NGƯỜI BẮC NGƯỜI NAM

Hoàng Anh


Trái đất được chia ra làm hai phần: Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Xét trên phạm vi quốc gia, các nhà sử học cũng thường chia ra thành hai miền Nam và Bắc, vì vậy đến nay đọc sử, ta còn gặp những cụm từ như Nam triều, Bắc triều, Nam Tống, Bắc Tống, cuộc nội chiến giữa miền Bắc và Nam Hoa Kỳ, chiến tranh Nam và Bắc Triều Tiên…
Miền khác, thì con người sinh sống trên đất đó ắt nhiên ít nhiều cũng khác nhau. Quốc gia có diện tích rộng lớn, địa thế hiểm trở thì sự khác biệt càng sâu sắc hơn. Trong các tác phẩm viết về lịch sử nhân loại, một số sử gia đã ghi nhận và luận bàn về hiện tượng khá đặc biệt này.
“Nghe nói, trong lịch sử cổ đại Trung quốc, “Nam phương xuất văn nhân, Bắc phương xuất hoàng đế”, (phương Nam là đất văn nhân, phương Bắc là đất hoàng đế)
(Lãnh Thành Kim, Quyền trí Trung Hoa, Ông Văn Tùng và Nguyễn Đắc Thanh dịch, tr.78, 2002, nxb. Văn Nghệ tp. Hồ Chí Minh)
“…Trong xã hội cổ đại Trung Quốc, miền Bắc phát triển sớm, văn hoá cũng chín muồi, chế độ xã hội, quan niệm tôn giáo đều chặt chẽ, phát triển, đầy đủ hơn miền Nam. Trong thời kỳ miền Bắc là trung tâm chính trị, văn hoá, trung tâm kinh tế, lại thêm người miền Bắc vũ dũng thiện chiến, do vậy việc thay đổi triều đại thường xảy ra ở miền Bắc, cho nên miền Bắc có nhiều hoàng đế. Ngược lại, miền Nam bất kể nền thống trị xã hội hay tôn giáo, tư tưởng đều yếu hơn miền Bắc, do vậy quan niệm tư tưởng của con người được giải phóng, hoạt bát hơn, hay nói như cách nói hiện nay, hoàn cảnh chính trị được tương đối thoải mái, dễ có được nhà văn hoá lớn, tác phẩm hay.”
(Lãnh Thành Kim, Quyền trí Trung Hoa, Ông Văn Tùng và Nguyễn Đắc Thanh dịch, tr. 78, 2002, nxb. Văn Nghệ tp. Hồ Chí Minh)
Về dân tộc Trung Hoa, học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét:
“Nơi nào cũng thường bị hạn hán, vì miền Bắc ít mưa; có nơi bị lụt xong thì bị hạn hán, trung bình cứ ba năm bị hạn hán một lần. Nếu hai năm liền bị hạn hán thì lại có cả triệu dân chết đói.
Do đó đời sống của nhân dân miền Bắc rất cực; họ rất quí đất, làm ruộng mà săn sóc kỹ lưỡng như làm vườn…
Miền Nam cũng ít bị hạn hán hơn ở miền Bắc vì đây thuộc miền có gió mùa, mưa nhiều không thiếu nước, trồng lúa gạo được.”
(Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, tr.27, nxb. Văn Hoá, 1997)
Các đoạn trên nói về nước và người Trung Hoa, một dân tộc ở cận kề ta. Những mô tả đó có vẻ gần giống với đặc điểm địa lý của Việt Nam. Trung Hoa có hai con sông lớn, sông Hoàng Hà ở miền Hoa Bắc và sông Dương Tử ở miền Hoa Nam, chia Trung Quốc ra làm hai miền khác biệt do ảnh hưởng sự tác động của lưu vực hai dòng sông, tương tự sông Hồng và sông Cửu Long ở Bắc phần và Nam phần của nước Việt.
