HY LẠP ĐỀN ĐÀI HOANG PHẾ NGÀN
NĂM
Võ Kỳ Điền
Mùa hè vừa qua tôi có dịp đi thăm xứ sở thần thoại Hy Lạp núi đồi,
đền đài hoang phế bên bờ Địa Trung Hải nước xanh màu ngọc thạch. Không bình
thản như các lần đi chơi trước, chuyến nầy tôi chờ mong trong nỗi hồi hợp,
náo nức. Các chuyện thần thoại Hy Lạp được học từ nhỏ tưởng là xa vời, nào
ngờ lúc bước qua tuổi già lại được chứng kiến tận mắt những vị thần và những
kỳ quan của thế giới cổ đại qua tượng đá, thành quách, đền đài, dinh thự,
vật dụng… xa xưa còn lưu dấu tích nơi nầy. Chuyến bay từ Toronto tới Athens
lâu tới gần mười tiếng đồng hồ, tuy đoạn đường khá dài nhưng may mắn chiếc
ghế cạnh bên trống chỗ nên tôi ngồi đứng khá thoải mái.
Athens vào những năm 400 trước Tây Lịch là thành phố lớn nhứt và nổi
tiếng văn minh nhứt thế giới cổ đại. Người Hy Lạp đã ra sức xây dựng một
quần thể kiến trúc tuyệt vời để thờ phụng thần Athena (Nữ thần khôn ngoan
và trí tuệ) theo thần thoại, là người bảo vệ kinh đô nước Hy Lạp xưa, trên
một ngọn đồi cao giữa thành phố, có tên là Acropole. Nhờ vậy ở Athens, đi
dạo phố xá khá yên tâm, cứ nhìn đồi Acropole cao mà định hướng, ít khi đi
lạc.
Khách sạn Athens Acropol cao nghều nghệu nằm giữa trung tâm thành
phố nên dễ thấy. Nhìn chung thì thủ đô Athens chỉ lớn vừa phải mà dân số
tới trên 4 triệu người nên khá chật chội. Ba quảng trường Monastriaki, Constitution
và Omonia là ba trung tâm sinh hoạt náo nhiệt của thành phố, du khách tới
lui đông đảo nhộn nhịp. Năm 2004 vừa qua, nhờ là quốc gia tổ chức Thế Vận
Hội nên hầu hết khách sạn ở đây đều được tân trang sang trọng, tiện nghi
tối tân. Trên đường về khách sạn, tôi ngắm nhìn toàn cảnh, ngạc nhiên khám
phá một điều là kiến trúc Athens nhìn giống như bất cứ nhà cửa nào ở Canada
mình, nghiã là toàn nhà kiểu mới chừng 100 năm trở lại. Thường là kiểu nhà
bê tông cốt sắt hình hộp vuông vuông, cao chừng 3, 4 từng, quét sơn trắng
viền xanh, màu của cờ Hy Lạp quen thuộc, nhà cửa cao thấp không đều, nối
tiếp nhau chạy dài theo từng con lộ. Thành phố nhỏ hẹp nên khoảng trống hầu
như không có, công viên rất ít. Tuy nhiều nắng nhưng may nhờ có biển Địa
Trung Hải bao quanh nên khí hậu dễ chịu, nhiệt độ thường ngày khoảng 20,
21 độ bách phân.
Athens hoàn toàn không có kiểu nhà xưa bằng đá, gỗ hay xi măng chạm
trổ cầu kỳ các thế kỷ trước như ớ Paris, Londre, Bruxelles, Luxembourg, Genève,
Amsterdam… như chúng ta đã từng gặp ở các thành phố Âu Châu khác. Kiểu vỏ
đền đài, dinh thự Hy Lạp hiện nay đều được xây dựng bằng đá cẩm thạch vuông,
thẳng, đường nét chắc chắn, hùng mạnh, ít chạm trổ điêu khắc ở các cột và
mái. Còn nhà cửa dân chúng thì giống y nhà cửa ở Bắc Mỹ. Xứ nầy chiến tranh
xảy ra triền miên nên Athens thường bị tàn phá (các bạn nhớ lại phim Les
Canons de Navaronne). Thành phố hiện nay chỉ mới được xây dựng lại từ đống
tro tàn. Hủy diệt và hồi sinh, y như lịch sử ngàn năm trước…
Cũng cần phải nói thêm, đây là nhà cửa thấy trong đất liền, còn khi
đi chơi nhiều hải đảo thì trên các đỉnh núi chon von, ngược lại tôi đã bắt
gặp phần lớn các phố xá còn giữ y nguyên kiểu nhà Hy Lạp xưa cũ. Mà nó cũng
đặc biệt lắm, không giống bất cứ kiểu cổ nào của các thành phố Châu Âu tôi
đã đi qua.
Buổi chiều đi trên con đường Athenias trước mặt khách sạn, nhìn phố
xá hai bên, xe cộ dập dìu, người người qua lại, sinh hoạt đông đúc nhưng
không ồn ào, người Hy Lạp dáng vẻ đàng hoàng, hiếu khách và lịch sự. Quanh
vào một đường nhỏ bên trái, tôi tình cờ bước vào một chợ bán thịt với nhiều
gian hàng bày đủ loại thịt bò, heo, dê trừu, gà… màu thịt tươi ngon, giá
cả vừa phải, thịt các loại độ 6, 7 euro một ký.
