Một Tháng Bảy
(góp nhặt chút tình thầy trò)
Nguyễn Kim Nên


Tháng Giêng
Hàng xóm cạnh nhà nàng có ông đồ già khoảng chừng 70 hay trên 70 tuổi. Dáng ông thanh tao khỏe mạnh, từ tốn hiền hòa và vẫn còn nhiệt tình sinh hoạt với đám trẻ trong giáo xứ. Nghe đâu lúc còn trẻ ông dạy toán học ở một trường trung học tỉnh lẻ gần Sài Gòn. Ấy vậy mà văn chương ông rất lưu loát, phong phú lại pha thêm chút dí dỏm, dễ mang đến những nụ cười cho người đối thoại. Mấy năm gần đây nàng bắt đầu tập viết văn. Hôm nào xem lại chính tả của bài viết thấy không ổn, nàng gọi ông để “cầu cứu”, thì bị ông mắng yêu: “Cái này là làm khó nhau rồi đấy! Ai đâu lại hỏi dân khoa học về lỗi chính tả”.
 
Tháng Hai
Hai nàng bắt đầu điền đơn xin nhập cảnh du lịch Hoa Kỳ. Thư qua thư lại cả tháng trời. Hai nàng lúng túng quay cuồng trên cái máy vi tính. Rồi mọi việc cũng xong, chỉ chờ ngày đi phỏng vấn. Gánh nặng lo âu cũng nhẹ dần cho nàng ở nhà. Nàng ở xa hy vọng chờ đợi tin vui… Những chương trình hội ngộ được bày vẻ… Ra biển ngắm trăng xứ người… Lên núi thăm “ sư phụ và sư mẫu"… Xuôi về miền Tây tham dự Đại Hội THĐ ở quận Cam… Lên vùng Tây Bắc thăm chủ nhiệm sáng lập tờ Hoa Nắng… À, còn xem coi cái vườn rau nhỏ sau nhà nàng nữa chứ.

Cuối tháng hai mà cái vườn rau nhỏ của ông đồ già hàng xóm vẫn chưa “cày nông cuốc cạn” sau “mùa lụt tại gia" (nhà bị bể ống nước khi hai ông bà đi nghỉ mát).

Tháng Ba
“Một Thưở Thanh Bình” đã gợi lại cho ông một thưở mà đối với ông không thanh bình chút nào. Nào Thủ Dầu Một, nào Dầu Tiếng, đây là những địa danh đã đi vào tiềm thức của ông ngay sau khi đặt chân lên miền “đất hứa” đối với  “Bắc Kỳ di cư“. Ngay sau khi “đổ bộ” từ chiến hạm Mỹ xuống cảng Sài Gòn thì gia đình ông được thảy lên xe “cam nhông” chạy thẳng lên Dầu Tiếng. Hình ảnh Sài Gòn vẫn còn loáng thoáng đâu đây chỉ là hình ảnh đám tang “tưng bừng” và “sặc sỡ” của người Sài Gòn khi chiếc xe “cam nhông” tìm đường ra khỏi thành phố tình cờ cắt ngang.

Nàng nhẫn nại ngồi đọc cho xong kinh sáng, tay cầm cái điện thoại gọi về bên ấy mà lòng nôn nóng. Rớt rồi! Ba đứa ra về không một ai nói chuyện với ai. Buồn ơi là buồn!

Nàng như “cô bé choàng khăn đỏ” ngồi ôm mặt khóc khi đánh rơi rổ trứng…



Bên hàng xóm, ông đồ già thì thầm “Mùa Xuân không còn đợi”, nhìn cây phượng tím gốc Sydney phơi mình trong sương lạnh… Buồn cho cuộc hội ngộ không thành.