Sử gia lớn của thế giới trong thế kỷ 20 khi viết về dân tộc Ấn Độ trong bộ lịch sử văn minh nhân loại rất đồ sộ của ông, cũng đã quan tâm đến vấn đề này:
“Thời nào cũng vậy, phương Bắc cũng sản xuất nhiều lãnh tụ, nhiều danh tướng, phương Nam sản xuất nhiều nghệ sĩ, và các vị thánh”
(Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch, Lịch sử văn minh Ấn Độ, tr.37, nxb.Văn Hoá Thông Tin)
Chúng ta hãy đọc thêm đoạn văn sau đây, do người Anh viết về chính dân tộc của họ, một dân tộc ở cách chúng ta rất xa, nằm giữa biển khơi, khí hậu, thiên nhiên hoàn toàn khác biệt với Việt Nam:
“Ngay ở chính England cũng có những huyền thoại về mỗi vùng, nhưng những khác biệt lớn lao nhất là những khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Có những biến đổi thực sự về địa lý và kinh tế. Miền Bắc có đặc tính là công nghiệp hoá nhiều hơn, mát hơn, nhiều đồi hơn và có tính cách giai cấp công nhân hơn. Miền Nam có tính cách trung lưu, thành thị hơn, bằng phẳng hơn và giàu có hơn.
…Bạn có biết câu ngạn ngữ xưa…người Bắc kiếm tiền, người Nam đếm tiền”
…ở miền Nam mọi thứ đối với phụ nữ tốt hơn. Người miền Bắc dường như chỉ muốn tới quán rượu một mình và tránh phụ nữ. Người miền Nam ở nhà phụ giúp vợ con nhiều hơn, đó là một số thống kê đấy. Người miền Bắc thì trọng nam khinh nữ”
…Tôi thực sự nghĩ rằng miền Bắc thì bảo thủ hơn…Tôi không nói về chính trị, mà về thái độ của họ đối với cuộc sống ấy.Ở đây trong mọi chuyện đều thường có nhiều thay đổi hơn.
…Có sự bình đẳng nam nữ nhiều hơn ở miền Nam. Người Bắc đối xử với phụ nữ như thảm chùi chân.”
(Streamline English Departures, Phạm Văn Quảng và Nguyễn Hữu Chấn dịch, tủ sách Đại học Tổng hợp tp. HCM, 1991)
Cuốn Theo Chiều gió (Gone with the wind) của tác giả Migaret Mitchel là bộ trường thiên tiểu thuyết có tính sử thi rất nổi tiếng của nước Mỹ. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc nội chiến đẫm máu trong lịch sử nước Mỹ, mà nguyên nhân chính là những khác biệt dẫn đến sự xung đột không thể hoá giải giữa người  miền Bắc và người miền Nam.
Sự khác biệt giữa con người sinh sống ở hai miền Bắc và Nam như vậy là có tính phổ biến và có bề dày xa xưa trong lịch sử nhân loại. Thế ở nước ta thì sao? Mở trang Google trên internet, gõ vào mấy chữ “Người Bắc người Nam”, bạn sẽ thấy hiện lên vô vàn những lời qua tiếng lại về tính cách của con người ở từng miền. Người này thì bảo người kia là hời hợt, là phổi bò,  nóng nảy mà vô mưu, ham chơi hơn ham làm, giàu có mà quê mùa, kém lễ nghi, tuy hiếu khách và chịu chơi thì không ai bằng. Người kia lại bảo còn các anh thì chỉ giỏi nói, hay đãi bôi, khách sáo mà keo kiệt, kiêu căng, không thiệt bụng, lại hay tráo trở và sĩ diện hão…Những ý kiến như vậy hẳn nhiên không dừng lại chỉ bấy nhiêu. Nhiều, chứng tỏ một điều, sự khác biệt và không đồng tình với nhau là điều vẫn xảy ra ở nước ta. Trong cuộc sống giao tiếp hàng ngày, có khi bằng mặt mà không bằng lòng. Vấn đề hết sức nhạy cảm, nên người ta đều ngầm biết thế, ai cũng biết, mà không ai nói ra, sợ mất lòng nhau..
