Khai
Bút Đầu Xuân
Lưu Thanh Bình
1. Như mọi năm, sau khi những sôi nổi ồn ã của Tết
đã đi qua cao trào; sau những thăm viếng, tiệc
tùng liên miên không dứt; một chút cảm
giác mệt mõi, dã dượi kéo tới làm
mình muốn tìm nơi thư giãn một mình. Ngồi
bên bàn phím, lướt qua mục favorites tìm
vào những trang quen thuộc, chợt nhớ bài hát
Đường Xưa của Quốc Dũng & Nguyễn Đức Cường do Hòa Nam
và Bành Văn “meo” cho đường “link” trước Tết. Hai
cái nhấp chuột và sau đó là âm thanh
quen thuộc vang lên. Bật người ra ghế, lim dim mắt và …lơ
tơ mơ . Quả thật bài hát quá hay, tuy không
phải là mới xuất hiện nhưng mỗi lần nghe lại sao vẫn thấy đầy
cảm xúc, tuyệt vời làm sao ! Theo mình, xin nhắc
lại là theo mình nha, Ngọc Hạ hát hay nhất, luyến
láy , trau chuốt từng lời như đem cả thân phận vào
bài hát. Một phần nhờ bài hát được
hòa âm phối khí tốt. Bảo Yến, Mỹ Tâm rồi
Kasim Hoàng Vũ hát cũng rất đạt, và ít đạt
nhất là …Phương Thanh. Hay nhất là phần điệp khúc :
…rồi ta sẽ thấy
thấp thoáng bao lần tóc em bay dài
Thấy bóng
dáng yêu thương ngày mai
Với những tiếng
hát yêu người thiết tha mơ màng
Ta gói
trọn giấc mơ phai tàn
…rồi ta sẽ bước
chới với khi người khuất xa chân trời
Sẽ hấp hối trong
đêm mù khơi
Sẽ thấy
bóng tối vây từng nỗi đau xanh ngời
Xa vắng rồi
những khi bên người…
Thật tuyệt ! Có một chút
Ngô Thụy Miên, một chút Trịnh Công Sơn
và một chút Vũ Thành An trong đó. Ôi,
thú đau thương. Rồi thời gian sẽ làm tổ kén bao
bọc, cuộn gói lại…và những lo toan bề bộn của cuộc đời sẽ
làm ta quên đi, quên đi…; nhưng “nó”
không mất hẳn mà vẫn nằm đâu đó trong một
góc khuất tâm hồn như vật kỷ niệm nằm im trong ngăn
kéo qua bao năm. Một lúc nào đó, sự
tình cờ sẽ đưa ta trở về vùng hoài niệm cũ tưởng
không bao giờ gặp lại. Ký ức, một tặng phẩm của tạo
hóa ban tặng cho con người. Và chỉ dành
riêng cho con người, cũng như những giọt lệ…
2. Có lần đọc tùy bút của Nguyễn Ngọc Tư, kể lại
một đêm mất ngũ nằm nghe văng vẳng một bài bolero hay ơi
là hay . Sáng hôm sau nàng ta ra chợ
tìm mua ngay một CD có bài đó về nhà
mở ra nghe nhưng sao nó …nhạt quá, không giống như
hồi hôm. Người viết cũng có lần trãi nghiệm chuyện
này: thuở bến xe Bình Dương còn ở vị trí
cũ, những chuyến xe chật chội đầy người và hàng
hóa, nồng nặc đủ loại mùi dưới nắng trưa ngột ngạt.
Bé gái độ 11, 12 tuổi tóc quăn khét nắng
với chiếc ca nhựa trên tay; theo sau là người đàn
ông khiếm thị với cây đàn ghi ta; cất tiếng
hát một bài trữ tình thuộc dòng nhạc
bình dân đã bị cấm sau 1975. Sao
mình nghe hay quá như chưa từng nghe bao giờ. Mười năm
sau , nghe lại thì không thấy hay nữa mặc dù
bài hát được ca sĩ nổi tiếng hát trong
phòng thu âm chuyên nghiệp . Thì ra
bài hát hay dở cũng còn tùy tâm trạng
người nghe và bối cảnh lúc đó. Như miếng cơm
cháy trét mỡ hành ăn lúc xế sau giấc ngũ
trưa, chưa chắc cao lương mỹ vị qua nổi.
Nhạc bolero chịu nhiều dè bỉu, xem như
nhạc của tầng lớp dưới, chỉ phổ biến ở xóm hẻm hoặc nơi tập
trung nhiều người lao động, có khi còn gọi là nhạc
sến, nhưng đặc biệt được ưa chuộng ở miền Tây. Có lẽ
vì phù hợp với tính tình phóng
khoáng , đơn giản của người dân miền sông nước.
Nó xuất hiện ở chiếu rượu, bến phà, dưới tán
cây hoặc các tụ điểm hát với nhau. Ai cũng
hát được, và ai cũng bỏ túi vài bài
ruột thủ sẵn. Nhịp điệu, tiết tấu cũng dễ phụ họa. Không thể
thống kê nổi có bao nhiêu bài bolero trong
các thập niên 50, 60, và 70 của thế kỷ trước; chỉ
biết một điều là sự ra đời của nó trùng hợp với
một giai đoạn đau thương của dân tộc, trở nên phổ biến
và áp đảo các loại nhạc khác vì
tính chất đại chúng của nó. Nếu định nghĩa nhạc
hay là nhạc đi vào lòng người thì nhạc
bolero quá hay chứ còn gì nữa. Thôi kệ, xấu
đẹp tùy người đối diện. Vợ xấu là vợ của …mình.
