Tản mạn chuyện chúng
mình
Tư Nguyễn
Mùng 5, ngày đầu năm mới, bạn bè lớp P1 cuả bọn
mình lại có dịp họp mặt nhau. Năm nay Xuân Dung và
Lưu Ánh Tuyết cùng về quê đón Tết với gia
đình. Từ những ngày cuối năm điện thoại đã gọi
cho nhau liên tục, hò hẹn với nhau đủ điều. Tuổi già
lại một lần nữa rộn ràng như thuở nào còn chung
lớp, nôn nao đợi chờ giờ gặp lại, để “tám” chuyện đời
xưa, đời nay, chuyện trên trời dưới đất.
Hẹn nhau, tui lại là người đầu tiên đến nhà Xuân
Dung, ngồi chờ oằn lưng mà chưa thấy bóng tiểu thư nào
tới. Đúng là giờ dây thun!.
Kia rồi, Lưu Thị Hạnh xuất hiện đầu tiên. Năm nay nhỏ sốt sắng
họp mặt vì không còn vướng bận chăm sóc ông
chồng nằm một chỗ vì tai nạn.
Tiếp theo, hai chị em Út và Hạnh miệt vườn đang
lót tót vào nhà trình diện với nụ cười
sảng khoái ngày đầu năm.
Phương Loan từ Sài Gòn được chồng yêu dấu đưa
đến tận nhà Dung, cùng nhau tay bắt mặt mừng
A, chị Rê đây, nụ cười rạng rỡ chào chúc
mừng năm mới. Nhỏ Sương lật đật chạy vào. Đúng là người
kinh doanh. Lúc nào nhỏ cũng vội vàng, người chưa
tới tiếng nói đã tràn ngập đầy nhà.
Đây rồi, nhân vật từ bên kia đại dương trở về đang
đến. Tài xế là Lê Tâm. Lưu Ánh Tuyết đấy
bạn ạ. Vẫn mẩu người từ tốn, nhẹ nhàng, ít lời và
nụ cười mĩm. Giống người lớn quá nhỉ. Chả giống bọn mình
lao chao, lách chách.
Với nụ cười rộn rả, Kim Ngọc đang thắng xe ngoài cửa. Thêm
vào đó là Mỹ Duyên từ Saigon cũng vừa đến.
Nhỏ Năm Đỗ với Thái Hảo còn ở miết Bình Dương.
Phải gọi điện liên tục mới thấy được dung nhan của hai nhỏ lò
dò tới với ngàn lẽ một lý do tại vì…
Năm nay có một nhân vật mới họp lần đầu. Hoàng
Mai đấy các bạn ơi. Xa Bình Dương lâu quá nay
trở về, nhỏ Mai quên mất con đường trở lại trường xưa. Mất vài
cú điện thoại dẫn đường, chú tài xế taxi mới tìm
được ngôi nhà cạnh chợ Búng thân yêu.
Gặp nhau lần đầu, lại phải hỏi tên nhau lần nữa. Thời gian xóa
mờ tên tuổi mổi người bằng những nếp nhăn hằn sâu trên
những gương mặt sáu mươi năm đi qua.
Năm nay Chị Hai, người thích gặp bạn bè nhất, lại không
thể đến được vì vết thương chân ngày xưa bị tổn
thương, bây giờ tái phát, chị phải ở nhà với bao
tiếc nuối.
Xuân Mai còn mãi biên giới Tây
Ninh, không về kịp cũng buồn năm phút.
Gặp đây chào nhau, mừng nhau, chúc Tết nhau tưng
bừng như ngày Tết, nơi nầy bây giờ chỉ còn tình
bạn thuở nào. Bao phiền toái, lo toan của cuộc sống xin
để lại một bên, quên đi đôi phút để sống trọn vẹn
cho mình, cho bạn.
Qua phút giây rộn ràng, tất cả cùng lên
đường đền nhà bạn Quý, người bạn không còn may
mắn bước đi bình thường như mọi người. Khi bọn nầy đến nhà,
Quý mừng rỡ khôn cùng. Bạn cố lê đôi chân
yếu đuối ra nhà mát để tiếp bọn mình. Tình bạn
lại bừng lên lần nữa, rực rỡ như nắng hồng mùa xuân, trên
môi ai cũng nở nụ cười tươi sáng.
Giã từ Quý, bọn nầy tiếp tục đến nhà Chín,
người bạn đã giã từ cuộc sống và xa rời bạn bè
mãi mãi. Trước sân nhà bạn, mai vẫn nở vàng
rực rỡ, bao nhiêu sắc hoa của ngày xuân đang đua nhau
khoe sắc trong sân nhà bạn. Sắc xuân vẫn hiện diện đủ
đầy nhưng không gian thì im ắng lạnh lùng. Vùng
quê đã lặng lẽ, thiếu bạn rồi căn nhà trở nên lạnh
lẽo. Bọn mình đốt cho bạn nén hương, nhìn di ảnh bạn
trên bàn thờ, lòng nghe chùng lại nổi buồn khó
tả. Thôi chào nhau bạn nhé, bạn thân yêu.
