Nhớ một dòng sông
Phong Thu
Năm 2002, tôi quyết định trở về thăm gia đình sau mười hai
năm xa quê hương. Chuyến bay 24 tiếng đồng hồ từ Hoa Kỳ về Sài
Gòn và cuối cùng tôi đã trở về quê
nhà. Dù tôi đã thấm mệt, nhưng tôi không
thích ngủ. Không khí náo nức của ngày Tết
cuốn hút bước chân tôi. Thế là tôi leo lên
xe cùng chị tôi đi chợ Hoa Xuân.
Mỗi năm, khi đến ngày Tết Nguyên Đán là chợ Hoa
Xuân bắt đầu nhóm họp. Những người trồng hoa ở miệt vườn quanh
thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Búng, Sài
Gòn, Thủ Đức, Biên Hoà và những chiếc ghe miền
Tây chở kiểng, và hoa lên chợ Thủ bán. Chợ Hoa Xuân
Thủ Dầu Một tuy nhỏ nhưng cũng rộn rịp và có nhiều loại hoa
khác nhau được bày bán dọc theo bờ sông Bạch Đằng.
Dạo chợ Hoa Xuân, cũng là một thú vui của tôi khi
còn sống tại Việt Nam. Tôi đếm lịch Ta mới biết chỉ còn
một tuần nửa là đến ngày Tết Nguyên Đán. Và
đêm nào tôi cũng đi lang thang ra chợ Thủ để xem chợ Tết.
Đêm ẩm ướt và giá lạnh. Cái rét hiếm thấy
vào những ngày cuối năm ở miền đông Nam Bộ. Cảnh vật,
con người đã đổi thay. Những ngày giáp Tết làm
sao mà ngủ được. Lúc nào chị Ba tôi làm
biếng lái xe thì chị gọi Minh, bạn tôi lái xe
van đến chở chúng tôi đi chợ Tết. Chợ rộn ràng, tập nập
suốt ngày đêm. Tôi đi qua những gian hàng bánh
mức, trái cây, dưa hấu chất đầy chợ…Nhưng nơi tôi thích
đến nhất là chợ Hoa Xuân kéo dài từ ngã
ba đường Bạch Đằng đến tận cuối chợ cá. Những ngày cuối xuân,
ngày cũng như đêm, nơi đây đông đúc và
nhộn nhịp. Hoa đủ loại được bày bán la liệt: Cúc mâm
sôi với những cánh hoa nhỏ từng chùm đan kín, xoè
rộng đủ màu, đủ sắc. Hoa cúc vàng thì to như
bàn tay óng ả, yếu điệu. Hoa sứ có màu hồng đài
các, hoa thược dược, hoa phong lan tím trang đài, u
ẩn, hoa huệ trắng thơm ngát…Tôi thích hàng bông
thọ nở vàng rực và tỏa mùi hương thôn dã
làm tôi ngây ngất. Tôi không hiểu vì
sao tôi không thể gọi là hoa thọ mà chỉ thích
gọi là bông thọ vì vẻ đơn sơ, mộc mạc của nó.
Nhưng bông thọ tượng trưng cho sự tôn kính, thanh cao
mà những bà mẹ quê thường mua về cúng ông
bà, hay trang trí trên bàn thờ tổ tiên trong
ngày giỗ, hay Tết. Dù xa quê hương đã hai mươi
năm, tôi vẫn nhớ bông thọ và mùi thơm riêng
biệt của nó. Đặc biệt là các chậu hoa mai thì
được những bàn tay nhà nghề của nghệ nhân uốn cong và
cắt tỉa theo nhiều hình thái khác nhau rất đẹp mắt. Các
chậu hoa mai được trồng trong các chậu sành có nhiều
hoa vân và giá rất đắc. Chỉ có người giàu
mới dám mua về để chưng bày. Mọi người nhộn nhịp đi xem hoa,
mua hoa và ngã giá. Tiếng xe chạy, tiếng người mua kẻ
bán, tiếng cười nói xôn xao khắp nơi. Không khí
ngày Tết thật rộn ràng, ấm áp vui vui.
