Những vết chân chim

VÕ KỲ ĐIỀN


Hai em Nguyễn Hữu Của và Kim Sa thân mến,
 
Từ hôm anh em mình gặp nhau cho tới giờ đã trên cả tháng, nay mới hở tay được một chút viết thư nầy cám ơn hai em, tuy trễ muộn nhưng phải có, nếu không thì anh áy náy không yên. Nợ tiền nợ bạc thì còn có ngày trả được, chớ nợ ân tình thì khó trả cho sòng phẳng lắm nghe hôn. Từ ngày định cư ở Toronto, đủ thứ chuyện bề bộn, anh không rảnh được chút nào, mong hai em thông cảm cho anh chị.

Nhớ lại buổi anh em mình trùng phùng sau cuộc biển dâu, anh rất sung sướng, cảm động, trong lòng thật ấm áp. Đôi phút rảnh rổi anh thường coi lại cuộn phim ghi hình ảnh chuyến đi vừa qua. Anh qua đây gần 25 năm rồi mà mới đi Cali lần đầu, nhà quê lắm, nên cái gì cũng thấy lạ. Em bây giờ trông bệ vệ nhưng thoải mái, nói năng vui vẻ, hoạt bát, giống hịch ba em ngày xưa. Vợ em thì trang nhã, tươi đẹp và trẻ hơn trong hình chụp gởi cho anh từ trước. Các cháu ngoan quá và đều thành đạt ở xứ người, anh thật vui và mừng cho hai em.

Lần đầu bước chân đến Cali, cảnh vật và con người ở đây đều dễ thương hết sức. Bên anh, hoa trúc đào được trồng trong chậu, bón phân tưới nước chăm sóc từng chút, cưng như cưng trứng hứng như hứng hoa, vậy mà tụi nó cũng đôi khi làm khó dễ anh khi nở khi không, bên nầy được trồng dầy đặc làm hàng rào bên lề đường, hoa nở đỏ um tùm thấy mà ham. Buổi sáng cùng hai em lại thăm anh Tùng, khiến anh có cảm tưởng như đang ở tỉnh nhà mình vậy. Anh Tùng tuổi cũng đã lớn hơn anh nhưng nét gân guốc vẫn còn nguyên, mắt sáng mạnh, dáng đi vững chắc y như bác năm lúc trẻ. Nhà ảnh gần khu Little Sai Gon rộng rãi và sau vườn hoa cỏ xanh tươi mơn mởn. Những chậu hoa lan muôn màu muôn vẻ, phô sắc phô hương trong nắng, những bụi trúc xanh cao mọc ở góc tường bên nầy bên kia, anh nhớ đã buột miệng: -tuổi già mà anh Tùng có được khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo như vầy, thì sướng như tiên.

Khi nói như vậy có thể anh Tùng và em không hiểu hết ý của anh đâu. Bỡi vì ở Cali khí hậu ôn hoà, cây cối xanh tươi dễ trồng, chuyện trồng cây nầy cây kia như vậy ai mà trồng không được, có gì mà sung sướng? Nhưng mà em phải hiểu dùm anh, xứ Canada của anh lạnh lắm, anh thèm thuồng và ước ao được trồng cây nhãn hay cây mận ngoài vườn. Hoa cỏ, cây trái như phong lan, bông giấy, dạ lý hương, tre, chuối, chanh, bưởi... các loại cây nhiệt đới, mùa đông phải bưng vô nhà có ánh sáng và sưởi ấm, chăm sóc cực khổ lắm. Anh mê trồng cây nên hễ thấy cây là nhìn ngắm mê man, cây nào bị lạnh chết khô thì tiếc ngẩn tiếc ngơ.. Anh Tùng chặt cho anh cây mía thật to và cao, anh nhớ đã nói -ai mà ngờ gần trên hai mươi lăm năm nay, được rờ tay vào cây mía, sướng quá, nói chi tới chuyện cạp sướt cái vỏ mía...

Em nè, anh nói chơi cho vui vậy thôi, chớ răng cỏ của anh bây giờ đâu còn đủ sức để mà cạp cái vỏ mía cứng như đá, anh Tùng cũng vậy, xấp xỉ trên dười sáu, bảy chục rồi. Ừ, mà vợ chồng em, vợ anh, chị Tùng, nói chung anh em mình bây giờ, còn ai trẻ đâu. Anh đâm nhớ câu thơ quen thuộc của Lý Bạch -quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ty mộ như tuyết -thấy chăng anh, đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như sương. Thời gian rất vô tình, mới đó ngày nào...
 