Người bán đều là đàn ông, không thấy phụ nữ, cách chào đón mời mọc
khách mua tươi vui nồng nhiệt nhưng vừa phải không quá ồn ào. Từ ngày xa
xứ tới giờ, lần đầu tiên tôi thấy lại được những gian hàng bán thịt tươi,
cắt cắt, xẻ xẻ, cân cân, giống như ở Việt Nam mình, chưa ăn cũng đã thấy
ngon. Không như thịt ở các siêu thị Bắc Mỹ được cắt gói sẵn, nằm buồn hiu
trong tủ kiếng chờ người mua.
Lề đường Athens chật hẹp, đoạn gần tới khu vực di tích Acropole, có
hàng cây lạ, được trồng dài trên vỉa hè, thân cây ốm thon, cao độ 9,10 thước,
lá nhỏ hoa màu tím, giống hoa bằng lăng, hoa nhiều hơn lá, nở rộ tím cả một
khu phố, xa xa là khu di tích điện Parthénon ba ngàn năm hùng vĩ, với những
hàng cột thẳng đứng cao vút, trơ gan cùng tuế nguyệt trên đỉnh đồi cao. Đẹp
quá, du khách nào thấy cũng xuýt xoa trầm trồ. Tôi bỗng chợt nhớ những câu
hát quen thuộc ngày xưa - chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài…
Phải ngắm nhìn phong cảnh tím cả góc phố Athens buổi chiều xuống ở đây, mới
cảm nhận được cái tài hoa của những nhạc sĩ Việt Nam mình lúc trước, mới
hiểu chút chút - tím cả hoàng hôn, tím cả chiều hoang biền biệt, mới biết
chiều tím là đẹp như thế nào!
Nhưng không phải các lề đường Athens đều trồng cây hoa tím (có lẽ
là giống phượng tím Jaracanda của châu Mỹ?), chỉ một đoạn nầy thôi. Phần
lớn vỉa hè là trồng cam, nếu không cam thì cây dâu tằm ăn (murier) lá to
để lấy bóng mát, các xứ khu vực Địa Trung Hải nắng vàng óng ả quanh năm.
Nhiều hàng cam gốc to cỡ bắp chưn, tàn lá dầy đặc xanh mướt, trái vàng chi
chít đầy cành, tôi đứng tiếc ngẩn tiếc ngơ nhìn trái rụng rải rác quanh gốc
mà chờ coi… không thấy người lượm! Tiếc thì có tiếc nhưng hổng lẽ người lượm
cam rụng lại là mình, kỳ lắm.
Bước chân du khách thỉnh thoảng phải dừng lại và đi quanh. Trước mặt
một ngân hàng to lớn là một hố sâu to được đào ngay dưới vỉa hè, chiều ngang
và dọc khoảng độ 4 thước vuông. Trên có mái che bằng kiếng khung sắt hình
chóp nhọn, trông cũng khá thẩm mỹ. Tôi tò mò nhìn sâu xuống dưới lòng đất
được đào trống, thấy vài nền đá tảng ngang dọc của một dinh thự cổ khá to,
có cầu thang đi lên trên, cũng bằng đá. Nhìn sâu hơn nữa, thấy có vài ống
dẫn nước bằng gạch nung, đường kính khoảng 40 cm, ló ra ngoài chừng hơn nửa
thước dài. Thì ra đó là một di chỉ khảo cổ của thành phố nầy mấy ngàn năm
trước. Khi đào đất cất ngân hàng, người ta bắt gặp nó và giữ kỹ ở tình trạng
nguyên dạng… có tấm bảng đồng nhỏ ghi chú các tài liệu khảo cổ gắn cạnh bên.
Tôi sững sờ coi kỹ lại và bâng khuâng tự hỏi, ống thoát nước nầy mới làm
hay là có từ lâu lắm? Rõ ràng là xưa lắm. Cách đây mấy ngàn năm, dân cư ở
thành phố nầy đã biết thiết kế hệ thống thoát nước hoàn bị như vầy, thiệt
tình là họ văn minh sớm lắm, không thể tưởng tượng được.
Ở nhiều xứ Á Châu, Phi Châu, những bộ lạc bán khai, rác rến, phân
người và phân thú, nước bẩn, xác thú vật chết… thì quăng vứt đại đâu đó cũng
được. Tiền của, công sức, hơi đâu mà làm ống cống chôn luồn dưới đất để thải
nước dơ ra sông ra biển. Các nền văn minh lớn trên thế giới như Maya, Azteque
ở Trung Mỹ, Khmer ở Cambodge,… sở dĩ bị tiêu diệt mau lẹ sau khi rực sáng
lên một giai đoạn rất ngắn là vì những thành phố của họ không có hệ thống
thoát nước đầy đủ, rác rến không được xử lý đúng cách, chỗ ở bị ô nhiễm nặng
nề. Vì thành phố lớn nên dân chúng tụ tập sinh hoạt đông đảo. Nhà cửa, đường
phố tràn ngập rác rến, phóng uế bừa bãi, ruồi muỗi, chuột bọ, rắn rít… chỉ
trong một thời gian ngắn là đủ gây nên những bịnh dịch truyền nhiễm kinh
hoàng. Ở Cambodge, dân chúng chết hàng loạt vì bịnh sốt rét malaria (muỗi
Anophèle), cung điện Đế Thiên Đế Thích phải bỏ hoang, rừng rậm phủ kín gần
sáu bảy trăm năm. Ở Mexique (vùng kim tự tháp Chitchen Itza, Teotihuacan..)
dân chết như rạ vì dịch hạch hoặc dịch tả (peste, cholera..)
Nền văn minh Hy Lạp cũng sớm bị tàn rụi, không phải do thiếu vệ sinh
như vài nền văn minh trên nhưng vì bị chiến tranh nội bộ xâu xé (các bang
Macédoine, Sparte, Athene) hoặc bị ngoại quốc xâm lăng (Turc, Perse, Rome..)
