Những kỷ niệm hồi học Trịnh Hoài Đức

Lê hữu Nghĩa (CHS Khóa 3)


1. Tiếng Trống Múa Lân

Hồi đó cứ mỗi lần bãi trường hay nghỉ Tết là lớp nào cũng có tổ-chức tiệc. Nói là tiệc cho oai chớ thiệt ra mỗi đứa hùn vài đồng bạc thì chỉ có nước ngọt và bánh kẹo thôi. Nhưng rất vui vì ngày chót thầy cô môn nào cũng để cho học trò vui chơi.
 
Thôi thì đủ trò. Đứa thì kể chuyện, đứa thì ca hát. Tên nào có biệt tài gì là trổ ra hết. Có năm thầy Bé Tám, giáo-sư nhạc, cũng hát cho cả lớp nghe. Công-nhận thầy Bé Tám hát hây quá: Ca-sĩ Thanh-Tâm của đài phát thanh Sàigòn mà. Thầy hát bài Mưa Rừng của Huỳnh-Anh. Cả lớp nghe mê-mẩn luôn.Tui còn nhớ có đứa hỏi sao thầy hát hây quá mà hổng thấy lên sân-khấu. Thầy đã trả lời một câu vừa dí-dỏm vừa chua-xót: " Người ta trắng-trẻo đẹp trai kìa, chứ còn tui như lọ nồi vầy làm sao lên sân-khấu". Thầy Bé Tám của mình đen thiệt. Nhắc đến ca hát, tui còn nhớ ở lớp Đệ Nhất A có chị Lan (hổng nhớ họ gì) hát cũng quá hây, hổng thua gì ca-sĩ. Hồi đó chị Lan đã hát bài Lan Và Điệp, nghe rụng rời luôn. Còn trong lớp tui thì có tên Nguyễn-lý-Thiết cũng hát hây nữa. Hắn hát bài gì hổng nhớ tên, nhưng tui nhớ có câu: "Buồn ơi là buồn,  trôi đi biệt nguồn..." . Hắn ngân giọng hây như ca-sĩ. Có điều người ta ngân bằng cái thanh-quản, còn hắn lại ngân bằng cái hàm dưới. Khi cuối câu mà hắn ngân giọng thì cái môi dưới của hắn cứ nhịp bập bập làm cả lớp nhịn cười hổng nổi luôn. Còn tên Trương-công-Châu nữa, ca-sĩ nầy thì hát Chờ Anh Bên Đồi và Lẻ Bóng cũng nghề lắm .
Nhưng đặc-biệt và nổi đình đám nhứt trong mấy buổi tất niên là màn đánh trống múa lân. Năm nào cũng vậy, đến bữa tất niên là tên thợ trống nầy đều trổ tài. Công-nhận tên nầy đánh trống lân quá hây, quá nghề. Chắc nhà hắn có nghề múa lân. Hắn đã chuẩn-bị sẵn, cứ tới lúc cần là hắn có hai khúc cây để làm dùi trống. Mà trống ở đâu ra để đánh ? Thưa hắn đánh lên mặt bàn học. Khi hắn đánh trống thì cả lớp đều khoái chí. Tui còn nhớ có hai thằng cổ-võ rất nhiệt-tình là thằng Hiệp Gù và thằng Chiểu làm cho hắn càng hào-hứng và đánh thiệt lớn. Hắn đánh lớn đến nổi tụi học trò ở hai lớp hai bên phải chạy qua coi. Có năm ông Giám-Thị ngoài văn-phòng cũng nghe được và vào tới lớp, đến tận chỗ hắn mà tịch thu hai khúc củi .
 
Tui có xuống bàn hắn đánh trống để coi. Mèn ơi ! Mặt bàn bị hắn gõ trầy-trụa lỗ-chỗ hết trơn. Đúng là nhứt quỉ, nhì ma thứ ba là thằng nầy. Tới đây các bạn đã nhớ ra thằng nầy là thằng nào chưa ? Nó chính là thằng Lê-hữu-Hiệp đó .
 