Thực ra, ở Việt Nam, vấn đề ấy đã diễn ra cả thế kỷ nay, được nhiều bậc thức giả quan tâm:
“Vấn đề quan hệ giữa con người và vùng đất mới tạo ra một lối nhìn, thái độ sống có những đặc điểm khác với lối nhìn, thái độ sống của con người ở vùng đất cũ không phải là một trường hợp cá biệt chỉ thấy ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi khác như Mỹ châu và Âu châu, Anh và Úc, Tân Tây Lan v.v…
Chẳng hạn, người Âu châu thường chê người Mỹ không có văn hoá hoặc văn hoá ấu trĩ trái lại người Mỹ chê người Âu châu, nhất là người Pháp không thể làm kinh tế phát triển được, dù tả hữu gì lên cầm quyền cũng vậy thôi vì tả hữu đều giống nhau cùng có những thiên kiến về văn hoá ngăn cản óc sáng tạo, khả năng thích nghi với thực tế…Người Anh chê giọng Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, chỉ giọng Luân Đôn mới là tiếng Anh chính cống mà thôi v.v…Có điều giữa những nước trên, chỉ có những thiên kiến vậy thôi, không có những căng thẳng đụng độ hàng ngày vì phải chung sống với nhau trong một biên giới quốc gia.”
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học)
Các học giả ở Đông phương có khuynh hướng hay dựa vào những nguyên lý âm dương, thuỷ hoả của Kinh Dịch để luận sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc. Khảm vi thuỷ, ly vi hoả, nước lửa tương xung.Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, ông cũng áp dụng phương pháp này:
“Phương Nam thuộc quẻ ly, hành hoả, là quẻ văn minh, cho nên các sĩ phu chuộng tiết nghĩa, chuộng lý học. Tục dân chăm ruộng cày dệt cửi, làm thợ, buôn bán. Song cục thế của đất ở bên cạnh phận sao của Dương châu. Dương nghĩa là phát dương ở tính ra, hoặc có thiên về khinh phất, mà phong hoá chỗ tốt chỗ xấu, khí tập có nơi hậu nơi bạc, thì tuỳ thời tuỳ đất, hoặc có khác đi.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 141)
Đoạn khác, lại viết:
“Sùng Phật, tin đồng cốt, phần nhiều trọng thần đàn bà, như bà Chúa Ngọc, bà Chúa Động (tục gọi người đàn bà tôn quý là bà), bà Hoả tinh, bà Thuỷ long, cô Hồng, cô Hạnh v.v…Là lấy hào âm của quẻ Ly làm chủ nên như thế. Lại thờ thần Táo quân (vua bếp) hai bên vẽ hai hình đàn ông, ở giữa vẽ hình người đàn bà, cũng là theo quẻ ly là hoả, trong hai hào dương lấy một hào âm làm chủ”
 (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 142)
Gần chúng ta hơn, các tác giả như Kim Định, Trần Ngọc Thêm…cũng tiếp nối truyền thống trên:
“Văn hoá Nam bộ là sản phẩm của quá trình dương tính hoá trong không gian và thời gian. Nó là khâu cuối cùng trong quá trình dương tính hoá trong không gian: từ Bắc qua Trung vào Nam. Nó cũng là khâu cuối cùng trong quá trình dương tính hoá trong thời gian: từ lớp văn hoá bản địa qua lớp văn hoá giao lưu với Trung Hoa đến lớp văn hoá giao lưu với phương Tây.”
“Tính bao dung Nam bộ có nguồn gốc từ tính tổng hợp và đặc trưng thiên về âm tính của truyền thống văn hoá dân tộc, đặt trong bối cảnh nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện”
(Trần Ngọc Thêm, Tính cách văn hoá người Việt Nam bộ như một hệ thống)
Thời nay, các luận điểm dựa vào thuyết âm dương như trên được xem là có tính cách siêu hình và ít khả năng thuyết phục. Trái lại, người ta thường chỉ căn cứ vào các điều kiện địa lý, môi trường, những biến cố xã hội, chính trị…để phân tích đặc tính của con người.
Ở nước ta, từ 500 năm trước, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành binh quyền đã chia đất nước thành hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong. Cuộc chia phân kéo dài cả trăm năm, sau đó là thời kỳ nội loạn, rồi thống nhất chưa được bao lâu thì thực dân Pháp sang đây áp đặt ách thống trị, chia đất nước thành ba miền với các chế độ cai trị riêng biệt. Kế đó, là 20 mươi năm chiến tranh, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Hai miền với sách lược phát triển kinh tế và ý thức hệ hoàn toàn khác nhau. Tuy có miền Trung làm vùng đệm ở giữa, nhưng các tỉnh như Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định…vào trong có khuynh hướng hoà nhập với miền Nam; ngược lại các tỉnh từ Quảng Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh thì gần gũi với miền Bắc hơn. Thế nên người ta thường đề cập và so sánh giữa hai miền Bắc Nam nhiều hơn là với miền Trung.
