Nhớ ơn thầy cô
 
Từ thị Cảnh
 

    
     Cha mẹ sinh ra thân xác của ta nhưng kiến thức để đi vào cuộc sống phần lớn là do thầy cô truyền đạt cho ta. Công ơn của thầy cô rất là to tát bởi vì nhờ những kiến thức đó, chúng ta mới tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp sau nầy.
 
     Lúc mới được sinh ra đời, cha mẹ nuôi nấng ta, dạy cho ta biết ăn, biết nói, biết đi đứng … nhưng kiến thức trong cuộc sống được bắt đầu khi chúng ta được cha mẹ cho đến trường để học. Không có cha mẹ nào muốn con mình không biết chữ cả. Tôi nhớ hồi nhỏ, tôi không được đi học lớp mẫu giáo vì lúc đó chưa có lớp nầy. Đến năm 6 tuổi, ba tôi dẫn tôi đi học lớp một ở Trường Nữ Châu Thành. Người mở trí đầu tiên của tôi là cô giáo Hạt. Cô có thân hình tương đối vừa phải, không mập, không ốm, nhưng gương mặt của cô rất nghiêm nghị, cốt yếu để cho học sinh sợ cô mà học cho tốt vì lớp một là lớp căn bản nhất. Nếu học sinh lơ là trong việc học, không biết đọc, không biết viết thì làm sao có thể lên lớp hai được. Nhờ cô giáo lớp một dạy tôi tích cực nên việc học của tôi tiếp tục tốt đẹp. Hình ảnh của cô Hạt đã in sâu vào tâm trí tôi và giúp cho tôi rất nhiều khi chính tôi cũng là một cô giáo gần hai mươi năm sau. Tôi nhớ khi mới ra trường sư phạm, tôi đi dạy học ở trường tiểu học Bến Cát, thầy Hiệu Trưởng sắp cho tôi dạy lớp một. Thật là khó khăn cho cô giáo mới ra trường, nhưng rồi mọi việc cũng đều trôi qua một cách êm ã. Năm đầu tiên tôi dạy những em học sinh ở vùng quê mùa, nhưng các em rất chịu khó học tập nên cuối năm học đó các em đều biết đọc, biết viết và để sẵn sàng lên lớp hai .
 
     Lên trung học, tôi chuyển sang học Trường Tư Thục Trí Đức do thầy Lê văn Ngữ làm Hiệu Trưởng. Lúc đó, thầy tôi không già lắm, nhưng khi dạy học, tính tình của thầy rất khó. Vào đầu giờ học, trước tiên, thầy gọi học sinh để kiểm tra cách chia 2 động từ (avoir và être) cho đúng "thì" (temps). Đây là 2 động từ căn bản trong tiếng Pháp. Thầy hỏi bất kỳ "thì" nào trong đó, học sinh phải trả lời cho đúng, nếu không thuộc, học sinh phải đứng lên cho đến khi nào trả lời được câu hỏi thì mới được ngồi xuống. Do đó, chúng tôi học thuộc lòng “như cháo” cách chia của 2 động từ nói trên. Nhờ đó khi làm những bài Luận Văn bằng tiếng Pháp, chúng tôi viết rất đúng. Cũng nhờ quý thầy dạy dỗ cẩn thận mà tôi học rất tiến bộ, từ một học sinh trung bình đã tiến lên một học sinh giỏi của lớp. Bước đường học vấn của tôi tiến bộ rất nhanh. Tôi trở thành học sinh giỏi từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Tứ. Sau khi đậu Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, thấy chúng tôi học giỏi, Thầy Lê Bích là người giúp chúng tôi bỏ lớp Đệ Tam học nhảy lớp lên Đệ Nhị luôn. Thầy lo làm học bạ lớp Đệ Tam để chúng tôi được dự thi Bằng Tú Tài 1. Mà chúng tôi giỏi thiệt, thi đậu Tú Tài 1 dễ dàng. Đó là nhờ công ơn dạy dỗ của quý thầy ở trường Trí Đức đặc biệt là công ơn to tát của thầy Bích đối với chúng tôi. Thầy là một kiến trúc sư kiêm giáo sư. Thầy giỏi và chịu khó lắm. Thầy dạy cho chúng tôi đủ mọi môn học và không phải mướn nhiều thầy khác vì lớp học rất ít học sinh và đa số chúng tôi đều không thuộc gia đình khá giả. Mới đây tôi có nghe tin thầy Bích còn ở Việt Nam, bây giờ thầy có cuộc sống rất khá giả, nhưng tuổi đã già, sức khỏe có phần kém đi nhiều.
 
