.
Một người bạn Pháp du lịch VN, lúc đó đang ở
Saigon biết tin. Anh vội mang bó hoa, đi Taxi lên BD chia
buồn với gia đình. Thấy học trò Ba tui, bây giờ
đã là những ông bà già trên 60
tuổi, tóc bạc phơ, hàng hàng lớp lớp đến quỳ trước
linh cữu, anh ta đi từ ngạc nhiên qua đến ngưỡng mộ tinh thần
tôn sư trọng đạo của VN. Tui giải thích cho anh ta biết
là đối với người VN, đã là học trò
thì suốt đời phải giữ phận học trò đối với Thầy,
dù mình có làm ông này
bà kia trong xã hội đi chăng nữa.
Sẵn dịp, hỏi nó một câu, nó nói không
biết nên tui kể cho nó nghe:
Hồi nhỏ, tao có học bài Phải Tôn Kính Thầy.
Chuyện kể bên xứ Pháp, Tổng Thống Sadi CARNOT về thăm
quê củ. Nhân tiện trên đường đi, ông ghé
qua thăm ngôi trường xưa. Thầy lớp vỡ lòng vẫn còn
đó, vội ra đón tiếp ông với vẽ tôn
kính đối với một Tổng Thống. Ông ôm Thầy trong
vòng tay và nói: « Thưa Thầy, đừng
làm như vậy, con mãi mãi là đứa học
trò bé bỏng của Thầy ngày nào »
Trước mặt mọi quan chức và đám học trò, ông
nói « Đây là Vị Thầy đầu đời, người đã
khai tâm cho tôi. Tôi có được ngày nay
là nhờ công ơn dạy dỗ của Thầy. Riêng các em,
phải cố gắng học hành, nghe lời Thầy dạy để mai sau thành
người có ích cho xã hội. Nhớ nghe các em,
không Thầy đố mầy làm nên! ». . . Quá
tuyệt vời.
Cựu GĐ Đặng văn Châu là vị Thầy đầu đời trong nghề
Hàng hải của tui, duy nhất sống bên Pháp.
Các Thầy khác phần lớn bên Mỹ.
Ngày Thầy về cõi vĩnh hằng, tui được các
Quý Thầy, Niên Trưởng khắp năm châu giao phó,
đại diện đến dự tang lễ. Tui đã giữ đúng phận học
trò của mình, đội khăn tang đến quỳ lạy trước linh cữu
như còn bên VN.
Trời thương cho tui tánh nhớ dai. Khuôn khổ hạn hẹp của
bài không cho phép tui kể ra hết từng vị Thầy, từng
bạn học, từng nét mặt, từng câu nói mà tui
không quên. Cho nên, gặp lại bạn học, tui
thích nhắc lại chuyện Thầy cũ Trường xưa thuở nào.
Âu dó cũng là Tình nghĩa Giáo Khoa
Thư vậy.