So với nhiều quốc gia khác, thì sự phân biệt vùng miền ở nước ta do vậy có một lịch sử lâu dài, bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố phức tạp, từ đó mà tính cách của người Việt không thể thuần nhất, nếu không muốn nói rằng sự khác biệt nhiều khi khá sâu sắc.
Tác giả Kazuya Yamamoto, trong một công trình khảo sát về người Việt được thực hiện vào năm 2004, trong phần “Căn cước cấp miền và “Chủ nghĩa cấp miền” tại Việt Nam” đưa ra kết quả như sau: “Các kết quả này mặc thị rằng người dân tại Việt Nam hẳn có một căn cước dân tộc, nhưng họ cũng có cả một căn cước địa phương/cấp miền mạnh mẽ cùng với một căn cước Á châu siêu quốc gia”.
Phần kết luận tác giả viết: “Điều này ám chỉ rằng các căn cước cấp miền/địa phương có bắt rễ vào căn cước của người dân và rằng sự thống hợp dân tộc tại Việt Nam chưa bao giờ được thực hiện một cách trọn vẹn”.
Sự ý thức về căn cước địa phương làm tác giả ngạc nhiên khi so sánh với các dân tộc khác xung quanh ta như Nhật Bản và Singapore hay Indonesia…
Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết:
“Câu chuyện Nam Bắc thời nào cũng thấy, có điều khi nặng khi nhẹ, lúc công khai lúc âm ỉ thôi. Tờ Thanh Niên, hồi 1944 nói nhiều về thống nhất ba miền và ngôn ngữ phong tục đã ghi nhận: Tới năm 1925, người Nam Trung và Bắc vẫn còn nghi kỵ và ghét lẫn nhau như thường, tuy đồng bào ở ba nơi đã chung đụng với nhau nhiều rồi. Gần gũi nhau mà cứ coi nhau như người khác nước, cứ hiểu lầm nhau và cứ giữ lèo, giữ lái thời cũng không khác hồi nhà ai nấy ở bao nhiêu”
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu học)
Điểm đặc biệt đáng chú ý là, tuy bị chia lìa, ngăn cách, vừa do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, vừa không gian, vừa thời gian, người Việt trên khắp đất nước này vẫn giữ được những nét chung căn bản: một ngôn ngữ chung, một nền văn hoá truyền thống chung, khiến khách ngoại quốc khó mà nhận ra được sự khác nhau trong tính cách địa phương của họ.Như vậy khi nói về cái khác và giống của người Việt, ta hiểu rằng đó là ta đang bàn đến cái “Đại đồng mà tiểu dị”, giống nhiều mà khác ít, cái khác tạo thành nét đa dạng, phong phú, cái giống tạo nên sự thống nhất không thể phân chia, như nhà văn Sơn Nam thường nói..
Người Nam bộ, dòng máu là máu Việt, tổ tiên từ vùng đồng bằng Bắc bộ đã theo Chúa Nguyễn thiên di dần vào xứ Thuận Quảng, từ đó làm bàn đạp thực hiện bước tiến nhảy vọt xa tận mũi Cà Mau, mở rộng giang sơn đến điểm tận cùng của bán đảo Đông Dương. Họ mang theo trong hành trang mở cỏi vốn liếng văn hoá truyền thống mấy nghìn năm của cha ông đã dày công xây dựng. Vì vậy mà nói đến người Việt, mọi nơi trên đất nước này người ta đều nhận thấy những tính cách chung như  tinh thần ái quốc quật cường, lòng nhân hậu hiếu hoà, sự nhẫn nại chịu đựng, siêng năng làm lụng, kính trọng tổ tiên …
Thế nhưng rời đất Tổ ra đi đã nửa thiên niên kỷ, đến một vùng đất mới với điều kiện khí hậu địa lý khác, giao tiếp với những tộc người khác, người miền Nam tất yếu không còn có thể giữ nguyên một khuôn mẫu như đồng bào họ ở cố hương. Sự khác nhau đó đã tạo thành cái gọi là người Nam bộ, tính cách Nam bộ. Như vậy, vấn đề chỉ là ở mức độ đậm nhạt, nổi trội hơn hay có những nét riêng mà thôi. Vì lý do đó, Giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng đã viết:
“Mới qua cách gọi tên, chúng ta đã thấy phần đất này của Việt Nam bao giờ cũng mang một tên gọi riêng. Đây không phải tình cờ, mà lý do chính yếu là tại phần đất này, ngoài những đặc tính chung với các phần còn lại của Việt Nam, nó có những đặc tính riêng, chỉ nó mới có, hoặc có một cách trội bật so với các miền khác.”
