Lá thư Nebraska

Buổi lễ phát phần thưởng ở Hội trường Tòa Hành Chánh tỉnh

Phạm thị Nhung


Năm tôi vào học lớp đệ thất trường trung học Trịnh Hoài Đức thật là một kỷ niệm đẹp êm đềm khó quên, không những chỉ cho riêng tôi thôi, các bạn có đồng ý không, tất cả chúng ta đều thế.  Hương vị ngọt ngào ấy chúng ta ai cũng nếm qua.

Vừa rời khung cảnh của trường tiểu học không bao lâu, lại bận bịu học thi vào một trường công lập của tỉnh, tôi nhớ là mùa hè năm cuối tiểu học qua thật nhanh.  Rồi nhận kết quả thi đậu, rồi vào trường mới, với tất cả những gì cũng mới.  Niên khóa này 1965-1966 tôi vào học lớp đệ thất P1, cuối niên học ấy, tôi được lãnh phần thưởng Hạnh kiểm.  Buổi lễ phát phần thưởng được tổ chức ở hội trường tòa hành chánh tỉnh. Cùng với những bao nhiêu là kỷ niệm đẹp tươi của một thời cắp sách đến trường, tôi xin cùng nhớ lại với các bạn vào một dịp khác. 

Thư này tôi chỉ xin kể lại buổi lễ phát phần thưởng ở hội trường tòa hành chánh tỉnh,  nhưng là buổi phát phần thưởng của trường Trịnh Hoài Đức niên khóa 1966-1967, niên khóa này tôi đã lên lớp đệ lục rồi. 
 Tôi có mặt trong buổi phát phần thưởng niên khóa 1966-1967 vì 2 lý do:
-Tôi lại được nhận phần thưởng Hạnh kiểm niên khóa này.
-Và có tên trong bản vũ Thương về xứ Thượng.

Trong một thư trước tôi có kể với các bạn về ban vũ và ban kịch lớp P1 của bọn mình, và tôi cũng có kể lại buổi trình diễn văn nghệ Tất Niên được tổ chức ngoài trời ở sân trường Nam THĐ.  Đó là dịp Tết, rồi cuối niên khóa, các thầy cô quyết định chọn lại bản vũ Thương Về Xứ Thượng cho vào phần văn nghệ phụ diễn của buổi phát phần thưởng.

Tôi nhớ vào giờ nhạc, thầy Bé Tám gõ bàn khẽ khẽ tạo sự chú ý cho cả lớp yên lặng.  Thầy nói:
-Hôm nay thầy báo cho các em một tin mừng, ngoài các phần thưởng học giỏi và phần thưởng hạnh kiểm ra, riêng lớp các em được nhà trường cho thêm 1 phần thưởng nữa, đó là  phần thưởng Văn Nghệ.

Cả lớp vỗ tay reo vui, Thầy giải thích đây là tên một phần thưởng mới, do nhà trường vừa đặt ra bắt đầu từ năm nay để khuyến khích các học sinh hoạt động văn nghệ.  Và một trong những phần thưởng này được trao cho lớp đệ Lục P1 là vì các em có các ý kiến về văn nghệ rất đáng khen thưởng.  Thầy nói tiếp:

-Vậy bây giờ thầy để các em tự do chọn người nào sẽ nhận phần thưởng ấy nhé.

Nói rồi thầy đi lên văn phòng để chúng tôi có thì giờ và thoải mái chọn lựa.  Thế là các con mèo P1 một lần nữa chụm nhau lại để bàn soạn.  Lúc ấy thực ra tôi cũng có ý kiến riêng của mình, tôi muốn các bạn nên chọn Trang Mỹ Hiền hoặc Nông thị Ngọc Liễu, sở dĩ tôi có ý nghĩ ấy vì cũng có lý do. 

Bạn Trang Mỹ Hiền tuy đóng hụt vai Ngọc Hoàng Thượng Đế trong vở kịch Táo Quân Tân Thời, nhưng bạn giúp ban vũ rất nhiều, bạn là người đứng trong hậu trường sân khấu làm ca sĩ hát nhạc bản Thương Về Xứ Thượng, cho 6 người Thượng chúng tôi tha hồ mà múa nghí ngoáy.  Tôi nhớ giọng hát bạn trong và cao vút, bạn hát không hề biết mỏi mệt là gì, kể từ khi tập dợt cho đến ngày trình diễn.

