NGẮN

Hoàng Anh




MỘT
Hai vợ chồng dắt một bầy con chín đứa từ giã quê hương đi phương xa lập nghiệp. Họ làm việc vô cùng khổ nhọc để nuôi nấng con cái và lo cho chúng ăn học. Ba mươi năm sau, con cái trưởng thành, thảy đều nên người, có đứa khá giả, đứa nào nghèo nhất cũng đủ ăn đủ mặc. Chúng đều có gia đình và có nhiều con, trai gái đủ cả. Anh chị em lại thuận hòa, biết yêu thương nhau và có hiếu với cha mẹ. Thiệt là một gia đình hạnh phúc. Bà con chòm xóm ai cũng ca ngợi ông bà khéo nuôi dạy con và có phước. Điều khiến cho hai ông bà hơi buồn là giờ đây con cái đi làm hay lập gia đình mỗi đứa một nơi, có đứa lấy chồng ở nước ngoài chưa biết bao giờ mới gặp lại. Trong căn nhà xưa tuy nghèo khó nhưng ríu rít tiếng cười nay chỉ còn hai vợ chồng già sống hủ hỉ với nhau. Bà phát tâm hướng về cõi Phật, thường đi chùa lễ bái, làm công quả và thỉnh thỏang lại đi hành hương xa nhiều ngày mới về. Ở nhà một mình, nhớ bà, ông ít màng đến chuyện ăn uống, cứ thấp thỏm ngồi đợi bà về. Có một lần bà đang đi hành hương thì nghe tin ông đã qua đời. Đứa con gái khóc òa kể trên điện thoại cho bà biết rằng buổi chiều đó khi tình cờ về thăm nhà, trong bóng chiều chạng vạng, nó thấy ông đang ngồi gục đầu trên mâm cơm. Nồi cơm còn để nguyên chưa bới.Trên bàn có hai cái chén không, hai đôi đũa, vài món đồ ăn, có một dĩa cá lòng tong kho tiêu. Khi nó lay ông dậy, mới biết là ông đã chết rồi.
Cá lòng tong kho tiêu là món ăn bà rất thích và ông biết tính vợ, thường nấu món đó dành cho bà.

HAI
Nghe đồn bà thầy kia có tài ban bùa phép rất linh, ai cầu gì được nấy. Chàng lặn lội tìm đến nơi. Bà ở trong con hẻm nhỏ nơi một xóm vắng. Bà có vẻ lớn hơn chàng độ chừng vài tuổi, nhưng nhan sắc vẫn còn rất mặn mà và mới nhìn đã thấy thu hút. Bà bảo chàng thắp nhang và thành tâm cầu nguyện. Chàng khấn vái xin ước gì chiếm được trái tim của bà. Nhận bùa xong chàng trở về và chờ đợi phép mầu xảy ra.
Thời gian sau, có lần giận dỗi bà khóc sướt mướt trên vai của chàng. Chàng đưa tay vuốt mái tóc điểm bạc của bà, thở dài và thầm nghĩ, không biết bùa cùa bà thiệt sự linh nghiệm hay là chàng có số phải khổ vì phụ nữ?

BA
Người phụ nữ đang lựa quần áo trong một cửa hàng nọ thì vô tình nhìn thấy một cậu thanh niên đang ăn cắp đồ trong tiệm. bà kín đáo báo cho chủ tiệm hay. Chủ tiệm là một người đàn ông to con lực lưỡng. Anh ta túm ngay cậu thanh niên và lôi ra ngay cái quần mới cậu ta vừa giấu trong túi xách. Ông chủ tiệm tức thì la hét và giáng cho cậu thanh niên đó một trận đòn tơi tả. Người con gái đi chung khóc thét lên cầu xin sự tha thứ nhưng người đàn ông vẫn lạnh lùng không ngừng tay đấm đá.
Người phụ nữ lặng lẽ bước ra khỏi tiệm qua bên kia đường, nhìn lại. Máu đã phún ra từ mặt của cậu trai trẻ kia, một khuôn mặt xanh xao gầy guộc và còn quá trẻ. Người phụ nữ nghe lòng mình quặn thắt, xót xa. Nàng tự hỏi, mình vừa đã làm gì, điều ấy đúng hay sai? Ở đời, sao mà có nhiều điều không biết phải làm sao cho đúng.