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học)
Trong cái chung của truyền thống tính cách Việt Nam, những nét riêng chỉ khác nhau về mức độ, do những biến đổi về môi trường, hoàn cảnh xã hội, lịch sử…Nhận xét về tính cách người Việt từng khu vực không luôn có những biên giới rõ ràng, vì vậy đánh giá về chúng cũng thường khó có những ý kiến đồng nhứt nhau. Giáo sư Nguyễn Văn Trung có những nhận xét mới lạ và thẳng thắn:
“Thực ra ít khi người ta nói lên trên sách báo và chưa bao giờ ai nghĩ đến đem nó ra mà nghiên cứu một cách khoa học vì đây là điều hầu như là một cấm kỵ; nói ra sợ đụng chạm mất đoàn kết. Tại sao? Người miền Bắc thường được coi là tế nhị, kín đáo khôn khéo, còn người miền Nam là bộc trực hay nói thẳng. Nhưng chính người tế nhị khôn khéo lại nói làm những điều mất lòng, nghĩa là vụng về!Tại sao? Theo chúng tôi hiểu, chính vì họ thành thực tin những điều họ nghĩ nói ra và cho rằng mình không hề có ý xúc phạm đến ai nên khi họ thấy phản ứng, dễ hiểu lầm kẻ phản ứng có đầu óc kỳ thị mà không biết chính mình là kẻ có đầu óc kỳ thị trước, vì đã có ý đánh giá hơn kém và có thái độ đối xử thích hợp với lối nhìn đánh giá đó…Kẻ phản ứng, bị nghi ngờ là kỳ thị mà kỳ thị là một điều không tốt, nên đánh phải nhẫn nhục, chịu đựng, mặc dầu vẫn ấm ức, bực bội…
Nếu như hai bên đi đến chỗ hiểu được điều nầy: một bên nhận thức được chính mình là kẻ kỳ thị đấy, một bên hiểu rằng người gây ra kỳ thị không biết mình kỳ thị, không cố ý cố tình gì đâu, vì đây là một thái độ có tính tập thể, vô thức do những yếu tố địa lý chính trị của một hoàn cảnh sống quy định thì có thể coi như bắt đầu hiểu nhau rồi, cũng là người Việt Nam cả, nhưng sống ở Bắc thì nghĩ thế này, và sống ở Nam thì nghĩ thế kia; nếu người miền Bắc vào ở lâu trong này cũng sẽ nghĩ như người vẫn sống ở miền Nam và ngược lại. Nếu một lối nhìn do những yếu tố địa lý chính trị của mỗi vùng quy định, vượt khỏi ý đồ cá nhân, nghĩa là do tính khách quan thì có thể tìm hiểu được một cách khoa học và rút ra những quy luật.”
