QUỲNH - HƯƠNG



Tặng đôi bạn ĐỨC&CẨM.
Cảm-hứng từ bức hình Quỳnh-Hương do Đức mới chụp tại vườn nhà, Santa Ana, sáng ngày 10 October  2011.
 (tức ngày 14 tháng chín  năm Tân-Mão.)                   
                                                                                   

Tháng chín trời xanh, nắng mới lên
Ngạt-ngào hương… gió thoảng bên thềm
Quỳnh hoa ! Một đóa thiên-tiên ấy
Nở muộn… nghiêng mình xoải cánh duyên.

Nắng giọi lồng hoa, hoa lộng nắng
Trắng ngà, trong ngọc, tuyết băng-trinh !
Hồn ta ngây-ngất… quỳ bên gối
Chiêm-ngưỡng … thầm-thì khẽ gọi – Em !

Em, đoá Quỳnh-Hương đã giáng trần
Trọn tình, vẹn nghĩa khách tri-âm
Buồn, vui em đã cùng ta dựng
Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.

Phạm Thị Nhung
( Paris , Ngày 13 -10- 2011 )

******
Vài ý nghĩ quanh  “Quỳnh-Hương”, thơ của Phạm Thị Nhung.

Nguyễn Đức Cẩm (Cali, 2011)

    Trong giới văn học, nhất là ở Âu Châu, Phạm Thị Nhung (PTN) không phải là một nhân vật xa lạ. PTN viết và xuất bản sách, có nhiều bài đăng báo, thường là biên khảo văn học, nhất là văn học thế kỷ 19. Tác phẩm lớn nhất có lẽ là cuốn “Truyện Kiều và Tuổi trẻ” (1998), đồng tác giả là Lê Hữu Mục, Đặng Quốc Cơ. Tác phẩm mới nhất là “Truyện Kiều: thơ và nhạc” (2011), tuyển tập nhiều tác giả ( Nguyễn Thanh Liêm, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Đàm Quang Hưng, Nguyễn Thị Hoàng …và Quách Vĩnh Thiện, Trần Quang Hải v…v…) trong đó, PTN đóng một vai trò quan trọng trong việc cố vấn văn chương, chọn bài vở cho Ban Biên Tập và viết Lời Bạt để khép lại phần “Thơ” của cuốn sách này.
     Bên cạnh việc in sách, đăng báo, PTN thường phổ biến tư tưởng văn học của mình bằng cách diễn thuyết nữa. Ngoài Pháp, Đức, PTN còn nói chuyện nhiều nơi ở Mỹ, Canada và Úc. Với đôi kính trắng trễ trên sống mũi, đứng trước bục diễn đàn, diễn giả PTN đã tạo một hình ảnh quen thuộc cho những ai lưu tâm đến nền văn học Việt Nam, từ ca dao, truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm…đến Vũ Hoàng Chương. Chúng tôi không rõ tại sao diễn giả lại thích tấm hình “cặp kính trắng trễ tràng” đến như thế, để lưu lại một hình ảnh độc đáo, nhiều năm hồ dễ mấy ai quên chăng? Những bài thuyết trình của PTN được nồng nhiệt đón nhận và cũng từng được nhiều thính giả danh tiếng khích lệ, khen ngợi, như học giả Hoàng Xuân Hãn, Thái Văn Kiểm, Lê Hữu Mục …
  
