Không phá đâu phải học trò …
Minh TâmNhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò … Cổ nhân đã nói như vậy. Học trò nào mà lại không nghịch phá, ngay cả học trò giỏi và ngoan nhứt tỉnh Bình Dương như học trò Trịnh Hoài Đức. Trong bảy năm học ở trường, thế nào bạn cũng có dịp chứng kiến sự nghịch ngợm của bạn bè hay của chính mình. Tuỳ theo tuổi và theo lớp mà sự nghịch phá cũng khác nhau. Hôm nay rảnh rỗi, tôi xin kể vài trò nghịch ngợm của học trò Trịnh Hoài Đức để bạn cùng tôi ôn lại vài kỷ niệm của một thời áo trắng …
Trước tiên trò nghịch phá của học sinh Trịnh Hoài Đức chính là “chôm chĩa” củ sắn. Bạn hãy thử tưởng tượng vào một buổi trưa hè nóng bức, ai cũng khát nước. Vậy mà bên kia hàng rào lại có những ruộng củ sắn rất tươi tốt mà không ai canh giữ. Có muốn mua cũng không thấy ai bán. Thế là ta ngó tới ngó lui, không thấy thầy giám thị đâu thì mình chui ngay qua hàng rào, nhổ đại vài củ để thưởng thức cho đã cơn khát nước. Lúc đó mình còn nhỏ, khoảng lớp đệ thất, đệ lục, mấy ai biết nghĩ đến công lao cực khổ của những bác nông dân hàng ngày phải kéo những gàu nước từ giếng sâu để tưới sắn và luôn mong đến ngày thu hoạch. Viết đến đây chắc bạn và mình cũng hơi xấu hổ và xin tạ lỗi với quý chủ nhân của các ruộng sắn vô cùng …
Lớn hơn một chút thì lại có sự nghịch khác. Lớp đệ tứ A5 của chúng tôi nằm ở cuối dãy của năm lớp học trên lầu. Giờ học là từ 1 giờ trưa tới 5 giờ chiều. Nhưng từ 12 giờ trưa, khi các anh chị buổi sáng đã tan học thì chúng tôi đã có mặt. Và khoảng hành lang trước lớp chính là sân để đánh đáo ăn tiền. Chơi ở đó rất an toàn vì giờ nầy là giờ ăn trưa, thầy cô không có mặt. Nếu có ai tình cờ xuất hiện thì cũng xuất hiện từ xa ở cuối dãy năm lớp học. Quá xa để chúng tôi cảnh giác và thu dọn chiến trường. Trong suốt năm đệ tứ, tôi chưa từng thấy đứa nào bị bắt gặp đang … cờ bạc và đánh đáo.
Lên lớp đệ tam, chúng tôi đổi qua học ở dãy 3 phòng học gần trường Nông Lâm Súc. Do ở “xa mặt trời” nên tụi tôi có nhiều tự do hơn, và ít ai để ý. Lúc nầy chúng tôi cũng lớn rồi nên không chơi đánh đáo nữa mà chơi thể thao, văn nghệ. Các trò chơi nầy lành mạnh và được thầy cô khuyến khích. Tuy nhiên, gần Tết, có thông báo của thầy Hiểu Trưởng cho biết năm nay không có trại Tết và cấm học sinh đốt pháo. (Lúc nầy sau năm Mậu Thân nên vụ đốt pháo bị cấm vì chánh phủ sợ xảy ra Tổng Tấn Công giống như năm 1968). Vào ngày cuối năm Âm Lịch, gần Tết, tuy không có trại Tết nhưng trường cũng cho học sinh khỏi học một ngày để sinh hoạt vui chơi trong lớp.
Hôm đó, ông bạn Tăng Chí của tôi kiếm đâu ra được một phong pháo. Anh nầy người Hoa nên khoái đốt pháo lắm. Anh ta đưa phong pháo ra và thách: “Tao có phong phào nè. Đố thằng nào dám đốt”. Anh ta có pháo nhưng không dám đốt mà nói như vậy. Chừng 30 phút sau, cả lớp đồng tình nói: “ Đốt đại đi, lớp mình xa lắm, ông Lộc trên văn phòng không có nghe và không có rảnh mà xuống đâu”. (Lúc đó thầy Lê tấn Lộc làm Hiệu Trưởng). Thế là: “Lạch tạch, lạch tạch”. Pháo nổ rất dòn, và nghe cũng rất đã. Pháo vừa nổ hết thì thầy Hiệu Trưởng cũng từ văn phòng đi xuống. Cả lớp nhốn nháo: “Chết rồi “ổng” xuống tụi bây ơi. Liệu mà trả lời”.