Anh Tùng đào cho em bụi tre lớn, cho anh mấy loại hoa kiểng quí và rau thơm Canada không có được. Nhiều quá, điệu nầy khi về, anh làm sao mà gói ghém, dấu cho kín được khi qua biên giới? Mấy bà phải khệ nệ khiêng xách ra xe, anh vừa chụp hình vừa cười nói với chị Tùng: -bà phó tỉnh trưởng Gò Công ơi, ông chủ tịch hội ái hữu Bình Dương rủ bạn từ phương xa đến, đào hết trơn hoa kiểng vườn nhà ông bà rồi !

Em biết không, anh hồi nhỏ chơi thân với Lê Thiện Phương. Phương là em anh Tùng, rất đẹp trai và hiền lành. Hai đứa trưa trưa thường rủ nhau đi tắm piscine ở Ngả Sáu, đôi khi nghịch ngợm lượm đá sỏi chọi phá tụi tây con, đầm con đang tắm dưới hồ, bị tụi nó rượït đuổi la hét ầm ỉ, tụi anh chạy thục mạng trốn qua nhà thờ, thiệt là hồi hộp, căng thẳng và vui hết sức...

Thời gian qua đi và con người cũng qua đi, đâu có gì bền vững mãi được, có hình thì có hoại mà. Nhưng mà có cái mất đi nhưng cũng có cái còn hoài, chìm lắng thiệt là sâu trong lòng mình. Khi chúng ta rời nhà anh Tùng lên xe đi thăm người bạn kế tiếp. Em nói tên người bạn gái, cái tên đó một thời thoáng qua trong đời và khắc đậm nét trong tim anh... Ngạc nhiên, sửng sốt và anh nghe như thời gian đứng chựng lại và trôi tuột trở về cái thời mới biết yêu ngây thơ, vụng dại. Những sáng nhớ chiều mong, những háo hức trông chờ, những nhịp chân đưa đón, những ánh mắt e ấp hẹn hò. Dòng sông trước nhà lấp loáng ánh nắng buổi trưa gặp gỡ, những bàn tay run rẩy tìm nhau, những nụ hôn lén lút vội vàng, những mê say của một thời hoa mộng cũ...

-Của nè, em có nói lộn không, anh có nghe lộn không? Gần ba mươi mấy năm nay, anh chưa hề gặp lại người có cái tên đó ở hải ngoại nầy, bây giờ cố nhơn đã dọn về Cali nắng ấm rồi à... Anh hấp tấp và hồi hộp hỏi. Cũng may vợ em đáp nhanh -không phải người đẹp ở mé sông của anh đâu, người nầy ở Ngả Sáu, cạnh trường Nam Tiểu Học.
- Ờ, ờ, người đẹp ở ngả sáu, gần trường Nam Tiểu Học, anh nhớ ra rồi, chị là con của thầy Lưỡng dạy anh hồi tiểu học. Nhà trong một khu phố nhỏ im ả bóng cây xanh. Căn nhà gọn gàng, đẹp đẽ, xinh xắn và dịu dàng như chủ nhân nó. Anh Thông và chị Liễu không khác ngày xưa bao nhiêu, nếu gặp nhau ngoài phố thì anh cũng nhận ra được ngay. Ảnh có bộ ria mép đẹp và khuôn mặt giông giống như bác sĩ Hồ Văn Châm, tổng trưởng bộ Chiêu Hồi. Chị Liễu và Thu Lý, hai người đẹp của trường Nguyễn Trãi, một thời đã khiến bao nhiêu trái tim thanh niên đất Bình Dương mình ngừng đập, phải không em ?

Ở phòng khách nhà chị, anh đã gặp lại các bạn một thời xa xưa, có bạn nhìn ra, có bạn nhìn không ra. Nhưng tất cả đều tươi vui, chững chạc, dáng vẻ yêu đời. Có một bạn ốm ốm cao cao, cái trán sói sọi, rán nhớ hoài mà không biết là thằng nào hồi nhỏ thường chơi với mình. Nhờ em nói tên, anh mới nhớ ra. Ở tuổi nầy anh đã là một ông già và Định cũng là một ông già, da dẻ nhăn nheo, tóc sợi đen sợi bạc, răng rụng chiếc còn chiếc mất, nhưng khi nhận ra nhau thì anh như thấy rõ lại hình ảnh hai đứa hồi 11, 12 tuổi... Nhớ rồi, nó là con bác chín Quỳnh, thợ máy ở gần quốc lộ 13, nhỏ hơn anh vài tuổi, nó học trường Minh Tâm của thầy Thọ, lớp thằng Đức, em anh. Câu chuyện ngày xưa anh em mình lại có dịp nhắc đi nhắc lại, nhắc hoài mà không thấy chán... Cạnh bên Thanh Thuần là Bạch Tuyết đẹp và tươi vui, cười nói nhắc lại những ngày gian khổ, cùng chị Diệp anh, lặn lội ra đất Bắc, người thăm nuôi em, kẻ thăm nuôi chồng.

