GIỖ LẦN THỨ 118 CỦA HIỀN TÀI PÉTRUS KÝ

Vĩnh Xuyên


    Kính thưa.....


- Đất Cái mơn, xã Vĩnh Thành, tỉnh Bến Tre sinh con người tài ba lỗi lạc.
- Ngôi sao Khuê vằng vặc sáng soi trên bầu trời Việt Nam .
- Thông thạo 26 ngoại ngữ trong đó 15 tiếng Phương Tây và 11 tiếng Phương Đông, được ghi tên trong từ điển Bách khoa Larousse và là một trong 18 văn hào thế giới thế kỷ 19.
- Nhà ngôn ngữ học, nhà dân tộc học, nhà giáo, nhà báo.
          
     Làm được ngần ấy thứ ở trên, không ai khác hơn chính là học giả Pétrus Trương Vĩnh Ký.
     Cụ sinh ngày 6/12/1837 nhằm ngày 9/11 năm Đinh Dậu và mất vào ngày 1/9/1898 tức ngày 16/7 năm Mậu Tuất.

     Hôm nay ngày 16/7 âl, trong không khí vui tươi và đầm ấm, trường Trung Tiểu Học Pétrus Ký của chúng ta, long trọng tổ chức ngày giỗ và cũng còn là ngày kỷ niệm lần thứ 118 năm ngày mất của cụ Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nhớ lại danh sĩ vang bóng một thời mà bản thân tôi luôn hằng mến mộ để ra sức học tập….
    Học thức gắn liền công danh, lên xe xuống ngựa, xênh xang mũ áo nhưng trái lại ông lại là mẫu người có một không hai trong xã hội ta thời bấy giờ.
    Thật vậy, sớm mồ côi cha lúc 8 tuổi khi cha đi công vụ và mất ở Campuchia là một thất thoát lớn nhưng ông đã vượt lên chính mình bằng một cơ duyên. Đó là học trường dòng nên ông hấp thu được nền văn hóa tiên tiến phương Tây, trong lúc nước nhà còn đóng khung trong nền văn hóa Tàu.
     Nhờ thông minh mẫn tuệ, chí ham học nên ông lân la học các thứ tiếng của các người bản xứ nơi trường dòng để rồi hiều biết phong tục tập quán, nền văn minh nước đó. Trên cơ sở này ông hiểu rất rõ và hơn ai hết dã tâm của giặc Pháp với chủ nghĩa thực dân, xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Thế giặc mạnh trong khi triều đình nhà Nguyễn bo bo thủ cựu, đóng kín khó lòng đương nỗi kẻ thù. Khi hay tin mẹ hiền qua đời, lập tức ông phải về thụ tang mẹ và lý do thứ hai là không nhận chức linh mục dù chỉ còn nửa năm.
     Năm 21 tuổi ông đã trở thành nhà thông thái và "phải có danh gì với núi sông". Trăn trở và dày vò, ông phải chọn con đường "túng thế phải tùng quyền" nhưng làm thế nào đừng để hậu thế chê cười. Phải chăng đó chính là nỗi lòng vì đất nước vì dân tộc của ông?
     Trong tinh thần tôn sư trọng đạo, ta thử đi sâu tìm hiểu:
               
     1- Giữ tròn phẩm chất, khí tiết người Việt Nam :

               
      Lúc thiếu thời, cậu bé Pétrus Ký được cho học chữ Hán với thầy đồ tên Học ở quê nhà từ lúc 5 tuổi cho mãi khi cha qua đời là 8 tuổi. Ông học đâu nhớ đó, làu thông các sách Tứ thư, Ngũ Kinh của Khổng Mạnh, hiểu rõ luân thường đạo lý của người Á Đông. Lòng hiếu thảo, đạo làm người... và nhất là đạo làm "tôi" là trung thần bất sự nhị quân ("tôi" ngay không thờ hai chúa). Do vậy trong suốt quá trình cộng tác với Pháp, ông đem cái sở trường là thông thạo Pháp, Anh, La Tinh là ngôn ngữ quốc tế lúc bấy giờ để làm thông ngôn (tức là làm phiên dịch) mà thôi. Cụ thể làm thông ngôn cho sứ thần Pháp trong hòa ước 1862. Thông ngôn cho sứ thần Phan Thanh Giản chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Thông ngôn cho sứ thần Tây Ban Nha ký thương ước với triều đình Huế v.v... Rồi thay linh mục Croc làm ông Hiệu Trưởng trường thông ngôn v.v... Ông được Pháp thăng tri huyện hạng nhất (nhưng là chức hàm) không có thực trị.