2. Đón Tổng-Thống đi kinh-lý tỉnh Phuớc-Long


Tui hổng nhớ chắc lắm , nhưng có lẻ đó là vào năm Đệ Thất . Lần đó đám học trò tụi mình đuợc lịnh phải tập-trung tại truờng vào lúc 12 giờ khuya để đi xe đò lên Bà-Rá làm dàn chào, đón Tổng-Thống Ngô-Đinh-Diệm sẽ đi kinh-lý tỉnh Phuớc-Long vào sáng ngày hôm sau.

Đó là lần đầu tiên tui đi xa mà hổng có đi với ba má. Vừa thấy vui mà cung vừa thấy lo vì phải lên miền rừng thiêng nước độc. Má tui cụ-bị cho tui một gói xôi đem theo. Phải chi đi vào ban ngày thì mình còn được ngắm cảnh dọc đường cho vui. Đằng nầy xe chạy trong đêm tối, phần vì hổng quen thức khuya, nên trò nào trò nấy cũng ngủ gà ngủ gật hết trọi.
Xe tới nơi lúc tờ-mờ sáng. Quần áo, mặt mũi đứa nào cũng bám đầy đất đỏ. Các thầy điểm danh xong dẫn học trò ra vị-trí sắp hàng. Mèn ơi ! Tụi mình ra đó lúc còn sớm mà đã thấy người ta có sẵn từ hồi nào rồi. Mấy ông lính đứng yên như trời trồng theo hàng lối ngang dọc thẳng băng. Tui để ý thấy người ta căng sẵn dây luộc duới đất để mấy ông lính đứng cho ngay hàng (mấy ông lính hồi đó chắc chưa từng học qua cơ-bản thao-diễn gì ráo, nội cái so hàng cho ngay thẳng cũng phải căng dây) . Đám học trò tụi mình cũng bị bắt đứng vào hàng ngũ theo từng lớp. Tuy không bị đứng theo tư-thế nghiêm như trời trồng của mấy ông lính, nhưng đứa nào cũng phải đứng nguyên tại chỗ, không được đi tới lui hay ngồi xuống.
Các bạn còn nhớ hôn, Tổng-Thống thì 10 giờ sáng mới tới mà mọi người đều phải đứng vào hàng từ sáng sớm như vậy. Đứng một hồi mỏi cẳng, đám học trò có đứa ngồi chồm hổm xuống cho đở mỏi liền bị mấy nguời lớn bắt đứng lên.Con thú bự như con voi đứng trên bốn cẳng vững-vàng mà bị cột một chỗ nó cũng phải bước tới bước lui liền-liền huống-hồ gì tụi mình. Bởi vậy người ta mới hát: “ Trông kìa con voi, nó đứng rung-rinh …”. Hổng cho nó rung-rinh là nó chết liền. Đứng lâu thì mỏi mà ngồi xuống thì hổng được nên đứa nào cũng nhúc-nhích tới lui hoài như con voi. Còn bên phía mấy ông lính, thiệt tội-nghiệp , vì phải đứng nghiêm, nên một hồi chỗ nầy có người chịu hổng té cái ạch phải khiêng đi. Một lát chỗ kia có người xỉu cái đụi phải khiêng đi.

Tui cho là mấy người có trách-nhiệm tổ chức lễ đón tiếp Tổng-Thống hồi đó thiệt là dở. Đúng ra là cha nào cũng muốn thủ cẳng, sợ lãnh trách-nhiệm. Tổng-Thống tới lúc 10 giờ thì cha nội lo về nghi-lễ của Tổng-Thống hạ lịnh trừ hao một, hai giờ cho chắc ăn, khỏi sợ trễ. Rồi cha Tỉnh Trưởng Phước-Long cũng lại trừ hao kiểu đó. Xuống tới người trực-tiếp lo cho binh lính và học trò sắp hàng cũng trừ hao thêm nữa nên rốt cuộc mọi người phải hàng ngũ sẳn-sàng lúc tờ-mờ sáng để chờ đón một nguời lúc đó còn đang ngáy khò khò ở Sàigòn. Có đúng là làm việc dở ẹc hôn?