Anh cũng nhân dịp kể lại ngày 30 tháng 4, giữa cảnh bom đạn tơi bời, người người xao xác, anh nhìn qua khe cửa thấy bác năm Chi (ông huyện Chi, có nhà bảo sanh ở Lò Heo) áo sơ mi trắng, quần xám, tóc bạc trắng hớt ngắn gọn, chống ba ton đi lơn tơn dạo phố, anh mở cửa mời bác vào nhà tránh đạn lửa đang rơi tơi bời ngoài công viên trước nhà và hỏi -bác Năm không sợ đạn pháo kích sao mà đi khơi khơi như vầy, không đội nón ? Bác đã trả lời tỉnh queo khiến anh chưng hửng -đất nước sắp tan tành, tao già rồi còn gì mà sợ nữa mậy....

Chị Liễu kể lại những ngày còn ở Việt Nam, tối tối lén mở đài BBC và đài VOA nghe đọc mấy truyện ngắn của một nhà văn lạ, thắc mắc không biết tác giả là ai mà lại rành cái đất Bình Dương từng hang cùng đến ngỏ hẽm... Mọi người giành nhau mà nói, căn phòng hơi chật làm sao nhốt cho hết niềm vui trùng phùng. Có bạn kể lại chuyến vượt biên hãi hùng, có bạn kể chuyện tù tội, bạn kể chuyện nghèo khổ...sau đó anh Thông đã mời tất cả cùng đi ăn trưa, một quán chuyên về đồ biển nổi tiếng đất Cali. Thức ăn tôm cua đầy chật một bàn. Anh em mình đã nói nhiều hơn ăn.

Anh chợt nhớ lời thi sĩ Tản Đà -đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, người ăn cùng ngon... thì ngon. Anh muốn sửa lại câu nầy -đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, người ăn cùng ngon ... thì nói, cũng ngon. Mà quả tình như vậy, anh em mình tranh nhau mà nói, tranh nhau mà cười... cũng may tiệm nầy khách đông rần rần, bàn nào cũng ồn ào nên anh em mình tha hồ hàn huyên tâm sự mà không sợ ai bắt bẻ, cho tới khi chia tay, vậy mà cũng còn quá nhiều điều chưa kịp nói. Khi ra về rồi anh nhớ lại kể thiếu chuyện nầy chuyện kia, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Trên phần tư thế kỷ rồi nhiều chuyện quá làm sao mà tóm gọn lại trong vài giờ ngắn ngủi, phải không em ?

Buổi chiều em đưa anh chị về nhà gần San Diego, thuộc thị trấn Temacula. Trời đất ơi, sao mà nhà em lớn và đẹp quá vậy. Khách sạn Marriott ở Los Angeles anh mướn cho cuộc du ngoạn chỉ có 4 sao thôi mà. Bộ em tính cho anh chị ngụ trong khách sạn tư gia 5 sao hả? Đã vậy mà cha một căn, con một căn, rồi một căn cho mướn, một căn sắp mua, thôi để khi nào rảnh anh qua chơi nữa, rủ ông bạn già Văn Bia cùng các bạn văn thi sĩ địa phương tụ họp tha hồ nói chuyện văn chương, nhà cửa, rượu thịt em cung cấp nghen. Em đã cho anh uống loại rượu khai vị xương rồng của xứ Mễ có muối, cái vị của nó lạ lắm... Dù gì thì ở đây anh cũng gặp được hai thi sĩ, một là em nè, hai là một học sinh cũ ở Sóc Trăng, thời anh mới ra trường đổi về dạy ở đó. Thi sĩ Phan Trường Ân đẹp trai và hào hoa, vợ duyên dáng, đằm thắm và rất xinh xắn, dịu dàng. Gặp Trúc rồi thì anh hiểu tại sao Phan Trường Ân (Anh Dũng) lại làm thơ hay đến như vậy.