   Ngoài văn, Phạm Thị Nhung cũng vẽ nữa. Chúng tôi có được PTN biếu một khăn quàng lụa tím mỏng, có nét vẽ hoa lá uốn lượn, bay bướm, màu sắc thật nhẹ nhàng. Tuy không biết vẽ, chúng tôi vốn thích hội họa ngay từ nhỏ, đã ngắm nghía hoài chiếc khăn quàng, mới đầu cứ tưởng là khăn có hình in hàng loạt và PTN đã mua khăn nơi một quầy hàng nhỏ nhưng rực rỡ ở khu thương mại La Fayette, Paris, là nơi PTN định cư từ lâu. Nhưng nhìn kỹ mới biết là đó là nét vẽ tay, và có chữ ký “D.Nhung Paris” khiêm tốn, nhỏ nhắn, khép nép ở một góc khăn…Hội họa, thêm một tài hoa khác của PTN. Năm 2011, chúng tôi được Thảo Nguyên tặng tác phẩm “Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du”. Trang trong của tờ bìa cuốn sách này có in một bức chân dung nhỏ, ghi hàng chữ “Thảo Nguyên, Tranh tự họa”. Thảo Nguyên là em gái ruột của PTN. Chị vẽ, em cũng vẽ, tài hội họa của PTN có lẽ là một di sản huyết thống chăng?...
Trên đây là vài ý kiến riêng về tác giả Phạm Thị Nhung trong phạm vi biên khảo, diễn thuyết và hội họa.
                      ***
Nhưng chúng tôi không hề biết là PTN còn làm thơ nữa, thơ theo đúng nghĩa của từ THƠ…
Sau khi Trưng Vương (TV) Nguyễn Thị Đức gửi đi mấy tấm hình chụp “hoa quỳnh- hương nở trong nắng sớm”(1), chúng tôi và một số bạn hữu nhận được bản sơ thảo bài thơ “Quỳnh-Hương” của PTN. Khi bài thơ đã trở thành nhất định, tác giả đã cho phổ biến rộng rãi, và bắt đầu có thơ văn họa lại, không theo đúng nghĩa xướng họa cổ điển, nhưng cũng khá xôn xao, gây nhiều thi vị và thú vị.
Chúng tôi xin ghi dưới đây vài ý kiến riêng về bài thơ này.

Nguyễn Nhược Pháp, trong bài thơ tiền chiến thế kỷ 20 rất nổi tiếng “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, có đoạn viết:
…                   Con vua Hùng-Vương thứ mười tám,
                       Mỵ-Nương xinh như tiên trên trần...
                       Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ,
                       Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
Mê người đẹp thì làm thơ, một việc làm lãng mạn thuở xa xưa, thuở mà một người Pháp- chúng tôi quên mất tên- khi nghiên cứu văn hóa Việt đã phải nói: “ Mỗi người Việt là một nhà thơ ”.
Thế còn mê hoa, nhất là mê Quỳnh-hương, thì làm sao? Trong thi ca hiện đại, ít ra cũng có hai người vì mê quỳnh- hương mà soạn nhạc, làm thơ. Rất nổi tiếng là ca khúc “Quỳnh Hương” của Trịnh Công Sơn (TCS):
                                                   “ Ta mang cho em một  đóa quỳnh,
                                                      Quỳnh thơm hay môi em thơm
                                                      Em mang cho ta một chút tình…”

Và bây giờ, là thi khúc “Quỳnh- Hương”, mới tinh khôi, của PTNhung, gồm ba đoạn, tôi xin ghi dưới đây hai đoạn chót:
….
Nắng giọi lồng hoa, hoa lộng nắng
Trắng ngà, trong ngọc, tuyết băng-trinh !
Hồn ta ngây-ngất… quỳ bên gối
Chiêm-ngưỡng … thầm-thì khẽ gọi – Em !

                     Em, đoá Quỳnh-Hương đã giáng trần
                     Trọn tình, vẹn nghĩa khách tri-âm
                     Buồn vui em đã cùng ta dựng
                     Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.
         Trong hai sáng tác thi, ca cùng tên “Quỳnh-hương” nêu trên, có một cái gì quen quen và tương tự giữa nhạc TCS và thơ PTN: cả hai tác giả đều lẫn lộn quỳnh-hương và người đẹp, đều âu yếm gọi người đẹp và hoa là “EM”. Lời ca của TCS không bao giờ dễ hiểu, nên ta chỉ thấp thoáng cảm nhận điều đó. Còn PTN nói rất rõ, nhất là trong hai câu chót, chúng tôi xin nhắc lại:
                          Buồn vui em đã cùng ta dựng
                           Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.
Và như thế, tác giả PTN , từ thưởng thức hoa đẹp, từ cảm hứng hoa đẹp, đã không chỉ đơn thuần mô tả vẻ đẹp, mùi hương của hoa, trừ sáu câu đầu:
                     Tháng chín trời xanh, nắng mới lên
                     Ngạt-ngào hương… gió thoảng bên thềm
                     Quỳnh hoa ! Một đóa thiên-tiên ấy
                     Nở muộn… nghiêng mình xoải cánh duyên.