Xin giới thiệu một bài bolero : Giã Từ (do Quốc Đại
hát) tại địa chỉ
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=3mCpZa9zoK
3. Và một bài tùy bút thật hay tình
cờ thấy trên mạng :
“Vài ngày trước dọn nhà,
tôi tìm thấy một chiếc băng cassette cũ đầy bụi bẩn
và những vết xước trên vỏ. Cái cảm giác đầu
tiên khi tôi bỏ chiếc băng ra khỏi vỏ hộp, đặt vào
bàn tay thật lạ, bồi hồi, trào dâng…
Chiếc băng ghi tên tôi bằng
bút dạ, nét chữ cồ cộ của trẻ em mới tập viết. Thật
không thể tin được tôi còn giữ được nó, thậm
chí ngay lúc đó tôi cũng không thể nhớ
ra nổi nội dung của nó là gì !
Tôi vớ lấy cái khăn lau, vừa lau vừa
thổi phù phù lớp bụi, vừa run run. Tôi nhớ
đã vô cùng bực tức khi tiếng đầu tiên
phát ra từ cái đài cát sét là
tiếng rè rè. Cảm giác thất vọng như vừa
tìm thấy một kỷ niệm để rồi chưa cảm nhận được gì
thì nó đã vụt biến mất… Nhưng khi tiếng nhạc đầu
tiên cất lên sau đó, vẫn hơi rè rè
nhưng mang theo cái gì đó quen lắm, tôi như
quên đi tất cả…
Đó là bản hòa tấu Love is blue
mà tôi nhận ra của Paul Mauriat ! Tiếng piano và
ghi ta cổ điển réo rắc , nhẹ nhàng, mang theo một cảm
giác rất quen, quen lắm. Bỗng những hình ảnh thời thơ ấu
của tôi ùa về. Hồi nhỏ tôi rất thích nghe
nhạc, đặc biệt là nhạc hòa tấu của Paul Mauriat . Những
bản tình ca nổi tiếng Love story, Delilah, được thổi vào
một luồng khí cổ điển thật buồn và sâu lắng…
Khi lớn lên tôi không còn
nghe nhạc của Paul nữa. Lúc đầu tôi thích nghe
những bản Rock’n roll của The Beattles, những bản ballad của Scorpions,
rồi tới những bản Thrash mạnh mẽ của Metalica, rồi quay cuồng trong
chất Nu mới lạ của Linkin Park và Slipknot, thậm chí say
cả thế giới âm u của Black.
Tôi dường như quên hẳn những bản
hòa tấu ngày nào, chìm đắm trong thứ
âm thanh ồn ả của Metal. Và rồi bây giờ ngồi
đây. Bản nhạc vẫn du dương nhẹ nhàng như dòng nước
chảy róc rách, vẫn đều đặn như dòng đời
ngày ngày trôi. Trong mỗi chúng ta ai cũng
có một khoảng lặng, nó nằm sâu đâu đó
tận đáy lòng mình, bị những lo toan hàng
ngày của cuộc sống hối hả lấp đi.
Chỉ khi gặp lại những kỷ niệm đẹp, những điều tưởng
chừng bình dị nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc
với ta, nó mới trỗi dậy, mới ào ạt, vỡ tung và
trào dâng mãnh liệt, khó tả. Love is blue
đã đánh thức tôi và cho tôi cái
cảm giác đó! Nó còn thoảng qua một cảm
giác là lạ, kỳ kỳ: Tình yêu màu xanh
– như tiêu đề của bản nhạc!
Tôi chưa yêu, cũng chưa đủ lớn để cảm
nhận thế nào là tình yêu, nhưng tôi
hiểu tình yêu đẹp và ấm áp lắm!... “Ta
còn em, một màu xanh thời gian…từng chiều mái
tóc em bay…chợt nhòa, chợt hiện…”, tôi nhớ đến lời
của Trịnh Công Sơn…rồi bản nhạc kết thúc. Và bất
chợt tôi nhớ đến bạn.
Tôi nhớ đến ngày xưa, trước khi bạn
cùng gia đình chuyển đi sống ở một nơi khác, hai
đứa nhóc vẫn chơi đùa và chẳng có suy nghĩ
gì cả. Bẳng đi gần 8 năm. Tôi gặp lại bạn hết sức
tình cờ, khi cả hai đứa đã lớn và nhiều đổi
khác. Bạn vẫn thân mật với tôi, cũng cho tôi
những cảm giác vừa lạ, vừa quen như khi tôi gặp lại Love
is blue vậy!
Tôi mỉm cười nhận ra cuộc sống có
khá nhiều điều thú vị, tuy không không phải
hoàn toàn. Gần như ngay sau đó bạn lại rời khỏi
tôi một lần nữa, đến một phương trời khác xa hơn…rất xa.
Ngày bạn đi, tôi ngắm nhìn bạn
thật lâu, như mong muốn lưu giữ những hình ảnh của bạn
trong trí óc, dù tôi biết rằng bạn đã
có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi
rồi! Tôi không buồn.
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như nó phải thế,
nhưng tôi tin rằng cái gì đã qua thì
sẽ không hoàn toàn biến mất, không phủ
phàng như dòng cát thời gian mà cũng
không hiện hữu. Nó chỉ nằm đâu đó sâu
trong đáy lòng, và chờ một ngày được thức
dậy để trào dâng. Bạn có tin điều đó
không ?”.
Các bạn có thể vừa đọc bài
tùy bút trên vừa nghe bản nhạc Love is blue
trên trang mạng
http://nhacvietplus.com.vn/vn/phainghe/2877/index.aspx
, sẽ thấy rất hay, rất lắng đọng, bao nỗi hờn giận, lo toan trong
phút chốc bay biến, những hoài niệm cũ hiện về trong niềm
cảm xúc mãnh liệt sâu lắng trào dâng,
nhất là nếu ngồi nghe một mình!
( 2.2011 )