Ở Hy Lạp dù trong đất liền hay hải đảo, bất cứ thành phố nào cũng nhìn thấy
thành quách, tường lũy, tháp canh, bằng đá tảng đồ sộ, kiên cố phòng ngự,
thì biết ngay chiến tranh ngày xưa khốc liệt là chừng nào! Khi tôi đến thăm
viếng đảo Héraklion (Crète) thì thấy một bức tường đá, xe cộ có thể lưu thông
dễ dàng trên mặt thành, chiều ngang thật dầy, cao chừng 6, 7 thước, xây ngoài
biển cách xa bờ chừng vài chục thước, chạy dài bao vòng quanh đảo, chỉ chừa
một khoảng nhỏ để làm hải cảng cho tàu ra vô. Trong đảo là vô số tháp canh,
tường lũy, cái nào cái nấy rất là đồ sộ, đảo Rhodes cũng vậy. Thiệt tình,
không thể tưởng tượng được, với tiền của, nhân lực, vật lực và phương tiện
máy móc nào mà người xưa đã xây dựng nổi những công trình vĩ đại như vậy,
trên đất liền là đã khó và khổ nhọc lắm rồi, ngoài biển khơi mà làm một tường
thành kiên cố to sầm bằng đá tảng để bảo vệ đảo, thì làm sao làm được và
làm nổi. Vậy mà người xưa đã thực hiện lớn lao như vậy đó.
Có ông tài xế taxi giải thích cho tôi hiểu, thành phố Athens nầy được
xây cất trên nền của thành phố cổ hàng mấy ngàn năm về trước. Do đó khi ta
bước đi trên mỗi thước đất, biết đâu là mình đang bước trên một di tích lịch
sử. Chánh phủ Hy Lạp thì nghèo, tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc rất lo
lắng và quyết tâm bảo vệ những gì của tiền nhân còn sót lại, nên có giúp
đỡ nhiều trong việc bảo tồn những di tích lịch sử xứ nầy. Người dân muốn
xây cất nhà trên một miếng đất phải làm đơn gởi Nha Khảo Cổ và chờ một thời
gian dài, để các nhà khảo cổ đào bới coi phía dưới có một di tích gì hay
không, thời gian chờ đợi là 2 năm. Có 2 trường hợp xảy ra - nếu không gặp
gì hết thì hết sức may mắn, mình được quyền xây cất nhà cửa theo đúng luật
lệ thành phố. - Nếu có nền móng lâu đài, dinh thự cổ thì nhà nước mua lại
theo giá quy định và bắt buộc phải bán, không được khiếu nại gì hết. Vì đó
là tài sản văn hoá của quốc gia.
Từ ngoài biển nhìn vào thì thành phố Athens gồm hằng trăm ngàn nhà
nho nhỏ như những chiếc hộp vuông trắng xoá nằm trải dài theo bình nguyên
cạnh biển, lưng dựa vào dải núi thấp, sườn dốc thoai thoải cũng một màu thạch
cao trắng xoá. Phải vài ngày sau khi đi chơi chỗ nầy chỗ kia tôi mới biết,
các núi Hy Lạp phần lớn đều được cấu tạo bằng đá cẩm thạch trắng (marble).
Núi nào cũng có vài hầm đá qui mô với máy móc dụng cụ cưa xẻ hầu khai thác
loại đá trắng quí nầy. Cũng có nhiều cơ sở tạc tượng đá, sân rộng chứa đủ
loại tượng được đục đẽo nằm đứng ngổn ngang, đường nét tinh xảo. Thời cổ
đại, người Hy Lạp đạt văn minh sớm, thuộc bậc thầy của thế giới nhiều bộ
môn như triết học, chánh trị, văn học, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật mà
kiến trúc và điêu khắc còn ghi đậm dấu ấn những nơi đây.. Ở xứ nầy những
gì cần làm bằng đá thì toàn là đá cẩm thạch, nhiều vô số kể. Tôi để ý thì
thấy nhà cửa, vật dụng, đường đi đều được lót bằng cẩm thạch, nói ngoa một
chút cho vui, cả xứ Hy Lạp đều làm bằng cẩm thạch trắng.
Buổi sáng tôi đi thăm đồi Acropole với các quần thể kiến trúc đồ sộ
trên một đỉnh đồi đá cao 165 thước so với mực nước biển, được xây cất dưới
triều đại Péricles, thời kỳ vàng son của nền văn minh Hy Lạp, thế kỷ thứ
5 trước TC, do hai kiến trúc sư Ictinus và Callicrates vẽ kiểu và xây dựng.
