Nhân vật xóm Thành Quan và Đường Đắp Mới.

Minh Tâm
(với sự đóng góp bổ túc của BS Nguyễn Như Thạch)


Thành Quan năm 2013 ( ảnh: Huỳnh Hoàng Anh)

Thấy bà con mình nói chuyện vui quá về xóm cũ, nên mạn phép góp vài hàng về những nhân vật của quê mình xưa kia.

Con đường Đắp Mới sau khi hoàn tất thì có tên là Đường Chánh Hiệp. Sau 1963 đổi là đường Nguyễn Tường Tam. Tiếp đến, sau 1975 thì đổi tên thành Ngô Chí Quốc. Tên Chánh Hiệp hay Nguyễn Tường Tam thì mình còn biết ý nghĩa chút đỉnh, riêng Ngô Chí Quốc là ai thì mình mù tịt.

Thời 1960 đây là một con đường đất đỏ, bề rộng chỉ khoảng 4 hay 5 mét. Hai bên đường nhà cửa còn thưa thớt, thường là nhà vách ván, ngói âm dương. Hàng rào giữa các khu nhà thì làm bằng cách trồng cây bông bụp.

Đây là đường đất, tới mùa mưa thì ổ gà nhiều lắm, nhứt là khoảng trước nhà Ông Đội Râu. Xe tải đi ngang hay bị lún lầy. Sau nầy công chánh đổ đá mấy lần, rồi mở rộng và tráng nhựa nên mới được khang trang như ngày hôm nay.

Nhớ lại một số nhân vật của xóm nhỏ nầy:

Bên số lẻ:

Từ trên Thành Quan trở xuống Cầu Mới đầu tiên là một chòm mã đá ong (chủ sở hữu là ông Kinh Đến). Tiếp theo là nhà Bà Ba Phụng. Con của bà là dì Ba Nữa. Trong khu nầy có thêm nhà thằng Chệt, nhà dì Hai Tuôi, dì Hai Bưởi bán chè đậu, và bà Tám Liễu. Ở đây có một giếng nước mà dân xóm Cầu Mới hay lên lấy nước về xài. Tiếp theo là nhà ông Cả Luận. Đây là một biệt thự có hàng rào bê tông kiên cố. Khu đất nầy cũng có một giếng nước trong như bên nhà bà Ba Phụng. Thụt vô trong một chút là nhà ông Hai Dung. Tiếp tới là nhà ông Tám Thanh. Rồi tới nhà Bà Nết, nhà ông Tư Bân.

Tiếp tới là nhà ông Xã Nhượng nơi có nhiều xe cam nhông vận tải đường dài. Xuống tiếp là nhà của ông Năm Non, có con gái Kim Hoa sau nầy là chủ tiệm vàng. Kế bên nhà ông Năm là của một ông làm ở Kho Bạc. Kế bên có một đường hẻm. Con đường hẻm nầy là đường lên Thiên Thai vì phía trong có một hồ cá tra, nơi dân xóm Cầu Mới xả bầu tâm sự.

Kế con đường hẻm là Lò Bánh Thửng và nhà ông Mười Kẹo làm sơn mài. Kế bên có một nhà có xe cam nhông. Kế bên nhà nầy là nhà ông gì làm trưởng Ấp. Ông ta có thằng con tên là thằng Đực Lì. Thằng nầy nổi tiếng quậy phá. Sau nầy nó đi lính BĐQ. Gần cầu thì có nhà ông Út Ga (là ba của anh Diệp - Trịnh Hoài Đức). Kế bên có đường hẻm. Dãy nhà gần cầu có nhà của anh Hai Khánh có quán phở ở ngã tư piscine – nơi bị nổ lựu đạn làm anh cụt mất một chân may mà không chết.

Bên số chẵn thì ít nhà hơn:

Đầu tiên là nhà ông Ngoại tôi, hay được gọi là ông Quản. Trong đất ông Ngoại có nhà chị Hai Cho (chị của anh Đây, anh Biểu) và nhà chị Mây - ở góc đường Châu văn Tiếp & Nguyễn Tường Tam gần Thành Quan. Tiếp theo là nhà tôi. Người trong xóm gọi má tôi là Dì Sáu Sáng. Hồi xưa, ba tôi có hãng làm sơn mài hiệu là Cảnh An. Thụt vô trong một chút có nhà Dì Hai Bé, con dì là chị Hai Quế, anh Xuân, chị Nguyệt, anh Hùng… Ngoài ra, còn có nhà ông Năm có đạo - sau bán cho ông bà Nhựt Tân. Phía ngoài đường là khu vườn nhà tôi kéo dài gần nửa con đường tới chỗ đường hẻm vô hồ cá tra mới hết.