Đứng lâu mỏi quá chịu hết nổi nên tui bực-bội, đổ quạu mà la lên một câu. Các bạn còn nhớ tui la lên câu gì hôn ?. Mèn ơi ! Tui đã la lên là: “Tổng-Thống, Tổng-Thống cái con c.. tao “. Nói xong tui biết mình nói tầm bậy. Dòm xung quanh hổng thấy có thầy cô nào nghe. Hú hồn ! Chỉ có đám học trò nghe thôi.

Rồi thì mọi thứ cũng qua. Sau khi xong lễ thì tụi mình được xe chở tới chỗ có dòng suối và thả xuống cho vui chơi cảnh thiên-nhiên. Đó là một suối cạn, nuớc chỉ ngang đầu gối, trong veo và chảy mạnh. Giữa lòng suối toàn là những tảng đá lớn nhỏ rất trơn trợt và cũng rất đẹp. Thấy có nhiều đứa nhào xuống tắm nên tui cũng bắt chước theo. Còn nhớ thằng Trương-công-Châu chỉ tui bứt mấy cọng rong rêu bám trong đá mà ăn. Dòm xung quanh thấy nhiều đứa khác cũng đang bứt rêu ăn như vậy. Hổng biết ai chỉ mà tụi nó biết cái nầy ăn được. Thấy vậy tui cũng làm theo. Cọng rêu bự cở đầu đũa, màu xanh, bứt ra nhìn giống như cọng bánh lọt, ăn dai dai, dòn dòn.

Xe chở học trò về tới trường lúc xế chiều. Thằng Trương-công-Châu ghé nhà tui chơi. Lúc hai đứa đứng ngoài hiên thì ba tui trong nhà đi ra . Khi nghe nói tới chuyện tắm suối và bứt rêu ăn, ba tui nói trên đó nước độc, hai đứa thế nào cũng có uống ít nhiều nước suối mà còn ăn rêu nữa thì phải giải độc. Ba tui vô nhà lấy ra một ly nước và một nắm muối hột, chia cho mỗi đứa một nhúm trong bàn tay và biểu hai đứa nhai muối và hớp nuớc mà nuốt. Nguời lớn biểu sao thì hai thằng tụi nầy làm theo như cái máy. Một bụm muối hột mà bỏ vô miệng nhai thì các bạn cũng biết là phải mặn như thế nào. Nên hai đứa nhai sơ sơ rồi ực một hớp nuớc cho xong bổn-phận. Mèn ơi ! Chừng vài phút sau hai đứa đều thấy khó chịu trong bụng và phải ói ra. Té ra muối hổng phải để giải độc gì ráo mà chỉ làm cho tụi nầy ói mấy thứ trong bụng ra mà thôi. Ông già cẩn-thận vậy thôi chớ mấy thứ độc đó đã xuống ruột hết rồi còn đâu mà ói ra.Tui nhắc chuyện nầy hổng biết thằng Trương-công-Châu còn nhớ hôn ?

Mọi thứ trở lại bình thuờng. Tui cũng quên đi câu nói đó khi đi học. Nhưng khoảng một tuần sau, tới giờ ra chơi,khi thầy vừa ra khỏi lớp thì ông Giám-Thị (hình như tên là bác Vinh) bước vào liền và hỏi trò Nghĩa là trò nào. Tụi nó chỉ tui. Bác Vinh lại chỗ tui ngồi ngay bàn đầu và hỏi: “Phải bữa đi Bà-Rá trò nói Tổng-Thống con c.. hôn ?”. Tui nghe hỏi mà tá hỏa tam tinh. Trời đất như tối sầm lại. Tui nghẹn họng hổng trả lời được và sợ quá nên nước mắt tự-nhiên chảy ra. Từ nhỏ tới giờ tui chưa biết nói dối bao giờ. Nhưng bữa đó hổng biết sức mạnh nào khiến tui dù hổng nói được cũng làm thinh vừa khóc vừa lắc đầu. Bác Vinh đứng nhìn tui trong giây lát, không hỏi han gì thêm rồi bỏ đi. Khi bác Vinh ra khỏi lớp thì thằng ngồi chung bàn kế tui là thằng Diệm Bắc-Kỳ* mới nói: “Hồi nảy là tao không muốn nói đó nghe mậy. Chớ hôm đó tao nghe rõ-ràng mầy nói câu đó “. Nghe nó nói mà tui hổng biết nên cám ơn lòng tốt của nó hay nên giận nó. Nếu nó kề lỗ tai tui mà nói nhỏ thì tui mang ơn nó lắm. Đằng nầy nó nói khơi-khơi đứa nào cũng nghe hết. Mọi đứa đều nhìn tui với cặp mắt ái-ngại. Nhưng chắc đứa nào cũng cảm thấy tầm nghiêm-trọng nên hổng đứa nào nói ra nói vô tiếng nào nữa hết. Chớ chắc-chắn trong đám tụi nó còn nhiều đứa nghe chớ hổng phải chỉ một mình thằng Diệm. Tui sợ quá. Phen nầy chắc là bị công-an bắt lên bót rồi. Nếu nhà trường hổng báo cho công-an thì thế nào cũng kêu ba tui tới mà méc. Nội cái tiếng con c.. thôi cũng đủ bị đòn nứt đít rồi nói chi tới ông Tổng-Thống nữa. Thời gian cứ chậm-chạp qua đi trong nổi lo sợ của tui . Nhưng rồi hổng có gì xảy ra hết . Mọi thứ đi vào quên lãng .