Giá vé vào cổng là 12 euro, đường lên dốc đồi được lát bằng đá cẩm thạch
đen và trắng, mòn nhẵn dưới biết bao gót giày của du khách tứ xứ. Tất cả
đền đài dinh thự, điện Parthénon, cổng Propylaea, đền thờ thần Nike, đền
Erechthéion… sau bao nhiêu hoang phế đổi dời của cả ngàn năm, chỉ còn trơ
lại trên nền đá cao những hàng cột cẩm thạch vân trắng hoặc hồng nhạt, cột
cao cột thấp… Những cuộc chiến tàn khốc xảy ra, những cuộc động đất long
trời lở đất tiếp nối, rồi cuối cùng thời gian tàn nhẫn dài lâu hằng ngăm
năm, đã biến cả một công trình đồ sộ đẹp đẽ thành những đền đài hoang phế,
đổ nát tang thương. Cả một đỉnh đồi rộng rãi vuông vắn, chồng chất ngổn ngang
những tảng đá nứt nẻ được chạm trổ, điêu khắc sắc sảo, mưa gió ghi dấu xanh
rêu lỗ chỗ, mỗi cục nặng chừng 5, 10 tấn, cục còn nguyên, cục bị sứt mẻ,
nằm lăn lóc chỗ nầy chỗ kia…
Cổng Propylaea là một cổng thành đồ sộ được xây dựng bằng đá cẩm thạch
do kiến trúc sư Mnesicles vẽ kiểu, vào các năm 437- 432 tr T L. Cổng nầy
không bao giờ được trùng tu cho thiệt hoàn hảo vì cuộc chiến Peloponnesian
xảy ra. Cổng được tuyên xưng là -chiếc vương miện rực rỡ của thành trì Thượng
Đế -gồm một cổng chánh, có hai vòm mở vào đầu đường Tôn Nghiêm, với hai cánh
hai bên là hai tòa nhà lớn đối xứng, trong đó cánh phía Bắc là một phòng
trưng bày tranh. Cột ngoài kiểu Doric, bên trong kiểu Ionic. Kiến trúc nầy
bị hư hại nặng trong nụ nổ do sét gây ra năm 1640. Hiện cơ quan Unesco đang
cho sửa chữa, gạch đá còn ngổn ngang. Mỗi cây cột là nhiều tảng đá bằng phẳng
lớn hình tròn, được chất chồng thẳng đứng lên nhau. Tôi tò mò ôm thử một
cây cột, lớn quá, cột đá lạnh ngắt, vòng tay tôi chưa được một phần ba. Như
vậy phải chừng ba người ôm mới giáp một vòng cột….
Bên phải cổng Propylaea trên đài cao là một đền nhỏ tương đối còn
nguyên, song song trước sau 8 hàng cột kiểu Ionic xinh xắn (loại cột trên
đầu tạc hình giống đầu chiếc vĩ cầm, dưới chân có bệ). Đó là đền thờ nữ thần
Nike (The Temple of Wingless Victory, được xây cất vào thế kỷ thứ 5 tr TC,
kỷ niệm chiến thắng của Hy Lạp đối với Turc, vì không cánh nên vị thần Chiến
Thắng nầy sẽ mãi mãi ở lại nơi đây để bảo vệ thành phố) Ngôi đền được sửa
sang toàn vẹn với vật liệu gốc.
Điện Parthénon là một ngôi đền điển hình của Hy Lạp với hai hành lang
bên ngoài, diện tích hình chữ nhật, chu vi bên ngoài gồm 46 cột thẳng đứng,
kiểu Doric (đầu cột là một bệ vuông, đỡ lấy mái, dưới chân không bệ). Điện
có kích thước 69,51 m -30,87m, rất hùng vĩ. Trang trí điêu khắc ngôi đền
nầy là điêu khắc gia cổ đại Phidias, nổi tiếng bậc thầy. Bên trong chia làm
hai gian có vách ngăn, gian ngoài được gọi là Hécatompédon là gian thờ tượng
nữ thần Athena, tương truyền bằng ngà và vàng cao 12 m và gian trong gọi
là Parthenon chỗ cư ngụ các nữ đồng trinh và cũng là kho chứa vật thánh linh
và châu báu của thành phố.
Người hướng dẫn du lịch đưa tay chỉ những hàng cột cao, miệng thao
thao giải thích -khi xây cất các kiến trúc sư đã đặt những cột bên ngoài
lớn hơn các cột giữa một chút và cũng hơi nghiêng vào bên trong một chút,
khoảng cách các cột bên ngoài với cột bên cạnh, cũng xa hơn khoảng cách các
cột bên trong một chút,.. tất cả những dụng ý đó khiến cho mắt nhìn thấy
các cột bằng nhau, đều nhau, song song một hành thẳng tắp… theo luật viễn
cận. Đó là nhằm điều chỉnh những sai số thị giác khi ngắm nhìn một công trình
đồ sộ trong không gian. Tôi nghe đến đây mà phát sợ… cho cái ngu của mình
!!! Cách đây gần 3000 năm người ta đã thực hiện được những công trình vĩ
đại mà hiện tại chỉ được giải thích có chút xíu mà mình vẫn chưa hiểu hết
!
Hèn chi trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại thì người xưa đã ghi nhận
đến 5 kỳ quan thuộc nền văn minh Hy Lạp rồi. Đền Parthénon xứng đáng là kiệt
tác mẫu mực nhất về cái đẹp của kiến trúc Hy Lạp cổ điển, nó cũng là chuẫn
mực cho kiến trúc Tây Phương suốt mấy chục thế kỷ sau nầy.
Đền Erechthéion hình chữ nhựt có ba cổng cao thấp khác nhau. Bên trong
dùng cho việc hành lễ tế thần Athena Polias, vào bằng cửa Đông và thần Poseidon
Erectheus, vào cửa Bắc, các cột dáng kiểu Ionic. Cổng hướng Nam có hàng cột
tuyệt đẹp, điêu khắc công phu hình sáu mỹ nữ đồng trinh, vóc dáng tuyệt mỹ,
y phục nhẹ nhàng thanh thoát, dáng đứng dịu dàng sang cả, đầu như đội vương
miện đỡ lấy mái đá. Nhìn tận mắt các hàng cột Kariatyds nầy (the Caryatids
= trinh nữ xứ Karia), tôi tưởng chừng như về sau nầy dẫu có người tài hoa
giỏi giắn cách nào, cũng không thể làm được một công trình tuyệt xảo như
vậy nữa. Đền được xây dựng từ các năm 421 trước Tây Lịch và được sửa chữa
lại năm 405 tr T L, sau một vụ cháy vào năm 395 tr T L. Và bây giờ cũng đang
được tu bổ tiếp tục…
Trong kiến trúc Hy Lạp còn còn một loại cột mỹ thuật nữa là kiểu Corinthian
như ở đền Thờ Thần Zeus trên núi Olympian. Cột Corinth, có bệ dưới chân và
đầu cột điêu khắc chùm hoa lá nở hướng lên. (Cột Doric là cột dương nên mạnh
mẽ; cột Ionic, Corinth, Caryatids là cột âm nên dịu dàng).