Còn bạn Nông thị Ngọc Liễu thì đóng vai bà Táo, nhưng đây là dịp phát phần thưởng, không phải là dịp Tết nên vở kịch đó đâu có diễn được.  Nhưng ban văn nghệ lớp chúng tôi thường kéo bạn đi theo bất cứ đâu, cũng từ khi tập cho đến ngày trình diễn.

Tôi nghĩ phần thưởng văn nghệ nên trao cho 1 trong 2 người này, vì cả 2 bạn đều có công với ban vũ và ban kịch.

Tuyết Đông + tôi, Lệ Dung + Phùng, Thúy Liễu + Hoàng Mai,  tất cả là 6 cô Thượng miền sơn cước này có mặt trong ban vũ là vui rồi, tôi nghĩ thế.  Phần thưởng nên dành cho 2 người kia.

Nhưng tôi chưa kịp nói lên ý nghĩ của mình, thì các bạn sau khi bàn tính đã tuyên bố là để cho công bình thì nên bốc thăm.  Và bạn Lê thị Phùng đã may mắn được phần thưởng ấy.  Thôi thì ai cũng được.

Trong thời gian còn đang tập dợt, một hôm thày Bé Tám dẫn cả 6 nhỏ Thượng này đi mua vải và dẫn đến 1 tiệm may để may xà rông, y phục đặc biệt của người Thượng. Lúc ấy tôi nghĩ tội nghiệp thầy mình ghê, giống như cha tôi vậy, vì mẹ tôi mất sớm nên cha tôi luôn là người dẫn tôi đi mua vải và đến tiệm may để mà may mặc.  Đàn ông mà phải làm thế thấy tội nghiệp làm sao ấy.

Nhưng trẻ con mau quên, mọi ý nghĩ đều chỉ thoáng qua.  Chúng tôi sau đó vui mừng hớn hở, và cảm thấy thú vị lạ lùng.  Nguyên do thật là đơn giản: từ trước đến giờ ban vũ tuy múa bài Thương Về Xứ Thượng, nhưng tất cả 6 cô Thượng bé bé này đều mặc đồng phục áo dài trắng, chứ có xà rông đâu mà mặc.

Thế là có xà rông của người Thượng. Rồi không biết có bạn nào lại tìm đâu ra mấy cái bánh tiêu để mà bới tóc ( bới gọn tóc cao lên đỉnh đầu như là bới Lèo vậy ).  Vậy là ổn lắm rồi, các bạn và tôi đều nghĩ như thế, chỉ còn chờ ngày lễ phát phần thưởng đến mà thôi.

Có nôn nao chờ đợi hay không thì ngày ấy đến sẽ phải đến.  Chúng tôi có mặt ở Hội trường từ sáng sớm, nhất là nhà tôi rất gần.  Thúy Liễu và tôi cùng ở đường Ngô Quyền, chúng tôi chỉ cần đi theo một con đường tắt trong 5 phút là lên đến ngọn đồi ấy.  Các bạn hẳn còn nhớ Tòa Hành Chánh tỉnh Bình Dương ở trên 1 ngọn đồi chứ ?  Chúng tôi vào hậu trường để tập lại lần chót.

Được tập dợt thường xuyên, hơn nữa chúng tôi vẫn thường hay múa trong lớp cho các thầy cô xem khi được yêu cầu, cả những lúc trình diễn sân khấu bên trường Nam, nên những động tác, và di chuyển đã thuộc nằm lòng, thật chẳng có gì là khó.  Nhưng quả thật lúc ấy lòng tôi có hơi nao núng.

Tôi hơi lo sợ nao núng vì sân khấu hơi rộng lớn và lạ lẫm đối với chúng tôi khi ấy.  Nó khác hẳn với lớp học hoặc sân khấu bên trường Nam.  Những con bé con nhìn nhau, im lặng, không dám tỏ lộ lòng mình cho nhau biết.  Nhưng sự im lặng có lẽ cũng là lời khuyến khích ngầm “ chúng ta cùng cố lên nhé “.