                      Nắng giọi lồng hoa, hoa lộng nắng
                     Trắng ngà, trong ngọc, tuyết băng-trinh !
mà sau đó, thi hứng đã đẩy PTN đi xa hơn, sâu hơn, tới những lãnh vực tâm lý, triết lý về “người đời” và “đời người”, được diễn tả trong sáu câu thơ chót:
                     Hồn ta ngây-ngất… quỳ bên gối
                     Chiêm-ngưỡng … thầm-thì khẽ gọi – Em !

                      Em, đoá Quỳnh-Hương đã giáng trần
                     Trọn tình, vẹn nghĩa khách tri-âm
                     Buồn vui em đã cùng ta dựng
                     Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.

          Cũng như thế,  từ sự thưởng thức một bông quỳnh-hương đẹp, nở lúc ban mai, xin nhắc lại, PTN đã đẩy nguồn thi hứng và sự suy tư  đi rất xa, rất cao:
         “Quỳnh-Hương dưới nắng ban mai” tượng  trưng cho cái đẹp, cho người đẹp, cho những gì tốt đẹp trong đời người, và cho cả những khổ hạnh, những khó khăn, tuyệt vọng nếu ta biết tìm thấy nét đẹp, nét đáng sống trong những khổ nạn đó.
          Trong hai tiểu luận “Tiếng đàn Thúy Kiều” (tháng 4-2011) và “Khóc Tố- Như” (tháng 5-2011), chính PTN đã viện dẫn hai câu thơ sau của A. de Musset ( một nhà thơ lãng mạn Pháp, thế kỷ 19 ) để chứng minh điều nói trên:
          Rien ne nous rend si grands qu'une grande douleur.
         ( PTN dịch ý: không gì làm ta cao cả bằng nỗi thống khổ ) 
Và:
         Les plus désespérés sont les chants les plus beaux.
         (PTN dịch ý: Những tiếng khóc tuyệt vọng nhất lại là những lời ca tuyệt diệu nhất)
        Cho nên, trong mọi hoàn cảnh, dù vui, dù buồn, với “Quỳnh-hương” thì:               
          BUỒN, VUI  em đã cùng ta dựng
         Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.
         Thật là một tư tưởng hết sức lạc quan!
        Nhưng còn cõi “Thiên Thai giữa bụi hồng” là sao?
         Hãy đọc lại truyện ngắn viết bằng Pháp văn: “Nostalgie du monde de poussie`res roses” ( dịch ý:“Nhớ về mảnh đất bụi hồng” hay là “Nhớ về quê, về cõi hồng trần”)của Nguyễn Tiến Lãng, khoảng thập niên 20 thế kỷ trước, kể chuyện Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, sống với tiên nữ rồi lại nhớ nhà, xin về quê cũ.
        Hoặc là hãy nghêu ngao ca khúc “Thiên Thai” của Văn Cao, thập niên 1940: 
                          Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn
                          Cùng bầy tiên đàn ca bao năm…
                        Rồi:
                                  Nhớ quê chiều nào xa khơi,
                                  Chắc không đường về Tiên nữ ơi!
                       Và cuối cùng thì :
                                                               Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
                                                               Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
                                                                                 Những khi chiều tà trăng lên
                                                                              Tiếng ca còn rền trên cõi tiên….
          Trong cả hai truyện và ca khúc ấy, hai người bạn Lưu Thần và Nguyễn Triệu đều là những kẻ băn khoăn, lần mò trên con đường tìm Hạnh Phúc. Họ đã thấy rồi lại để mất, cuối cùng đều thất bại.
          Đó là vì họ chỉ biết có cái đẹp trong cái ĐẸP, mà không biết thế nào là cái thú đau thương, nói giản dị hơn là họ không nhìn ra được khía cạnh tích cực trong tiêu cực .
         PTN nhìn ra điều đó trong hai câu kết của bài thơ “Quỳnh-Hương”:
                       BUỒN, VUI em đã cùng ta dựng
                       Một cõi Thiên-Thai chốn bụi hồng.
          Xét cho kỹ, với hai câu thơ trên, PTN chứng tỏ tác giả chịu ảnh hưởng rất nhiều của Kiều và thơ Nguyễn Du. Bởi vì “thiện căn ở tại lòng ta”, nếu chính tâm ta quyết định, thì dù buồn, dù vui, ta có thể cùng xây dựng “Thiên Thai” ngay ở “chốn bụi hồng” mà không có gì khó khăn cả.
         Một câu hỏi: tại sao PTN có thể lan man từ một bức ảnh “quỳnh- hương trong nắng sớm” đến những tư tưởng thấm đượm “Nguyễn Du và Kiều” như vậy? Đó chính là vì, với nửa thế kỷ hoạt động giáo dục, văn học ( TV Phạm Thị Nhung là giáo sư Gia Long từ đầu thập niên 60 tới năm 1975 ; sau đó là diễn giả ở hải ngoại ), mà đề tài chính là Nguyễn Du và Kiều, PTN đã để cho những tư tưởng về tâm lý, triết lý, tôn giáo… có trong và rút ra từ Nguyễn Du và Kiều thẩm thấu dần dần vào não bộ mình mà chính mình cũng không biết. Cho nên, bài thơ “Quỳnh-Hương”, khởi đi với những câu miêu tả sắc hương của một loài hoa quý, đã kết thúc như là một áng thơ nghiêng về nghị luận tư tưởng vậy.