BỐN
Bà mẹ chồng thường khoe với người quen rằng con dâu bà khéo mua đồ ăn sáng cho bà, vừa ngon vừa rẻ. Nhưng bà cũng trách móc con dâu không nghe lời bà, không chịu bắt chước bà phải ăn sáng cho đầy đủ nên càng ngày càng ốm và xanh.
Cô con dâu nghe mẹ than phiền không đáp lại điều gì, chỉ hơi mĩm cười, một nụ cười thầm lặng và hiền dịu.
Thời buổi khó khăn, chồng cô lại phải một mình lo đi kiếm tiền về nuôi sống cả gia đình. Anh phân phát tiền chợ mỗi ngày rất nghiêm nhặt, cân đong đo đếm đâu vào đó cả, khó dư đồng nào. Nhà còn một mẹ già và hai đứa con nhỏ, mọi chuyện trong nhà đều do cô quán xuyến. Mẹ chồng đã già, lại khó tính. Bà rất kén ăn, món ăn phải ngon bà mới ăn được nhưng khổ nỗi bà lại hà tiện tiền, nếu biết mua mắc bà sẽ không ăn. Cô con dâu muốn cho mẹ được vui lòng. Mỗi ngày, cô ghé những tiệm ăn có tiếng nấu ngon mua thức ăn về cho mẹ, và lúc nào mẹ hỏi cô cũng nói dối số tiền thấp hơn thực tế nhiều.
Thấy mẹ ăn ưống được cô cũng nghe mừng. Còn cô, phần tiền ăn sáng của cô thì cô đã dành bù đắp cho mẹ, sáng nào cô cũng phải nhịn đói.
Người nhịn đói lâu ngày thì gầy đi là chuyện bình thường chớ đâu có bệnh hoạn gì đâu mà mẹ cô lại cứ lo!

NĂM
Buổi chiều, trong lúc đang lui cui làm bếp chuẩn bị cơm cúng mẹ, cô gái nghe tiếng nói chuyện và tiếng khóc khúc khích ở nhà trên. Bước lên nhà trên, trong bóng tối của ngôi nhà cổ, bên bàn thờ, người cha già ngồi trên chiếc ghế, ngước mắt nhìn bức ảnh của mẹ, hai tay cầm chiếc áo cũ của bà áp sát vào lòng, vài giọt lệ lăn trên đôi gò má nhăn nheo.
Ông thường căn dặn rằng mai mốt ba chết rồi, tụi con nhớ chôn ba bên cạnh mả của má để tao với bả còn được ở gần nhau.
Khi ông chết, để lại đất đai nhà cửa khá nhiều. Anh em trong nhà giành của nên bất hòa với nhau. Sau cùng, họ thiêu xác ông và đem tro cốt gởi trong chùa. Người con gái còn lại một mình trong ngôi nhà xưa của cha mẹ lo việc hương khói. Nhớ ba, cô để lên trên bàn thờ thêm chiếc áo của ông cùng với chiếc áo của bà mà ngày xưa ông thường ôm ấp trong lòng, những buổi hoàng hôn. Họ không nằm bên nhau dưới mộ phần như ước nguyện, thì hai chiếc áo để quấn quít với nhau, phảng phất mùi mồ hôi của họ hồi còn sống, chắc làm vong linh  ông bà cũng mãn nguyện phần nào.

(3/7/2012)


NGẮN (II)

HOÀNG ANH
(09-07-12)
 
MỘT

Khi đào sâu xuống đất để làm móng nền nhà, thợ xây dựng bắt gặp một cái bình gốm lớn. Chủ nhà mừng rơn trong bụng, thầm hy vọng có thể tìm được món đồ quý giá do người xưa chôn dấu. Ông cho moi hết đất trong bình ra tìm kiếm, chỉ thấy toàn là đất với đất. Ông vứt bỏ cái bình, một người thợ xin, ông cho.
Về sau, ông mới biết được rằng đó là một cái bình gốm cổ, có nhiều giá trị, có thể có nhiều tiền hơn cả những gì mà ông hy vọng nó chứa đựng bên trong. Lúc này đã quá trễ vì người thợ kia đã đi mất không biết ở đâu mà tìm. Ông tiếc hùi hụi, và chỉ còn biết thở dài.
Ở đời, đôi khi do quá chú tâm hướng vọng những gì xa xôi, người ta thường lãng quên những giá trị có thật đang hiển hiện cụ thể trước mắt mình, trong tay mình. 