Ôi thời gian mà thầy Lộc đi từ văn phòng xuống lớp sao mà lâu quá!. Đứa nào đứa nấy mặt xanh lét vì bị bắt quả tang đang phạm tội. Tội nầy nếu không bị bắt quỳ chắc cũng ghi sổ và mất điểm hạnh kiểm. May sao, hôm đó thầy Lộc “thông cảm” và chỉ rầy sơ mà thôi. Ôi cũng là một kỷ niệm nhớ đời!.
Qua năm lớp 11, cũng vào dịp Tết, chúng tôi lại quậy nữa. Kỳ nầy quậy im ru, không một tiếng động. Hôm đó gần Tết lắm rồi, chắc là ngày 24, 25 âm lịch gì đó. Chúng tôi uể oải, hết muốn học. Thường một buổi học 2 môn. Mà sáng hôm đó hai giờ đầu được nghỉ vì thầy Viên bị bịnh. Hai giờ sau học Việt Văn với thầy Nguyễn Tư Sán. Lúc nầy, nửa lớp học trò quậy đã cúp cua hết rồi. Trong lớp chỉ còn có 20 đứa học trò ngoan mà thôi. (Dĩ nhiên trong số nầy có tôi – ngoan ngoãn và học giỏi!). Nhìn lớp học còn có mấy mạng, tụi tôi cũng làm biếng.
Lúc đó, bạn Nguyễn văn Đức (ở Lái Thiêu – đã mất) đề nghị: “Thôi tụi mình trốn học hết cả lớp. Thầy Sán mà vô thấy không có ai chắc không phạt đứa nào đâu”.
“Nhưng mà phải đồng tình nha, đứa nào ở lại là không tốt với bạn bè”. Đức nói tiếp như vậy.
Thế là, dù cũng hơi sợ, nhưng tụi tôi chuồn hết cả lớp. Nhưng mà không phải về nhà đâu, mà chuồn ra chỗ bàn bóng bàn ở gần phòng thí nghiệm rồi núp ở đó coi tình hình như thế nào.
Tới giờ chuông reo vào học. Thầy Sán từ bên dãy lầu đi qua. Vào lớp thấy trống trơn, thầy ngồi một chút chừng 10 phút rồi trở lên văn phòng. Buổi đình … học hôm đó coi như thành công. Tụi tôi còn trẻ người non dạ cứ đồng tình nghỉ đại như vậy chớ thầy Sán đi dạy thì bắt buộc phải dạy đúng giờ đúng chương trình chớ đâu có chuyện đình … dạy được. Thầy phải ngồi chơi ở văn phòng tới hết giờ mới về. Còn tụi tôi, từ đứa, từ đứa, lén lén leo rào ra đường đón xe lam về Bình Dương.
Hết Tết, vào học trở lại, thầy cũng không nói gì và tiếp tục dạy như thường lệ. Công nhận thầy cô Trịnh Hoài Đức rất hiền.
Cuối năm lớp 12, lớp chúng tôi lại quậy một lần nữa. Số là gần tới ngày thi Tú Tài 2, nhà trường thông báo học sinh lớp 12 đến trường lúc 8 giờ sáng để nhận lại học bạ (làm kỷ niệm!). Đúng 8 giờ, chúng tôi đã có mặt với mong muốn được lấy học bạ xong thì về nhà học bài tiếp. Lúc nầy gần thi rồi nên thời giờ rất quý báu. Thế mà 9 giờ, không thấy ai xuất hiện. Đến 10 giờ, cả lớp đã đầy đủ mà cũng không thấy thầy cô hay ai đến để phát học bạ.
Bạn Võ Hoài Thông chịu không nổi nói: ”Đâu mình thử dở mành mành phòng Giám Thị để kiếm lấy học bạ rồi về, chớ chờ lâu quá rồi”. (Phòng Giám Thị là phòng ở tầng trệt của dãy lầu. Phòng nầy không kín hoàn toàn mà có đoạn vách đóng bằng mành mành mắt cáo). Nói là làm, anh ta kiếm cây nạy mành mành với ý định sẽ chui vào phòng Giám Thị để tìm hồ sơ.
Ngay lúc đó, thầy Giám Thị tới. Lúc đó có 3 thầy làm Giám Thị nhưng tôi quên tên thầy nào rồi. Thầy mở cửa lấy học bạ ra phát cho chúng tôi. Thầy không nói gì và chúng tôi cũng lo về nhà học bài. Tới ngày phát phiếu báo danh đi thi, chúng tôi tới trường để lãnh giấy thì cô nhân viên cho biết: Từ Minh Tâm, Từ Minh Thạnh và một bạn nữa phải vào gặp thầy Phúc (Hiệu Trưởng) để nghe giáo huấn về tội .. phá trường. Té ra, thầy Giám Thị hôm đó thấy bạn Thông làm bậy mà không biết tên. Ổng chỉ biết tên tôi và Từ Minh Thạnh nên “mét” lại với thầy Phúc. Kết quả là chúng tôi phải bị “thế mạng” cho ông bạn Võ hoài Thông cùng lớp. Oan ôi là oan! Chỉ vì mình nổi tiếng và thầy cô biết mặt!