Đôi khi nói dối cũng là thượng sách phải hôn các bạn ?. Nếu hôm ông Giám-Thị hỏi mà tui nói có hoặc gật đầu thì chắc là câu chuyện sẽ chuyển theo huớng khác rồi .
 
*****
 
(*) Tui xin mở một cái dấu ngoặc ở đây để nói về thằng Diệm Bắc-Kỳ . Các bạn còn nhớ thằng Diệm nầy hôn ? Nó học ở THĐ chỉ có một hai năm gì đó rồi thôi. Chắc ba nó là nhà binh nên đổi đi đâu là nó phải chuyển trường theo đó. Nó cũng chính là thằng bày cho tụi mình chơi cờ Đánh Giặc đó, nhớ hôn ?. Cờ nầy làm quân cờ bằng giấy học trò cắt thành nhiều hình chữ nhật nhỏ rồi xếp đôi và dựng đứng lên. Một mặt để trắng còn một mặt thì vẽ hình cấp-bậc nhà binh từ Binh Nhì tới Đại Tuớng. Ngoài ra còn có các quân đặc-biệt khác như Cái Xẻng, Trái Mìn, Cột Cờ và đặc biệt nhứt là con Mắt Thần. Con Mắt Thần nầy thua hết thảy, từ Cái Xẻng tới ông Trung Tuớng, nhưng lại thắng đuợc chỉ mỗi ông Đại Tuớng. Ai bày ra loại cờ nầy kể cũng có óc tiếu-lâm vì biết rõ bụng xếp chỉ-huy của mình. Con Mắt Thần hổng khác gì là bà vợ ông Đại Tuớng. Bà nầy vác hổng nổi cái xẻng nhưng hạ được ông Đại Tuớng. Các bạn đã nhớ ra loại cờ nầy và thằng Diệm Bắc-Kỳ chưa ?
 
3. Những Thằng Anh-Hùng Của Trịnh Hoài Đức

 
Đọc qua cái tựa bài “ Những Thằng Anh-Hùng Của THĐ ” chắc-chắn nhiều bạn rất thắc-mắc : Hồi nào tới giờ THĐ có ai là anh-hùng đâu , mà anh-hùng sao lại kêu là thằng ? Tui xin nói ngay: Thằng ở đây là vì kể lại chuyện xưa, mà hồi đó thì đứa nào cũng là thằng hết. Còn hai chữ anh-hùng là danh hiệu do tui tự ý phong cho hai thằng Nguyễn-văn-Khái và Trương-công-Châu vì hai tên nầy dám làm những chuyện mà tui và các bạn khác hổng dám làm.