     Ta còn thấy rõ khí tiết của Pétrus Ký bằng việc ông mượn câu cách ngôn bằng tiếng La tinh "Sic vos non vobic" (ở với họ mà không theo họ) và mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản "Gia Định thất thủ vịnh", Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là “giặc”.  
     Với triều đình nhà Nguyễn, vua Đồng Khánh thăng cho ông chức Cơ mật viện tham tá, sung Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ. Vua Bảo Đại sau cùng cũng thăng cho ông chức Lễ bộ Thượng Thư...  để rồi khi cáo quan vể hưu và cuối cùng Pétrus Ký sống trong cảnh bần hàn, nghèo khó. Như vậy đã cho thấy phẩm chất con người ông.
              
      2- Khai hóa nhưng không bị đồng hóa, mở mang dân trí:


     Cộng tác với Pháp, nhưng “Sic vos - non vôbic” Nghĩa là ở với họ (tức người Pháp) mà không giúp họ, không bao giờ theo họ đâu… điều ấy có nghĩa rằng:
     - rằng tuy ăn ở cùng Tần…
     Nhưng -- bâng khuâng nhớ Hán muôn phần xót xa…
                                                   (thơ Petrus ký)
     Và chắc chắn Trương Vĩnh Ký không thích con đường chính trị. Ông lại thiết tha với nền văn học chữ quốc ngữ, quay về sự nghiệp văn chương của mình, ông không ngần ngại từ bỏ sân khấu chánh trị, trở lại nghề dạy học, viết sách dạy các thứ tiếng Đông phương.
     Viết sách dạy người Pháp học tiếng Việt và ngược lại, dịch bộ Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử), cũng như dịch một số sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ, cốt để phổ biến ngôn ngữ và tư tưởng Đông phương.
     Đặc biệt vào năm 1875 : Ông cho xuất bản "Kim Vân Kiều truyện" của Nguyễn Du và "Sử Ký An Nam ". Từ sự việc nầy cho ta liên tưởng đến tư tưởng hoài Lê của Tố Như tiên sinh qua truyện Kiều và lòng yêu nước thương dân của Sĩ Tãi tiên sinh.              
     Ở Tố Như tiên sinh :
     Bất tri tam bách dư niên hậu,
     Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
     Có tác giả dịch là :
    ( ... Hận xưa khôn hỏi trời già,
      Nỗi oan phong vận mình ta buộc ràng,
      Ba trăm năm lẻ, mơ màng...
      Biết ai hậu thế khóc chàng Tố Như ?)
     Ở Sĩ Tãi tiên sinh thì :
     Câu ghi trên cửa nhà mồ bằng tiếng Latinh : "Miseremini Mei Satem Vos Amici Mei" (Xin hãy thương hại tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Phải chăng ngụ ý câu trên muốn bộc bạch một điều rằng: "Hậu thế còn ai hiểu được nỗi lòng yêu nước, thương dân của Sĩ Tãi tiên sinh".
     Ngày giỗ tiên sinh hôm nay, ta lần giở trang văn học sử nước nhà vào thế kỷ thứ 18 và cuối nửa bán thế kỷ thứ 19, chúng ta rất sung sướng và tự hào biết bao!
     Chí lớn của của hai bậc hiền giả Nguyễn Du (hoài Lê) và Pétrus Ký (khai hóa dân tộc) phải chăng đã gặp nhau, đồng nhất nhau ở điểm này.
     Trở lại với Pétrus Ký, chúng ta thấy rằng Pétrus Trương Vĩnh Ký là nhà văn hóa lớn. Ở sân khấu chánh trị ông mong tạo sự thông cảm giữa người Việt và người Pháp, giữa những xung đột lớn lao về chánh trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
      Hơn hai mươi năm dính vào “hoạn lộ”, làm việc với chính quyền thực dân Pháp, làm việc với triều đình Huế, Trương Vĩnh Ký chưa bao giờ là một “ông quan cai trị” chính cống, cũng chưa bao giờ là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Tuy theo đạo Thiên chúa nhưng phải nhận ông vẫn giữ được phong hóa Đông phương, cách ăn mặc luôn thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh và khai hóa nền văn minh Tây Âu. Câu chữ khắc nổi bậc của thầy Ưng Thiều:
        "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
         Tây Âu học thuật yếu minh tâm"
 Có nghĩa là:
      “ Hãy khắc vào xương đạo đức Khổng Mạnh

