Lá Thư Úc Châu

CHRISTMAS ISLAND - ĐẢO GIÁNG SINH

Ngày xưa Nông thị

Đảo Giáng sinh là một lảnh thổ thuộc về Úc. Tên được đặt vào thế kỷ 17 khi một chiến hạm Anh khám phá ra đảo này vào ngày Giáng sinh. Nước Úc bao gồm sáu tiểu bang (đúng ra là năm tiểu bang[state] và một lảnh thổ [territory]) cùng với một số đảo chung quanh. Đảo Giáng sinh là một trong những đảo với quy luật đặc biệt là khi rời đất liền để ra đảo hay trở về lại đất liền, mọi người phải thông qua thủ tục Hải quan, kiểm nghiệm theo thủ tục đi nước ngoài và cũng được phép mua hàng miễn thuế (duty free).



Tiểu bang gần đảo nhất là Tây Úc (Western Australia). Tây Úc và đảo hiện nay cùng giờ với Việt nam. Tuy nhiên, thời tiết Tây Úc vào mùa đông (như bây giờ) cũng lạnh (5độ-15độ), trong lúc đó thời tiết ở đảo lúc nào cũng là khí hậu nhiệt đới (25độ-31độ). Độ ẩm rất cao, chưa thấy vùng nào ở Việt nam ẩm như vậy: tóc lúc nào cũng dính lại nhau, bàn ghế lúc nào cũng rít đến nỗi toilet paper (giấy đi cầu) kéo ra cũng dính vào tay nữa!. Đảo cách xa Tây Úc khoảng 2,600 km, gần 3 tiếng bay. Từ Melbourne đi Tây Úc khoảng 4 tiếng bay. Trong khi đó, từ đảo qua Bali, Indonesia chỉ có nửa giờ bay và cách nhau chỉ 360 km mà thôi. Đó là nguyên nhân của sự tranh chấp chủ quyền đảo vì Á châu cho rằng đảo thuộc về họ. Cho đến năm 1958, sau khi Anh quốc nhượng bộ Úc và Úc trả cho Singapore gần ba triệu bảng Anh (pounds) thì đảo thuộc về Úc. Nguồn lợi chánh là mỏ phosphate (dường như khai thác hoài không hết thì phải vì nước uống lờ lợ và đóng đầy bụi trắng ở dưới đáy ấm cũng như đóng trắng vỏ trứng gà sau khi luộc xong. Suy luận nầy phải kiểm lại với các bạn chuyên môn về hóa học chứ đừng quá tin người viết nha!).

Từ đầu năm 1990, người tỵ nạn từ những xứ Trung đông, Á châu bắt đầu đến Úc bằng tàu từ Indonesia. Chính phủ trước đây chận đứng làn sóng người tỵ nạn (chỉ muốn vào nước Úc) bằng cách ra quyết nghị những quốc gia liên hệ trong vùng quần đảo Pacific cùng chia trách nhiệm nhận và người tỵ nạn không được quyền đương nhiên xin tỵ nạn ở Úc cũng như người tỵ nạn được đưa đến những trung tâm tỵ nạn ở những đảo chung quanh luôn cả Tân tây lan (New Zealand). Khi được nhận, người tỵ nạn chỉ được cấp visa tạm trú khoảng 5 năm rồi sẽ được duyệt lại tình hình nước họ xem họ có thể trở về lại được hay không trước khi quyết định cấp visa thường trú. Do đó làn sóng tỵ nạn đến bằng tàu giảm hẳn (và họ bắt đầu đến bằng passports…giả đi bằng máy bay!). Từ năm 2007, chính phủ hiện thời hủy bỏ quyết nghị trên đồng thời củng cố lại trại tỵ nạn gồm có khoảng 800 giường, cất theo kiểu nhà tiền chế với vật liệu nhẹ (nhưng kiên cố). Dân đi làm “phụ” chánh phủ bằng cách đóng thuế cho phí tổn xây cất trên khoảng hơn 400 triệu Úc kim (chắc có người thắc mắc rằng tại sao chỉ tạo chỗ ở cho 800 người mà tổn phí quá cao vậy. Người viết được biết là do phải xẻ núi cũng như mang vật liệu, công nhân, thợ chuyên môn từ đất liền vào nên tổn phí lên đến như vậy). Hiện giờ thì trại có khoảng 2,800 giường (không ai biết tổn phí là bao nhiêu nửa). Số người tỵ nạn đến sau này được chuyển đến các trại tạm giam Di trú trong nước Úc trong lúc chờ đợi phỏng vấn vì đảo không còn sức chứa nữa. Dân số ở đảo khoảng 1,500 người với 70% là người Tàu Hokkien, phần còn lại là người Âu châu và Malay. Viên chức đến đảo làm việc về vấn đề tỵ nạn khoảng gần 1,000 người bao gồm cảnh sát, nhân viên bảo vệ, nhân viên xã hội, nhân viên y tế, các luật sư di trú độc lập giúp người tỵ nạn làm thủ tục (và giúp họ khiếu nại những quyết định từ chối do nhân viên bộ Di trú quyết định) và thông dịch viên. Người địa phương cung cấp dịch vụ nấu nướng, dọn dẹp vệ sinh. Bên cạnh đó là một số nhân viên của bộ Di trú lo hoàn tất thủ tục căn bản: quyết định tạm giam khi người tỵ nạn vừa vào đến đảo, theo dõi tình trạng y tế, chuyển đi trại kế tiếp trong lúc đợi phỏng vấn, theo dõi tình trạng tâm lý của họ cũng như lấy lời khai và chi tiết của sự có mặt của họ ở đây. Thông thường họ phải đợi từ 2 cho đến 4 tháng mới được phỏng vấn để đi đến quyết định họ có phải là người tỵ nạn hay không. Với làn sóng tỵ nạn hiện nay quy ra trung bình khoảng 20 người đến mỗi ngày, nhân viên Di trú khoảng 100 người lo các dịch vụ trên và chỉ có khoảng 10 nhân viên lo vấn đề phỏng vấn. Các nhân viên này thay phiên nhau đi ra đảo làm việc đến từ nhiều tiểu bang trong nước Úc. Các nhân viên này ở đảo từ hai tuần cho đến sáu tháng. Nhân viên phỏng vấn thì chỉ hai tuần mà thôi với lý do là quyết định tối hậu cần phải được làm một cách sáng suốt, cần thời gian cho nên phải trả lại chỗ ở cho nhóm khác đến phỏng vấn. Đây không phải là chỉ là quyết định của nước Úc mà quyết định này phải phù hợp với chính sách tỵ nạn quốc tế do Cao ủy Liên hiệp quốc (UNHCR) chấp nhận.

