Những mùa xuân đã qua

Từ thị Cảnh
 

      Những cơn gió lạnh bắt đầu thổi về miền Nam Cali báo hiệu những ngày đông đang về trên xứ người. Mùa đông ở đây không lạnh lắm nhưng cũng đủ làm cho người viễn xứ cảm dâng một nỗi buồn man mác. Có đi xa mới nhớ nhiều về xứ sở, có xa quê mới da diết mong một ngày về. Chắc họ cũng như tôi đang chạnh nhớ về những ngày đầu xuân ở quê nhà. Chiều nay, khi ánh nắng vàng dần tắt, lòng tôi chợt nhớ lắm những mùa xuân đã qua trong cuộc đời mình…
…Cuối thập niên 1950, Miền Nam đã được 5 năm sống trong thanh bình. Nhà nhà bình yên, cuộc sống sung túc, nông dân được mùa, người thương gia có nhiều lợi tức. Mùa xuân đến với chúng tôi trong hạnh phúc ấm no. Tôi nhớ biết bao về những ngày xuân trên quê hương Bình Dương. Ngày Tết cũng là ngày mà tất cả mọi người đều hân hoan đón mừng mùa xuân mới. Từ sau ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời thì mọi nhà dù sang hay hèn, từ thôn quê đến thành thị ai nấy đều chuẩn bị sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong nhà. Bàn thờ phải được dọn dẹp sạch sẽ với bộ lư đồng chùi bóng loáng và được chưng trên bàn thờ bên cạnh những bông hoa và mâm ngũ quả để chuẩn bị đón rước ông bà về ăn Tết với gia đình. Đối với những người có người thân đã qua đời, các mồ mả phải được dẫy cỏ, sơn lại cho sạch sẽ trước ngày 30 Tết. Chợ hoa Bình Dương được mở ra ở bờ sông Bạch Đằng với hằng trăm chậu hoa mai, cúc, thược dược cùng khoe sắc với rất nhiều loại hoa khác, đẹp không làm sao kể xiết. Ngoài ra còn có rất nhiều loại trái cây được bày bán khắp nơi. Đó là những trái dưa hấu rất ngon, những trái bưởi, trái cam, trái thơm từ miền Tây mang lên. Chợ Tết lúc nào cũng đông đúc người đi, xe cộ qua lại.
    Ở nhà tôi và nhà ông ngoại ở kế bên, nhà cửa được sơn mới. Những cây mai đã được lặt lá từ hôm rằm, tới ngày 30 đã tròn nụ xanh biếc và chắc chắn sẽ nở bung vào đúng sáng ngày mùng một. Mọi nhà đều cúng giao thừa để mừng năm mới. Lúc đó những tràng pháo Tết được đốt lên dòn dã để xua đuổi tà ma, đón mừng xuân mới. Trên bàn thờ có đầy đủ bông hoa, trái cây, bánh mứt để cúng ông bà. Sau đó người ta rủ nhau đến chùa, nhà thờ để hái lộc đầu năm, đem về đặt lên bàn thờ với lòng mong ước một năm mới bình an trong gia đình. Sáng mùng một, con cháu mặc áo mới, chúc Tết ông bà cha mẹ và nhận được những phong bao lì xì màu đỏ thắm...
    Lúc tôi còn nhỏ, cũng như những đứa trẻ trong xóm, chúng tôi đều mong Tết mau đến để được mặc quần áo mới, được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ, và bà con họ hàng gần xa. Ngoài ra, Tết còn là lúc bọn trẻ chúng tôi được vui chơi, đánh bài... Vui nhất là chơi lắc bầu cua, cá, cọp. Vào buổi tối, cả nhà quây quần chơi đánh bài coi ai hên xui. Người lớn và con nít đều được tham gia. Tôi thích nhất là được đánh bài cào với ông bà, cha mẹ và các anh, chị, em. Đây là lúc chúng tôi cùng cười đùa vui vẻ và thắt chặt thêm tình thân trong gia đình. Dịp Tết còn là thời gian để thăm viếng và ăn những bữa cơm thân mật cùng họ hàng và bạn bè thân thuộc.
Năm ấy, tôi đang ở lứa tuổi 17, 18 là thời điểm thơ mộng nhứt của cuộc đời. Tôi có rất nhiều bạn trai lẫn gái. Các bạn rất quý mến tôi. Ngày mồng 3 Tết, bạn bè tụ họp. Chúng tôi cùng đến nhà thầy cô để chúc Tết. Sau đó, chúng tôi thăm viếng nhà của nhau và chúc những câu tốt lành trong  năm mới.
Những năm sau, tôi lớn khôn thêm và càng có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ trong việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà như chuẩn bị lá chuối để gói bánh tét, bánh ít. Sau đó lại phải mua thịt, cá để chuẩn bị thết đãi bà con và bạn bè trong ba ngày Tết. Từ ngày 23 âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời, tôi phải phụ má của tôi bán quần áo ở chợ Thủ vì những ngày giáp Tết, bà con ở vùng quê mới có thời gian ra chợ mua sắm quần áo cho con của họ. Những ngày nầy, chợ Bình Dương thật đông đúc và mọi người tất bật mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Không khí những ngày cận Tết ở Bình Dương thật là nhộn nhịp, hân hoan.