Con đường Bạch Đằng bây giờ thay đổi nhiều quá. Dọc theo bờ
sông đã trồng nhiều cây dừa và kiểng, có
những chiếc ghế đá để ngồi hóng mát. Bạn tôi thèm
cà phê nên anh đến cái quán cà phê
bên đường ngồi uống. Minh nói chúng tôi đi chừng
nào muốn về thì cho anh biết. Chị ba tôi thích
đi chọn bánh mứt, trái cây, và rau. Còn
tôi đi một vòng chợ rồi thích ngồi nghĩ chân bên
một chiếc ghế đá trống và nhìn sang chiếc cầu bên
kia thành Công Binh. Chiếc cầu xa xa, đen thẩm như một sợi dây
thừng dài vắt qua mặt nước dưới ánh đèn đêm khi
mờ, khi tỏ. Một thời khói lửa xa xưa, nó đã trở thành
mục tiêu của nhà văn quân đội, kiêm đặc công
Chu Lai đặt mìn đánh sập. Mấy chục năm, nó hư hỏng và
người dân hai bên bờ sông muốn thăm nhau phải đi bằng những
chuyến đò đưa khách sang sông. Bến đò nằm ngay
chợ cá, gần nhà thủy tạ. Khi tôi trở về, chiếc cầu đã
được xây lại cho tử tế, nên tôi mới có dịp sang bên
kia sông để ăn cá nướng trui. Trên con đường nầy, sát
bờ sông có trường Mỹ Thuật. Bên kia đường đối diện cây
đa là HVHNT tỉnh Bình Dương. Cây đa lá xanh rì,
tàng xoè rộng che bóng mát cho người qua lại.
Và cây đa cũng xõa những sợi dây dài như
tóc của người con gái độ tuổi tròn trăng.
Nơi đây, bạn bè tôi thường tụ họp tán dóc
và nói những chuyện trời trăng mây nước trong lúc
bụng đói meo, cơm áo, gạo tiền vẫn còn oằn nặng trên
đôi vai, nỗi khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt từng
người. Nói đến đây, tôi nhớ đến nhà thơ Trần Bình
Dương, người bạn tài hoa của tôi đã vĩnh viễn rời bỏ kiếp
con tầm nhả tơ để mang mơ ước viễn vu về cõi thiên thai. Có
thể nơi xa xăm, bồng bềnh sương khói mong lung, anh đang ngồi làm
thơ, viết văn, và kể cho những người bạn mới quen về cuộc đời khổ
hạnh, về những năm tháng gian truân của một kiếp người. Tài
sản của anh là con chữ, là những bài thơ, những bài
văn bán đi chẳng ai mua. Châu ơi! Giờ đây, dù anh
có đi về đâu trong khoảng không gian vô hình
nào đó, thì những nếp nhăn và nỗi lo lắng vẫn
luôn ẩn hiện trong đôi mắt anh. Làm sao tôi có
thể quên cái dáng còm cõi của anh trên
chiếc xe đạp có giàn ngang cũ mèm rong ruỗi trên
những con đường chợ Thủ. Rồi những ngày tháng anh lang thang
để hồn thơ bay cao trên dòng sông lộng gió. Thông
thường, người ta nhớ về những người có địa vị, danh vọng, giàu
sang hay quyền thế, còn tôi lại nhớ những người bạn nghèo.
Sự đổi ngôi của cuộc đời nầy đâu có gì lạ! Và
có ai biết được ngày mai mình sẽ là ai? Và
khi mình xuôi tay nhắm mắt, mình sẽ để lại cho xã
hội những gì?
Tôi ngồi trên chiếc ghế đá lạnh lẽo và nhìn
nhà hàng nổi trên con tàu trước mặt. Đèn
sáng choang, tiếng nhạc, tiếng ồn ào cười nói vang vọng
trên sóng nước. Những chiếc ghe từ miền Tây lên đây
bán cá mắm linh, mắm lóc, nếp, gạo cho những nhà
buôn trong chợ cá đậu kín hết bờ sông. Những người
dân quê tôi vẫn lam lũ, nhọc nhằn. Họ bán thân
xác trên những mảnh ruộng vườn cằn cỗi hay bơi xuồng dọc ngang
trên những chiếc đò xuôi dòng sông lên
chợ Thủ. Cái bến đò chợ Thủ là nơi hò hẹn của
những mối tình trai gái, là nơi người dân quê
tôi từ bên nầy hay bên kia sông đón đò
đưa họ sang thăm nhau, buôn bán, trao đổi hàng hoá.
Bến đò đã trở thành nơi quen thuộc hàng trăm
năm nay và vẫn tập nập tàu bè qua lại.