Đúng ra là vì tui khoái và bái phục những việc làm của hai tên Khái và Châu mà coi tụi nó là anh-hùng. Chớ chính hai đứa nó cũng hổng biết mình được thằng Nghĩa tôn làm anh-hùng hồi nào. Mà tụi nó đã làm gì để tui phải tôn làm anh-hùng? Xin thưa cả hai danh hiệu anh-hùng nầy đều có liên-quan đến một nhân-vật thứ ba: hoa-khôi Nguyễn-thị-Đính của lớp Đệ Nhất A. Tui xin mở cái dấu ngoặc ở đây để xin lỗi chị Đính vì nêu đích danh chị mà không xin phép truớc. Mà thật sự nếu không nêu tên chị Đính thì cũng không thể kể lại chuyện nầy. Vì chị Đính cũng là một vai quan-trọng trong câu chuyện. Người xưa có câu: “ Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh-hùng hào-kiệt có hơn ai “. Nếu đường đời không có sóng gió, chông gai thì sẽ không xuất-hiện những bậc anh-hùng. Nếu ở THĐ xưa mà không có một Nguyễn-thị-Đính thì cũng sẽ không có hai tên anh-hùng Nguyễn-văn-Khái và Trương-công-Châu. Các bạn đừng hiểu lầm là tui muốn ví chị Đính như là sóng gió và chông gai của THĐ nha. Mà thực-tế thì chị Đính là một cơn bão, cơn bão rất ngọt-ngào của THĐ xưa. Để các bạn khỏi nóng ruột vì nói lòng-vòng hoài, tui xin vô đề liền .
 
Thằng anh-hùng Nguyễn-văn-Khái

Hồi đó , có lần ra chơi tui thấy nhiều đứa xúm lại ngay bàn của thằng Khái chỉ chỏ và cười đùa. Lúc đó thằng Khái đã ra ngoài. Thấy vậy tui cũng tới coi thử. Các bạn biết tụi nó chỉ-chỏ và cười cái gì hôn ?. Té ra trên mặt bàn học của thằng Khái viết đầy những chữ Khái + Đính , Khái + Đính , Khái + Đính … Lại còn có hình trái tim bao vòng hai chữ Khái + Đính nữa chớ. Hổng phải chỉ trên mặt bàn thôi mà cả trên tường cũng vậy nữa. Mặc dù chỗ ngồi thằng Khái hổng phải sát vách tường mà nó cũng viết lên vách tường luôn. Tụi nó xúm nhau cười nhưng tui thì lại phục lăn thằng Khái. Cái thằng gan cùng mình thiệt, can-đảm hết biết. Đúng là thằng anh-hùng. Tui phục thằng Khái là vì cái bụng của tui cũng giống cái bụng của nó. Mà tui thì dấu biệt hổng dám cho ai biết. Còn nó thì phơi ra cho mọi nguời coi. Ngon lành ghê hôn ! Tui kể như là đầu hàng thằng Khái ngay từ lúc đó. Tự biết mình làm hổng lợi thằng nầy nên tui chịu thua. Các bạn có đồng ý khi tui phong cho thằng Khái làm anh-hùng hôn ? Đọc tới đây thì chắc bạn Nguyễn-công-Tế không còn thắc-mắc tại sao trong một bài trước tui có thách thằng Khái đấu kiếm rồi phải hôn ?
 
Thằng anh-hùng Trương-công-Châu

Danh hiệu anh-hùng của thằng Trương-công-Châu cũng liên-quan tới hoa-khôi Nguyễn-thị-Đính nhưng trong một trường-hợp hoàn-toàn khác. Vì cái bụng của thằng Châu khác với cái bụng của thằng Khái. Hồi đó thằng Châu đã có một bóng hồng khác trong tim rồi (Là ai thì chắc các bạn đã biết. Bạn nào hổng biết thì hỏi riêng tui sẽ nói riêng). Với thằng Khái có thể các bạn hổng đồng ý với tui khi phong nó làm anh-hùng. Nhưng với thằng Châu thì tui tin là ai cũng phải công-nhận nó là anh-hùng.
 