Đảo nhỏ, với núi (gốc là núi lửa) ra sát biển, đường kính chỉ khoảng hơn 130km. Do đó phải cắt núi làm đường. Phi trường nhỏ (cở phi trường Phú quốc) với phi đạo thật ngắn chạy ra sát dốc núi (cliff). Một tuần chỉ có 3 chuyến bay đến đảo từ Úc và 1 chuyến từ Mã lai, 1 chuyến từ Singapore. Gặp mùa mưa như bây giờ, chuyện hủy bỏ chuyến bay là chuyện thường vì với độ ẩm cao, khi mưa, sương mù dày đặc, cách xa 30m là không thấy gì cho nên vì lý do an toàn và điều kiện địa lý của phi đạo (chệch khỏi phi đạo là lọt xuống biển! Điều này cần phải kiểm lại với dân phi công vì cả bọn trong lúc mong trời kéo mây xanh, ngồi bàn với nhau vậy) mà chuyến bay bị dời. Do đó gần đến ngày về, cả bọn cứ xem dự đoán thời tiết rồi cầu nắng hoài. Đương nhiên hai tuần lễ làm việc với điều kiện sống khó khăn, thời tiết ẩm thấp, công việc căng thẳng, ai cũng trông về nhà cả mặc dù đảo khá đẹp, đi tắm biển, lặn xem san hô (scuba diving) v.v…(và được trả tiền xứng đáng).

Đảo Giáng sinh là nơi duy nhất trên thế giới nổi tiếng về cua đỏ (red crab). Đây là loại cua sống trên núi. Đến mùa sinh sản, tháng 10 và 11, hàng trăm triệu con cua di dân xuống biển bám trên các bờ đá tạo thành một hình ảnh rất độc đáo. Vì sợ tuyệt chủng nên vào đến đầu tháng 10 thì tất cả những con đường được dựng bờ thành cao khoảng 50cm cho cua không băng qua đường được để không bị xe cán. Đường đi thì cứ mỗi 100m là có 1 tấm lưới sắt rộng khoảng nửa tấc cho cua băng qua đường (chui bên dưới tấm lưới) để đi xuống biển và sau khi sinh sản và có thể trở về núi trở lại. Có vài con đường cấm di chuyển trong thời gian này. Loại cua đỏ này lớn khoảng bằng bàn tay, màu đỏ như pháo và mai cua màu đen nhìn thấy rất đặc biệt (và không muốn ăn vì nó giống…đồ chơi hơn là cua thiệt). Bên cạnh đó là có loại cua dừa (vì chỉ ở trên cây dừa mà thôi) màu xanh dương biếc (gần như ghẹ nhưng vỏ dày và màu rất đậm). Phổ thông hơn nữa là cua đá (tên này do người viết…tự đặt vì không biết có tên Việt hay không từ tiếng Anh là “Robber crab”). Loại cua này khá lớn, khoảng 1-3kg mỗi con. Xứ cua mà cua trong thực đơn nhà hàng Tàu thì rất đắt vì cua đỏ được chính phủ bảo vệ, cấm ăn, sợ tuyệt chủng nên cua ở nhà hàng phải mang từ đất liền đến. Người viết để cửa phòng mở cho thoáng chỉ có khoảng nửa giờ thì đêm đó phát hiện 1 anh chàng cua đá trong kẹt phòng. Phải dùng cái khăn cho anh chàng kẹp vào rối vất anh chàng về lại thiên nhiên (chứ không có can đảm làm món bún riêu!). Cùng vào phòng lại có thêm 2 “khách” nữa, không mời cũng đến, đó là 2 chú rít lớn bằng ngón tay cái! Đây là lần đầu tiên trong đời (hơn nửa đòi người) người viết mới thấy con rít lớn như vầy! Đó là lý do tại sao, trước khi ra đảo người viết được khuyến cáo nhiều điều trong đó là: giày dép phải bỏ lên cao (bàn) và không để chăn, tấm trải giường thòng xuống đất để tránh bị rít cắn.

