TÂM THƯ HI TRƯỞNG
Số 2


Tết Thầy
Nguyễn văn Diệp



California ngày 17/4/2011

Kính thưa quý thầy cô, quý anh chị và quý bạn đồng môn THĐ,

Thời gian đi quá nhanh! Mới đây mà đã hai tháng rồi kể từ ngày tôi từ giã từ Việt Nam sau chuyến thăm viếng
gia đình, thầy cô và bạn bè. Chỉ một ngày sau khi trở lại Hoa Kỳ thì đâu vào đấy, tôi lại phải tiếp tục chạy đua theo nhịp sống của Hoa Kỳ “không thể tà tà được”. Đã thế, do nhu cầu đặc biệt khẩn của công tác, chúng tôi còn bị cấp trên yêu cầu làm thêm nhiều giờ phụ trội mỗi ngày. Thế là “đầu tắt mặt tối” từ đó đến nay, ngày nào cũng “cày” 12 tiếng, kể cả thứ bảy. Chắc tại làm việc nhiều quá nên bệnh đau lưng tái phát. Sáng sớm ra đi, chiều tối mới về. Đến nhà chỉ muốn nằm nghỉ lưng một giấc, để sáng sớm hôm sau còn sức đi cày tiếp cho đến cuối tháng 05/2011, trước khi có ngân sách mới tệ hơn. Thì giờ không có để trả lời email, làm sao có rảnh ôn lại trí nhớ để viết bài cho trang web của Hội. Mọi việc vì thế hơi bị chậm lại. Xin lỗi quý thầy cô và quý anh chị về sự chậm trễ nầy.

Trở lại chuyện chuyến đi. Vài tuần trước khi đi, nhân một buổi sáng uống cà phê với thầy Lục, cô Liên và vài anh chị đồng môn THĐ, tôi có nói qua về ý định nhân cơ hội về thăm gia đình lần nầy, tôi sẽ tìm thăm và tặng chút ít quà Tết cho một vài thầy cô cũ ở Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chánh trong việc mua sắm Tết.
“Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy” mà! Một công đôi việc, như tôi vẫn hay làm. Biểu lộ sự đồng tình với tôi, thầy cựu Hiệu trưởng Nguyễn Trí Lục và cô Hà Thị Liên, anh Nguyễn Văn Tiếp K9, anh Trần Minh Tâm K3 chung góp được 250 đô la nhờ tôi chuyển gửi về cho bất cứ thầy cô nào mà tôi thấy là có nhu cầu. Cùng lúc đó, một CHS/THĐ K3 ở Pháp gửi 200 Euro (khoảng US$265), Nguyễn Thị Kim Oanh K9 ở Canada gửi US$200, một CHS K9 ở Katy, Texas gửi 200 và một CHS K11 ở Nebraska gửi 50. Tổng cộng là US$ 965.

Sợ quá cận Tết sẽ không có ai rảnh rỗi hướng dẫn mình tìm nhà các thầy cô, nên khi vừa về tới Việt Nam, tôi quyết định dành hẳn một tuần đầu tiên cho công tác nầy vì tính ra cũng còn hai tuần nữa mới đến Tết. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi ở của Cô Nguyễn Thị Kim Hưng. Cùng đi với tôi có chị Lê Thị Nguyệt CHS K2 từ Mỹ về, anh Nguyễn Văn Khê CHS K6 và bà xã Trần Thị Phượng (không rõ khóa nào), cả hai ở Việt Nam. Phương tiện di chuyển là đi nhờ đoàn xe của người thân đi cúng Chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc. Trước đó, tôi đã gọi điện thoại cho thầy Từ Văn Nhung, cựu Hiệu trưởng THĐ cũng là bạn cùng khoá và cùng xóm Cầu Mới ngày xưa với tôi để hỏi thêm tin tức về Cô Hưng và những thầy cô khác. Qua thầy Nhung, tôi được tiếp chuyện với anh Đỗ Thái Bình, đương kim Hội trưởng Hội CHS/THĐ trong nước. Nhờ sự chỉ dẫn của anh Bình, nhóm chúng tôi đã gặp được cô tại nhà riêng. Cảm giác đầu tiên của chúng tôi là rất ngỡ ngàng và vô cùng xúc động. Chúng tôi ôm cô với bao nỗi nghẹn ngào, không ngờ bây giờ cô già yếu, tiều tuỵ và thiếu thốn đủ mọi thứ như thế nầy, khác xa với hình ảnh của cô 45 năm trước trong ký ức tôi.