Các bạn còn nhớ hôn, hồi đó lớp Đệ Nhất B nằm ngay đầu bìa trong ở từng trệt của trường, sát cầu thang. Kế liền vách là lớp Đệ Nhất A. Vì ở vị trí đặc-biệt như vậy nên trong giờ học , nếu có bạn nào từ các lớp khác muốn đi vệ-sinh đều phải đi ngang qua hành-lang lớp Đệ Nhất B để ra phía ngoài ruộng. Vì vậy trong giờ học mà thấy có bóng người qua lại hành-lang là chuyện rất bình-thường, hổng ai để ý. Nhưng có một cái bóng người và chỉ duy-nhất cái bóng người nầy thôi cứ mỗi khi đi ngang qua là y như rằng cả lớp Đệ Nhất B lại xôn-xao lên. Đó chính là bóng dáng của hoa-khôi Nguyễn-thị-Đính. Thì ra hổng phải chỉ có Nguyễn-văn-Khái hay Lê-hữu-Nghĩa, mà hầu như đứa nào của Đệ Nhất B cũng đều bị lôi cuốn bởi tiên nữ liêu-trai nầy. Tui tin rằng bên lớp Đệ Nhất A cũng vậy thôi. Mấy chàng học chung lớp bên đó làm sao khỏi mơ mộng?. Vì vậy tui cho rằng hoa-khôi Nguyễn-thị-Đính hồi đó là một hiện-tượng đặc-biệt của THĐ. Lớp Đệ Nhất A hồi đó có nhiều người đẹp. Công-bằng mà nói thì chị Đính chưa phải là người đẹp nhất nhưng lại là người có sức lôi cuốn nhất. Một cơn bão ngọt-ngào. Cứ mỗi lần nghe tiếng guốc lộp-cộp ngoài hành-lang là đứa nào cũng liếc ra coi có phải là người đó hôn. Nếu đúng là người đó thì thằng nầy xì-xầm báo động cho thằng kia: “ Chị Đính kìa ! Chị Đính kìa ! “. Thế là cả lớp lại xôn-xao ngó ra ngoài, bất kể thầy nào đang giảng bài gì. Mỗi bước chân của chị Đính cứ như là tạo nên một cơn địa-chấn vô hình cho lớp Đệ Nhất B. Các giáo-sư thấy vậy cũng ngó ra ngoài và chờ cho cơn chấn-động lắng xuống mới giảng bài tiếp. Mấy thầy hồi đó thiệt dễ thương, rất thông-cảm cho mấy trò nam đang lớn. Nhưng có một thầy không được như vậy. Các bạn còn nhớ đó là thầy nào hôn ?. Đó chính là giáo-sư môn triết Đỗ-Anh-Tài . Thầy Đỗ-Anh-Tài còn rất trẻ, rất đẹp trai và cũng rất đạo-mạo. Lần đó thầy Tài chứng-kiến cơn địa-chấn của lớp Đệ Nhất B. Không như các thầy khác, chờ cho cơn chấn-động vừa lắng xuống xong là thầy Tài mắng ngay cho cả lớp một câu nghe lùng-bùng hai cái lỗ tai. Các bạn còn nhớ thầy Tài đã mắng tụi mình câu gì hôn ?. Thầy đã tỏ vẻ khó chịu và mắng: “ Các anh bản-năng quá ! “. Đúng là giáo-sư triết có khác. Mắng học trò cũng bằng từ triết. Cả lớp cảm thấy bị xúc-phạm, thấy nhục-nhã nhưng cả lớp cũng chỉ biết im-lặng cúi đầu chịu trận, chờ nghe tiếp những quả bom triết-học khác của thầy Tài. Trong bầu không khí ngột-ngạt đó thì chính thằng Trương-công-Châu đưa tay lên xin nói. Các bạn còn nhớ thằng Châu đã nói gì hôn ?. Nó đã phản-đối thầy Tài với một vẻ mặt bất-mãn: “ Thầy nói nặng quá thầy !”. Thầy Đỗ-Anh-Tài có vẻ hơi ngạc-nhiên và bất ngờ trước phản-ứng của thằng Châu. Nhưng thầy Tài quả thật cũng rất bình-tỉnh và lão-luyện. Thầy chỉ giữ yên-lặng trong vài giây rồi thôi, không đôi co gì với thằng Châu và tiếp-tục bài giảng như không có gì xảy ra.

Câu phản-đối của thằng Châu tuy nhẹ-nhàng nhưng tui cho là có tác-dụng lớn. Vì nếu không có thằng Châu lên tiếng thì chưa chắc thầy Tài chịu tha cho tụi mình đâu. Các bạn có còn nhớ chuyện nầy hôn ?. Và có đồng ý phong cho thằng Châu làm anh-hùng hôn ?

LHN