Rời nhà Chín, bọn nầy phải đối mặt với cái nóng
của tháng giêng. Nắng chang chang. Nhìn xa như có
những đốm sao. Tiếp tục bọn nầy sẽ đến nhà vườn của Xuân Dung.
Mục nầy có phần hấp dẫn đây.
Vườn nhà Dung cạnh con rạch nhỏ. Hơi nước từ dưới bốc lên
làm dịu mát cơn nóng mà bọn mình mang
từ ngoài vào. Kỳ nầy Xuân Mai vắng bóng. Cây
văn nghệ mà thiếu, làm tui không có ai để đua
nhau hét nên chương trình văn nghệ không thành.
Bây giờ tới mục ẩm thực đây nha. Trước hết là gà
xé phay. Sau đó là món gỏi ngon tuyệt. Cạnh đó
là món thịt ram vàng cuốn bánh tráng.
Chưa hết, đừng quên thưởng thức cháo gà thơm lừng mùi
hành tiêu. Thiệt là muốn rớt nước “mắt”. Còn có
món đặc sản nghiêu luộc chấm muối tiêu chanh. Ôi
cha, bao nhiêu là món ngon. Nhưng hỡi ơi!. Ác
một nổi là trúng phải ngày tui ăn chay . Phải chi né
một ngày thì sung sướng biết mấy. Cả bọn nó tưng bưng
ăn, uống, húp, hít hà… Còn tôi một gói
mì chay và rau… Sao mà đau khổ vậy…. A!, Chắc tại cái
ngày mùng 5 xúi quẩy. Sau khi đã no say
, cả bọn giã từ nhau vui vẽ, trừ tui vẫn còn ức lòng
vì “kiên thịt”.
Nhỏ Lê Tâm có lẽ thấy tình cảnh tôi
tội nghiệp nên vài ngày sau gọi điện rủ đi Bến Tre chơi.
Còn đang lưỡng lự thì Xuân Dung lại cũng rủ đi. Thế là
ok liền.
Chuyến đi chơi nầy chỉ có tám đứa: Xuân Dung,
Lê Tâm, Hạnh, Út miệt vườn, Năm Đỗ, Thái Hảo, Mỹ
Duyên, và có tui nữa. Nhân dịp nầy, tui sẽ quan
sát để kể lại cho bạn nghe chơi những gì trong chuyến du ngoạn
nầy, để sẽ có một ngày bạn nào đó từ xa về bạn
sẽ tìm về vùng quê sông nước hiền hòa của
TIền Giang cho thỏa lòng.
Cả bọn khởi hành vào ngày 14 âm lịch.
Sao cũng gặp ngày cắm kỵ nữa rồi. Thôi cũng mặc kệ. Còn
Tết thì đi chơi cho hết để uổng phí ngày xuân!.
Bọn tôi Lê Tâm, Mỹ Duyên, Hạnh Út,
Thái Hảo, Năm Đỗ cùng ngồi một xe. Mờ sáng là
đã khởi hành. Trời vẫn còn se se lạnh, nhưng bọn tôi
đã ỏm tỏi trên xe rồi.
Xe đưa chúng tôi rời khỏi vùng trời Sài
Gòn đầy bụi để vể miền quê nhiều huyền thoại của xứ dừa. Khi
xe sắp đến cầu Rạch Miễu, thì thấy hai bên đường bạt ngàn
rừng dừa. Phải gọi là rừng vì cây tiếp nối cây.
Toàn là dừa, những ngọn dừa cao xanh một màu đến xa
tít tắp.
Đi thêm khoảng nữa thì thỉnh thoảng có vài
cánh đồng lúa đã qua mùa gặt hái, còn
trơ lại những gốc rạ. Vài đàn vịt người ta lùa ra đồng
để ăn lúa rơi, nhìn xa xa như có những tấm thảm trắng
đang di động.
Trên bầu trời còn đầy sương, từng đàn cò
trắng vỗ cánh bay nhịp nhàng. Cuộc sống của chúng cũng
vất vả từ khi trời vừa hững sáng đã phải đi tìm
cái ăn rồi.
Nhịp sống con người và con vật, hình như giống như nhau.
Con người ta phải tất bật từ sáng sớm đến chiều tối với công
việc, cả năm trời vật vã vì mưu sinh, chỉ để được nghỉ ngơi
vài ngày Tết-
Còn loài vật như đàn vịt, đàn cò
kia cùng phải kiếm ăn từ sáng tinh mơ cho tới bóng
xế chiều mới được xếp cánh nghỉ ngơi.
