Sao Ba không đợi gió đông qua …
Trần thị Hoàng Tân


    Dù giấc ngủ đêm có muộn màng đến mấy, con vẫn choàng dậy trước tiếng chuông đồng hồ báo thức buổi sáng, chạy vội xuống phòng ba. Ba đã thức dậy từ rất sớm, đã nhiều năm liền như thế. Đó là thói quen của ba, ly cà phê sáng và bản tin VTV1 đầu ngày. Rồi Ba sẽ đếm thời gian qua những tờ lịch mỏng dần, nhớ như in những ngày giỗ chạp, ngày sinh, ngày mất của những người thân yêu. Đôi tay gầy cằn cỗi theo năm tháng, ba bình thản xé đi tờ lịch mỗi ngày, như xé đi thời gian đang ngắn dần …

     Có những buổi sáng theo cơn gió sớm mang chút hơi lạnh đầu đông, dù không se sắt nhưng cũng đã làm đôi chân ba thêm nhức buốt. Nhiều hôm ba không thể đi bộ một vòng quanh khu nhà như thường ngày. Chứng đau khớp của ba cứ thất thường như thời tiết. Ba ngồi tựa cửa chờ con nắng đầu ngày đến muộn. Một chút âm u se lạnh vì thiếu bóng mặt trời, như lòng ba đang thiếu vắng những thâm tình đã mãi lìa xa … Dù trong cơn đau Ba vẫn cố nở nụ cười. Ba sợ các con xót xa vì đôi chân ngày càng mệt mõ̉i của ba. Ba nói đợi mùa đông qua hết, khi nắng ấm về, đôi chân ba sẽ khá hơn, ba sẽ cùng chị em con đi một chuyến sang Đức thăm vợ chồng cô con gái út. Ba ơi ! Một lời hẹn hứa đã mãi mãi chìm sâu trong tiếc nuối …

    Trong những chặng đời hạnh phúc của gia đình mình, con nhớ nhất đôi mắt như bừng sáng và nụ cười ấm áp của ba, khi chị em con lần lượt báo tin thi đậũ vào trung học, rồi đại học. Con đường chúng con đi ba đã trãi biết bao mồ hôi công sức! Ngày xa xưa đó, chỉ với đôi bàn tay trắng, ba rời xứ sơ, oằn vai gánh nặng cả đàn con, nhọc nhằn cuộc mưu sinh. Nhớ những ngày chị em con chuẩn bị tựu trường vào cấp hai trường tỉnh, dẫu giọt mồ hôi cả ngày vất vả còn chưa khô trên lưng áo, ba vẫn miệt mài thâu đêm bên chiếc máy may cũ kỹ của nhà mình, may cho chị em con những chiếc áo dài trắng cho kịp ngày nhập học. Cả một khoảng đời học trò của chị em con là biết bao lo toan của má, của ba . Đêm nào cũng vậy, dù mệt nhọc cách mấy, ba vẫn dành thời gian chờ chúng con học xong những bài học ở trường ngày mai, để nghe từng đứa trả bài cho ba, và dạy cho chúng con những bài tập khó …

    Ngày con vào đại học, sợ con chưa quen cuộc sống xa nhà, dù cho công việc có bộn bề đến mấy, nhưng đến ngày cuối tuần là ba má lại đến trường đón con về. Rồi những năm con đi học xa, trong những cánh thư hằng ngày má viết cho con, luôn có lời nhắn gửi yêu thương của ba, những dòng chữ cứ nhạt nhòa trong nước mắt nhớ nhà của con ! Ba ơi, dù trong thế gian rộng lớn này có biết bao nhiêu con người vĩ đại, nhưng ba vẫn là người vĩ đại nhất trong trái tim con .

    Càng lớn khôn con mới hiểu những lẽ đời hư ảo, nhưng con vẫn tự trách mình đã không thể ở bên ba, chia sớt cùng ba nỗi đau tột cùng khi ba phải một mình trong giây phút nhận tin má vĩnh viễn ra đi. Ba chỉ nghẹn ngào hai tiếng "Bà ơi !", mà con nghe như cả đất trời vừa sụp đô. Trái tim người ai vừa xé nát mấy mươi năm muối mặn gừng cay … !

     Sau ngày má mất, ba lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời của các con, các cháu , những năm tháng cuối đời, nỗi nhớ quê nhà luôn đau đáu trong lòng ba, để có thể cùng ba chia bớt nỗi niềm của người xa xứ. Dù chỉ trong những ngày ngắn ngủi, chị em con cũng rất vui khi đưa ba về thăm lại quê nhà. Chuyến đò trên con sông quê ngày đó , trong cái sóng sánh của nước, mênh mông của trời, chúng con không đứa nào dám nghĩ sẽ là chuyến thăm lại quê nhà cuối cùng của ba, nhưng lẫn khuất trong tim mỗi đứa, một nỗi lo cứ mãi nhói lòng ! Vẫn biết mỗi chúng ta chỉ sống một lần trong cuộc đời này, trong vòng quay của thời gian, người đến sẽ đến, người đi sẽ ra đi, nhưng con vẫn không thể nào kìm lòng mong níu giữ, những thâm tình sâu nặng nhất --- là má , là ba !
    Ba ơi, lời hẹn một chuyến đi chơi cùng các con còn đó, sao ba lại vội vã ra đi, sao Ba không đợi gió đông qua ?