     Sau khi đậu Bằng Tú Tài 1, trường Trí Đức hết lớp, chúng tôi phải kiếm trường để học thi lấy Bằng Tú Tài 2. Những năm trước đó ở Bình Dương chưa có lớp nầy, muốn học lớp Đệ Nhất thì phải xuống Sài Gòn học rất tốn kém. May mắn thay, năm nầy Thầy Trương văn Di, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức ở Búng đã mở lớp Đệ Nhất để chúng tôi có thể vào học. Thầy Hiệu Trưởng là người rất nghiêm khắc và khó khăn. Muốn gặp thầy không phải dễ vì văn phòng của thầy đặt ở Trường Cộng Đồng kế bên. Nhưng đối với chúng tôi, thầy là một ân nhân đã giúp đỡ chúng tôi có được nơi học gần nhà, không phải lên Sài Gòn để học rất tốn kém. Thầy là người rất tốt và đã mướn nhiều thầy cô từ Sài Gòn lên dạy cho chúng tôi. Đa số các thầy cô đều là những thầy cô giáo trẻ dạy rất nhiệt tình. Riêng môn Pháp văn do thầy Lương và môn Anh văn do thầy Ứng là những người thầy đứng tuổi, có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi học môn ngoại ngữ rất khá. Trong những thầy dạy lúc bấy giờ, thầy Em là thầy có công dạy cho chúng tôi những phương pháp giải các bài toán lý hóa rất hay và dễ hiểu. Ngoài ra, thầy Khánh dạy môn toán rất giỏi. Thầy ở Sài Gòn, đi dạy ở Trịnh Hoài Đức bằng xe vespa. Tuy đường xa nhưng thầy đi dạy rất đúng giờ, không bao giờ thầy đi trễ cả. Thầy dạy cho chúng tôi cách thức làm bài tập rất hay. Nhờ thế, tôi học rất giỏi môn Toán. Sau nầy, tôi còn có thể dạy Toán cho các học trò và con cháu của tôi vì tôi nghĩ môn Toán giỏi thì học ngành nào cũng tốt.
 
     Sau khi đậu Bằng Tú Tài 2, tôi đã thi đậu vào Trường Sư Phạm Sài Gòn. Đó là điều mà Ba tôi hằng mong đợi. Khi đi học ở trường nầy tôi ở trọ nhà của thầy Trần dạy môn Giáo Dục Cộng Đồng ở trường Sư Phạm. Ông cũng đã dẫn lớp của chúng tôi đi tham quan trường Sư Phạm Cộng Đồng Long An trong năm học lớp Đệ Nhất Niên. Thầy Trần là người thầy rất tốt, đã giúp đỡ những giáo sinh xa nhà có chỗ ở trọ và được ăn uống đàng hoàng với số tiền vừa phải nên việc học hành của chúng tôi có phần thuận lợi.  Bây giờ, thầy đã qua đời, muốn cám ơn thầy cũng không còn có cơ hội nữa …
 
     Thời gian trôi qua, đến lúc giáo sinh phải đi thực tập để chuẩn bị thi ra trường. Cô Hạnh dạy môn Sư Phạm Thực Hành và thầy Châu Ngọc Cảnh là người giúp tôi soạn giáo án rất kỹ nên khi dạy thực tập, tôi không còn bị run nữa vì tôi đã học thuộc bài, nắm vững cách dạy. Do đó điểm thi thực  hành của tôi rất tốt. Thầy Cảnh đã qua đời cách nay không lâu. Cám ơn thầy Cảnh rất nhiều .
 
     Nhìn chung, trong việc học tập từ kiến thức cơ bản đến kiến thức về nghề nghiệp, chúng ta chịu ơn rất nhiều thầy cô. Nhờ có các thầy cô tận tình dạy dỗ, chúng ta mới có những kiến thức cơ bản để làm việc và dạy dỗ con em sau nầy.
 
    "Không thầy đố mầy làm nên". Đó là câu tục ngữ từ nhỏ tôi đã học. Không bao giờ tôi quên công ơn của những người thầy, người cô đã một thời dạy dỗ chúng ta. Nhờ những kiến thức đó, tôi đã giảng dạy cho học trò của tôi trong bao nhiêu năm trời. Giờ đây đến tuổi về hưu, tôi tiếp tục truyền lại cho các con, cháu của tôi. Cầu mong cho các thầy và các cô luôn có sức khỏe tốt để chúng em còn có cơ hội  gặp lại. Rất mong lắm đó. Cám ơn thầy, cô rất nhiều .
 
     (6/2012)