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học)
“Chuyện nêu lên là chuyện văn học, nhưng những vấn đề  thực sự đặt ra lại không phải văn học vì đụng đến chuyện Nam Bắc. Chuyện Nam Bắc bắt nguồn từ sự kiện khác biệt giữa các miền, địa phương. Thay vì ghi nhận như thế, nghĩa là công nhận cái riêng biệt của mỗi miền có nguyên nhân, ý nghĩa, giá trị của nó mà không đánh giá hơn kém như người ta thường làm trước sự khác biệt vế phong cảnh thiên nhiên, khí hậu, về sinh hoạt vật chất ăn, mặc, ở; nhưng về sinh hoạt văn hoá tinh thần, người ta lại đánh giá hơn kém theo những tiêu chuẩn, lối nhìn của mình, do đó mà có thái độ khinh chê và mặc cảm tự tôn, tự ti. Có lẽ chỉ trong giới ăn học trí thức, mới thấy rõ rệt thái độ khinh chê, mặc cảm, tự tôn, tự ti. Tuy là số ít, nhưng là thành phần có uy tín quyền hành tinh thần chính trị, nên thái độ của họ có tác động đáng kể…”
(Nguyễn Văn Trung, Lục Châu Học)
Các phát biểu của giáo sư Nguyễn Văn Trung tuy có tính bao quát, nhưng câu chuyện tác giả đang luận bàn bắt nguồn từ lãnh vực văn học. Hồi những thập niên đầu thế kỷ, ngoài “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm, Việt Nam còn có hai tác phẩm lớn bình luận văn học, một là “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan (nhà in Tân Dân, Hà Nội-1942) và “Việt Nam thi nhân tiền chiến” của Hoài Thanh, Hoài Chân (nhà in Thuỵ Ký, Hà Nội, 1942). Các quyển sách này được giới văn học công nhận là có nhiều giá trị. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến nêu lên  sự thiếu công bằng, có vẻ thiên vị và do đó, sai lệch của các tác giả. Mà, ở đây, lý do bị lên tiếng chính vì mang đậm tính phân biệt vùng miền.Trong quyển của Vũ Ngọc Phan có 79 tác giả, người gốc Nam được có 4. Trong sách của hai ông Hòaì Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, miền Nam góp mặt còn ít hơn, chỉ 2 người: Đông Hồ và Mộng Tuyết. Sự mất cân đối nghiêm trọng này, có điều gì đó hơi bất bình thường. Tai hại hơn, các nhà văn học sử về sau dựa theo những hiểu biết và đánh giá lầm lẫn đó để biên soạn sách, hay đưa vào chương trình giáo khoa đã gây ra những ngộ nhận nặng nề cho đời sau.
Phải trải qua mấy mươi năm mới có người lên tiếng xét lại vấn nạn văn học sử này. Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân viết “Khi những lưu dân trở lại” và Nguyễn Văn Trung cho ra đời một tập biên khảo công phu về nền văn học phía Nam với ý định trả lại sự thật cho lịch sử: “Lục Châu Học”.Ngoài các bài báo, các cuộc bút chiến xuất hiện khá thường trên báo chí từ hồi đầu thế kỷ 20 và thỉnh thoảng lại bùng lên những năm sau đó, đây có thể coi là hai tác phẩm tầm cỡ nhất phân tích thấu đáo vấn nạn trên. Khuynh hướng chung thời trước là sự khinh chê không cần dấu diếm, miệt thị ra mặt, đôi lúc rất nặng lời của các văn nhân trí thức miền Bắc đối với nền văn chương phía Nam, con người phía Nam. Sự chống trả của phía Nam, nói chung có vẻ hoà nhã, lịch sự, và vì vậy, trở nên yếu ớt. Phản ứng lại các bài viết chê người miền Nam không có văn minh, mở màn cho cuộc tranh luận của Phạm Duy Tốn, một độc giả nhà ở Bến Cát (Thủ Dầu Một) trên tờ báo ngày 9-12-1915 viết:
“Chớ tôi thường thấy mấy cậu ngoài nớ ăn mặc ngộ quá, thiệt cũng đáng bực văn minh tân đợi. Bận áo tây, quần tây, đi giày tây hay là hàm ếch da láng, trên đầu thì còn để tóc vấn khăn đen. Hễ quen biết nhau thì nắm tay nhau bù sua rồi cập tay nhau nói dóc om sòm. Tiếng nói thì pha chè nửa Annam, nửa Francais, nửa chararia (tiếng nhà bếp), chẳng biết ông Tốn gọi văn minh ấy là chi hả?”
Cuộc bút chiến lôi kéo rất nhiều tên tuổi thời đó tham gia như Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt…Trên tờ Nông Cổ Mín Đàm, ba năm sau ( 26-6-1919) có đăng bức thư ngỏ gởi các báo như sau:
“Xưa rày bổn báo thường xem báo giới Bắc Kỳ thấy luận nhiều bài thiệt là khinh bỉ người Nam Kỳ thái quá; như “Trung Bắc tân văn” bàn luận về quốc văn thì cho văn Nam Kỳ là văn hát bội; còn Nam Phong bài của M.Phạm Quỳnh “Một tháng ở Nam Kỳ” thì cho người Nam Kỳ có lượng mà không có phẩm; người Nam Kỳ những nhà giàu có phần đông toàn là ngu ngốc cả v.v…
Đó, phẩm lượng thái độ và cách cư xử đối với đồng bào của người thay mặt cho dân đất Bắc là thế đó.
