Sứ
thần tài hoa
(theo báo Thanh Niên)
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) là một danh thần
thời Nguyễn Ánh mới khởi nghiệp đồ vương. Lăng mộ của ông
hiện nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc P.Trung Dũng, Biên
Hòa, Đồng Nai.
Đem thân đền ơn
nước
Lăng mộ nằm trong khu vực khu phố 3, tuy khuất trong khu
dân cư, cạnh con hẻm nhỏ nhưng vẫn tạo được sự chú
ý của người qua đường bởi quy mô hoành
tráng, bề thế… Nghe nói trước năm 1975, hằng năm
vào dịp lễ Thanh minh, con cháu hậu duệ của Trịnh
Hoài Đức từ nhiều nơi quy tụ về cúng viếng rất trang
trọng nhưng về sau không còn duy trì.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân tại
Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: H.Đ.N
Năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm miền đất Biên
Hòa - Đồng Nai, mộ Trịnh Hoài Đức được trùng tu,
tôn tạo, những ngôi nhà dân xâm phạm di
tích được giải tỏa, lăng mộ được bảo vệ bằng tường thành
bờ bao chắc chắn, nhưng khi chúng tôi đến thăm (cuối năm
2012), người quản trang là một cựu chiến binh đã dẫn
chúng tôi đi một vòng để thấy bờ tường có
dấu hiệu bị nghiêng, nứt lún ở góc bên phải
lăng mộ. Hai ngôi mộ chính (của Trịnh Hoài Đức
và phu nhân họ Lê) vẫn giữ được kết cấu nguyên
thủy: xây bằng đá ong tô hợp chất, nấm mộ
hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng
ngựa. Phía trước mộ ông có bia đá, khắc
câu đối:
“Trí thân tòng hứa quốc
Đáo xứ tiện thành gia”
(Đã đem thân đi đền ơn nước
Thì nơi đâu cũng có thể xem là nhà)
Phía trước cổng vào mộ cũng có bức bình
phong lớn khắc chữ Hán ghi vắn tắt phẩm tước của Trịnh
Hoài Đức và phu nhân. Thời gian và người lập
bia cũng được ghi rõ: “tháng 11 năm Ất Dậu, các
con là Trịnh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên
Nhiên Bảo và Trịnh Thiên Bảo phụng lập”.
Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765, tự là Chi Sơn, hiệu
là Cấn Trai. Tổ tiên ông vốn là người
Phúc Kiến (Trung Quốc). Khi nhà Thanh thay nhà
Minh, vì không chịu thần phục Thanh triều nên
ông nội của Trịnh Hoài Đức đưa con cháu sang Việt
Nam lập nghiệp. Cha Trịnh Hoài Đức kết hôn với một người
Việt và sinh ra Trịnh Hoài Đức nhưng khi người con mới 10
tuổi thì ông bố mất. Mẹ ông là người đảm
đang, đã dắt con đến thọ giáo thầy đồ Võ Trường
Toản. Tại lớp học của thầy, Trịnh Hoài Đức có hai
bạn học là Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh. Cả
ba đều nổi tiếng về văn chương, thi phú. Họ lập nên
Bình Dương thi xã cùng nhau xướng họa không
thua kém gì Chiêu Anh các do Mạc Thiên
Tứ lập ra tại miền Hà Tiên. Người đương thời rất nể phục
ba ông, họ gọi là Gia Định tam gia. Năm 1788, chúa
Nguyễn Ánh mở khoa thi ở Gia Định, cả ba ông đều ứng
thí và cùng đỗ đạt.
Con đường hoạn lộ của Trịnh Hoài Đức thênh thang từ
đó. Ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ
máy cai trị của nhà Nguyễn, có lúc được cử
làm thượng thư của cả hai bộ: Lại (nội vụ) và Binh (quốc
phòng). Nhiều lần, ông được cử làm chánh sứ
sang Trung Quốc.
