KHAI BÚT ĐẦU XUÂN
 
LƯU THANH BÌNH
 

Như thường lệ, Xuân đến rồi Xuân lại đi. Trẻ hay ăn chóng lớn, già tăng thêm một tuổi, máy thời gian như xe hủ lô, cứ lù lù tiến tới không nhanh không chậm. Năm nay nhóm bạn B5 gặp mặt đầu năm, ngoài đề tài muôn thuở là sức khỏe, việc học hành của con cháu, còn thêm chủ đề mới là việc nghĩ hưu. Tuổi Giáp Ngọ (sinh năm 1954), nếu học đúng tuổi là các anh chị cựu HS khóa 11 nhưng cũng có thể là cựu HS khóa 12 do tính chất cạnh tranh quyết liệt khi thi vào lớp đệ thất. Tuổi Tây là 59, tuổi ta là 60. Nghĩa là năm sau sẽ theo cụ Nguyễn Công Trứ cáo lão quy điền.
 
Có lần trên các diễn đàn báo chí trong nước, người ta tranh luận sôi nổi chủ đề có nên kéo dài tuổi hưu nữ công chức ở tuổi 55 hay không ? Không phải không có lý do vì ở tuổi ấy, người phụ nữ đã chín chắn hơn, không phải bận rộn lo con mọn, quỹ thời gian làm việc rộng rãi hơn, có thể đi công tác xa nhiều ngày vì sức khỏe vẫn còn tốt. Nhưng kết quả là đa số nữ công chức đều tán thành giữ đúng quy định như cũ, chỉ có một số xin được “cống hiến” nhiều hơn, đó là những nữ cán bộ có chức có quyền.   
 
Xin nói thêm: tuổi năm lăm, nhiều vị đã lên chức bà (nếu lấy chồng sớm), cơ thể đã chịu dấu ấn của thời gian, dù có nhờ đến thẩm mỹ viện cũng không thể xóa hết được. Nhưng mỗi độ tuổi cũng có nét duyên dáng riêng của nó, theo mình thì không việc gì phải che dấu. Như cô Nguyễn Doãn Cẩm Vân dạy nấu ăn trên TV, phong thái ung dung từ tốn, nói năng dịu dàng đằm thắm, trang phục giản dị phù hợp độ tuổi, rõ ra là một phụ nữ trung niên ưa nhìn.
 
Quan trường là chiến trường, bước đường danh lợi chông gai mấy mươi năm một đời người, có thắng có bại lẽ đương nhiên. Lục thập bất đáo quan trường.Về hưu êm thắm là mong ước của nhiều người, nhưng cũng có thể là cơn ác mộng của không ít vị công bộc, ghét hai tiếng “về hiu” như phụ nữ ghét bị hỏi tuổi vậy. Nhất là thời buổi ghế ít đít nhiều như bây giờ, chen lên được cái ghế có lưng dựa cao, hai tay vịn chạm trổ rồng phụng không phải dễ, hao tốn tâm huyết cả đời. Nhớ lại có lần một ký giả nước ngoài hỏi "kháy" một vị lãnh đạo lão thành "Ngài định khi nào thì về hưu?”. Câu trả lời là: "Nhân dân còn tín nhiệm thì tôi còn làm !". Tuy nhiên, ông Nam Tào thì lại không nghĩ như thế, nên đến hẹn là ông bèn giũ sổ .
 
Về hưu nghĩa là từ bỏ những thói quen đã trở thành quán tính. Một sáng thức dậy tần ngần, đi tới đi lui một hồi rồi chợt nhớ quần áo, giày vớ, cặp sách .. ở đâu để yên đó, nếu có ra khỏi nhà thì nơi đến là quán cà phê đầu ngõ chớ không phải con đường nhựa thênh thang dẫn vào cơ quan nữa. Sau giấc nghĩ trưa, tắm táp sơ qua, chiêu một ngụm cà phê nóng rồi bắt đầu giờ làm buổi chiều. Thói quen đã bốn mươi năm thật khó bỏ, chỉ khác nay ngồi vào bàn computer thay vì bàn làm việc. Người về hưu phải đối diện với sự thật: cuộc sống đã sang trang, hoàn cảnh đã thay đổi và dù muốn hay không cũng phải tập làm quen với hoàn cảnh mới ấy.
 
Có người nuối tiếc nhưng cũng có người thơ thới. Có người hậm hực như bị sớt miếng ăn nhưng cũng có người thanh thản như đào kép giũ bỏ son phấn sau hậu trường. Chỉ có những vị quan chức mới thấm thía sự phù du của quyền thế, bã phù hoa danh hão khi phải về hưu trong lúc “kinh nghiệm tích lũy đầy mình, trí tuệ đang còn ở đỉnh cao”.
 
Dư luận Bình Dương ồn ào một dạo khi có một vị lãnh đạo sân golf khả kính có con mọn ngoài luồng ở tuổi thất thập cổ lai hy. Mới hay bảy mươi chưa gọi là lành, học chữ nghĩa còn có cơ đạt mốc này mốc nọ nhưng đạo làm người thì phải học trọn kiếp sợ chưa xong. Nếu về hưu mà không mang theo tì vết, không ngại ngùng khi gặp lại người quen cũ, khi tình cờ gặp lại cộng sự cũ tay bắt mặt mừng thì cớ gì sợ về hưu.
 
Chỉ có nghề dạy học, không miếng không tiếng, là về hưu thanh thản nhứt vì những đức tính cao quý của chức nghiệp sư phạm. Thậm chí về hưu còn thu hoạch được hoa thơm trái ngọt: tấm lòng biết ơn, tôn sư trọng đạo của các em học sinh trưởng thành.
 
Nhiều người còn nhớ chuyện vui con chuột bằng vàng, quan ông đã về hưu quát quan bà thiệt thà quá: sao hồi đó bà không nói tôi tuổi con … trâu, có phải là được … con trâu bằng vàng rồi không? Hoặc mở đầu tuồng cải lương Nghêu Sò Ốc Hến, quan huyện mắng bọn tay chân quen xu nịnh, tâu rằng nhờ hồng đức của quan mà dân tình trong hạt được yên ổn: nếu không gây xáo trộn, xui nguyên giục bị thì lấy gì …ăn ? Ôn cố tri tân, thật bái phục cố soạn giả Năm Châu.  
 
Sinh lão bệnh tử, những dấu mốc của một đời người ai cũng phải trải qua. Một mùa Xuân lại đến, có nghĩa quỹ thời gian đã cạn đi một chút, sao khỏi bâng khuâng dù biết giá trị đời người là chất lượng cuộc sống chứ không phải độ dài ngắn của thời gian. Tuổi Giáp Ngọ như nắng xiên khoai, tuổi phải lo bảo toàn những cái đang có (hạnh phúc gia đình, sức khỏe, tiền bạc) trước khi làm bạn với cái giường bịnh có khoét lỗ ở giữa. Vậy thì hãy vui lên mà tự chăm sóc lấy mình, sắm một đôi giày bata đi bộ mỗi sáng, dành nhiều thời gian gần gụi con cháu hơn, và trước mắt là cầm cây chổi lên quét sân trước, sân sau…  
 
Mình sẽ trở lại đề tài vui buồn lẫn lộn này vào mùa xuân Giáp Ngọ 2014 năm tới, khi nhiều bạn K12 sẽ chạm mốc “ đáo tuế” sáu mươi năm lẽ…
 
-------------------------------------------------------------------------------------------------------  
 2-2013