***
           Cảm hứng từ bức hình hoa Quỳnh do TV Ng.T.Đức gửi tặng, lẽ ra bài thơ “Quỳnh-Hương” sẽ được tác giả tặng lại Đức, như là những “xướng, họa” bình thường. Nhưng tại sao tác giả lại trang trọng đề tặng tới hai người “Đôi bạn Đức- Cẩm” ? Phải chăng là PTN đã nhìn ra rằng đôi bạn của tác giả đã hiểu, và đã hành (2 ) những căn bản tư tưởng giống như PTN đề cập trong “Quỳnh-Hương” , cho nên từ bao nhiêu năm rồi, họ đã được sống êm đềm trong “cõi Thiên Thai” giữa “chốn bụi hồng”?
Để kết luận, xin được mở rộng vấn đề:
         Nếu Thảo Nguyên đã vẽ một bức tranh sơn dầu tự họa, thì Phạm thị Nhung cũng đã tự họa bằng thơ. “Quỳnh- Hương” quả thực là bài thơ tự họa của PTN tặng đôi bạn khác là “chính mình và người bạn đời” , cả hai đã tìm ra Hạnh Phúc ngay từ thuở mới yêu nhau, mới sánh đôi, không cần lần mò như Lưu Thần và Nguyễn Triệu ngày trước./.
   
Nguyễn Đức Cẩm
                             
 Chú thích.-
(1) Quỳnh-hương, còn có tên là quỳnh đêm vì chỉ nở vào đêm. Nhưng khí hậu Nam Cali thật là tuyệt vời nên vào tháng 10 hàng năm, đôi khi ta có thể thấy những bông quỳnh- hương vẫn còn rực rỡ dưới nắng sáng.
(2) Một thí dụ về “hành” là chính bài đoản văn này, viết trong lúc mắt chỉ còn 5% thị lực.