Xe bon bon đưa chúng tôi lên cầu Rạch Miễu. Đây
là chiếc cầu mới vừa xây xong, để thay thế những chiếc phà
đưa khách sang sông. Cầu đưa bọn tôi vào xứ dừa
thơ mộng. Dừa vẫn trải dài, nhưng hôm nay người ta cũng đã
thay đổi có nơihọ trồng thêm chôm chôm nhản,để thay
thế cho dừa và đa dạng hóa sản phẩm.
Nơi nào trồng nhản thì toàn nó không.
Hôm nay nhản mới vừa trổ trái. Nhìn vào
ta thấy từng chùm trái non chi chít mà
đã oằn cã cây rồi. Không biết khi chín thì
đến thế nào nữa. Bây giờ trái cây không trổ
theo mùa nữa, người trồng có kỹ thuật cho chúng trổ
khi nghịch mùa để bán có nhiều tiền hơn.
Xe Xuân Dung đi trước với gia đình, dẫn đầu đưa bọn tôi
chạy mãi vào sâu vùng quê BếnTre. Càng
vào sâu, người ta trồng chôm chôm càng nhiều.
Ô kìa, trái trên cành đỏ rực đơm đặc tàn
cây, chỉ thấy điểm vài khóm lá nhỏ xen kẻ vào
trái mà thôi.
Bọn mình là dân Búng, một thời vang danh
người xứ trái cây miệt vườn thứ thiệt, nhưng khi đến vùng
Bến Tre nầy hôm nay thì thật phải chào thua. Quê
mình giờ đã thua xa rồi bạn ơi .
Bọn mình đến được nhà người thân của Dung
thì đã trưa. Mệt và đói. Nhưng ở đây người
dân rất hiếu khách. Khi thấy bọn mình vừa đến, họ rất
vui mừng,niềm nỡ đón chào. Ngoài vườn chôm chôm
trĩu quả trên cành chín đỏ rực như mời gọi. Trong nhà
người ta đã làm sẵn gà vịt để đãi khách.
Hên ghê, hôm nay mình không phải ăn chay.
Hú hồn…
Bọn mình được chủ nhà đãi ăn uống một bữa no
say với món hến xào cuốn bánh tráng. Thêm
vài đó là món cơm ăn với thịt vịt kho gừng. Toàn
là đặc sản vùng sông nước. Chắc mình phải
ăn bù trừ cho ngày mùng 5 quá cho bỏ cơn ấm ức.
Nói cho vui chơi chứ đi đến nơi là mệt muốn le lưỡi ăn
uống chi nổi. Bọn nầy chưa ăn xong người nhà đã lo làm
gà chuẩn bị cho buổi tối nấu cháo và làm gỏi.
Bạn thấy không, người miệt vườn chân chất nhưng hết lòng
với khách phương xa tới nhà. Nếu bạn nào có người
thân vùng sông nước Tiền Giang và Hậu Giang, bạn
sẽ biết được lòng hiếu khách của họ khi có dịp bạn ghé
chơi.
Bọn mình nghĩ qua đêm nơi đây. Ở vùng
quê trong sâu đâu có khách sạn mà
mướn. Cả bọn trên mười người ngủ lại. Bảy đứa được đưa vào
một căn phòng rất đầy đủ tiện nghi cho ... hai người, muốn chu toàn
cho bảy người thì thật không thể. Một đêm trôi qua
nặng nề không ngủ yên vì những cái khó nói
và không giống ai.
Sáng ra, Lê Tâm và Út là những
người đau khổ nhất. Hai bạn dật dờ như người say vì cã đêm
không ngũ. Còn lại 5 đứa tui, tuy giấc ngủ chập chờn không
bình yên, nhưng với 5 điệu ngáy pho pho của bọn tui thì
mặc cho có long trời lở đất thì vẫn tự nhiên, giống như
những điệu “khèn” của người Tây Nguyên. Năm 5 đứa 5 điệu
bổng trầm nhịp nhàng, dịu dàng đưa bọn nầy vào cỏi thiên
thai cho tới sáng.
Không biết 4 nhỏ kia thế nào, chứ tui thì lo quá
,vì điệu khèn mà tui thổi rất đặt biệt. Tui dấu kỹ lắm,
nay chẳng may để nhỏ Tâm và Út biết được thì
nguy to. Sợ hai nhỏ đem truyền rao vào nhân gian thì
tui hết thời.
Hôm sau, bọn nầy tiếp tục đi viếng vườn bưởi và cam sành.