Anh cũng rất vui khi gặp lại các bạn cũ xóm Ngả Tư piscine, có vài bạn thay đổi nhiều không cách gì nhớ nổi. Trí nhớ anh ngày càng tồi tệ. Đến khi về lại Canada, coi lại phim, hồi tưởng lại những ngày ở quê cũ, mới nhớ lại từng bạn từ từ,... Sáng hôm sau anh em mình ghé thăm tiệm Nails của vợ chồng Tươi, mới khai trương được vài tuần. Anh không ngờ Tươi lại là rể của ông bà Tạ Ngọc Tường, tất cả đều là lối xóm anh em mình. Cũng y như cái tên, Tươi buổi sáng đó thiệt là tươi trong áo choàng trắng tinh, khách đông đến nổi thầy trò gặp lại nhau mà không rảnh để nói chuyện nhiều được. Tiệm lớn, sạch sẽ, sang trọng và đông khách, mấy bà đầm Mỹ trắng trẻo, đẹp đẽ, ngồi trên ghế da êm ái xoè tay xoè chưn, thấy mà ham. (Anh nói khách đông thấy ham, đừng hiểu bậy bạ, coi chừng bà Điệp nghe được! ) Thấy Tươi làm ăn thành công, anh cũng muốn qua Cali mở tiệm Nails đây nè....

Sau khi từ giả tụi em thì anh chị đến San Jose, cư ngụ nhà Lê Hồng Đức hai ngày. Đức là con trai thứ cụ Thiên Lương, bậc thầy trong khoa Tử Vi lý số của Việt Nam mình. Vợ Đức cũng là học trò của anh ở trường Providence Sóc Trăng. Đức là người tỉnh mình, nhà ở dốc nhà thương xóm Bưng Cải, hồi nhỏ theo học trường An Mỹ. Gặp lại Đức sau 25 năm xa cách anh nhìn ra ngay, vẫn đẹp trai, hào hoa phong nhã như ngày nào, tuy trán có cao hơn vì tóc rụng khá nhiều gần như sói. Anh và Đức thân nhau vì cùng một sở thích. Gia đình Đức, cụ Thiên Lương, anh Lê Trung Hưng thật là đạo đức, hiền lương và khiêm tốn. Trước ngày mất nước cho tới ngày vượt biên, tụi anh có nhiều kỷ niệm vui về bói toán. Những buổi trưa nắng chang chang anh thường lên nhà Đức, cùng anh Hưng, đôi khi gặp cụ Thiên Lương bàn luận chuyện tử vi và học hỏi. Những gì cụ Thiên Lương đoán cho anh, sau 3, 40 năm đều không trật điểm nào. Lần nào gặp Đức, anh đều nhờ coi dùm số anh chừng nào giàu sang, Đức không trả lời mà chỉ cười trừ,... Anh biết Đức khó nói và chắc đang cười thầm trong bụng -anh bạn nầy biết rõ cái số nghèo mạt rệp đeo đẳng suốt đời rồi mà cứ theo hỏi mình hoài...

Nhưng ngày vui qua mau. Đức có hỏi thăm anh về cô Ngọc Yến (mẹ ca sĩ Tâm Đoan, cùng ở Toronto) Cô Yến ngày xưa có làm việc ở Ty Thuế Vụ với Đức... Vượt biên cùng một thời gian với anh, Đức thành công lớn và sớm, có lẽ nhờ vợ biết buôn bán, đầu tư. Vợ Đức thiệt là giỏi, hai cháu gái đẹp và ngoan. Cả hai đều tốt nghiệp đại học và có nghề nghiệp vững chắc (phải chi hai cháu đi thi hoa hậu Long Beach thì dám đoạt giải nhứt, nhì lắm à..) Nhà Đức cũng lớn lắm, kiểu thoáng mát, bề thế và khang trang giống như nhà em. Vườn sau thì khỏi chê, cam quít trái chín đầy cành, anh mê nhứt là cây táo Tàu, trái lớn bằng ngón tay cái, ngon ngọt ăn thấy vui vui, có lẽ hồi nhỏ ba anh làm thuốc anh quen ăn trái táo thứ nầy nhiều, nên thích lắm, ăn hoài.
                                                                        *
Em nè, anh chị lần đầu tiên đi thăm Cali, gặp lại một vài bạn bè ngày xưa, tất cả những bạn anh gặp đều thành đạt và hạnh phúc, anh mừng và vui lắm. Anh nhận thấy những người hiền lành đạo đức, ăn ở có trước có sau, sớm muộn gì cũng được trời phật đền bù. Nhưng chuyện thành công, giàu sang không quan trọng lắm đâu, điều quan trọng nhứt anh nhận thấy tình cảm người đồng hương mình đối đãi nhau, thật là đậm đà, đầy tình nghiã.

