PHAN THANH GIẢN
MỘT NHÂN CÁCH LỚN và BI KỊCH CUỘC ĐỜI

Lê Đức Cửu


Ngay khi còn niên thiếu, được đọc lịch sử nước nhà, tôi rất tôn kính và ngưỡng mộ cụ Phan Thanh Giản. Lúc đó tôi chưa biết nhiều về sự nghiệp của cụ, nhưng phẩm cách rạng ngời và hoàn cảnh bi thương của cụ khiến tôi cảm kích xúc động vô cùng.

Sau này, có lẽ là do cơ duyên, tôi được bổ nhiệm về dạy tại trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, một ngôi trường nổi tiếng của miền Nam và cũng là ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời dạy học của tôi với biết bao kỷ niệm êm đềm :

“Trăng phương Nam
Sáng tỏ khắp bờ Cửu Long
Nước chảy con thuyền xuôi dòng
Vẳng tiếng khoan hò ấm lòng”
Anh Hoa ( Trăng phương Nam)

Vì thế, cách đây hơn 30 năm, có dịp về thăm Bảo Thạnh (Bến Tre), quê hương của cụ Phan, tôi không khỏi se lòng khi trông thấy khu di tích lăng mộ cụ có vẻ hoang sơ và đền thờ xuống cấp hư nát nặng nề. Và hôm nay, dù hiểu biết còn hạn chế, tôi cũng muốn được trình bày một số suy nghĩ và tấm chân tình của tôi về nhân vật lịch sử vĩ đại này.

1.  Cụ Phan thuở thiếu thời nhà nghèo nhưng là người con rất hiếu thảo và hiếu học, siêng năng cần mẩn. Vì bị vu cáo, cha là Phan Thanh Ngạn bị tù oan, Phan Thanh Giản đã xin chịu tù thế cha. Thấy cụ là người con hiếu, quan Hiệp Trấn Vĩnh Long đã an ủi và hết lòng giúp đỡ. Hàng ngày, cụ vào khám thăm cha, làm những việc cực nhọc của cha phải làm và vẫn chịu khó chuyên cần học tập.

Siêng năng cần mẫn lại thông minh hơn người, Phan Thanh Giản đã vượt qua những khó khăn của cuộc sống và đỗ Tiến sĩ năm 1826 và là vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh. Phẩm giá con người và sự thành đạt vẻ vang khiến nhân dân Nam Kỳ quý mến, ngưỡng mộ và rất tự hào về người con của quê hương mình. Đó là những phẩm chất tốt đẹp thời tuổi trẻ của cụ và vẫn còn giữ nguyên giá trị trong việc giáo dục trẻ hôm nay cũng như ngày mai.

Quốc triều hương khoa lục chép : “Ông là người đổ đại khoa đầu tiên của Nam Kỳ, là người có học vấn và đức hạnh, đứng đầu đất Nam trung”.

2. Ra làm quan, trải thờ ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cụ nổi tiếng cương trực, thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước.
•    Gặp việc cần nói thì nói, không sợ mất chức. Đại Nam Chánh Biên chép về Phan Thanh Giản : “Ngộ sự cảm ngôn” nghĩa là “gặp việc dám nói”. Năm 1836, vua Minh Mạng muốn ngự giá tuần thú Quảng Nam và mấy tỉnh phía Nam Ngũ Hành Sơn, cụ đang làm Bố Chánh tỉnh này, dâng sớ can ngăn, tâu rằng : “Hạ dân nghe ngự giá sắp vào đều có lòng vui. Nhưng bốn tỉnh trời hạn, đồng khô lúa chết, gạo mắc… đã biết vua ngự thì… tất nhiên phải bắt dân phu với lính… như thế dân phải bỏ việc tư lo việc công… xin bệ hạ đình chỉ ngự giá, đợi đến khi trời đất khí hòa, mùa được dân no. Xin bệ hạ thẩm xét.”

Thế là vì thương dân và trung trực, cụ bị giáng xuống làm lục phẩm thuộc viên, lo việc quét dọn bàn ghế tại công đường tỉnh Quảng Nam, nhưng cũng chính vì thế mà danh tiếng càng lẫy lừng, dân gian càng kính phục.