Năm nay đã 75 tuổi, vẫn với dáng dấp cao cao gầy gầy như ngày nào, cô nói năng nhỏ nhẹ, hiền từ và thân thiện, nay có hơi khom một chút do bị chấn thương cột sống sau một tai nạn té ngã ngoài chợ. Cô sống một mình trong gian nhà nhỏ rất đơn sơ, đơn sơ đến không tưởng tượng nỗi, bên cạnh một ngôi chợ nhỏ đang trong tình trạng di dời. Phía trước cửa nhà cô có vài người buôn bán rất nhỏ thuê chỗ ngồi, họ trả cho cô số tiền tổng cộng khoảng 40 ngàn đồng VN (chưa đầy 2 đô la) một ngày. Đó là tất cả thu nhập của cô hiện nay. Cô cho biết trước đây cô cũng đã từng tự sử dụng mặt bằng nhỏ hẹp nầy để buôn bán chuối, củi nhỏ rồi tàu dừa kiếm tiền sinh sống. Nhưng đến năm 1999, không may cô bị té ngã tại chợ, hậu quả là đĩa sụn ở sống lưng bị lệch, cô bị đau lưng triền miên không thể tiếp tục làm việc được nữa, đành phải cho thuê mặt bằng sống qua ngày. Được biết căn nhà nhỏ xíu nầy do cha cô mướn lâu đời, bây giờ nhà nước không cho cũng không đuổi nhưng không cấp sổ đỏ (giấy chủ quyền). Phía vách ngoài bên trái cửa  có một tấm bảng nhỏ màu xanh chữ trắng ghi là: “Hội CHS trường trung học THĐ tỉnh Bình Dương xây tặng”. Đây là công trình của Hội CHS/THĐ trong nước thực hiện năm 1998. Cô nói: “Cô rất vui và hãnh diện về các cựu học sinh của cô vì cho dù ở thời nào hay ở nơi đâu, trong cũng như ngoài nước, các em vẫn nhớ đến cô”. Bên trong căn nhà, đồ đạc cô dùng cũ kỹ lắm. Tôi đoán chắc là của phụ thân cô để lại. Bên cạnh tủ thờ ông bà là bức chân dung của chính cô khi còn trẻ. Nhìn tấm ảnh, tôi chợt nhớ về dĩ vãng với cô giáo dạy môn Vạn Vật cho mình ngày nào. Hồi đó dân Ban B tụi tui (vốn rất thần tượng thầy dạy Toán Nguyễn Vũ Hải vì phong cách sống và phương thức dạy học của thầy)  không mấy mặn mà với môn Vạn Vật, nhưng vì cô rất hiền lành, đứng đắn và thương mến học trò nên được cảm tình của rất nhiều học trò. Cô tâm sự về quá trình hoạt động của cô như sau:

Cô về dạy ở trường trung học THĐ từ năm 1961 đến 1966. Sau đó về trường Sư phạm Qui Nhơn tiếp tục dạy học đến 1972. Từ 1972 đến 1975 cô đổi về dạy ở trường Sư phạm Long An. Sau năm 1975 cô dạy học ở nhiều trường khác nhau. Khúc quanh của cuộc đời xảy đến khi ba cô bị bệnh nặng, cô phải xin nghỉ dạy không lương dài hạn để chăm sóc cho ông. Hai năm sau, ông mất. Cô làm đơn xin đi dạy lại thì bị từ chối. Việc nầy dẫn đến một hệ luỵ là tên cô không có trong danh sách lãnh lương hưu của chính phủ. Sau nhiều lần khiếu nại bất thành, cô đành bó tay chịu nghèo. Mọi người đều nghẹn ngào khi nghe cô kể. Tôi thầm nghĩ đến số tiền rất khiêm nhường mà tôi mang về lần nầy, chắc chắn là quá ít so với nhu cầu của nhiều thầy cô nay đã già yếu và bệnh tật, không làm gì có tiền như Cô Hưng. Với đôi tay kính cẩn và một tấm lòng biết ơn sâu xa, tôi thay mặt Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư & Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức ở hải ngoại kính tặng cô một món quà sơ khởi là 200 đô la giúp cô mua sắm mùa Tết. Tự hứa là sẽ trở lại tặng cô thêm nếu còn tiền và còn cơ hội. Tiếc rằng, ngay sau Tết tôi phải chuẩn bị trở lại Mỹ, không còn thời gian nữa. Tôi tự nhủ rồi đây sau khi trở về Mỹ, chắc là mình và các bạn còn phải làm điều gì hơn nữa để giúp cô chứ không phải chỉ có thế. Lúc chia tay, cô đưa chúng tôi ra đến tận chỗ đậu xe. Nghẹn ngào giã biệt cô, tôi chợt nhớ về dĩ vãng huy hoàng của cô ngày nào, luôn luôn trong chiếc áo dài tha thướt hợp cùng mái tóc ngắn gọn tươi trẻ, ngày qua ngày cô lái chiếc xe mobilette màu xanh đến trường THĐ dạy học. Mới đây mà đã gần nửa thế kỷ rồi!