Trước 1975, hạm đội Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà đóng
quân tại đây. Đối diện là ngọn đồi cao trồng nhiều cây
xanh là dinh Tỉnh Trưởng. Những con tàu sắt ngày đêm
tuần tra trên sông làm mặt nước gợn sóng. Bên
kia sông là những mảnh vườn cây trái tiếp nối với
cánh rừng dầy đặc. Dọc theo bờ sông Bạch Đằng còn có
nhà thủy tạ xây hình vuông với chiếc cầu bằng sắt
bắt ra sông. Khi còn bé tôi và bạn bè
thường đạp xe hoặc đi bộ ra đây chơi. Chúng tôi ngồi trên
những chiếc ghế đá sơn màu vôi trắng đặt dưới chân
một giàn hoa giấy màu đỏ, màu hồng. Đối diện là
dinh tỉnh Trưởng, dinh thự nầy xây từ thời Pháp thuộc. Những
cây dầu cao lớn, lá xanh rì quanh năm lao xao trong gió
và tung xuống mặt đường những cánh hoa dầu xoay tít.
Dòng sông ngày đó, nước trong xanh như gương vào
những ngày nước biển tràn về. Ngồi trên bờ, tôi
có thể nhìn thấy đáy sông, cát, đá
và những viên cuội trắng phau. Tôi có thể nhìn
thấy những con cá cơm, cá liềm kiềm, nho nhỏ tung tăng bơi lội.
Nơi đây, tôi đã có những ngày hẹn hò
với bạn bè, với những người thân yêu. Chúng tôi
ngồi hàng giờ bên nhau, dưới ánh trăng, nhìn trăng
rơi trên mặt nước lung linh, huyền ảo. Nơi đây đã chôn
sâu những kỷ niệm từ thuở ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành. Dòng
sông nầy đã một thời gợi cho tôi bao mơ mộng, nhung nhớ,
tiếc thương. Nhưng dòng nước kia cũng đã song hành với
thời gian và trôi đi không bao giờ trở lại bến sông
xưa.
Bạn bè tôi thường hỏi vì sao gọi chợ Bình Dương
là Thủ Dầu Một? Theo tài liệu của Bách khoa toàn
thư – Wikipedia, thì Bình Dương là một trong 22 tỉnh
của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo
Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lỵ là
Phú Cường. Vào ngày 30/8/1957, Tỉnh Bình Dương
bao gồm 5 quận, 10 tổng, 60 xã.
Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa kia được thành
lập vào tháng 12 năm 1899 từ Sở Tham Biện Thủ Dầu Một, tách
từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10 năm 1956 chính quyền
Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một để thành lập các
tỉnh Bình Dương, và một phần tỉnh Bình Long.
Năm 1974 dân số tỉnh Bình Dương là 260.008 người.
Thủ Dầu Một là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Bình Dương, cách
trung tâm Quận 1, Sài Gòn khoảng 31 km về phía
bắc. Thủ Dầu Một có diện tích 11.881 ha, gồm 11 phường: Phú
Cường, Phú Thọ, Chánh Nghĩa, Hiệp Thành, Phú Hòa,
Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Tân, Hòa Phú,
Định Hòa, Hiệp An, và 3 xã: Tương Bình Hiệp,
Chánh Mỹ, Tân An.
Địa danh Thủ Dầu Một có từ bao giờ? Câu hỏi nầy vẫn còn
nhiều người tò mò muốn biết.
Theo nhà soạn từ điển Lê Văn Đức, nhà ngữ học Lê
Ngọc Trụ, ở phần địa danh (trang 260) trong “Việt Nam từ điển” (Sài
gòn TB 1970) có nguồn gốc từ tiếng Campuchia. Ông cho
rằng tên Thủ Dầu Một do âm Việt đọc tiếng Cao Miên “Thun
Doán Bôth” có nghĩa là gò có đỉnh
cao nhất vì lỵ sở Thủ Dầu Một ở trên ngọn đồi ven sông
Sài gòn.
Các tác giả khác nghĩ Thủ Dầu Một là một cụm
từ tiếng Việt được hình thành từ sự kết hợp giữa hai thành
tố: “Thủ” là từ Hán - Việt có nghĩa là “giữ”vì
nơi đây có đồn binh để canh giữ, kiểm soát; “Dầu Một”
là tên đất, được cấu tạo theo cách: “Tên một loài
thảo mộc. Theo truyền khẩu vì đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình
An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là
“cây dầu một” nên tên gọi THỦ DẦU MỘT ra đời.