Mà em biết không, không phải chỉ những người có chung nhiều kỷ niệm thương mến nhau đâu, anh còn có được những người bạn chưa hề quen trước, chỉ biết nhau qua tiếng tăm, qua tài năng, đọc của nhau một vài cuốn sách, một vài bài văn, rồi đâm coi nhau như ruột thịt, đối xử nhau như là quen thân từ lâu, chăm sóc, thương yếu, kính mến. Anh rất thích du lịch và thường xuyên đi chơi xa mỗi năm nhưng chuyến đi Cali kỳ nầy, anh chị không bao giờ quên được những người bạn quen và chưa quen đó. (anh không viết hết ra đây vì không thuộc chuyện Bình Dương của anh em mình... ) Đến bây giờ thì anh mới hiểu rõ và cảm thông được hai câu thơ trong Tỳ Bà Hành: -Đồng thị thiên nhai lưu lạc nhân, tương phùng hà tất tằng tương thức. Cùng là người lưu lạc góc biển chưn trời, gặp gỡ thương mến nhau đâu cần phải là người quen biết trước. Như vậy anh em mình thương nhau, ngoài tình đồng hương nhiều kỷ niệm một thời, mình còn thương nhau vì cùng chung một thân phận, thấy lại bạn bè Việt Nam ở đất khách dù thân hay không, cũng như thấy lại quê hương thân yêu, thấy lại tuổi trẻ của chính minh, phải không em và các bạn thân mến ?
                                                                *
Tuổi anh hơi lớn rồi, thường nghĩ về những ngày vui sống đã qua. Mà anh em mình có cùng một mẫu số chung, đó là quê hương thân yêu. Nơi đó ngày xưa, có vui có buồn. Nhưng thời gian xa cách quê hương đã quá dài lâu, sự hiện diện của anh em mình, những người thân mình, ở nơi đất ngọt cây lành đó, còn ai nhớ được! Như bầy chim bay trên trời, bóng nó lướt qua trên mặt đất và trong phút giây mất hút, không để lại tông tích. Phải không em, thiệt ra không phải vậy! Năm vừa qua một học sinh cũ ở Sóc Trăng, Phan Trường Đạm (anh của thi sĩ Phan Trường Ân) có gởi tặng anh một bài thơ của một thiền sư, anh thích nhứt là hai câu cuối: -Thùy vị điểu quần đô khứ tận, di lai túc tích mãn trường không.

Anh tạm dịch cho em nghen -ai nói bầy chim bay đi hết, ta vẫn thấy dấu chân chim còn đầy trên bầu trời. Cũng vậy anh thường tin rằng sự hiện diện anh em mình, những hình ảnh người thân, bằng hữu, những đồng hương ngày nào, vẫn đậm nét, vẫn còn hoài còn huỹ trên những nẻo phố đường quê, ở chợ Thủ Dầu Một, ở Xuân Hiệp, Chánh Hiệp, Miễu Tử Trận, Giếng Máy, Cầu Ông Đành, Bến Thế, Bưng Cầu, Phú Văn, Lò Chén, Bà Lụa, Cầu Ngang, Búng, Lái Thiêu...

Bằng chứng rõ ràng nhứt là chuyến đi chơi kỳ nầy, anh đã chọn Cali vì nơi đây có tụi em, có bằng hữu đông vui. Không những cảnh đẹp mà tình cũng đẹp nữa. Gặp lại tất cả như gặp lại thời thơ ấu ngây thơ, yêu đời... như gặp lại Bình Dương hiền hoà, ấm áp, yên vui. Quê hương là gì, quê hương không phải chỉ là khu phố, mảnh đất hay miếng vườn, quê hương là tình yêu người với người. Không có tình yêu thì làm gì có quê hương. Tụi mình là những con chim bay đi xa, đứa ở chưn trời đứa góc biển, nhưng dấu chưn mình lúc nào cũng vẫn còn đầy trên bầu trời Bình Dương trái ngọt cây lành thân yêu mà, phải không em ?
Hy vọng anh em mình có ngày gặp lại và mong tất cả bạn bè và đồng hương được nhiều may mắn, hạnh phúc. Anh viết thơ nầy thay lời cám ơn hai em, các bạn và thăm tất cả.
   

VÕ KỲ ĐIỀN
(viết xong 10 Oct / kỷ niệm chuyến đi Cali 2003 aug)