Ngoài sân khấu các tiết mục văn nghệ đã bắt đầu, xen lẫn trong những lúc ngừng nghỉ của các tiết mục ấy, là những lời xướng danh học sinh lên lãnh phần thưởng theo thứ tự các lớp.  Vẫn chưa đến phần trình diễn màn vũ, thì đến phiên tôi ra lãnh phần thưởng hạnh kiểm, rồi sau đó là Phùng lãnh phần thưởng văn nghệ.

Không biết có ai đùa mà dấu đi gói phần thưởng của tôi, tôi bực tức muốn khóc.  Gói phần thưởng tôi vừa lãnh xong và đem vào để trong hậu trường, rồi mải loay hoay sắp xếp cho việc mặc xà rông, quay đi quay lại thì gói quà đã biến mất.  Lúc ấy các bạn ai cũng lo thay quần áo, mặc vào bộ xà rông người Thượng, các bạn biết tính tôi không thích đùa, nên tôi biết các bạn không làm điều ấy.  Còn tôi thì cố trấn tĩnh để đừng có khóc nhè, vì cố trấn tĩnh nên đã biến thành lì. 

Tôi đứng lì ra đấy không làm gì, trong khi các bạn đã thay xà rông xong cả rồi.  Và tôi cũng chẳng thố lộ cho các bạn là gói phần thưởng của tôi đã tự dưng biến mất.  Tôi cứ đứng lì ra đó.

Tại sao tôi đứng lì ư ?  Có trời mà biết.  Người Nam gọi đó là giận lẫy, người Bắc gọi đó là hờn mát.  Còn tôi ?  Sau này, tôi gọi đó là biểu tình bất bạo động.  Để tôi nhớ xem, tôi cứ đứng mãi như thế. Ở nhà ngày xưa mà có giận lẫy thì đã có mẹ tôi, mẹ tôi chẳng bao giờ để cho tôi phải giận lâu.  Thực ra chỉ một lời nói nhẹ nhàng là tôi vui vẻ lại ngay.  Mẹ tôi mất rồi thì có bà vú nuôi, bà cũng nói dịu dàng với tôi lắm.

Lúc đứng lì ở hậu trường, lòng tôi thực sự thương bà vú quá, bà ấy ở nhà chứ đâu có đi theo tôi đến đây được.  Tôi cứ nghĩ nếu có bà ở đây thì bà dỗ dành tôi vài tiếng chứ không cần nhiều, thì có lẽ tôi cũng đang bận bịu thay xà rông như các bạn mình, vì giờ trình diễn của chúng tôi cũng đã gần kề rồi.

Giờ thì chẳng có ai mà dỗ ngọt mình đâu, nhưng mà mình đã lỡ đứng lì rồi thì cứ đứng lì luôn.  Trong trí trẻ con,  tôi thầm nhủ nếu đến giờ trình diễn mà tôi không ra sân khấu thì quả thật tôi đã làm 1 chuyện quá quắt, buồn lòng các thầy cô tôi không ít.  Hơn nữa được nhận lãnh phần thưởng Hạnh Kiểm ai mà lại làm thế, rồi bạn Tuyết Đông sẽ múa 1 mình, thật là kỳ quá, ai mà lại làm thế. 

Lòng tôi chỉ mong thầy Bé Tám xuất hiện lúc ấy để rầy la chúng tôi 1 chuyện gì đó, thì tôi phải tự động xúc tiến công việc mà không dám chậm trễ.  Nhưng khổ thay, thày rất tin tưởng chúng tôi biết cách làm việc, mà không cần sự đốc thúc của người lớn, thày quá bận việc điều khiển ban nhạc của trường.  Mà thày có vào đấy làm gì ?  Nơi thay y phục của con gái!
           “ Mơ xa lại nghĩ gần “

Nghĩ vẩn vơ chuyện nọ xong lại chuyện kia, lòng tự nhủ: nếu giờ này có ai nói dịu ngọt với mình 1 tiếng thì từ nay mình sẽ không bao giờ giận lẫy nữa !!!

Những lúc đứng lì như trời trồng ấy, hiển nhiên như là 1 cục đá, mắt không nhìn ai chỉ nhìn chăm chăm về phía trước. Bỗng tôi thấy một bóng người di động lại gần tôi, tay đặt khẽ lên vai tôi và nói rất nhẹ nhàng:

-    Nhung đi thay đồ đi cho kịp ra trình diễn, gần đến phiên nhóm mình rồi đó!

Các bạn biết ai không?  - Thúy Liễu, người bạn nhỏ của tôi.  Thật dễ thương làm sao cô bạn của tôi.  Thế là tôi nhanh chóng thay bộ xà rông của những người miền sơn cước. Bạn biết không, cho dù lúc ấy tôi có nhanh như sao xẹt, lẹ như chớp sáng, mau như con thỏ thì cũng không thể nào hoàn tất được.  Họa may tôi chỉ mặc cho gọn gàng được bộ xà rông, còn mái tóc thì cứ phải để dài tự nhiên tới ngang hông, mái tóc phía trước thì cắt ngang tới lông mày, tôi nhìn thấy tôi trong gương tôi tức cười quá.  Nhưng không dám cười vì các bạn ai nấy đều bới đầu Lèo cùng với bộ y phục miền sơn cước trông hòa hợp làm sao.  Cũng tại cái tật giận lẫy mà ra.

Chúng tôi cùng tiến ra sân khấu, trong lúc bức màn nhung sân khấu còn khép kín, chúng tôi nhanh chóng đứng theo đội hình thứ nhất của màn vũ.  Theo đội hình này, Thúy Liễu - Hoàng Mai bé nhất đứng hàng đầu, kế đến là Lệ Dung - Lê thị Phùng, còn Tuyết Đông và tôi cao hơn nên đứng chót.

Bên ngoài, tiếng loa phóng thanh giọng của người xướng ngôn viên giới thiệu màn trình diễn của chúng tôi, tôi thấy thời gian tự nhiên trôi thật chậm, mặc dù chỉ khoảng vài phút để người xướng ngôn viên giới thiệu và 2 tấm màn nhung sân khấu từ từ kéo ra.  Trong khoảng thời gian trôi chậm ấy tôi hình dung đến nét mặt buồn của thầy cô tôi, nét thất vọng của thầy Bé Tám, nét nghiêm nghị của thầy Hiệu trưởng, và hơn nữa, trong hàng ghế dành cho phụ huynh có cha tôi ngồi đấy.  Mọi người sẽ nhìn thấy ngay sự việc lủng củng không đồng nhất của những mái tóc.

Rồi cuối cùng bức màn cũng phải được kéo ra thôi, lòng tôi nao nao lo lắng.  Sau khi 6 đứa chúng tôi cúi chào khán giả để mở đầu màn vũ, tôi liếc thấy bạn Trang Mỹ Hiền đứng bên cánh gà sân khấu, tay cầm bản nhạc, cái microphone đặt đứng phía trước mặt, bạn núp sau tấm màn, ban nhạc bắt đầu trổi dậy vài đoạn nhạc dạo đầu tiên cho bài hát.  Chúng tôi chỉ bắt đầu múa khi bạn Trang Mỹ Hiền bắt đầu hát mà thôi.

-    “ Từ khi xa rừng núi cũ,... chiều sương rơi lạnh hơi Thu,... sao thấy lòng thương nhớ khi bóng chiều vương khói trên lưng đồi mịt mù ...

Tiếng hát bạn trong và cao, vừa hát vừa mỉm cười tươi tắn nhìn chúng tôi để ngầm khuyến khích.  Và cứ thế theo tiếng nhạc, theo lời hát, ban vũ chúng tôi thay đổi đội hình liên tục, khi thì 2 đường thẳng song song, khi thì hình thang, khi thì hình chữ nhật, lúc thì hai đường song song gần nhau, lúc thì 2 đường song song xa nhau, có lúc từ 2 đường song song xa nhau lại tiến vào nhau mà xen kẽ nhau để làm thành 1 đường thẳng dọc theo sân khấu.  Thôi thì trong lớp cái môn  Hình học mà có hình gì thì đây cũng đều có cả, có lúc đội hình lại tiến thành hàng ngang, theo chiều rộng của sân khấu.

Đội hình của ban vũ tiến đến lúc này thì tôi quả thực có chút thời gian để liếc xuống phía khán giả, vì rất gần với hàng ghế danh dự. Các bạn cũng biết đó, khi các thầy tổ chức ở Hội trường của Tòa Hành Chánh tỉnh thì ban tổ chức phải mời những ai rồi.

Tôi nhanh chóng nhận ra thầy Hiệu Trưởng, ngồi kế bên thầy nếu không phải ông Tỉnh Trưởng thì cũng phải là ông Phó Tỉnh Trưởng, kế bên ông này chắc là 1 ông cố vấn Mỹ, tôi thấy ông nhìn chúng tôi mắt xanh lè ( không phải đám Thượng chúng tôi làm ông sợ xanh mắt, nhưng vì mắt ông ta thực sự màu xanh ).

Lòng tôi thực lo lắng, sợ sẽ bị khiển trách. Tôi thấy những người khách danh dự này có vẻ thắc mắc, những cặp mắt cứ quét theo chiều ngang sân khấu, có vẻ tự hỏi sự khác nhau giữa các nhỏ Thượng này là gì, tại sao có kẻ bới tóc cao, có kẻ tóc ngắn, có kẻ tóc dài.  Màn vũ này định nói lên đìều gì đây?  Thường mỗi màn trình diễn nào cũng đều muốn nói lên ý định trình diễn của mình, tôi thấy thầy Hiệu trưởng và những người này thắc mắc cũng đúng, vì người Thượng ở Buôn Mê Thuột hay Buôn Hô, người Thượng ở Mường Luông hay Mường Lai họ đều khác nhau.  Thôi thì cứ cho như là người Thượng ở khắp nơi trên miền cao nguyên cũng được.

Lòng tôi tự nhủ thế để yên tâm mà trình diễn cho hết bản vũ, vì theo dự tính trước, thì bạn Trang Mỹ Hiền sẽ hát 2 lần bài hát này.  Chao ôi thời gian sao mà dài thế.

-  “ Hẹn mai đây về chốn cũ, để thăm trăng rừng hoang vu...

Sau những lời hát đã chấm dứt bản vũ, chúng tôi lui vào hậu trường, tôi chợt thấy lại gói phần thưởng của tôi, ai cũng khéo đùa dai, để gói phần thưởng ngay chỗ tôi đứng lì ban nãy.  Thôi cũng không sao kẻ đó chỉ muốn đùa chút thôi.  Nhưng lòng tôi lúc ấy nặng trĩu buồn, tôi hứa với lòng từ nay về sau sẽ không bao giờ hờn lẫy nữa.

Tôi định tìm thầy Bé Tám để xin lỗi, nhưng chương trình chưa kết thúc, các tiết mục còn dài, thầy còn bận bịu với ban nhạc nên tôi có đến nói gì thì chỉ làm rối chuyện và phiền thày thêm mà thôi.

Nghĩ rồi thì tôi liền đi về nhà, tôi muốn ra về sớm để về nhà nghiền ngẫm nỗi buồn của mình.  Bạn Tư nói rất đúng, thời niên thiếu tụi mình kính trọng thầy cô lắm, không dám làm điều gì cho thầy cô mình buồn.  Hơn nữa tụi mình còn ảnh hưởng nền giáo dục cũ, xúc phạm thầy cô mình như là xúc phạm cha mẹ mình, nên ngộ lỡ có chuyện gì xảy ra, tuy ngoài ý muốn thì cũng khiến cho mình buồn thảm lắm.

Tuy hứa với lòng như thế, nhưng vừa về đến nhà là đã hờn lẫy với bà vú rồi, nhưng bà chẳng để cho tôi phải hờn lâu.  Tôi làm vài việc loanh quanh trong nhà, rồi tưới mấy cây kiểng của cha tôi ở đằng trước sân, vào tắm gội thay quần áo xong, thì tôi chợt nhớ ra chuyện ban nãy ở Hội Trường ( trẻ con thật là mau quên ).

Tôi nghĩ, giờ này chắc cũng gần chấm dứt buổi lễ mình chạy lên đó xin lỗi thầy mình một tiếng.  Nghĩ là làm liền, tôi nhảy chân sáo cũng chỉ vài phút sau thôi là tôi có mặt trên ngọn đồi ấy.

Thấy ngoài cửa Hội trường vắng hoe, tôi chạy xộc vào bên trong, nơi gần sân khấu là dàn hòa nhạc của thầy ở đó.  Tất cả đều trống không, không một bóng người, không kèn không trống.  Tại sao nhanh quá vậy?  Tất cả mọi người về hết rồi à? 

Tôi chạy vội ra ngoài, rồi vừa đi vừa nghĩ, chắc mọi người cũng chỉ vừa rời đây thôi.  Bước vội vàng vài bước nữa là đến đầu con dốc, hướng mắt nhìn về cuối con dốc phía góc phố ( chỗ nhà thuốc tây Lê Quan Quản ) cũng không thấy bóng dáng các thầy mình đâu.  Bước ngược lại vài bước, hướng mắt nhìn về phía cuối con dốc của đại lộ (về phía bùng binh ) cũng chẳng thấy ai cả.

Tại sao nhanh quá vậy, tại sao không chậm 1 chút để tôi kịp xin lỗi chứ, thế là tôi giận dỗi cả các thầy cô của tôi nữa.  Vừa đi về nhà vừa khóc, vào đến cửa bà vú nuôi của tôi hoảng hốt: tại sao thế, cái gì thế, cái gì mà khóc thấy khổ thân thế này?

Tôi nào có kể được cho bà biết là tại sao?  Tại vì tôi đang bận khóc mà,  nhưng nếu có kể ra thì cũng đâu có gì lạ, vì hàng ngày ở nhà tôi thường hờn lẫy với bà luôn.

Tuy đang khóc vì buồn như thế, nhưng được bà hỏi han an ủi, tôi cũng nguôi ngoai rồi chỉ thoáng sau là tôi quên bẵng đi mất.  Vì tuổi niên thiếu mình có nhiều niềm vui.  Niềm vui đầu tiên là gói quà phần thưởng, niềm vui kế tiếp cũng không kém phần thú vị, đó là ba tháng hè đang trải dài trước mắt.

Bạn thân mến,

Mới thoáng mà đã bốn mươi mấy năm qua, thời gian quả có giá trị cho ta kiểm nghiệm lại nhiều điều, Thúy Liễu cô bạn thân ái của tôi ngày xưa ngay từ khi còn nhỏ mà đã có lòng từ bi, để ý đến niềm đau của thế nhân, nỗi buồn của nhân loại.

Còn tôi muốn kiểm nghiệm lại cái tính hờn lẫy của tôi, năm xưa tôi đã bao lần tự nhủ sẽ không bao giờ hờn lẫy nữa. Có còn cái tính ấy không, thì không ai có thể biết rõ hơn là ông xã của tôi.  Anh ấy nói là, cục lì không những không mất đi mà càng ngày càng to hơn nữa.  Có thật như vậy không, thường thì tôi không thể tự nhận xét về mình, nên tôi tin anh ấy nói đúng.

Nếu quả thật như vậy, thì tôi nghĩ tôi thật là người may mắn còn hiện diện ở khoảng không gian thời gian này, ở thời đại này.  Vì chỉ cần ở 1 thời đại khác, không gian và thời gian khác chắc tôi không còn hiện diện ở trên cõi đời này nữa, với tính khí như thế.  Khi nói như vậy là vì tôi chợt nhớ đến cụm từ “Bốn giờ chiều ở phi trường” mà bạn Lưu Thanh Bình có lần đã kể.

Mỗi người chúng ta Thượng Đế đã sếp bày cho 1 đinh mệnh, hôm nay nhân kể cho các bạn một kỷ niệm mà lại kể luôn về cái tính khí của mình, chắc là chỉ khi nào mình chết đi, thiêu xác mà đổ ra biển Đông thì cục lì ấy mới tan đi thôi.

Tuy nói đùa vậy cho vui, nhưng mình vẫn thầm cám ơn và xin lỗi những người trong đời sống không ít thì nhiều đã bị mình đối xử bằng cái tính hờn lẫy ấy.  Thật là chẳng dễ thương tí nào.  Mình cũng nghĩ đến Nhỏ Mít Ướt nữa, nhỏ cũng giống mình cái tật mít ướt nên khi nhỏ kể là mình hiểu nhỏ liền.  Mình cũng nghĩ đến nhỏ Hoàng Mai nữa, nhỏ giống mình cái tật giận lẫy.  Nhưng cả 2 nhỏ đều dễ thương, chứ không khó ưa như mình đâu.

Thôi chuyện vui đến đây là hết, hẹn các bạn thư sau nghe.

Chào thân ái,

Phạm thị Nhung.

( Chú thích của người viết:  Xin các bạn xem câu chuyện này với 1 ý nghĩ hóm hỉnh, chứ hoàn toàn không có ý gì )