Học giả Vương Hồng Sển trong từ điển “Tiếng nói miền Nam” xuất bản
năm 1997 (trang 645) cho rằng người Campuchia gọi tên Thủ Dầu Một là
“Chhocutal MucyDoem” (Chhocutal: gỗ dầu; Mucy: một; Doem: cây) có
nghĩa là “cây dầu một”. Người Hoa cũng dùng tên
“Thổ Long Mộc” (cây rồng đất: có thể hiểu đây là
cây dầu rái hay dầu lông có chứa chất nhựa rất dễ
cháy gọi là “mãnh hỏa du”, để chỉ vùng đất Thủ
Dầu Một. Trong hồi ký viết về vùng đất Thủ Dầu Một (xuất bản
tại Paris 1863), đại úy L.C Grammont, một viên sĩ quan Pháp
đánh chiếm và quân quản Thủ Dầu Một trong thời gian 1861-1862),
cũng hiểu “thủ” là “giữ”; “dầu một” là một loại cây nên
đã dùng cụm từ Pháp để chuyển nghĩa tên Thủ Dầu
Một “garde - un arbre” (garde: giữ, un arbre: một cây).
Riêng chữ “thủ” còn có người hiểu theo nghĩa là
“đầu”, đứng đầu như trong các từ kép “thủ sở”, “thủ phủ” là
nơi đặt trụ sở một đơn vị hành chính. Trong “Kỷ yếu Thủ Dầu
Một - Bình Dương 300 năm hình thành...” (xuất bản năm
1998), nhà nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu giải thích
địa danh Thủ Dầu Một: “Trong địa phận làng này xưa có
thủ sở gần cây dầu lớn nhất...” (trang 49) (ngưng trích).
Nếu nói về cây dầu thì Bình Dương trước đây
có rất nhiều cây dầu. Ngay ngã Sáu nhìn
lên dốc con Cò, ngày nay loại cây này vẫn
còn khá nhiều trên khu đồi UBND Tỉnh ủy Bình Dương.
Chắc rằng tên Thủ Dầu Một, bắt nguồn từ tên loài cây
này mà ra.
Thị xã Thủ Dầu Một nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn.
Phía Đông giáp các huyện Tân Uyên và
Thuận An, phía Tây giáp thành phố Sài Gòn,
Nam giáp huyện Thuận An, Bắc giáp huyện Bến Cát và
Tân Uyên.
Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy dọc trên
địa phận thành phố khoảng 80km, có lưu lượng trung bình
khoảng 54 m³/s, bề rộng tại thành phố 225m đến 370 m, độ sâu
nhiều nơi 20m, diện tích lưu vực trên 5.000 km². Sông
Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực cao nguyên Hớn Quảng, tỉnh
Bình Phước chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, Sài Gòn,
rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ, thuộc huyện Nhà
Bè gọi là sông Nhà Bè với dòng hợp
lưu của hai sông Đồng Nai và Sài Gòn.
Vì chảy qua nhiều vùng nên sông mang nhiều tên
khác nhau: Từ đầu nguồn đến gần chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương,
gọi là sông Ngã Cái.
Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa Sài Gòn
gọi là sông Thủ Khúc (ngưng trích).
Có một thời gian, chính quyền đã đổi tên Bình
Dương là tỉnh Sông Bé. Nhưng đâu có ai thích
cái tên nầy. Cuối cùng thì cũng phải đổi lại là
tỉnh Bình Dương. Cũng như Sài Gòn. Cái tên
đã có trên 300 năm. Dù cho có ai muốn nó
mất đi cũng không thể được vì tên gọi của nó đã
ăn sâu trong tim óc của nhiều thế hệ nối tiếp.
Rời chợ Hoa Xuân, tôi đến ngồi với Minh. Anh hỏi tôi có
đói không. Tôi gật đầu. Chị ba tôi mua quá
nhiều đồ ăn và hoa nên Minh phải lái xe đưa chị về. Còn
tôi cảm thấy đói bụng. Tôi muốn tìm cái gì
đó để ăn. Minh đưa tôi đến quán bánh xèo
Sài gòn nằm dọc trên con đường Bạch Đằng gần bờ sông.