- Các ngày sau, chúng tôi đi thăm đảo Rhodes có những thành trì, đồn
lũy kiên cố, tôi để ý và cố tìm kiếm dấu vết của tượng thần Rhodes, tương
truyền bằng đồng, cao trên 36 thước (theo phim tài liệu The Seven Wonders
of The Ancient World thì cao 60 thước) đặt ở hải cảng như sách vở đã miêu
tả, tàu bè qua lại dưới hai chân tượng, một kỳ quan thế giới cổ đại. Nhưng
tôi không thấy gì ngoài những thành trì bằng đá tảng đồ sộ, những tháp canh
cao vòi vọi có nhiều lỗ châu mai. Chiến tranh cũng có nét đẹp hào hùng lẫn
bi tráng của nó. Tôi nhìn chiếc cầu bắt qua cửa thành mà tưởng chừng như
thấy cuộc chiến long trời lở đất đang diễn ra, địch quân hung hãn ào ạt xung
phong và trên những tường thành nghi ngút khói lửa, đầy trời tiếng quân reo,
tiếng ngựa hí, lính tráng đang xả thân chiến đấu hết sức để ngăn chận, bảo
vệ thành phố, bảo vệ mạng sống mình và vợ con…
Ở xứ nầy, chiến tranh không phải xảy ra một, hai lần mà là nhiều lần
và dĩ nhiên rất tàn khốc. Mạng người như cỏ rác. Sau cuộc chiến còn lại chỉ
là xương cốt mục rửa với biết bao nhiêu cô nhi và quả phụ! Cứ nhìn bất cứ
nơi nào, dù trong đất liền hay ngoài hải đảo, chúng ta cũng sẽ thấy thành
quách, hào lũy trùng điệp vây quanh…
Có thể kết luận, lịch sử Hy Lạp là đi chinh phục và bị chinh phục.
Khi mới đến tôi không hiểu tại sao phần lớn các thị trấn, thành phố đều được
xây dựng trên núi non hiểm trở cheo leo, đường đi rất gian nan nguy hiểm.
Có ở một thời gian thì mới rõ, họ phải làm như vậy để tự bảo vệ và tồn tại.
Tuy bị các nước xung quanh đô hộ và cai trị cả ngàn năm nhưng người Hy Lạp
bất hợp tác với quân thù, kéo nhau lên vùng cao trên núi rừng, giữ gìn được
tất cả bản sắc của dân tộc mình từ triết học, văn học, chánh trị, nghệ thuật,
hội hoạ, khiêu vũ, kiến trúc, điêu khắc...
Đảo Patmos, có tu viện St-John trên núi cao nhìn xuống một hải cảng
bên dưới. Đường lên dốc đá cheo leo được lát bằng những viên cuội tròn đen,
bóng nhẵn do mưa gió thời gian, đôi chưn tôi bước hoài mà không thấy tới,
du khách chen nhau như trẩy hội. Tôi cứ lo sợ nơm nớp, nếu trợt cẳng lọt
xuống vực thẳm hun hút dưới kia thì không biết phải làm sao, mình tuổi tác
khá cao rồi, sức yếu làm sao mà… leo lên cho được!
Tu viện thánh John vừa là một toà thành trì với các tháp canh bằng
đá tảng, vừa là tu viện lớn sừng sững nguy nga trên chóp núi, vách đá cao
chớn chở, trước mặt tiền có tạc hình nổi chiếc thuyền lớn của ông Noah. Trong
tu viện có chưng bày một dụng cụ bằng cây hình hộp dài đáy phẳng, đen xám
cũ mục, ngang dọc và cao chừng 1m -1m- 3m, mới nhìn cứ tưởng là cái quan
tài rất lớn, không biết dùng để làm gì. Tôi tò mò hỏi, thì ra nó là cái máng
dùng để trộn bột làm bánh mì cho cả tu viện dùng. Lớn quá, nhiều quá, phải
bao nhiêu người mới dùng cho hết một lần nhồi bột như vậy, tôi không đoán
nổi!
Mặt sau tu viện, vươn lên một chiếc cổng như cổng Propylaea tuy nhỏ
hơn, một di tích cổ đại đang được trùng tu. Những hàng cột Doric cẩm thạch
trắng, được máy móc cắt xén giống y kiểu xưa, do Liên Hiệp Quốc tài trợ,
được dựng lại trên nền đá cũ ngàn năm trước, trông rất kiên cố, bền vững,
chế ngự bao quát cả một vùng biển xanh rờn dưới kia, cảnh đẹp như một bức
tranh vẽ… Nhìn toàn thể tu viện thì tôi mới hiểu, phía sau là đường lên tu
viện, còn cổng phía trước là mặt tu viện quay ra biển khơi… Vậy mà tôi có
cảm giác như ngược lại, trước thành sau mà sau thành trước.
Đứng ngắm công trình tu bổ vĩ đại nầy mà suy nghĩ tới suy nghĩ lui.