Ngày xưa, những ngày cận Tết ở chợ Thủ sự buôn bán thật rộn rịp. Hoa trái từ thôn quê đem ra chợ rất nhiều. Củ cải, củ kiệu là những món truyền thống mà nhà nào cũng mua về để làm dưa. Hoa kiểng ở địa phương như vạn thọ, cúc, mồng gà được những phụ nữ gánh ra chợ bán. Nhiều người còn gánh vào các thôn xóm để bán tận tay người mua. Nhờ đó, chúng tôi mua được hàng giá rẻ mà họ cũng mau chóng bán được hàng.
Chợ đêm được mở ra để bán các loại thiệp chúc Tết, pháo, phong bao lì xì, các loại bánh mứt như mứt gừng, mứt bí, mứt mãng cầu, thèo lèo cứt chuột... Dưới bờ sông, những ghe thuyền cũng chở bông hoa, trái cây từ miền Tây lên bán nữa. Có ghe chở đầy những trái dưa hấu thật hấp dẫn. Tuy nhiên cuộc sống của những thương buôn nầy rất cực nhọc. Họ phải ăn ngủ ở dưới ghe cả tháng, tới chiều ba mươi, họ mới lui ghe về quê ăn Tết…
    Năm 1993, chúng tôi đi định cư ở nước ngoài. Những năm đầu tiên ở xứ người, phải lo bươn chải để kiếm sống. Trong khi đó, ngày Tết đến không có gì để chuẩn bị như ở quê nhà vì nếu không trùng ngày thứ bảy hoặc chủ nhật thì vợ chồng, con cái đều phải đi học, đi làm. Đối với chúng tôi lúc đó, Tết ở nước ngoài không có gì vui cả!. Chúng tôi tưởng rằng ngày Tết cổ truyền Việt Nam đã không còn đến trong cuộc sống của mình nữa!
    Sau nầy, nhờ số đông người Việt Nam về sống ở vùng Little Saigon, cho nên ngày Tết ở đây đã khởi sắc hơn lên. Những ngày gần Tết chợ búa cũng trang hoàng rực rỡ với bánh chưng, bánh tét, các loại mứt bánh truyền thống. Chợ hoa được mở ra ở trước cửa Phước Lộc Thọ bán đầy đủ mọi loại hoa mai, hoa đào, hoa cúc. Còn bánh mứt thì đủ thứ không thiếu một món nào. Thêm vào đó, con cái chúng tôi đã có việc làm ổn định, có đứa đã mua được nhà. Đứa con út đã tốt nghiệp đại học, sau đó lại có bằng Cao Học (Master) về công chánh. Từ đó, chúng tôi cũng cảm thấy bớt buồn, tuy rằng đối với tôi, Tết ở nước ngoài cũng không bao giờ bằng Tết ở quê hương ngày xưa .
    Năm 2007, sau hơn 14 năm xa xứ, tôi có dịp về quê thăm mẹ già và đón một cái Tết ở quê hương. Má tôi, mắt đã loà vì mong chờ con cái và giờ đây đã không còn thấy rõ nữa, nhưng tôi thấy trong lòng của bà một niềm hân hoan khi đón người con thân yêu trở về đoàn tụ. Năm đó, tôi có dịp đón xuân ở quê nhà. Tết ở Việt Nam những năm sau nầy tuy khá giả hơn và cũng có mai vàng, dưa hấu đỏ nhưng không làm cho tôi có cảm giác vui thích như thuở ấu thơ vì giờ đây anh em lưu lạc mỗi người mỗi nơi. Biết làm sao tìm được cảnh sum họp vui vẻ ngày xưa?.
    Ngày Tết là ngày họp mặt bà con, cô bác đến thăm viếng và chúc sức khoẻ lẫn nhau. Tết cũng là thời điểm để chúng ta có thêm một tuổi thọ. Tuy nhiên, chắc chỉ có các em nhỏ là thích Tết nhất vì đây là thời gian các em được vui chơi thoả thích, được mặc quần áo mới và nhận được tiền lì xì từ người lớn .
    Là những người xa quê hương, ngày Tết là ngày tôi vừa vui, vừa buồn. Tôi vui vì đã được thêm một tuổi thọ. Tôi buồn vì bây giờ phải ở xa quê hương, không có cơ hội được hưởng không khí vui vẻ của những ngày đầu năm với họ hàng thân thiết và bạn bè. Dù ở đâu đi nữa, ngày Tết cũng là ngày bắt đầu một năm mới. Thôi chúng ta hãy cùng nhau chào đón mùa xuân mới với những gì có được. Mong rằng một ngày nào đó, chúng ta lại được cùng nhau về lại quê hương để tận hưởng mùa xuân vui vầy, hạnh phúc. Trước khi kết thúc, kính chúc quý thầy cô và các bạn một năm mới nhiều sức khoẻ, vạn sự như ý ./.