Năm Tự Đức thứ năm (1852), cụ cùng với Nguyễn Tri Phương dâng sớ điều trần 8 việc chính trị như : xin vua cẩn thận các việc chơi bời, xin đừng ham coi hát xướng, xin xa tránh những kẻ thấp hèn, xin chuộng điều tiết kiệm, bớt việc lãng phí xa hoa mà thương xót cho dân, giữ gìn đất nước…

Mấy lời tâu ấy thật có phật ý thánh hoàng, song vua Tự Đức cũng khen là có lòng ngay vua, thương nước, lại ban thưởng cho một tấm kim khánh, có khắc 4 chữ “Liêm, bình, cần, cán”.

•    Làm quan đại thần của triều đình mà phu nhân ở nhà phải ăn ở cần kiệm, trồng bông dệt vải mà mặc, cấy lúa tỉa rau mà ăn; nhà thờ tổ tiên thì bằng cột mắm, phên tre và đến khi chết thì ở trong một túp lều tranh. Vua Tự Đức biết cụ làm quan to mà vẫn nghèo nên thường hoặc tăng bổng hoặc thưởng riêng.

Dưới triều Minh Mệnh, khi đi sứ Tàu về, cụ đem những tặng phẩm của vua quan Tàu tặng dâng lên vua xem, món nào cho phép lấy cụ mới lấy.

3.  Học rộng tài cao, làm quan to nhưng cụ lại là người cực kỳ khiêm tốn :

•    Khi làm Kinh Lược Sứ Nam Kỳ, dù không phải là học trò cụ Võ Trường Toản, nhưng cụ Phan vẫn coi cụ Võ như bậc sư bá và hết lòng tôn kính. Khi mất 3 tỉnh miền Đông, vì không muốn hài cốt của bậc lương sư nằm trên đất giặc, cụ đã cho di dời từ làng Hòa Hưng (Gia Định) về làng Bảo Thạnh (Bến Tre). Và năm 1867, đích thân cụ Phan soạn bài văn bia. Cuối bài văn bia này, cụ không dám ghi học vị Tiến sĩ và chức tước đại thần của mình, mà chỉ kính cẩn khiêm cung viết : “Vãn sinh Phan Thanh Giản huân mộc cẩn minh” nghĩa là “người học trò lớp sau là Phan Thanh Giản, trước tắm gội, kính cẩn ghi bài minh”. Điều đó cho thấy đức tính cực kỳ khiêm tốn cũng như tấm lòng vô cùng tôn kính cụ Võ của quan Kinh Lược Sứ Nam Kỳ.

•    Trước khi nhắm mắt lìa đời, cụ dặn lại con cháu bỏ hết chức tước và học vị, mà chỉ ghi trên minh tinh chín chữ : “Hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu” nghĩa là : “ Quan tài của người học trò già họ Phan ở nơi góc biển”.

Thi đỗ Tiến sĩ, mà là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ, làm quan Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Kinh Lược Đại Thần của triều đình mà khi mất chỉ ghi là “học trò già nơi góc biển”. Đức tính khiêm tốn của cụ thật là hiếm có ở đời.

•    Thực hiện đúng ý nguyện của người xưa, hiện nay trên mộ bia cũng chỉ thấy ghi : “Nam Kỳ hải nhai lão thư sinh Phan công chi mộ” nghĩa là “Mộ của người học trò già Phan công ở nơi ven biển Nam kỳ”

4. Cuối đời cụ, năm 1867, thực dân Pháp quyết chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Tình hình đất nước cực kỳ khó khăn bi thảm; chiến hòa, tiến thoái lưỡng nan :

“ Mệnh trời thế, đành không sao cải mệnh
Thấu cơ trời thêm nát dạ trượng phu”

“ Gặp thời thế thế thời phải thế” , cụ đành để mất ba tỉnh miền Tây Nam kỳ : Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên rồi cụ nhịn ăn , uống thuốc độc tự tử để đền ơn vua nợ nước. Đó là bi kịch của cuộc đời cụ và cũng là bi kịch của lịch sử.