Bao nhiêu ngàn năm nữa, các thế hệ con cháu sau nầy cũng sẽ tiếp tục làm
những hàng cột kiểu Doric đẹp đẽ mà dựng lại nơi đây… Vì những hàng cột hiện
tại dù chắc chắn, kiên cố cách mấy đi nữa rồi cũng sẽ mục rữa, đổ nát theo
thời gian, cũng sẽ tàn lụi cũng như đã từng tàn lụi! Thời gian quả thiệt
là khắc nghiệt và vô tình. Gạch đá bền cứng còn như vậy, nói gì đến da thịt
mong manh con người. Lúc ở đảo Crète, tôi nhìn một hàng đá, nhiều tảng to
cỡ mặt bàn bị sóng đánh tan rã, phần còn sót lại còn trơ ra như cát bùn,
thấy mà giựt mình… trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nắm cổ khâu xanh
rì (Cung oán)
Tối hôm đó du thuyền chúng tôi vào địa phận Turkey. Sáng sớm đổ bộ
lên bờ, dùng bus đi Kusadasi, một thành phố Turkey tiếp giáp Hy Lạp. Đường
xá, nhà cửa phía bên nầy loang lổ, vá víu, có vẻ luộm thuộm, nghèo nàn hơn
bên Hy Lạp. Núi đá khô cằn, chỉ thấy cây ô -liu được trồng rải rác trên sườn
núi đầy đá sỏi không có một chút đất đen, thấy mà tội nghiệp. Loại cây nầy
thân mộc to cao chừng 7, 8 thước, lá nhỏ như là trúc đào, mặt trên xanh,
mặt dưới màu xám bạc, nhiều cây già cỗi có dáng đẹp uốn éo như bonsai. Khu
vực nầy xưa gọi là Anatolia và di tích Ephesus là thủ đô của 500 thành phố
trong khu vực nầy. Vào thế kỷ thứ 5 Tr TL, người ta đã xây dựng lên một thành
phố tráng lệ để thờ phụng nữ thần Artémis. Ngôi đền được mô tả làm theo kiến
trúc Hy Lạp tuyệt đẹp, được liệt vào kỳ quan thế giới cổ đại. Nữ thần Artemis
cũng tức là Diana theo tên gọi người La Mã. Nàng là con thần Leto và thần
Zeus, em sinh đôi với thần Apollo. Nàng là thần săn bắn có tính khí như đàn
ông. Chính vì thế các kiến trúc sư đã sử dụng loại cột Ionic để xây. Ionic
là một trong ba loại cột nữ giới, nhưng cột Ionic mạnh mẽ hơn cột Corinth,
những ngôi đền cón lại thờ các thần khác đều sử dụng loại Corinthian, không
thấy cột Caryatids.
Di tích Ephesus không phải chỉ có một hai đền thờ mà là cả một thành
phố lớn, giữa là một con đường cẩm thạch rộng chạy dài, hai bên là nhà tắm
công cộng, nhiều nhà thờ các thần linh, các cơ quan hành chánh, rạp hát,
thư viện, các vận động trường…
Con đường chánh nầy dài 4 cây số dẫn tới cổng Koressos ở Bắc và cổng
Magnesia ở phía Nam, hai bên là hai hàng cột cao 8 thước. Hầu như các vận
động trường (The Stadium) và thư viện (The Library of Celsus) còn giữ được
hình dạng cũ, còn lại tất cả hoặc nhiều hoặc ít, chịu cảnh đổ nát hoang tàn.
Giữa một cánh đồng rộng lớn là những cột đá chơ vơ, những bức tường loang
lổ, những cổng, những tượng thần hoặc những nền móng đền đài còn sót lại.
Trên đường Curettes Street có nhiều tượng thần y như Esculape, Hygie hoặc
Panacée, cùng tượng các tổ y khoa Hippocrate, tổ dược khoa Galien, có tượng
không đầu của một người nữ bác sĩ thời đó, kỷ niệm bà đã tận tâm phục vụ
cho xứ.
Nhà tắm dành cho công chúng và tư nhân, do bà Skolasticia lập nên
có hồ tắm, có tắm nóng (caldarium) tắm ấm (tepidarium) tắm lạnh (frigidarium)
và phòng thay quần áo (apoditerium). Có lò nấu nước lớn ở trung tâm và hệ
thống sưởi dùng đủ cho tất cả cả các phòng. Tôi thấy bên đường, trong một
nhà có cột đá, trên một phiến đá cẩm thạch dài khoan nhiều lỗ tròn khá lớn,
phía dưới có rãnh nước chảy xuôi, thấy y như nhà cầu trong trại lính Quang
Trung ngày trước. Quả đúng vậy, người hướng dẫn cho biết, đó là nhà tiêu
tiểu công cộng, có hệ thống thoát nước bên dưới, nước lưu thông thường xuyên
nên khá sạch sẽ.
Có tấm đá cẩm thạch vuông khá lớn, được đặt nằm trên mặt đất, có khắc
hình một bàn chân trái còn rõ nét và mặt một người đàn bà lờ mờ, có lẽ do
thời gian xoá mòn. Người hướng dẫn giải thích, bàn chân nầy chỉ về hướng
nhà chứa gái điếm, mặt người đàn bà là các cô gái giang hồ… - Trời đất, bên
Hy Lạp không những có nhà chứa mà còn công khai quảng cáo nữa, chớ không
phải chỉ có bên Tàu đời Tần do Thương Ưởng phát minh. Thiệt tình, con người
dù ở phương trời nào thì cũng giống nhau như hệt về ba cái vụ lạng quạng
nầy!