Thật ra, thầy Phúc cũng rầy sơ rồi cũng phát phiếu cho chúng tôi đi thi.
Đã nói là thầy cô ở Trịnh Hoài Đức hiền lắm mà!
Lớp tôi còn quậy những chuyện động trời nữa, nhưng tôi không có tham gia trong những vụ đó nên không thể kể cho bạn nghe cho đúng mặc dù tôi cũng biết sơ sơ qua lời kể của những … thủ phạm. Mấy ông “thần quậy” đó bây giờ đều đã thành danh, thành tài nhưng nếu nhớ lại thành tích của mình chắc mấy ổng cũng giựt mình rằng sao hồi nhỏ mình cũng “quậy” dữ quá! …
*****
Kể chuyện học trò Trịnh Hoài Đức quậy không phải để khoe khoang thành tích gì mà để nhớ lại thời học trò ‘ăn chưa no lo chưa tới” chuyên môn làm chuyện không giống ai. Bây giờ đã già, nhớ lại thời đó mà ăn năn, sám hối cái tội làm cho thầy cô buồn. Nếu có thầy cô nào đọc được những dòng chữ nầy thì tụi em xin chân thành xin lỗi vì đã làm cho quý thầy cô buồn phiền vì cái đám học trò nhà quê mà cũng nghịch phá quá chừng .
Được một điều là lớp 12 B5 (khoá 11) của tôi tuy phá dữ nhưng cũng học rất giỏi. Lớp có 40 học sinh thì đậu Tú Tài hai gần hết. Trong số đó có một bạn đậu hạng Ưu (Nguyễn Hoàng), hai bạn đậu Bình (Từ Minh Tâm, Từ Minh Thạnh), nhiều bạn đậu hạng Bình Thứ (Liêu Bửu Khương, Trần công Hảo, Lê Thiết Hùng …). Không rõ có ai rớt không?. Năm đó đề thi Tú Tài hai rất khó, nhứt là môn Toán. Do đó, Bộ Giáo Dục hạ điểm trung bình chỉ cần 7 điểm là đậu.
Sau đó:
Một bạn đi du học bên Nhựt (sau nầy thành kỹ sư điện toán… ở Mỹ): Liêu Bửu Khuơng.
Bốn bạn đậu vào trường Kỹ Sư Phú Thọ. Từ minh Tâm học Công Chánh, Nguyễn Hoàng học Hoá, Lê Thiết Hùng học Điện Tử, Trần Công Hảo học Điện.
Ba bạn đậu vào Ban Cán Sự trường Phú Thọ là Dương Tiểu Nam (Hoá), Võ Hoài Thông (Địa Chánh) và Phạm văn Thảo - Điện . Năm sau Thảo thi lại và đậu vào ban Kỹ Sư Điện nên coi như khoá 11 có 5 kỹ sư Phú Thọ.
Một bạn đậu vào Cán Sự Bưu Điện (Trần Mến).
Một bạn đậu vào trường Đại Học Sư Phạm (sau nầy học lên Thạc Sĩ) là Từ minh Thạnh.
Hai bạn học Sĩ Quan Cảnh Sát là Đào công Quyền và Trần vĩnh Xuân (hiện giờ đang ở Mỹ).
Một bạn học Sĩ Quan Đà Lạt là Cao quang Trung
Một bạn đi không quân làm phi công (lái F5 tên là Lê trung Hạnh ?).
Các bạn còn lại thì học Đại Học Khoa Học, Đại Học Luật Khoa (Võ thanh Bình và Tài làm việc về ngành Thuế Vụ) …
Gần bốn mươi năm trôi qua từ khi chúng ta giã từ mái trường trung học. Giờ đây tóc đã bạc, tuổi đã già, những kiến thức đã học chắc cũng đã mai một. Ngày nay, có thể bạn không nhớ cách chia một động từ trong tiếng Pháp hay nguyên tử gram của sắt, đồng, chì, kẽm … nhưng chắc bạn không quên những chuyện vui đùa, phá phách của một thời niên thiếu. Thời gian lặng lẽ trôi, nếu không ghi lại sợ rằng những kỷ niệm nầy sẽ phai mờ vĩnh viễn. Nhắc lại vài câu chuyện xưa để bạn cùng tôi ôn lại những ngày vui vẻ ở Trịnh Hoài Đức và cùng nhớ lại những bạn bè cũ mà ngày nay đã tản lạc khắp bốn phương trời …