•    Cụ đã nêu cao tấm gương khí tiết rạng ngời, như Võ Tánh và Ngô Tùng Châu năm xưa tử tiết ở thành Bình Định (1801 ), và sau này như Tổng Đốc Nguyễn Tri Phương rồi Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết khi thất thủ Hà Thành (1873 và 1882) :

“ Sửa mũ áo lạy về bắc khuyết, ngọn quang minh hun mát tấm trung can.
Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí”
( Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu )



“ Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa.
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”
( Câu đối ở đền “ Trung Liệt” thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu trên gò Đống Đa)

Nghĩa là :

“ Kìa thành quách, kìa non sông, trăm trận phong trần còn thước đất.
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”

•    Người xưa có câu :

“ Khảng khái cần vương dị,
Thung dung tựu nghĩa nan”

Nghĩa là :

Hăng hái giúp vua (thì) dễ
Thung dung đạt việc nghĩa (thì) khó”

Thật ra khảng khái “cần vương”, xông pha xả thân nơi trận tiền cũng là điều khó và rất đáng khâm phục, nhưng còn có sự hỗ trợ từ bên ngoài và của nhiều người, còn như “ thung dung tựu nghĩa” là một cuộc chiến nội tâm, một mình một bóng nên càng khó khăn và đáng trân trọng hơn chăng, đúng như lời dạy của cổ nhân : "Thắng một vạn quân giặc không bằng tự thắng lấy mình".

•    Cách hành xử cao đẹp này vẫn còn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự nóng bỏng trong thời đại ngày nay.

5.  Như thế, cụ Phan Thanh Giản không phải là người tham sinh úy tử, mãi quốc cầu vinh. Nhưng năm 1868, vua Tự Đức và triều đình đổ hết tội lỗi cho cụ về việc để mất Lục Tỉnh Nam Kỳ  nên xử án “ trảm hậu”, truy đoạt chức hàm và đục bỏ tên ở bia tiến sĩ. Nhưng 18 năm sau, vua Đồng Khánh lại khai phục nguyên hàm, khôi phục phẩm hàm chức vụ cũ và cho khắc lại tên cụ ở trên bia, đồng thời hết lời ca ngợi công đức của cụ và bày tỏ tấm lòng tiếc thương vô hạn :

“ Tuyển tập Lương Khê thật là tuyệt diệu
Danh tiếng ngươi còn truyền tụng ở Quỳnh uyển
Phẩm vọng ngươi cao như núi Thái sơn, rộng lớn khắp ba triều
Văn chương ngươi như mây bay nước chảy, được xưng tụng cao nhất một đời…
Than ôi, xem bản văn cất ở chốn Thanh Hiên, bùi ngùi nhớ lại phong cách ngươi khi xưa.
Theo dõi cuộc đời thanh bạch của ngươi khi làm việc tại Hoàng Các, hận rằng chẳng đặng sống đồng thời”
( Khai phục Hiệp tá Đại học sĩ Phan Thanh Giản cáo văn)

Cụ cũng được phong thần hai lần: lần thứ nhứt sắc phong thần ở làng Tương Bình Hiệp, tỉnh Thủ Dầu Một của vua Khải Định năm 1924 và lần thứ hai ở thôn Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long của vua Bảo Đại năm 1933.

6.  Ngày nay, sau một thời gian khá dài bị lên án nặng nề, cuối cùng,  qua nhiều cuộc hội thảo và tranh luận, tất cả cũng đã đi đến nhất trí: “ Không nên và không thể gán cho ông cái tội ‘bán nước’ hay ‘ phản bội tổ quốc’. Đó là sự quy kết khá nặng nề, không có căn cứ, vừa không đúng với hành động và động cơ của ông, vừa trái với tấm lòng ngưỡng mộ và kính mến mà nhân dân, quê hương vẫn dành cho ông.” ( Phan Huy Lê- Phan Thanh Giản: con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử)

Khu di tích lăng mộ và đền thờ cụ hiện nay cũng được trùng tu, tôn tạo khang trang và một trường Trung học phổ thông ở quê hương cụ được vinh dự mang hiệu danh Phan Thanh Giản.

Thật rất đáng mừng và đó chính là sự công minh và công bình của lịch sử muôn đời đối với một con người tài năng, khiêm tốn, hiếu thảo, cương trực, tiết tháo, thanh liêm và hết lòng vì dân vì nước.

Và xin được mượn bài thơ “Điếu Phan Thanh Giản” của cụ Nguyễn Đình Chiểu để kết thúc ở đây :

“Non nước tan tành, hệ bởi đâu
Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu
Ba triều công cán, vài hàng sớ
Sáu tỉnh cương thường, một gánh thâu
Ải Bắc ngày trông tin nhạn vắng
Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ đây mặc gió thâu”

Tháng 3/2012
Lê Đức Cửu
Cựu giáo sư Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ và Trịnh Hoài Đức Bình Dương