HAI

Cuộc đời ông đã trải qua nhiều nỗi thăng trầm, hạnh phúc và khổ đau. Giờ đây trong lúc tuổi già, ông trơ trọi có một mình. Vợ ông đã chia tay với ông từ mấy năm nay, hai đứa con thì ở xa, cha con ít khi gặp nhau, tình cảm cha con cũng lợt lạt dần. Ông trở về khu vườn cũ, nơi ông đã sống thời thơ ấu. Đêm đêm ông nằm trong căn chòi nhỏ, nghe gió lướt rì rào ngoài vườn cây.
Hồi nhỏ, ông cũng thường nằm nghe gió thổi qua vườn như vậy. Hồi ấy, những cơn gió đã mang tâm hồn mơ mộng của đứa bé mồ côi như ông bay bồng bềnh về một tương lai đầy màu sắc. Giờ đây, cũng cơn gió ấy lại đưa ông trở về với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của ngày xưa.
Mai mốt, ông không còn trên cõi đời này nữa thì những cơn gió đêm đêm vẫn thổi, nhưng khi ấy gió sẽ không còn chở nặng tương lai, hay quá khứ. Và ông, biết đâu khi ấy cũng đã hóa thành một ngọn gió, hòa nhập vào những cơn gió kia để lướt qua vườn mãi suốt thiên thu.

BA

Nhà hết gạo đã mấy ngày, nhìn mẹ ngồi than vắn thở dài, Nó không chịu đựng nổi hình ảnh đó nên rủ  người bạn hàng xóm có cùng cảnh ngộ đi ăn cắp khoai mì. Đợi trời tối, chúng bò vào giữa một đám khoai, đứa nhổ, đứa lặt củ bỏ vào một cái bao. Trời tối đen, giữa đồng vắng bỗng nghe có tiếng huýt sáo của một người nào đó từ xa đi về hướng chúng. Hai đứa hoảng hốt vội chụp bao khoai chạy thụt mạng ra khỏi đám khoai và đi về nhà. Có khoai, hai bà mẹ mừng rở vội đem đi nấu. Nồi khoai chin, tỏa khói thơm nghi ngút. Nó sung sướng ngồi nhìn mẹ cầm củ khoai đưa lên miệng, Nó quên đi hai cẳng chưn đã bị gai mắc cở cào xướt rướm máu.
Nó cũng mỉm cười sực nhớ đến bản nhạc mà thằng đi gác rẫy huýt sáo lúc nảy đã làm tụi nó sợ điếng hồn, đó là bài Lòng Mẹ mà Nó cũng rất thích và chép lại nắn nót trong quyển tập học trò.

BỐN

Thời buổi quá khó khăn, nên rẩy khoai mì thường bị người ta ăn cắp. Một đêm nọ, người chủ đi canh gác rẩy bắt gặp một thằng đang nhổ khoai của ông. Quá tức giận, ông rình giáng cho nó một cấy lên lưng thiệt mạnh. Kẻ gian thét lên một tiếng thất thanh vì đau đớn, rồi nằm quằn quại rên xiết trên mặt đất đầy gai cỏ. Ông nghe lòng mình quặn thắt niềm thương cảm và hối hận vì đã ra tay quá mạnh.
Ông lặng lẽ rời khỏi đám khoai, cúi đầu đi về nhà.
Về đến nhà thì trời đổ mưa to, ông sực nhớ, không biết thằng ăn trộm khoai có ngồi dậy nổi để về nhà hay không, mà nó có mệnh hệ gì hay không nữa chứ!
Sấm sét đang rền vang tạo thành những vệt sáng ngoằn ngoèo như chiếc rể cây, xé nát bầu trời.

NĂM

Người chủ đập đầu con chó mà ông nuôi đã lâu, máu phún ra và con chó kêu oăng oẳng mấy tiếng đau đớn. Ngở rằng con chó đã chết, ông sơ sẩy để nó vùng chạy ra được.
Ộng huýt tay và kêu mấy tiếng, con chó ve vẩy đuôi, có vẻ hãi sợ nhưng vẩn lết về phía chủ. Ông chụp thật chặt cổ nó và lần này, ông giáng cho nó hai ba cú đập thật mạnh để chắc ăn rằng con chó đã chết.
Lần này thì con chó chết thiệt. Với tài chế biến của một đầu bếp, cả đám bạn nhậu của ông có được một nữa tiệc thịt chó ngon hảo hạng. Mà biết đâu chừng, có khi mùi thơm của nó không phải toát ra từ củ tỏi củ riềng, mà từ lòng trung thành vô hạn, ngay cả với người chủ đang tâm đập đầu nó cho đến chết và ăn thịt nó.
Nếu không phải vậy thì sao có thể được người ta khen thịt chó thơm ngon, thịt chó dính kẻ răng, ba ngày sau cũng còn thơm.

(10-07-12)