Thành Quan

Minh Tâm


Ở Bình Dương có địa danh Thành Quan nằm ở phía bắc chợ Thủ Dầu Một cách đó khoảng 2 km.

Thành Quan gồm 5 biệt thự hai tầng nằm giữa hai đường Nguyễn văn Tiết (Châu văn Tiếp cũ) và Lạc Long Quân (đường mới có khoảng năm 1970). Đây là nơi cư ngụ của sĩ quan làm việc ở Trường Công Binh. Cổng vào Thành Quan trước đây nằm ở phía tây (góc đường Nguyễn văn Tiếp và Lạc Long Quân), nay đã đổi sang góc đường Nguyễn văn Tiếp và Tú Xương (thẳng góc Cách Mạng Tháng Tám, QL13 cũ).

Người Pháp đánh chiếm Bình Dương khoảng năm 1861, sau đó họ bắt đầu xây Dinh Tham Biện (Dinh Tỉnh Trưởng) và Đồn Lính (gọi là Thành Săng Đá - tức là Trường Công Binh ngày nay). Thành Quan chắc được xây dựng sau đó khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Những căn biệt thự nầy rất lớn, được bố trí theo hình vòng cung dọc theo đường Châu văn Tiếp với vật liệu bằng gạch ngói rất chắc chắn. Xung quanh 5 căn biệt thự nầy có tường rào bằng gạch để bảo vệ. Trước mỗi căn biệt thự có cổng nhỏ bằng sắt. Phía sau có tháp nước cao. Trong trường rào người ta trồng rất nhiều cây sao, dầu toả bóng mát. Phía ngoài thành, dọc theo đường Châu văn Tiếp cũng được trồng rất nhiều cây sao, dầu, bằng lăng ...

Năm mươi năm trước, phía trước Thành Quan, đường Châu văn Tiếp là một con đường đất đỏ. Dọc đường nhà cửa lưa thưa. Ở góc đường Châu văn Tiếp và Nguyễn tường Tam (Ngô chí Quốc) có một nghĩa địa nhỏ với vài ngôi mộ bằng đá ong. Phía tây Thành Quan có mộ của ông Huyện Lì. Phía đông bắc có một nhà chuyên đóng móng cho bò, ngựa. Phía sau Thành Quan lúc đó là một khu đồi đất đỏ, rừng chồi lúp súp không có người cư ngụ (*). Phía tây bắc là xóm Gò Cầy.


Theo lời kể của ba tôi, năm 1945, khi Nhựt đảo chánh Pháp ngày 8/3/1945 có một vị quan năm (trung tá) người Pháp đã tự sát ở trong Thành Quan. Ông nầy cấp trung tá chắc là vị chỉ huy của Thành Săng Đá. Một số sĩ quan người Pháp khác đã trốn xuống khu vườn sau nhà ông Cả Lâm văn Luận và núp ở đó vì sợ người Nhựt bắt giết. Họ được gia đình ông Cả Luận nuôi ăn và giúp đỡ. Sau nầy khi hoà bình trở lại họ có trở lại thăm ông Cả và cám ơn rất nhiều.

Khi Pháp rút đi, Thành Quan do quân đội VNCH tiếp thu. Khi người Mỹ đến, họ được phân vào ở hai biệt thự ở phía đông bắc. Một đêm tối trời khoảng năm 1964 - 1965, đặc công đã cắt hàng rào vào đặt mìn một trong hai biệt thự nầy. Sau đó có tiếng máy bay trực thăng tới tải thương. Thiệt hại như thế nào thì không bên nào công bố nhưng sau đó người Mỹ cũng không còn ở đây. Cũng trong đêm nầy, nhà ông Tư Bân làm cảnh sát nằm trên đường Nguyễn tường Tam cũng bị đặt mìn ở phía trước làm cho nhà bị hư hại phía trước và một người con của ông bị thương.

Sau đó, Thành Quan được bố phòng cẩn thận hơn, nhiều hàng rào kẽm gai được thiết lập, nhiều công sự được xây thêm dọc theo các điểm trọng yếu và chỉ có một lối ra vào ở phía tây. Tuy nhiên, về quân sự nếu xét kỹ thì đây là một căn cứ không quan trọng, chỉ là nơi cư ngụ của gia đình sĩ quan với toàn là những căn nhà ở, nổi trên mặt đất, mà lại quá rộng nên dễ công khó thủ.


Tối ngày 21/3/1968, Tiểu Đoàn Phú Lợi đã tấn công Thành Quan từ hướng Nam. Họ bắn AK và B40 làm hư hại những biệt thự ở giữa và phía đông bắc. Sáng ra, nhiều người dân ở khu vực lân cận thấy rất nhiều vỏ đạn AK47 quanh nhà. Không biết thiệt hại nhân mạng của hai bên ra sao. Sau cuộc tấn công nầy, gia đình các sĩ quan chỉ ở trong Thành Quan vào ban ngày. Tối đến, họ dọn tới các nhà bà con hay nhà dân lân cận để trú ngụ.

Thời gian nầy, những cây cao phía trước Thành Quan bị công chánh hạ xuống để làm vật liệu xây dựng nhưng ở trong Thành thì vẫn còn những cây sao, dầu to lớn. Mỗi năm tới mùa, hoa sao có dạng giống như một trái cầu rơi xuống khu lận cận rất nhiều.

Ngày 30/4/1975, những sĩ quan công binh ở Thành Quan bỏ chạy khỏi nơi đây. Dân nghèo quanh vùng đã vào thành hôi của. Sau đó bộ đội đến tiếp thu. Khoảng năm 1980, các cây cao trong Thành cũng bị đốn bỏ, sau nầy thấy đã trồng lại nhưng cây còn nhỏ. Sau bao năm thăng trầm, Thành Quan bị xuống cấp hư hại nhiều.

Gần đây (khoảng năm 2015), Thành Quan đã được sửa chữa. Các biệt thự có màu sơn mới hơn nhưng không giống 100% kiến trúc cũ. Có lúc Thành Quan là Trường Cao Đẵng Kỹ Thuật Công Binh. Bây giờ nơi đây thuộc sự quản lý của Bộ Quốc Phòng và hình như trở thành một khách sạn của quân đội
./.

Cái tên Thành Quan hiện giờ chắc cũng ít người biết./.




Một biệt thự ở giữa Thành Quan

*****
(*) : Đường Lạc Long Quân ở phía bắc Thành Quan ngày xưa là một con đường đất đỏ nối từ Châu văn Tiếp vào sâu khoảng 500 mét là hết. Sau năm 1968 đường nầy mới kéo dài sâu vào trong. Nhà cửa hai bên đường lúc đó còn rất ít. Sau chiến cuộc năm 1972, một số dân tỵ nạn từ Bình Long về đây cư ngụ. Thêm vào đó việc xây cất Tiểu Chủng Viện và một Trường Tiểu Học ở đó cũng làm cho khu vực đông đảo dần. Sau 1975, khi Tiểu Chủng Viện đổi thành Trường Đảng thì đường mới được tráng nhựa.