Con đường cẩm thạch chánh (The Marble Street) thoai thoải đi dần xuống
khu vực thấp hơn. Thư Viện Celsus (thế kỷ thứ 2 sau TC) lớn nguy nga, đứng
sừng sững bên trái. Đó là một tòa nhà cao hai tầng khổng lồ. Phía trước là
một sân rộng, quang đảng. Từ nền sân trước, bước lên 7 ngạch đá cao, mặt
tiền thư viện gồm hai tầng cao. Tầng dưới là một hàng 8 cột, khoảng cách
không đều nhau, chia làm 4 cặp sóng đôi, đầu cột được điêu khắc vừa kiểu
Ionic vừa kiểu Corinth, cao 10 thước, đỡ lấy trần nhà. Phía trên lầu cũng
gồm 8 cột cao và đẹp y như vậy, đỡ lấy mái nhà. Trên mái là những tảng đá
làm đà ngang, là một riềm nhà hình tam giác khổng lồ, được điêu khắc tỉ mỉ
các tượng triết gia, học giả cổ đại. Sau hàng cột là mặt tiền thư viện, có
những ô lỏm vào, nơi đó người ta đặt những pho tượng tuyệt đẹp, có tượng
còn đầu, có tượng đã mất.
Nhìn các nét đục đẽo tinh xảo trên từng phiến đá hoa, có trắng, có
hồng, tôi phân vân tự hỏi:
- Mấy trăm ngàn tảng đá nặng hàng chục tấn ở rất xa, làm sao khiên
vác nổi tới đây mà xây cất dinh thự, lầu gác như vầy? thời đó đã có sắt thép
cứng chưa, làm sao mà đục đẽo đường nét, sắc sảo, đẹp đẽ y như máy làm ra
vậy.?
Rồi, câu hỏi tiếp theo, thư viện nầy lớn quá, lớn hơn thư viện ngày
nay rất nhiều, phải bao nhiêu triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, phải
có bao nhiêu người viết, phải có bao nhiêu sách để vô cho đủ? Nếu có đủ sách
thì có bao nhiêu độc giả vô đó để học hỏi, tham khảo, để coi?
Mà chuyện học hành thời đó ra sao, trường học ra sao mà thư viện lại
lớn lao đến như vậy? Chỉ mới có thư viện nầy thôi, tôi đã không giải đáp
nổi rồi, nói chi đến 2 vận động trường lớn chần dần, cái ở đầu, cái ở cuối
thành phố, mỗi cái chứa đến 25.000 chỗ ngồi. Bao nhiêu người dân sống nơi
đây, đời sống ăn ở, sinh hoạt ra sao? Không lẽ suốt ngày đi tắm ở các nhà
tắm công cộng, rồi đến thư viện đọc sách, rồi chơi thể thao hoặc họp nhau
mà bàn cãi chánh trị, triết học, văn học nghệ thuật hoặc ngâm thơ cho nhau
nghe? Sau đó rủ nhau chun đường hầm đi đến chỗ có tạc bàn chân trái…!
Tóm lại tôi nhìn di tích đẹp đẽ đến mê mẩn nhưng khi suy nghĩ từng
khía cạnh của đời sống ở đây, vào thời kỳ đó, rồi so sánh đời sống dân chúng
xứ nầy xứ kia, vào thời kỳ nầy… suy nghĩ hoài không ra, thiệt là điên cái
đầu!
- Từ ngoài du thuyền muốn vào thăm đảo Santorini phải dùng thuyền
nhỏ. Mỗi chiếc chở độ chừng trăm du khách. Từ ngoài khơi nhìn vào thì thành
phố xây trên đỉnh núi cao cheo leo, vách đá sừng sững, thấy muốn chóng mặt,
mỗi lần xe bus chở du khách quẹo cua hay lên dốc là tim tôi thót lại. Xe
chạy ngoằn ngoèo bên triền núi, đường rộng vừa phải, được tráng nhựa mới
tinh. Một bên là vách núi đá cao chớn chở, một bên là biển xanh rờn rợn,
du thuyền đậu rải rác chừng chục chiếc trắng xoá dưới kia, cảnh đẹp như tranh
vẽ…
Nhìn vách núi Santorini thì biết ngay đó là đảo núi lửa. Vách cao
chừng 5, 70 chục thước, pha trộn đủ màu, màu than đen, màu tro trắng xám,
màu đất sét vàng ẻo, màu đất đỏ quạnh, từng lớp, từng lớp như miếng bánh
da lợn, dầy chừng 5, 3 thước, sắp xếp chồng chất lên nhau, màu sắc tùy theo
chất liệu núi lửa khi phun ra. Tôi thấy chúng được cấu tạo như đất cát trộn
lẫn nhau, tưởng là bở bời rời, nào ngờ khi lấy tay rờ và cạy thử, thì ra
nó đã kết tinh lại và cứng như đá!
Theo cuốn The End of Atlantic của J.V. Luce in ở Anh năm 1970 được
phổ biến rộng rãi thì châu Atlantic là có thật, quanh quẩn khu vực nầy. Santorini
gồm một quần đảo, các đảo cách nhau 15-17 cây số. Chúng tạo thành một vòng
tròn nổi trên Địa Trung Hải. Nửa vùng vịnh phía Bắc bị một núi lửa cũ phun
sập vào năm 1650 Tr TL, tiêu diệt nền văn minh Minoan và châu Atlantic. Đó
là vụ phun lửa lớn nhứt trong vòng 10.000 năm trở lại. Mây khói cao tới 36
cây số, tro phủ kín các nước kế cận, lan tới cả Turkey, Egypt… Santorini
hoàn toàn bị tro núi lửa bao phủ, có lớp dầy tới 50 thước cao. Núi lửa vẫn
còn hoạt động và tiếp tục phun lửa, trận gần nhứt xảy ra năm 1950.