(Mấy tuần sau, trước lúc lên đường trở về Mỹ, tôi gọi điện thoại chào từ biệt cô. Cô báo cho tôi biết một tin mừng. Cô nói: “Chắc là nhờ trang web của các em ở hải ngoại vừa mới phổ biến hình ảnh và tin tức mới nhất về cô nên cô cũng vừa nhận được 400 đô la của thầy Nguyễn Văn Mẹo và cô Đặng Thị Ánh từ Mỹ gửi về biếu tặng”).

Trở về Bình Dương, sáng hôm sau tôi hẹn với anh Nguyễn Văn Khê K6, anh Huỳnh Văn Một K5, thầy Từ Văn Nhung K5 và thầy Nguyễn Văn Phúc K1 tại một quán cà phê ở khu chợ Thủ Dầu Một. Hai vị sau đều là cựu Hiệu trưởng trường THĐ. Tôi nói tôi thật sự không biết rõ lắm về  tình cảnh hiện tại cũng như nơi ở của quý thầy cô bên nầy, nhờ quý thầy và quý anh cố vấn giùm. Thế rồi chúng tôi hẹn gặp anh Hội trưởng Đỗ Thái Bình và anh Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng đương nhiệm trường THĐ tại văn phòng của trường. Tại đây chúng tôi được hướng dẫn đi thăm tượng Ông Trịnh Hoài Đức và khu văn phòng của trường. Nghe thầy Nhung nói chính thầy Phúc cũng có khó khăn về tài chánh, tôi quyết định thay mặt Hội kính tặng thầy 100 đô la phụ giúp thầy mua sắm Tết. Thầy rất cảm động khi gửi lời cám ơn đến quý thầy cô và quý anh chị ở hải ngoại. Nhân dịp nầy, Anh Bình có nói sắp qua Mỹ du lịch trong thời gian sắp tới. Anh hy vọng sẽ có cơ hội gặp gỡ quý thầy cô và quý anh chị bên nầy để hàn huyên tâm sự. Tôi hứa sẽ giúp dàn xếp việc đó khi anh đến Hoa Kỳ.

Rời trường trong không khí thân thiện và vui vẻ. Theo đề nghị của thầy Nhung, chúng tôi băng qua đường ngay phía trước trường thăm thầy Phan Thanh Đào. Với mái tóc trắng xoá, thầy có vẻ già yếu và bệnh hoạn lắm. Được biết thầy vừa trải qua một ca mổ và hiện đang tịnh dưỡng. Nghe thầy Nhung nói thầy Đào khá chật vật về tài chánh, tôi đại diện Hội gửi biếu thầy 100 đô la phụ giúp gia đình thầy mua quà bánh Tết. Thầy nói: “Thầy cảm thấy rất vui vì biết rằng ở bên kia vòng trái đất vẫn còn có các giáo sư bạn và các em học trò cũ nhớ đến thầy”.

Trở về lại thị xã, tôi và thầy Nhung đến thăm thầy Bùi Quang Lưu ở đường BS Yersin. Thầy nguyên là cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Bình Long, thuyên chuyển về dạy môn Văn ở trường THĐ từ năm 1972. Sau năm 1975 thầy bị tập trung cải tạo đến 1978. Hiện nay thầy đã 78 tuổi rồi, rất già yếu và có nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tôi xin thầy nhận cho món quà nhỏ 100 đô la của thầy cô và quý anh chị ở hải ngoại gửi tặng giúp thầy chút ít mua sắm Tết. Thầy rất vui và gửi lời cảm tạ chân thành đến quý thầy cô và quý anh chị sau mấy mươi năm xa cách vẫn không quên thầy. Hiện diện tại nơi họp mặt, chúng tôi rất vui khi gặp lại người bạn cùng khóa 5 vui tính là anh Nguyễn Văn Nghĩa.  