        Nên ghi vào lòng văn minh khoa học Tây Âu”
        Với học thức sẵn có, trong chuyến công du châu Âu, tìm hiểu chỗ sai biệt giữa hai nền văn minh, hai xã hội, nhận định đâu là những ưu điểm của người mà ta phải công nhận và học hỏi. Ông lại tự coi mình như có bổn phận làm trung gian giữa hai phe xô xát hầu lấy lại tình hòa hiếu, lập lại sự an ninh, mưu sự thịnh vượng cho đất nước. Tóm lại, ở ông, ta thấy thái độ thích đáng, công minh của một bậc trí thức trung thực và tự trọng, không thấy cái xu phụ, mù quáng. Con người ấy thực ra ở trí sáng suốt, óc chừng mực, tác phong tao nhã, vẫn cốt yếu là một đồ đệ Nho giáo. Và trái tim ông vẫn đập về phía đất nước, đồng bào.” (Phạm Thế Ngũ – Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, tập III, trang 70-73 .NXB Quốc Học Tùng Thư)
        Đó là một chọn lựa có cơ sở, mà theo ông, không thể làm khác được; một chọn lựa làm nổi bậc lên cái TRÍ và nhất là cái TÂM của Trương Vĩnh Ký. Điểm nầy chúng ta xem lại bài di huấn của ông viết vào ngày 8-11-1870.
        "Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong..."          
        Tóm lại, trong ngày giỗ hôm nay, ngày kỷ niệm lần thứ 118 năm ngày mất, nhằm tưởng nhớ học giả lừng danh Pétrus Ký, sự thương tiếc, lòng nhớ ơn vô hạn một bậc Thầy đồng thời ta thấy toát lên một tấm lòng yêu nước thương dân vô bờ bến của ông. Ông là sứ giả đi khai hóa nhưng không bị đồng hóa..
        Tôi xin tặng bài thơ:

HỌC SINH PÉTRUS KÝ
NGUYỆN NOI GƯƠNG TỔ
 
Sĩ Tãi tiên sinh sống cõi trần
Thương nhà yêu nước vẹn tình thân
Thông minh hiếu học ngời danh vọng
Mẫn tuệ chuyên cần nức tiếng tăm
Phẩm hạnh tuyệt vời trang tuấn kiệt
Tâm hồn trong sáng bậc hiền nhân
Vào trường Pétrus noi gương Tổ
Rèn đức luyện tài, quyết học chăm
 
     Học sinh trung tiểu học Pétrus Ký rất tự hào và nhân ngày giỗ lần thứ 118 năm hôm nay:
 
Trường ta Pétrus tai Bình Dương
Đào tạo hiền tài đúng chủ trương
Đội ngũ Thầy Cô luôn vượt trội
Tự hào chất lượng tiếng muôn phương
                                          
Xin trân trọng cám ơn
.
                                           
Vĩnh Xuyên (18/8/2016)
                                     
(Nhằm 16/7 al Bính Thân)