Những lời khinh nhau bỉ nhau mà đăng báo như thế thì dẫu cho thần phật cũng phải bất bình. Nhưng vậy mà bấy lâu bổn báo cũng làm thinh nhẫn nhục mà không đành hở môi, là vì bổn báo vẫn để long cổ động đồng bang chữ hướng về đều liên lạc đoàn thể với nhau, làm sao cho ba kỳ hiệp một, đấu cật nhau, diều dắc nhau lên đường tấn hoá, nên chẳng nở buông lời bái bác nhau mà hại niềm hoà khí”
Để thấy được sự bất bình của tác giả trích đoạn trên, xin đọc nhận xét của Phạm Quỳnh về Trương Vĩnh Ký, nhà bác học người miền Nam tinh thông nhiều ngôn ngữ và có công trạng rất lớn đối với chữ quốc ngữ, ngôn ngữ mà về sau Phạm Quỳnh sử dụng để đánh giá ông:
“Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách giáo khoa thường cho con nít học mà thôi, đã có công nghiệp gì với Tổ quốc”
(Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam Kỳ, Nam Phong số 17 năm 1919)
Các cây bút chủ lực của miền Nam gần như không thấy ai nói gì, như Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bình Nguyện Lộc, Vương Hồng Sễn, Phi Vân, Sơn Nam…dường như do bản tính cố hữu của người miền Nam, quen nhường nhịn, không ưa tranh cãi hơn thua, họ cứ lẳng lặng làm công việc mình yêu thích. Nhờ vậy khi qua đời, họ để lại cho hậu thế cả gia tài văn học đồ sộ, quý báu ít ai sánh kịp. Bỏ công ra làm sáng tỏ sự việc, dẫn chứng công phu, lý luận sắc bén, bênh .vực thuyết phục, lại nhờ hai người ở miền ngoài: Nguyễn Văn Xuân (Quảng Nam) và Nguyễn Văn Trung (Hà Nam, Bắc Việt).
Giáo sư Nguyễn VănTrung viết:
“Chẳng hạn, để chứng minh Tố Tâm, Việt Nam Sử lược không phải là là những cuốn tiểu thuyết, sử ký đầu tiên bằng văn xuôi quốc ngữ viết theo lối Tây phương, chỉ cần giới thiệu, trình bày những cuốn văn, sử xuất bản ở miền Nam vào những năm 1879, 1887, 1910, 1920 v.v…”
Nhà văn hoá Nguyễn Văn Xuân lên tiếng mạnh mẽ dứt khoát hơn:
“Miền Nam vốn có một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc. Miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh,đến nay vẫn còn dẫn đầu về sân khấu.