Bên cạnh vài loại cua đặc biệt, đảo Giáng sinh cũng nổi tiếng với nhiều loại chim quý chẳng hạn chim chân đỏ, lớn khoảng chim bồ câu, màu trắng tuyền và nổi bật với 2 chân đỏ như màu bông bụp đỏ. Người viết cũng được thấy một loại chim nhỏ, vàng như chim hoàng anh với đuôi dài gần một mét, nhìn đẹp đến ngẩn cả người, không dám lấy máy ra chụp sợ chim bay mất. Rốt cuộc thì cô nàng cũng bay mất!



Đời sống trên đảo khá đắt đỏ vì cái gì cũng phải vận chuyển đến bằng máy bay. Tuy nhiên, đây là… thiên đường của dân hút thuốc vì một gói thuốc lá bán lẻ trong nước Úc khoảng 20 AUD trong khi đó ở đảo, một cây thuốc chỉ có 13 AUD! Tha hồ mà đốt thuốc vẫn không bị chaý túi! Tuy nhiên chỉ được phép mang vào đất liền một cây theo ấn định của luật hải quan ở Úc.

Người viết muốn chia xẻ với các độc giả THD một chút gì đặc biệt của xứ Úc có thể các bạn chưa biết đến về đảo Giáng sinh (chứ không phải Úc chỉ có kangaru hay koala đâu). Ngoài ra cũng muốn chia xẻ với những người…’cựu’ tỵ nạn hình ảnh người tỵ nạn…của thế kỷ thứ 21 như câu chuyện và bức hình đính kèm theo bài này. Những mẫu chuyện kinh hoàng khi phỏng vấn người tỵ nạn làm người viết bàng hoàng và tự hỏi, tại sao vào thế kỷ này mà thế giới vẫn còn ngưòi đối xử với người một cách vô nhân đạo như vậy? Những mẫu chuyện bắt người, hành hình, cắt từng phần thân thể (để chứng kiến cái chết dần mòn, đau đớn), chặt đầu v.v… là chuyện hàng ngày của người tỵ nạn.

Có bao giờ bạn không chấp nhận hiện tại, buồn bâng quơ, cảm thấy cuộc đời vô vị và thiếu thốn không? Xin nhìn cuộc đời những người đau khổ, bất hạnh trăm lần hơn mình như cô gái trong hình, chỉ được sống cùng với  súc vật, bị hành hạ, thì mình cảm thấy đời mình cũng còn sung sướng lắm phải không các bạn?

Cô gái trong hình người A phú hản (Afghanistan) bị gia đình cho đi để xóa một nợ máu do người chú giết chết một nàng dâu tương lai của gia đình. Để xóa món nợ máu này, gia đình người chết đòi 2 người con gái. Cha cô ta cho cô và người em gái lúc cả hai mới 12 tuổi và 6 tuổi. Khi vào tuổi dậy thì (khoảng 13 tuổi) cô chị phải làm vợ của một quân phiệt (Taliban). Cô phải làm như nô lệ và bị nhốt chung với gia súc. Cô bỏ trốn đi. Người chồng tìm lại được. Cảm thấy xấu hổ vì bị vợ làm mất mặt nên anh ta làm…’mất mặt’ cô lại bằng cách xẻo lổ mũi và hai lỗ tai của cô rồi bỏ cô vào vùng núi trùng điệp của A phú hản. (Nên nhớ A phú hãn là xứ đạo Hồi và người đàn ông có quyền có nhiều vợ). Cô không nhớ làm sao mình lết đi cầu cứu đưọc. Cô may mắn được cứu thoát do nhân viên thiện nguyện quốc tế mang về Mỹ. Nay cô 18 tuổi và đang chuẩn bị cho cuôc giải phẫu tạo hình của cái mũi bị cắt lúc trước. Cô chỉ ao ước mình có lại cái mũi giống như ngày xưa mà thôi.