Cuối tháng ba, ông cũng cố “xén bớt thì giờ lau chùi bụi bậm” để ra vườn. Ông gieo ít hạt bí, mươi hạt mướp đắng Ấn Độ, ít hạt rau đay… Sáng tưới chiều chăm. Ba tuần lễ vẫn không thấy động tịnh gì. Sốt ruột ông lấy cái que khơi khơi nơi chỗ bỏ hạt thì chẳng thấy hạt đâu chỉ thấy vỏ, y như vỏ hạt dưa ngày Tết vậy. Kiên nhẫn luôn là đức tính cần thiết. Ông lại bỏ hạt lần thứ hai. Lần này để chắc ăn, ông bỏ gấp đôi. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm ông lại cẩn thận tưới nước cho đẫm. Có điều sáng nào cũng vậy, khi thấy bóng dáng ông già lẩm cẩm thì mấy chú bồ câu trời ù té bay lên. Ông nghĩ cũng là chuyện bình thường thôi, vì các chú đã lấy cái hộp điện dưới mái nhà của ông làm nơi tạm trú nên có lẽ sáng sáng đi dạo vườn. Tuần qua tuần, vẫn chẳng thấy cái gì lú lên cả mà chỉ thấy vỏ là vỏ vương vãi trên luống. Bây giờ nhẫn nại trở thành cẩn thận. Ông có mấy cái chậu plastic dài như cái máng, đổ đầy đất ẩm rồi gieo hạt xuống. Chỉ vài tuần sau thì hạt nẩy mầm như mạ non và lớn như thổi. Thì ra mấy anh chàng bồ câu trời không chỉ dọn đến ở mà còn tự quyền chia sẻ mùa màng nữa.

Hôm nay thì bí còn ở dàn dưới nhưng mướp đắng thì đã lên dàn trên rồi. Loáng thoáng vài bông hoa vàng đã nở hồn nhiên dưới nắng sớm.

Vụ mùa Hè sớm thì kể như qua rồi, hy vọng cuối Thu sẽ khá hơn. Tuy nhiên ông vẫn còn những người bạn vườn rất trung thành mỗi Xuân về thì trở lại khoảnh đất nhỏ của ông. Dù Hè rất nóng, Đông buốt lạnh vẫn không hề thất lễ: mồng tơi, kinh giới, tía tô, húng quế, húng…chó… thì thỏa thuê. Trước bữa ăn, ra vườn vặt vài cọng là thơm nhà bếp ngay.



Tháng Sáu
Tự nhiên mình buồn vì lẽ ra bọn mình cũng sẽ cùng ra ngắm vườn của nàng tháng 6 này. Mình cũng được sờ tận tay mấy trái bầu dễ thương đó để cảm nhận công sức vào từ ngọn rau, cành quả sum suê như thế. Nổi buồn của mình từ giữa tháng 3 đến giờ chưa nguôi ngoai.

Ngày của Cha thường thì không “ồn ào” như ngày của Mẹ. Có lẽ vì sự nghiêm khắc của Cha nên cho dù đã trưởng thành con cái vẫn còn “lấm lét“ hay chăng. Thế mà cô học trò ngày nào vẫn còn nhớ đến ông. Cám ơn trò những chân tình mà ông vẫn nâng niu như những ngày đầu.

Vì những điều bất như ý mà nàng phải ngồi ôm một mối… muộn phiền không thể thoát ra được. Không được góp mặt, không được hội ngộ, không được nhìn thấy… nghĩa là rất rất nhiều ngậm ngùi và thương nhớ.

Cuối tháng sáu ngày nào cô học trò hàng xóm lên đường sang quận Cam? Nhớ gói ghém cho đủ cái nóng Texas tuần này để “sưởi ấm” những tâm hồn còn nguội lạnh một cách trì trệ với Búng nghe. Ông đồ già cũng muốn đi để sống lại cái niềm vui “gõ đầu đám trẻ ngây thơ vô số tội” ngày nào để xem cái cằn cỗi sỏi đá là quà tặng của thời gian có ngăn nổi xúc động khi trở về quá khứ hay không?

Cho ông gửi lời kính thăm tất cả các thầy cô, gửi lời chào tất cả các em.

Ông không chúc mà tin rằng mọi việc sẽ tuyệt diệu trò ạ.

Tuần trước, một số bạn bè cũ của ông đồ già gặp nhau gần Sài Gòn, có gửi sang một số hình ảnh ngày hội ngộ. Thấy mà thèm, ông liền nghĩ đến Một Tháng Bảy(*)./.


Thầy Đoàn Phế đứng sau với “đám học trò ngây thơ vô số tội” ( Minh Lan, Phụng, Kim Nên, Cúc Hương, Thanh Diệu, K Hồng, Vương Gái, K Mai, Thúy Đinh.

(*): 1/7/2012: ngày hội ngộ CGS & HS THĐ lần 2 tại Nam Cali.