Ở đây loại trái cây nào cũng vậy, người ta có
kỹ thuật tạo cho trổ trái rất sai. Cây bưởiở đây không
cao. Trái lòa xòa sát đất, chen chúc nhau,
đan xen dầy đặc. Cam cũng vậy, trái oằn nặng cây. Bọn tôi
mê mẩn, say sưa đi xem mà chẳng muốn dời chân.
Giã từ vườn cây ăn trái. Bọn tôi lên
xe quay về cầu Rạch Miễu. Ở đây có khu du lịch đến tham
quan 4 cồn: Long, Lân, Quy, Phụng. Thời gian còn ngắn
ngủi. Bọn nầy chỉ kịp lên đò đến 2 cồn, đó là
Cồn Phụng và Cồn Lân.
Chẳng biết do hình thù mảnh đất nhô lên
giữa dòng sông Tiền nầy có hình dáng giống
con Rồng và con Lân nên người ta đặt tên như thế.
Trước tiên vào Cồn Lân, nơi nầy có nuôi ong
mật để lấy mật bán cho người đến thăm. Mình sẽ được thưởng
thức ly trà pha mật ong khi ghé vào, xong sẽ theo những
chiếc ghe nhỏ chèo sâu vào vườn nhản để thưởng thức trái
cây và nghe tài tử ca vọng cổ với những điệu lý
miệt vườn.
Qua Cồn Phụng, là nơi ngày xưa có một ông
đạo chủ trì chỉ ăn và uống nước dừa mà sống. Đó
là ông Đạo Dừa nổi tiếng. Chúng tôi đến đây
chỉ để tham quan di tích còn lưu lại, nơi ông và
các tín đồ tu hành. Ông đã mãn phần
nên đạo cũng giải tán luôn.
Bây giờ trời đã xế chiều, đường về còn xa. Bọn
nầy quay lên đò ra về. Đò chạy từ từ cho bọn nầy ngắm
cảnh. Xa xa Cồn Long chạy dài theo dòng sông, nhà
cửa rất nhiều, sinh hoạt trên cồn nầy có vẽ phồn thịnh như ở
trên đất liền. Còn Cồn Quy nhỏ hơn nhiều. Người ta nói
cồn này rất ít dân cư sinh sống, chỉ có một nhà
hàng ăn uống, vài ngôi chùa nhỏ, nhưng người nước
ngoài rất thường tham quan để khảo sát những gì còn
hoang sơ.
Đò xuôi dòng, hai bên sát cồn có
rất nhiều bè để nuôi cá lóc và cá
diêu hồng. Ai cùng muốn đến tham quan cho biết nhưng người ở
đây bảo rằng không thể, vì đò lại gần sẽ khuấy
động nước, cá sẽ mệt, có thể làm thiệt hại cho người
nuôi vì cá chết.
Một chuyến du ngoạn nhớ đời vì những kỷ niệm không đụng
hàng. Xuân Dung còn đãi bọn nầy một món
ăn mà mới nghe tên cũng khó tìm được ở xứ người,
đó là món “cháo mắt má heo”. Rất bình
thường nhưng quá lạ với cái tên gọi, chỉ là
cháo bỏ vào vài miếng huyết heo, thêm hành
ngò thơm phức, dùng với một đĩa xương đầu heo luộc mềm
chấm nước mắm trắng xoáy ớt thật cay, cặp thêm rau thơm. Nghe
tầm thường nhưng ăn vào thì thật ngon các bạn ơi, có
thể là quá đói chăng. Thôi mai về nhà mua
về làm thử xem có tuyệt vời như họ làm không.
Các bạn mình ơi, mùa Xuân đã đi
qua, Tết cũng hết rồi. Chút niềm vui bên bạn bè xin kể
nhau nghe để làm chút quà trong những ngày
tuổi đã xế chiều cũng là những kỷ niệm đẹp như thuở nào
bọn mình còn chung lớp.
Cuộc vui nào cũng tàn, mai đây bạn về lại bên
xứ người, tiếp tục cuộc sống bon chen của kiếp tha hương xin nhớ nhau những
ngày nầy.
Phía sau niềm vui lúc nào cũng có những
phiền muộn, năm nay bạn Thúy Liễu bệnh nặng không họp
mặt. Chị Hai bị tổn thương chân đi đứng khó khăn không
đến được. Xuân Dung sắp vào viện để mổ thận. Chị Hồng
sức khỏe kém, đau nhiều trước Tết. Bọn mình ai cũng phải đối
mặt với nhiều căn bệnh của thời đại nhiều ô nhiễm nầy.
Xin hãy nguyện cầu cho nhau được nhiều bình an,
để còn hẹn mùa xuân sau về lại gặp nhau. Chúc
tất cả đều an lành các bạn nhé.
(2/2012)