MÌNH ƠI!
Nguyễn thị Cẩm
Từ khi còn rất nhỏ tôi thường nghe ba má gọi nhau bằng hai tiếng “Mình
ơi ! ”. Có một cái gì đó đầy âu yếm trong tiếng gọi mà với trí óc non nớt
bấy giờ tôi “dịch” ra rằng “mình” có nghĩa là thương. Quả không sai, ba má
tôi đã đến với nhau bằng tình yêu và đã sống với nhau rất là hạnh phúc, có
một gia đình êm ấm mà cho đến bây giờ , đã mấy chục năm sau, lũ con cái là
anh em chúng tôi vẫn nhắc đến với lòng ngưỡng mộ.
Là phụ nữ nhưng má tôi là trụ cột kinh tế gia đình. Má có một tiệm
tạp hóa tại nhà. Giữa làng quê, xa chợ nên tiệm khá đông khách, ai cần gì
đến nhà tôi là có đủ, từ gạo cám mắm muối đến sợi chỉ cây kim. Chiều chiều
má đi quanh xóm mua đồ hàng bông, sáng mang ra chợ sang lại cho người bán
lẻ rồi bổ hàng về cho tiệm tạp hóa . Ba tôi, một chân khập khiễng bởi vết
thương thời chống Pháp nên an phận với tiệm hớt tóc cạnh nhà. Trừ những ngày
sắp tựu trường và những ngày giáp tết tiệm khá đông khách, còn thì tiệm vắng
tanh. Thương má bận bịu suốt ngày, ba chẳng nề hà chuyện xách nước, giặt
giũ, ru con. Còn má, lúc nào cũng đáp lại tiếng gọi “Mình ơi!” của ba bằng
tiếng dạ ngọt ngào. Chẳng bao giờ chúng tôi nghe ba má lớn tiếng với nhau.
Trong làng, những người lớn thường đem ba má chúng tôi ra làm gương cho những
cặp vợ chồng trẻ. Vậy mà lớn lên tôi lại không thích ba má gọi nhau bằng
hai tiếng Mình ơi nữa bởi thật là khổ sở vì hai tiếng “mình ơi” nổi tiếng
ấy! Thời chúng tôi đi học, lũ bạn cứ gặp chúng tôi là trêu ghẹo:” Mình ơi,
đầu đây!” hoặc giả vờ đọc bài khoa học thường thức “ Cơ thể người ta có ba
phần đầu, mình và tay chân” mà chữ mình bao giờ chúng cũng đọc thật to, kéo
dài giọng và nhìn tôi cười khanh khách. Thuở ấy ở quê tôi, những cặp vợ chồng
cứ gọi nhau là ông-tui, bà- tui, có khi là ba thằng A, má con B chẳng hạn
hoặc thậm chí gọi nhau là mày –tao thì tiếng Mình của ba má tôi là một hiện
tượng lạ. Một bữa tôi phụng phịu :” Ba má kỳ quá à, cứ kêu mình ơi, mình
ơi làm chi cho tụi nó ghẹo con hoài, mà mình là gì vậy ba?”. Ba nhìn má cười
tinh nghịch rồi giải thích rằng Mình có nghĩa là thương. Có lần đọc thấy
câu ca dao “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai không
hiểu sao tôi cứ in trí đó là câu thơ của ba dành riêng cho má”. Lại nữa,
hồi còn nhỏ xíu in như vừa biết đọc tôi đã đọc luôn tạp chí Phổ thông của
Nguyễn Vỹ trong đó có chuyên mục thường kỳ Mình ơi, tôi lại tưởng tượng ông
Tú , bà Tú trong câu chuyện đó chính là ba má của mình.
Má tôi mất, ba tôi như quỵ ngã. Chúng tôi không làm sao giúp được
ba nguôi ngoai nỗi nhớ. Có những đêm trong cơn mơ ba giật mình gọi “Mình
ơi!” nghe thật đau lòng. Mười năm sau ba bị tai biến mạch máu não phải nằm
bệnh viện, trong lúc mê man ba cũng gọi không ngớt:“Mình ơi, Mình ơi…!”.
Rồi ba mất. Tôi tin, ba má sẽ lại được gọi nhau “Mình ơi” sau ngần ấy năm
trời.
Lớn lên và cho đến bây giờ, thỉnh thoảng nghe cặp vợ chồng nào đó
gọi nhau bằng hai tiếng Mình ơi tự dưng tôi có cảm tình đặc biệt và thầm
nghĩ đó là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Anh chị em chúng tôi khi lập gia đình
không hiểu sao chẳng ai gọi vợ chồng bằng hai tiếng Mình ơi. Dù vậy, có lẽ
tiếng gọi Mình ơi của ba má trong ký ức đã giúp chúng tôi biết trân quý đời
sống vợ chồng, để có được gia đình hạnh phúc. Riêng tôi, đêm đêm ngắm chồng
đang say sưa an lành trong giấc ngủ tôi vẫn thường thầm gọi "Mình ơi”!