Hôm sau tôi nhờ đứa em ruột dò tìm và chở tôi đến nhà thầy Nguyễn Bé Tám. Trước đó, tôi đã hỏi ý vài bạn đồng môn ở Mỹ cũng như ở VN về quan điểm cá nhân của quý anh chị đối với thầy. Nói chung là có hai quan điểm khác nhau rõ rệt. Vì sao thì chắc là mọi người đều biết. Riêng tôi, tôi sẽ cảm thấy áy náy biết bao khi đã về đến Bình Dương mà không tìm đường đến thăm thầy của mình đang lâm trọng bệnh. Khi trả lời câu hỏi của tôi về vấn đề quan điểm đối với thầy, Hoàng Anh, một CHS/THĐ ở VN nói rất đúng khi nhắc đến công ơn sâu nặng của thầy Bé Tám dành cho rất nhiều thế hệ học sinh THĐ trong suốt quá trình dạy học nhiều năm của thầy tại trường. Dù thế nào, thầy vẫn là thầy của chúng ta.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong nước mắt. Tôi sụt sùi vì thấy thầy quá ốm yếu bệnh hoạn bên cạnh một đống thuốc phải uống nhiều lần cho hết trong ngày và một tô súp lõng bõng trị bệnh mà ngày nào thầy cũng chỉ ăn giống như thế, không ăn được gì khác. Thầy đã khóc vì quá xúc động khi được biết là tôi đến thăm thầy không chỉ với tư cách cá nhân mà là của một tập thể thầy và trò Trường THĐ ở hải ngoại. Thầy  nói: “Thầy không ngờ từ bên kia bờ Thái Bình Dương xa thẳm vẫn có rất nhiều người còn tưởng nhớ đến thầy. Mới mấy tháng trước đây, thầy đã nhận được một số tiền trợ giúp tương đối khá của các anh chị khoá 9 ở Mỹ gửi về, nay đến lượt em đến tận nhà thăm và tặng thầy 100 đô la phụ giúp mua sắm quà Tết với gia đình thầy. Thầy biết ơn lắm, thầy quý lắm!”. Nhà thầy nằm trong khu Phú Lợi, tuy nhỏ nhưng rất tươm tất gọn gàng, chắc là nhờ bàn tay săn sóc của cô. Khi chia tay, thầy đưa tôi ra tận cửa dù đi đứng khá khó khăn. Thầy nói: “Số tiền lần trước các em gửi cho thật đúng lúc, nếu không có nó kịp thời để chi trả cho bệnh viện và thuốc men, chắc nay thầy đã ra người thiên cổ rồi”.

Ngày kế tiếp tôi tìm đến nhà thăm thầy Nguyễn Long Vân ở Phú Mỹ (không biết tôi nhớ có đúng địa danh không vì bên đó bây giờ thay đổi quá). Không ngờ gặp lại chị Nguyễn Thị Hường CHS/THĐ K5, phu nhân của thầy, cũng là bạn cùng lớp với tôi ngày trước, một trong tứ cô nương “đi lạc” qua trường THĐ Nam trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1966 vì chọn theo học Ban Toán, lúc đó chưa có bên trường Nữ. Thầy Long Vân nguyên là một CHS K2 từng giữ chức Tổng Giám Thị trường THĐ, cùng gia đình sinh sống trong một cơ ngơi rất rộng rãi và thoáng mát với nhiều cây cỏ và hoa quả quanh nhà. Buổi gặp gỡ rất vui vì khoảng cách tuổi tác không xa mà cũng là chỗ quen biết trước với tôi. Nhìn chung, hoàn cảnh thầy cũng ổn định nên chúng tôi chỉ xin gửi tặng thầy một món quà tượng trưng rất nhỏ làm kỷ niệm. Được biết trước đây hai ông bà đã từng đi du lịch bên Mỹ một thời gian ngắn vì có thân nhân bên nầy.