Giáp ranh nhà tôi có nhà của Bà Chín Phấn. Bà là thân mẫu của cô Năm Bèo (cô Năm Giỏi) - là cô giáo ở trường Nữ có nhà ngoài đường Ngô Quyền, cô Bảy Chì, cô Tám Nở - làm y tá. Sau đó là nhà ông Đội Râu, nhà của thằng Sấm (nhà nầy và nhà thằng Chệt là 2 gia đình người Hoa ít ỏi trong xóm). Sau đó là nhà ông Kiểm Lâm tên Lục văn Triệu - ba của chị Mỹ Hương. Dãy phố gần cầu có nhà ông Huyện Thức, người đã từng có mặt trong đoàn lực sĩ VNCH tham gia Thế Vận hội Helsinki - Phần Lan. Sau nầy có BS Nguyễn Tấn Tờn mua căn phố ở sát cầu.

Cầu Mới bắc ngang rạch là một cầu dài chừng 20 mét làm bằng dàn thép. Cầu nầy sử dụng được hơn 10 năm thì yếu, công chánh thay bằng cầu khác cũng là dàn Eiffel. Chiếc cầu thứ hai nầy cũng không may mắn vì vài năm sau có một chiếc xe chở gạch chạy ngang. Cầu chịu không nổi đổ sụm xuống sông. Lúc đó có công binh Tân Tây Lan sửa lại bằng cầu mới cũng là dàn Eiffel. Sau 1975, đường mở rộng hơn một chút, cầu dàn thép được thay bằng cầu đà thép. Chiếc cầu nầy xây được mấy năm thì đường lại tráng nhựa và mở rộng thêm nên lại được thay bằng cầu bê tông như bây giờ.

Từ Cầu Mới ra đường Ngô Quyền thì ít nhà cửa hơn và tôi không biết rõ lắm. Nhưng nhớ có nhà ông Bảy Chà - người Pakistan, sau đó là khoảng đất trống và vài căn phố. Năm Mậu Thân mấy căn phố nầy bị đốt cháy nhưng sau đó cũng được phục hồi lại. Ra tới ngã ba là nhà Bà Tư Thanh.

Phía bên kia là một con rạch nhỏ dọc đường.  Từ cầu trở ra thì có nhà của Minh Thu ở sát bờ sông. Tiếp đến là nhà thầy Huệ, cô Hạnh. Nhà Lý Vinh chuyên làm gà vịt để bán thì cũng mới tới sau nầy. Tiếp đến là nhà một ông có đạo sau đó là nhà bà Bếp bán me. Ra tới ngã ba Ngô Quyền là nhà ông Đội Vui (ba của anh Nguyễn Hữu Của).

Xóm nhỏ hồi xưa ít người lắm. Bà con hầu như quen biết nhau và tương thân tương ái. Nổi tiếng về đạo đức thì có ông Ngoại tôi, ông Cả Luận, ông Huyện Thức, ông Đội Râu… Còn nổi tiếng về “mập” nhưng có hai ông chồng "bự" thì có Bà Nết.  Xóm dưới thì có “thằng” Đực Lì là người hơi dữ dằn. Lúc đó Đực Lì cũng 17-18 tuổi rồi nhưng vì anh nầy hơi quậy nên người trong xóm cứ gọi là “thằng” hoài cho tới khi anh ta tử trận.

Người đẹp ở xóm Cầu Mới thì phía trên gần Thành Quan thì có chị Hồng Đào, chị Cảnh, chị Cúc, chị Điệp, chị Nguyệt… phía dưới gần cầu thì có chị Kiều, chị Cúc Hương, chị Phương, chị Mỹ Hương…

Từ giã quê xưa, lập nghiệp ở xứ người tính ra đã hơn một phần tư thế kỷ. Bây giờ trở lại, xóm cũ đã có biết bao đổi thay. Nhà cửa xây mới hơn, đẹp hơn nhưng người xưa đã ngày càng ít dần. Hai bên đường toàn là phố xá, không còn cây xanh. Tìm đâu thấy những khu vườn trái cây xanh mát. Kiếm đâu ra những giếng nước trong trẻo mát lịm. Chắc khó nghe được những câu hò ru con trong đêm buồn vắng lặng. Biết làm sao để nghe được tiếng ve kêu râm ran của ngày hè trên những cây chôm chôm, dâu, sầu riêng.. đầy trái. Xóm cũ nay đã thành phố thị, người xưa có luyến lưu thì cũng không biết tìm lại ở đâu, có chăng là những lời tâm tình thân thương được ghi chép lại để cùng nhau nhắc nhớ những ngày tháng êm đềm một thưở nào…

(9/2015)