Trong lần đi sứ đầu tiên nhân vua Gia Long lên
ngôi (1802), ông có làm tập thơ Quan quang
tập (tức Bắc sứ thi tập - trong Cấn Trai thi tập), mà theo thạc
sĩ Lê Quang Trường (Trường ĐH Khoa học xã hội và
nhân văn TP.HCM) đã toát ra được phong thái
ung dung tao nhã của một sứ thần Việt Nam trong giao tế, đối
đáp với các nhân sĩ Trung Quốc bằng sự tự
hào dân tộc, đồng thời cũng nói lên tâm
sự của một sứ thần người Việt gốc Hoa đã sinh ra, chịu ơn
và thấm nhuần đạo lý văn hóa của dân tộc
Việt tại mảnh đất miền Nam. Trịnh Hoài Đức còn ứng xử
khéo léo đối với triều đình Mãn Thanh khi
họ không chịu phê chuẩn quốc hiệu, còn với tư
cách một văn sĩ khi giao lưu với các nhân sĩ Trung
Hoa ông lại tỏ ra rất tài hoa và lịch thiệp. Trong
bài Sứ hành tự thuật, Trịnh Hoài Đức còn
nói đến sự ứng biến của ông khi nói tiếng Quảng
Đông, khi nói tiếng Bắc Kinh, và chuyện ông
phải để râu để giữ gìn quốc thể.
Nguồn gốc “Nông Nại đại
phố”
Hiện nay chúng ta vẫn hay nghe mấy từ cổ “Nông Nại đại
phố” để chỉ miền Cù lao Phố (Đồng Nai) mà không
biết xuất xứ, thì ở đoạn chú thích từ một
bài thơ trong tập thơ Quan quang tập, chúng ta mới hiểu
ra: “Sứ đoàn đến tỉnh Hồ Nam, gặp mặt quan Tuần phủ Cao Kỷ, sau
khi nói chuyện xong, Cao cầm lòng tay tôi, xem
tướng chỉ tay, nhân hỏi rằng: Sứ bộ là người Nông
Nại, cái tên Nông Nại ấy, xưa nay chưa từng nghe
thấy, nay xem cách đi đứng nói năng của đoàn sứ
bộ, thật là những người có văn hóa, giống với
phong tục của Trung Quốc, so với sứ giả trước đây từ An Nam đến
thật khác xa, ngỡ rằng Nông Nại là một nước xưa
nào khác, văn học, phong tục, cương vực, thổ sản thế
nào? Tôi bèn nói rành rọt hết, được
đãi trà rồi lui. Thành Gia Định, thường gọi
là Đồng Nai, thổ âm Quảng Đông gọi là
Nông Nại. Đến khi quan Khổn thần là Tuần phủ Quảng
Đông hỏi thăm biết được duyên cớ, khi lên đường,
ông viết tấu là đoàn sứ nước ta là người
Nông Nại, không phải là người Giao Chỉ An Nam như
trước đây, cho nên những nơi sứ bộ đến, từ kinh, tỉnh, phủ,
huyện đến sĩ dân, quan lại kiểm tra đều vì điều ấy
mà tiếp đãi rất chu đáo, mà cái
tên Nông Nại cũng được ghi chép vào sử
quán vậy”.
Trịnh Hoài Đức mất năm 1825, thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng hết sức
thương tiếc, truyền nghỉ triều 3 ngày, truy tặng ông chức
Thiếu bảo Cần chánh Đại học sĩ, ban tên thụy là Văn
Khác, phái hoàng thân Miên Hoằng đến
nhà riêng tế lễ lại cho đưa linh cữu về Gia Định như
nguyện vọng của ông. Ngày đưa tang, lại cho 400
lính Thần sách hộ tống linh cữu ra bến sông Hương.
Về đến Gia Định, quan Tổng trấn là Lê Văn Duyệt thân
hành đón tiếp và tế lễ, sau đó Lê Văn
Duyệt còn hộ tống linh cữu về chôn cất ở quê mẹ
ông - làng Bình Trước (dinh Trấn Biên, tức
Biên Hòa ngày nay).
Trong kho tàng trước tác đồ sộ của Trịnh Hoài Đức
thì Cấn Trai thi tập và Gia Định thành thông
chí là đặc biệt có giá trị. Riêng bộ
Gia Định thành thông chí (6 quyển) được coi
là bộ sách được viết sớm nhất, đầy đủ nhất về địa
hình, sông núi, cương vực, văn hóa phong
tục, sản vật, giao thông, thành trì của xứ Đồng Nai
- Gia Định trong thời đầu mở nước. Ngay khi người Pháp
nhòm ngó đất Nam kỳ, họ đã dịch Gia Định
thành thông chí ra tiếng Pháp (1863) để
tìm hiểu và theo dõi.