Văn nghệ miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng. Bộ văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như bộ phê bình văn học của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện. Việc giảng dạy trong các nhà trường không thể tiếp tục như cũ. Không thể quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng là văn học Việt Nam, vì văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII trở lui chính là văn học hai Miền, mà từ 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên đi tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương diện phát triển văn học quốc ngữ, mà còn đào tạo nhà văn nhà báo cho cả hai miền sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”
(Nguyễn Văn Xuân, Khi những lưu dân trở lại, 1967, tr.10)
Riêng Bình Nguyên Lộc (Bình Dương), một nhà văn được xếp vào hàng tiêu biểu cho giới sáng tác trong Nam, khi được hỏi về vấn nạn văn học ấy, ông phát biểu như sau:
“Những cuốn sách giáo khoa và lịch sử văn học-như của Dương Quảng Hàm và của Vũ Ngọc Phan-đều do những người ở miền Bắc viết. Những cuốn sách này cho rằng những tiểu thuyết đầu tiên ra đời ở miền Bắc, đó là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1925). Mặc dù còn tuỳ thuộc vào cách hiểu thế nào là “tiểu thuyết”, công việc nghiên cứu của chúng tôi, ngược lại, đã chứng minh là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ở miền Nam, và có lẽ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, nguyễn Chánh Sắt hay Trần Chánh Chiếu xứng đáng hơn Hoàng Ngọc Phách hay Nguyễn Trọng Thuật trong danh hiệu cây bút viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Tôi e rằng thành kiến địa phương đã dự phần vào việc thẩm định nên tôi muốn Bình Nguyên Lộc xác nhận sự nghi ngờ của tôi. Sau đó tôi nhận ra là tôi đã quá bồng bột khi chấp nhận một cách giải quyết phiến diện cho một hoàn cảnh phức tạp. Bình Nguyên Lộc cho biết mặc dù một số người miền Bắc có thái độ tương tự người Trung Hoa, những kẻ tin rằng họ sống ở “trung quốc” (Middle Kingdom) và chỉ có bọn man di mới sống ở phía Nam, có một số lý do khác cắt nghĩa tại sao các nhà phê bình miền Bắc không đề cập đến tác phẩm của các cây bút phía Nam. Ông nói: “ Các học giả miền Bắc như Dương Quảng Hàm đã không nhắc nhở đến các nhà tiểu thuyết miền Nam vì họ không đọc được tác phẩm của những người này chứ không phải vì họ không thích người miền Nam. Tác phẩm của người miền Nam không được bày bán ở Hà Nội cho nên họ không biết chút gì về những tác phẩm đầu tiên đã được sáng tác ở miền Nam.”
(Phan Việt Thuỷ, Nhớ lần thăm Bình Nguyên Lộc, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=204
 Không giống như bao nhiêu ý kiến khác, ta nhận thấy Bình Nguyên Lộc đưa ra một lý giải mới, và phát biểu của ông khá ôn hoà, chiết trung, nhưng ngẫm lại cũng rất có tình, có lý.
Miền Nam là vùng đất hội tụ đủ dân cư của cả nước, các bất đồng tuy tồn tại nhưng không quá gay gắt để trở nên xung đột với nhau, có lẽ nhờ tính hiếu hoà, biết nhường nhịn, và có ý thức đoàn kết dân tộc với nhau, như lời bức thư ngỏ đã trích ở trên, lỗi chánh tả hơi bị nhiều, lời lẽ nôm na mà có vẻ thiệt thà, thực đáng quý:
“Nhưng vậy mà bấy lâu bổn báo cũng làm thinh nhẫn nhục mà không đành hở môi, là vì bổn báo vẫn để lòng cổ động đồng bang chữ hướng về đều liên lạc đoàn thể với nhau, làm sao cho ba kỳ hiệp một, đấu cật nhau, diều dắc nhau lên đường tấn hoá, nên chẳng nở buông lời bái bác nhau mà hại niềm hoà khí”
Ngày nay, nước nhà thống nhất, các phương tiện giao thông, truyền thông phát triển vượt bậc, người ở ba miền đã có dịp đi lại dễ dàng để giao lưu, làm ăn, kết bạn, các dị biệt về văn hoá, ngôn ngữ đang bị xoá mờ dần từng ngày. Người ta có điều kiện để tìm hiểu, phát hiện được những ưu khuyết điểm, cái tốt cái xấu và những nét tính cách cá biệt do điều kiện địa lý, lịch sử tạo nên, từ đó, có thể học hỏi, cảm thông và thương yêu nhau hơn. Các tranh luận ồn ào trên các trang mạng về tính cách ba miền hiện nay, và những cuộc bút chiến nảy lửa năm xưa, tin, và hy vọng rằng sẽ từ từ nguội lạnh đi, theo năm tháng không xa.
Có lẽ người Việt chúng ta, sau những phút nóng nảy và nông nổi, rồi ra cũng đều mong như thế.  
Trong thời đại toàn cầu, khi biên giới địa lý giữa các quốc gia đang bị xoá dần hoặc không còn quá quan trọng như xưa, chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi hay tình thần địa phương cục bộ trở thành những chướng ngại cần phải sớm vượt qua, để đón nhận và vun trồng một tình cảm mới, có tính nhân loại hơn, toàn cầu hơn.
Hoàng Anh
(26-10-2010)