Hôm sau tôi nhờ một đứa cháu, cũng là một CHS/THĐ, chở đi thăm thầy Lê Vĩnh Thọ. Thầy cũng cư ngụ ngay trước cổng trường THĐ Nam như thầy Phan Thanh Đào nhưng hôm trước khi được hướng dẫn đi thăm thầy Đào thì không có ai đề nghị nên tôi không biết tính sao. Nay nhờ đứa cháu là học trò cũ của thầy, biết nhiều về thầy, hướng dẫn cho tôi gặp được thầy. Thầy Thọ là cựu giáo sư dạy môn Văn trường THĐ, nhưng nghe nói là sau năm 1975 thầy không tiếp tục nghề sư phạm nữa mà phải tự kiếm sống rất gian nan như những người lao động bình thường khác. Và trong chốn gian nan ấy, người ta nói là thầy vẫn tự giữ cho mình một phong cách sống rất ung dung tự tại, luôn mĩm cười với số phận thay vì nguyền rủa nó. Nay thì số phận lại mĩm cười với thầy. Mỗi ngày, trong trang phục thể thao màu trắng trông rất phong lưu, thầy không còn đạp xe kiếm tiền độ nhật như xưa nữa mà là đạp xe để giữ cho tinh thần được mãi mãi yên vui trong một thân thể khoẻ mạnh. Thầy nói là rất vui khi được biết bên Mỹ nay đã có một Hội Ái Hữu của thầy & trò Trường THĐ ngày xưa để có điều kiện sinh hoạt chung với nhau cho vui, và cũng có cả website  để trao đổi, liên lạc nhau khi cần hoặc kể cho nhau nghe những kỷ niệm thân thương của một thời áo trắng sân trường ngày nào qua các bài bút ký. Chúng tôi nghe nói gia cảnh thầy hiện nay đã tương đối ổn định nên chỉ tặng thầy một món quà tượng trưng rất nhỏ làm kỷ niệm rồi xin chào từ biệt.

Ngày cuối cùng dành cho công tác, tôi liên lạc được với CHS Huỳnh Xuân Khai K12 ở Sài Gòn. Qua tâm sự với các bạn khoá 11 và 12, tôi được biết ở Sài Gòn có thầy Trần Khắc Cung dạy Pháp văn, hiện đang trong tình cảnh khó khăn trong việc mua sắm Tết. Vì không có phương tiện vận chuyển, tôi hẹn anh Khai lên tận nhà tôi ở gần Khu Du Lịch Đại Nam, Bình Dương nhận và chuyển dùm món quà mọn 100 đô la của quý thầy cô và quý anh chị ở hải ngoại dành dụm gửi về biếu thầy nhân dịp Tết. Hôm sau tôi nhận được email ghi lại đầy đủ hình ảnh sự kiện trên. Nhân đây, xin cám ơn anh Khai đã không quản ngại đường sá xa xôi giúp dùm tôi việc đó.

Một ngày trước khi lên đường trở về Mỹ, tôi và bà xã còn được hân hạnh gặp gỡ một nhóm các chị khóa 9 tại nhà người thân của chúng tôi ở An Sơn. Quý chị Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Nga và ĐinhThị Thúy đã mất nhiều giờ quý báu ngày Tết chạy một quãng đường rất xa từ quốc lộ 13 vào đến gần tận cùng xã An Sơn, huyện Thuận An thăm chúng tôi, lại còn mang đặc sản hột điều theo tặng nữa. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự tử tế và lòng hiếu khách của quý chị dành cho chúng tôi.

Vì thời gian quá eo hẹp và vô cùng bận rộn của một chuyến đi VN nhân 3 ngày Tết, thật khó tìm được người rảnh rỗi đưa mình đi chỗ nầy, chỗ kia. Rốt cuộc tôi không có đủ thời gian và phương tiện đi thăm viếng và tặng quà cho tất cả quý thầy cô già yếu bệnh tật như đã dự định trước. Xin chân thành cáo lỗi cùng quý thầy cô và quý anh chị.

Số tiền của quý vị gửi cho tôi tất cả là 965 đô la. Tôi đã gửi tặng 700 đô la cho cô Hưng, thầy Phúc, thầy Đào, thầy Lưu, thầy Bé Tám và thầy Cung. Còn tồn lại 265 đô la, đang chờ quyết định của quý thầy cô và quý anh chị. Xin vui lòng email cho tôi biết ý kiến về việc sử dụng. Xin nói rõ là số tiền nầy chỉ dành riêng cho công tác Tết Thầy, không liên hệ gì đến số tiền tồn quỹ của Hội sau kỳ Đại hội toàn cầu lần thứ nhất (năm 2010).

Kính đa tạ thầy Lục, cô Liên. Chân thành cảm ơn quý anh chị đã giúp tôi thực hiện được một chuyến đi Việt Nam nhiều ý nghĩa.

Mùa Xuân năm Tân Mão 2011


Nguyễn Văn Diệp
Hội Trưởng
Hội Ái Hữu Cựu GS & HS Trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương