Lang thang hồi ức

Nguyễn thị Chín


Ngồi trên xe lăn, chung quanh tôi giờ này lặng lẽ quá. Ccác con đứa đi học, đứa đi làm, còn lại một đứa ở nhà chăm sóc tôi. Không gian như chìm vào u uất. Tôi chợt nhớ về Mẹ, người Mẹ thương yêu của tôi, một đời hy sinh cho con. Mẹ đã vĩnh viễn ra đi vào mùa thu 1996. Mẹ đã bỏ anh chị em tôi vì mắc phải cơn bạo bệnh, dù rằng lúc ấy tuổi tôi đã quá nửa đời, nhưng tôi vẫn thấy mất mát to lớn trong cuộc đời.

Mẹ đã thay cha (cha mất sớm) tảo tần sớm chiều nuôi nấng anh chị em tôi nên người. Thời chiến tranh, Mẹ chân đất gồng gánh từng nải chuối, mớ chanh, vài trái xoài, bạc hà, đi bộ từ An  Sơn ra chợ Búng, chắc cũng phải 3, 4 cây số gì đó. Bán mà đổi gạo, thức ăn cho anh chị em tôi được no đủ, yên tâm học hành.

Nhớ hình ảnh Mẹ áo bạc lưng còng lặn lội đến trường Trịnh Hoài Đức năn nỉ thầy Liêm hiệu trưởng, để xin cho anh trai tôi (Anh Kiên ) được học tiếp vào đệ nhất vì anh bị rớt lớp, anh Kiên học ở khóa III. Nhờ sự kiên trì năn nĩ, ỉ ôi của Mẹ, thầy Liêm không đành lòng nên nhận anh tôi vào học lại. Tấm lòng bao la của Mẹ đã đem cho anh tôi có địa vị ngày nay ngay đất Mỹ. Ôi - Mẹ ôi - Tình Mẹ bao la cao vời biết mấy, Mẹ đã cố gắng tạo mọi điều cho anh chị em tôi được học cả ở trường Trịnh Hoài Đức, vì ngày xưa chỉ có trường này là trường công lập danh tiếng nhất nơi tỉnh nhà.

Giờ tôi mang trong người căn bệnh quái ác này, nhớ về Mẹ mà đong đầy nước mắt, thân thể này Mẹ đã tạo nên, cưu mang, lo lắng, hy sinh tất cả để tôi thành người. Mẹ ra đi, tôi vẫn chưa đền đáp cho tròn bổn phận làm con, giờ đây tôi cũng không giữ được yên lành thân xác mà Mẹ đã ban cho, sao mà ngậm ngùi xót xa. Anh chị tôi, ai cũng một lòng lo cho tôi, tất cả đều hy sinh cả tài sản ruộng vườn để mong tôi được bình yên, còn các con tôi, không thể tả được nổi đau buồn mà chúng nó phải chịu đựng, khi nhìn Mẹ lụn tàn theo cơn bệnh.

Khi tôi nhớ về bạn bè thì từng khuôn mặt ẩn hiện trong trí tôi là có từng lớp kỉ niệm tuổi học trò rõ nét trong tôi. Ngày xưa vô tư, nhí nhảnh, một thời vàng son của tuổi thơ, sao mà tươi tắn ngọt ngào làm sao ấy. Còn bây giờ thì tất cả đã là bà của thế hệ thứ ba, già nua, ấu trĩ, bệnh tật, nhăn nheo xấu xí.

Ngày xưa trong tuổi học trò, bạn bè tìm đến nhà tôi tận ngoài bờ sông Sài Gòn thuộc xã An Sơn, cùng nhau hái xoài, măng cụt, mận, bông mít chấm nước mắm đường. Nhớ thôi cũng đủ phát thèm.

Năm 1971, thi tú tài 1 bạn bè kẻ đậu người rớt. Ai đậu thì tiếp tục học lên. Người rớt thì ra đời, bôn ba xứ người kiếm sống, xa nhau từ đó.

Hôm gặp lại bạn bè với Xuân Dung, nhỏ Đỗ Năm cũng như ngày nào, gương mặt tròn phúc hậu, thêm vài dấu chân chiên - còn Lê Tâm phó lớp ngày xưa, nay điềm đạm vững vàng, vẫn còn dáng vẻ người chỉ huy lắm, thêm chút nhanh nhẹn vui vẻ. Chị Hai (chị cả) tên do thầy Mẹo đặt, vẫn hiền hòa, từ tốn, quan tâm,chia sẻ cùng bạn bè.

Thái Hảo vẫn còn bộp chộp gặp Tư lại lầm là tôi, ồn ào mày tao búa xua. Khi nhìn lại thì e thẹn xin lỗi, chào Chị Tư ạ, làm bạn bè cười lăn. Xưa cũng hay đến nhà Hảo cả bọn hái đu đủ làm gỏi cuốn bánh tráng, còn được ba của Hảo cho ăn kẹo kéo do Bác ấy làm, thật ngon.

Xuân Dung thì con nai vàng ngơ ngác như ngày nào, dẫu rằng đã một thời bôn ba xứ người, dù là dân Mỹ nhưng Dung vẫn gần gũi bạn bè, thân tình như xưa.

Phương Loan thì ngày càng trầm tĩnh hơn vì đã là bà ngoại, so với ngày xưa là một tay tiếu lâm, đẹp lão và hạnh phúc bên chồng. Nhớ xưa tụi tôi cấp sách xuống nhà Loan ôn bài thi tú tài 1, được Mẹ của bạn cho ăn cà ri thỏ, hột gà lộn, vì Mẹ Loan làm ở sở thú y, những con vật được lấy máu làm thuốc, còn xác thì mình ăn.

Huỳnh Chân vẫn hiền hòa như xưa, Huỳnh Mỹ nụ cười thân tình thuở nào, hai đứa từ Thủ Đức, Bến Cát cũng vội về gặp mặt.

Còn nhỏ Tư thì tỏ ra là môt đầu bếp với tài nấu ăn xem xém Dìn Ký, nhỏ này thì chửng chạc đó nha, giống đàn chị lắm, nhà của nhỏ này ngày xưa bọn tôi tới hà rầm luôn, nào là bún riêu, bánh xèo, bột chiên, bông mít chấm muối, cái gì  ăn được là tụi tôi “dứt” hết.

Mỹ Duyên một cây văn nghệ của lớp ngày xưa, nay vẫn ngọt ngào giọng hát oanh vàng, tóc trắng như mây, không ngờ gặp  chuyên gia thẩm mỹ Xuân Dung, đè ra nhuộm tóc -  cười ra nước mắt.

Còn hai người bạn mới nữa không chung trường nhưng cũng gần gũi  chân tình đó là Hạnh ( người độc hành), Kim Ngọc (vợ của nhạc sĩ Võ Đông Điền: Con chim đa đa ). Cứ coi như là tứ hải giai huynh đệ đi. Còn bạn Quý thì bị tai biến , cáo lỗi không đến được, niềm vui không trọn, bọn tôi hẹn sẽ thăm  Quý sau .

Hôm ấy, nhỏ Bạch Vân gọi điện về từ hải ngoại ( người đẹp của bọn tôi ), nó nói chuyện từng người đang có mặt, đến phiên tôi thì  nó yêu cầu tôi hát cho nó một bài như ngày xưa. Trời ơi ngượng quá. Già rồi ca gì nổi không biết. Cáo lỗi đã không làm vui lòng bạn, dù xa nhau 40 năm  dài mà bạn vẫn còn nhớ giọng hát của bạn bè. Thôi thì hẹn lại ngày bạn về Vân nhé !

Huỳnh Thúy Vân vẫn nở nụ cười hiền nghe bạn bè kể chuyện. Chị Hồng phát tướng cười tươi tắn với bọn đàn em. Phùng đẹp mặn mà chưa phai nhan sắc. Thanh Vân hiền hòa như nữ tu. Sương bình dị với mọi người. Bạch Huệ như ngày nào, trắng trẻo vui vẻ nói cười râm rang. Chị Rê mập hơn ngày xưa bệ vệ chứ không ốm o như lúc nhỏ. Lưu Ánh Tuyết gặp muộn hơn, ít nói, lặng lẽ, chỉ nghe bạn nói rồi cười. Sao vậy Tuyết ? Xuân Mai cây hài của lớp, cứ nhỏ nói là có tiếng cười, thế mà cuộc đời của nhỏ thì không thể cười.

Ba mươi chín năm xa cách ngày gặp nhau vui không kể xiết, khi ấy tôi vẫn còn khỏe mạnh ồn ào , vui mừng,chờ đợi ngày họp mặt.

Còn giờ này, sức khỏe tôi suy kiệt. Ngồi yên trên xe lăn mà đếm thời gian đi qua. Những ngày vui không còn nữa. Dù có họp mặt lại đây vẫn có một nổi buồn lan man trong mắt bạn bè. Có lẽ ngày họp đầu nhà Xuân Dung là thời đẹp nhất đối với tôi. Thôi thì bao nhiêu đó cũng an ủi rồi. Con đường trước mắt tôi bây giờ sao u ám quá. Không có lối ra, chỉ là ngõ cụt. Có phải tôi bi quan quá không ? Ai đã vướng vào căn bệnh này có còn niềm tin cho ngày mai nữa không ?

Dù gặp bất hạnh nhưng tôi cũng thấy mình hạnh phúc. Gia đình, bạn bè,không trừ một ai, đều chiếu cố và quan tâm đến tôi. Cả Thúy Liễu người bạn học ngày xưa giờ đã nương cửa Phật khi nghe tôi bệnh, từ chùa Thường Chiếu bạn cũng gởi dầu dừa về cho tôi chữa trị hai chân. Sao mà xúc động quá bạn bè ơi!

Tôi cố quên đi bệnh tật, lạc quan yêu đời để cuộc sống được kéo dài, để gia đình, con cái, bạn bè được vui. Tôi thấy mình hạnh phúc lắm nếu so với hoàn cảnh bệnh tật của người khác. Họ rất cô đơn.

Gia đình, người thân, con cái, bạn bè, luôn là điểm tựa vững chắc tinh thần tôi. Cám ơn vô cùng, cám ơn tất cả những gì tôi đang được hưởng của những người yêu thương. Hãy vui lên đi những người thương của tôi ơi. Hãy lạc quan để yêu đời và yêu người.

Người không may .

NGUYỄN THỊ CHÍN .