Minh hỏi “Bạn có nhớ nơi nầy là không?” Tôi lắc
đầu. Minh cười nói “Bên kia đường là nhà của bạn
đó. Ngày xưa tôi thường đến đây thăm bạn. Con sông
nhỏ chảy qua đây là nhà hàng nầy.” Tôi nhìn
quanh và nhận ra chốn cũ. Tôi còn nhớ như in chi nhánh
con sông nhỏ chảy, nước sông dâng cao và bầy vịt
con tôi nuôi mỗi mùa hè bơi lội tung tăng trong
đám lục bình. Tôi còn nhớ con vịt mái lông
trắng như tuyết đã ấp trứng trong cái ổ tôi lót
dưới giàn mướp. Mỗi ngày nó đẻ trứng rồi ấp trứng. Tôi
rình xem những chú vịt con có bộ lông tơ vàng
óng, với đôi mắt to đen, cái mỏ nhỏ xíu xinh xắn
nở ra từ cái trứng đã bóc võ như một kỳ quan
lạ lùng của thiên nhiên làm tôi khoái
chí cười vang. Tôi nâng niu từng chú vịt bé
bỏng, mình còn đầy nhớt nhao, ướt nhẹp rồi đem chúng
đi sưởi ấm trong cái ổ rơm. Hàng ngày, sau khi đi học
về tôi tha hồ chơi đùa với chúng. Mùa hè,
tôi đi hái rong, hái bèo, và lục bình
thả trên trong chiếc lưới mắt cáo trên sông để cho
chúng bơi lội, bì bỏm tìm mồi. Rồi chúng lớn
lên, Má tôi phải năn nỉ tôi đem đi làm thịt
khi có khách quý đến nhà. Tôi cứ nằm lăn
ra đất khóc hu hu…Tôi nuôi con gì là thương
con vật đó như người. Sau nầy tôi lớn lên, gia đình
bắt đầu kháng kiệt, tôi mới biết rằng gà vịt nuôi
trong nhà không phải để làm kiểng. Tôi kể cho Minh
nghe chuyện ngày tôi còn bé và kỷ niệm
ngây thơ về dòng sông. Minh cười và nói:
“Dòng sông nầy đang cạn dần, lòng sông chứa đầy
rác mà người ta thay nhau đem ném xuống sông. Nước
sông bị ô nhiễm nặng. Bạn không còn dám bơi
lội như xưa nữa đâu. Bao nhiêu năm nay rồi tôi nhìn
dòng nước đen và ô nhiễm mà buồn trong bụng. Tôi
gật đầu đồng tình: “Hồi nảy tôi thấy nước lớn nên thích
ngồi trên ghế đá nhìn ra sông. Gió lùa
hơi nước xông lên mũi mùi hôi thối. Tôi hơi
ngạc nhiên vì tưởng mùi bùn. Nhưng không,
nước đang lên. Anh nói đúng dòng sông đang
ô nhiễm nặng…chị tôi và các cháu nói
rằng họ không dám thò chân xuống nước, nói
chi tới chuyện bơi lội như ngày chúng tôi còn bé.”
Mấy hôm sau, nhà thơ Trần Bình Dương, chị Xuyến và
nhà thơ Nguyễn Công Dinh cũng mời chúng tôi đi ăn
bánh xèo Sài Gòn. Năm 2008, tôi trở về
Thủ Dầu Một lần thứ hai, nhạc sĩ Võ Đông Điền và chị Mai
cũng mời chị em tôi đi ăn trong cái nhà hàng nầy.
Chị Ba tôi chỉ tay sang bên đường nói: “Hồi đó nhà
tôi ở đây đó”. Hình như không ai để ý
lời chị tôi nói vì không ai biết được rằng gia
đình tôi đã sống nơi đó. Cái nhà
hàng nầy đã dựng lên trên một nhánh nhỏ
của con sông đã bị san lấp bằng phẳng chẳng còn để lại
một vết tích nào. Nhìn sang con đường đối diện là
căn nhà cũ của tôi. Người ta đã dựng lên những căn
chòi bằng cỏ tranh và buôn bán những tấm phên
lợp vách bằng lá dừa đan lại. Cỏ tranh, lá dừa khô
vương vãi khắp nơi trong sân trước, sân sau. Nhánh
sông cũng đã bị san lấp bằng phẳng và dùng cho
việc kinh doanh, buôn bán. Tôi hỏi thăm bà chủ quán
về những người quen cũ, nhưng bà hầu như không biết ai. Những
người hàng xóm thân quen đã từ từ rời bỏ nơi nầy
ra đi. Họ đi đâu và về đâu nào ai biết. Cũng như
gia đình tôi đã mất hết gia sản và phải dọn về
một dãy phố chật hẹp mà xung quanh thiếu vắng tình người.
Giờ đây, gần hai mươi năm xa quê hương, tôi trở lại nhìn
cảnh cũ nhớ người xưa. Căn nhà tuổi ấu thơ sao hoang phế, tiêu
điều. Khu vườn nho nhỏ, có bụi mía lau, hoa dâm bụt,
hoa nhài, hàng chuối sứ, cây ổi, cây dừa, cây
mận, cây mít…đã biến mất từ lâu. Người chủ mới
đã xây một bức tường kiên cố bao quanh. Giàn hoa
giấy đỏ, tím lay lay trong gió mà thuở bé tôi
thường nghịch ngợm hái phơi khô kết thành những vòng
hoa nhỏ để chơi đã không còn để lại một dấu vết. Người
xưa đã khuất bóng và bể dâu cuộc đời đã
đưa họ trôi dạt về đâu? Khuôn mặt những người bạn ấu thơ
như còn quanh quẩn đâu đây trong trí nhớ của tôi.
Nhưng âm thanh, giọng nói, tiếng cười và hình
bóng họ chỉ còn là dĩ dãng. Thời gian đã
xoá sạch vết tích cũ. Tôi tự hỏi “vì sao tâm
trí con người ghi lại làm chi những kỷ niệm mốc meo để lòng
trĩu nặng nỗi buồn?” Tôi hỏi tôi hay hỏi ai đó, những
người tham dự vào dòng chảy của cuộc đời ngắn ngủi nầy, sao
lại nghĩ ra chi cuộc chiến tranh tương tàn, để thế hệ tôi bị
chia ly vì ý thức hệ? Và giờ đây dù chiến
tranh đã khép lại từ lâu, những con người có trái
tim và bộ óc nhỏ như hột mít vẫn nuôi dưỡng lòng
thù hận, ghét bỏ nhau? Lủ trẻ thế hệ chúng tôi
vẫn chưa tìm ra được tình tự dân tộc để mơ ước ngày
trở về sống yên bình trên quê hương thân yêu.
Đã nhiều năm tháng trôi qua, tôi mãi đi
tìm những trái tim chân thành, biết ghét
và yêu đúng nghĩa đã thật sự khó khăn. Từng
bước chân tôi đi qua trong suốt những năm tháng của tuổi
hoa niên và trưởng thành là nhìn thấy ly
tán, đau buồn và nghiệt ngã nhiều hơn hạnh phúc
và bình an. Tôi cũng nghiệm ra rằng mỗi người Việt Nam
trên quê hương tôi niềm đau và nỗi buồn lặn sâu
vào tâm hồn của họ.
Ba ngày Tết rồi cũng đi qua. Đường phố trở nên vắng lặng. Sau
những ngày chuẩn bị tống cựu, nghinh tân, mua sắm, chuẩn bị cho
ba ngày Tết, mọi người lại bắt đầu cho ngày Rằm Tháng
Giêng cũng nhộn nhịp không kém. Chị Ba tôi và
các cháu muốn tôi ở lại ăn Rằm Tháng Giêng,
xem múa lân và viếng thăm chùa bà Thiên
Hậu. Nhưng tôi không có thời gian. Tôi đã
chuẩn bị hành trang trở lại Hoa Kỳ. Đêm cuối cùng tôi
không ngủ. Tôi lại ra bờ sông ngồi nhìn con nước
trôi xuôi. Đi tìm một ghế đá trống lúc nầy
thật khó khăn. Tất cả các ghế đá đều kín người.
Người ta yêu con sông nầy và thích ra đây
đổi gió, tâm sự. Nhưng không ai để ý đến cái
chết âm thầm của một dòng sông.
Lòng tôi xao xuyến khi biết rằng ngày mai mình
lại ra đi. Tôi đã mang dòng sông và đám
lục bình có màu hoa tím nhạt nhoà, chập
chờn trên sóng nước vào những câu chuyện kể, những
áng văn thơ và trong cả những giấc mơ. Tôi ao ước dòng
sông sẽ xanh trong như ngày xưa để tôi được một lần trở
lại trầm mình trong dòng nước mát, được bơi lội như ngày
còn thơ bé, được uống một ngụm nước trong lành và
nằm nghe dòng sông hát những lời tình tự dưới
trăng.
Đêm nay, ngồi viết những dòng tâm sự cho người chợ Thủ,
như nhớ như thương một tình nhân đã chia ly. Tôi
thì thầm một mình “Hãy ngủ đi sông ơi! Ngày
mai đời đôi ngã. Hồn tôi sao buốt giá. Thương quê
nhà thiết tha.”
Phong Thu
Chú thích: Tài liệu Bách Khoa Toàn Thư-Wikipedia
online có ghi chép nhiều chi tiết quan trọng về tỉnh Bình
Dương.