May là khi chúng tôi tới, núi lửa đã ngưng phun từ lâu rồi, chắc là
như vậy. Trên đỉnh là một thành phố nhỏ y như một thôn xóm, khang trang sạch
sẽ nhưng nhỏ hẹp - đi năm phút đã về chốn cũ, nhà cửa hoàn toàn được giữ
y kiểu vẻ Hy Lạp ngàn năm xưa. Nhà nhà đều hình vuông, cất dọc theo những
đường hẻm ngoằn ngoèo, lót bằng đá cẩm thạch trắng, tường nhà bằng gạch đá
trát vôi hoặc sơn trắng, khung cửa sơn màu xanh nước biển. Đặc biệt không
có mái ngói như dưới đồng bằng, mái nóc bằng bê tông đúc hình vòng cung như
miếng ngói úp nằm dọc theo chiều trước sau, nóc cũng được sơn trắng. Đôi
khi cũng có mái bằng như chiếc hộp vuông. Nhà thờ thì vòm tròn như nửa quả
địa cầu, có thập tự giá trên cao, phòng ốc cao thấp khác nhau kiểu vở xinh
xắn.. Nhìn chung cả thành phố chỉ hai màu, các khung cửa màu xanh, còn lại
tất cả màu vôi trắng xóa.
Từ xa nhìn thành phố đẹp như bức tranh học sinh lớp nhỏ vẽ chơi với
các hình vuông vuông tròn tròn, trên là núi cao, dưới là biển xanh.. Không
tìm được rác rến dơ bẩn hoặc một bức tường nứt nẻ, vụn vỡ nào. Thành phố
nho nhỏ, xinh xắn, sạch sẽ, khang trang, khá yêu kiều nhưng gần gũi, dễ thương,
ấm áp. Du khách với y phục mát mẻ đầy màu sắc, tới lui rộn rịp trên các đường
phố quanh co, trong những căn phố hay quán lều nhỏ bày bán đồ kỷ niệm. Thỉnh
thoảng có vài chiếc xe hơi hay scouter nhỏ chạy len lỏi trong đám đông, vì
đường phố ở Santorini chỉ có vài con đường nhỏ ngang qua khu phố chợ. Bận
về, xe bus không dám chở du khách vì sợ tuột dốc đứng. Chúng tôi phải xuống
bằng đường không thiết (cable-car, funiculaire), có một số người trẻ can
đảm hơn, họ chọn cách đi bằng lừa. Tôi tò mò hỏi người hướng dẫn - tại sao
không thấy một kiểu nhà mới nơi đây, thì được trả lời - thành phố có luật
bảo vệ kiểu vẻ xây cất ngàn năm trước. Khi nào nhà cửa bị hư hao cần phải
xây cất lại hay sửa chữa thì phải theo kiểu y như cũ, không được làm khác.
Tối hôm đó chúng tôi trở về Athens và sáng sớm lên đường đi Delphi,
thời gian di chuyển chừng độ 3, 4 giờ xe. Delphi nằm trền sườn núi Parnassos,
dọc đường du khách thấy được những rừng cây ô -liu và cây trắc bá (cypress)
xanh mướt ngút ngàn. Khi lên lưng chừng đỉnh núi thì nhìn thấy cả một vùng
biển trời rộng trải ra xanh biếc, rặng núi Poloponnese cao vút, vách đá thẳng
đứng vây quanh. Núi và biển chen lấn nhau khoe nét hùng vĩ trong vịnh Corinthian
Gulf, tưởng như trong trời đất bao la nầy, không còn chỗ nào đẹp hơn nữa.
Bên trong di tích hoang tàn, có một cục đá to, cao ngang đầu người đứng,
được tạc hình như cái bánh ít tròn, đặt trên một bệ vuông, người hướng dẫn
chỉ chỗ núm nhọn nhô lên nói - chỗ nầy là trung tâm của Trái Đất!
Tôi đứng nhìn bao quát, cảnh tượng thật hùng vĩ. Người xưa thiệt là
có lý khi nói nơi đây là - cái rún của trái đất (the navel of the Earth).
Điện thờ thần Apollo to lớn sừng sững, lưng dựa vào vách núi, phía sau là
dãy núi cao chất ngất bao quanh hình vòng cung, như cái ngai, trước mặt là
biển xanh bát ngát… có dăm ba đảo nhỏ xinh xắn rải rác trước mặt. Theo phong
thủy Trung Hoa thì vị trí điện thờ thần Apollo quả chọn đúng nơi long bàn
hổ huyệt. Hơn hai ngàn năm trước, tại đây thần Apollo được thờ cúng trọng
thể và nữ tu Pythia nổi tiếng với các lời sấm truyền như - Oedipe giết cha,
lấy mẹ, - tượng thần Rhodes sẽ sụp đổ sau 800 năm…
Con đường thiêng liêng uốn lượn từ dưới đi lên tới đền thờ thần Apollo,
với những kho báu nằm hai bên ven, tức là những ngôi miếu nho nhỏ dùng để
đồ tế lễ. Mỗi cây cột đền Apollo lớn lắm, chừng độ 4 người ôm mới hết một
vòng, tất cả bị động đất khiến đổ nát, chỉ còn 6 cột còn đứng vững mà thôi.
Các cột ở Athens, ở bán đảo Sounion (đền thờ thần biển cả Poseidon), ở Ephesus,…
đều nhỏ hơn nơi đây. Phía trên đền có một nhà hát, một sân vận động và một
đấu trường gần suối Castalic, tất cả đều phục vụ cho các cuộc thi đấu Pythian
toàn Hy Lạp. Phía bên kia suối là thánh đường Athéna Pronaia mà toà nhà nổi
tiếng nhất là nhà tròn bằng cẩm thạch Tholos xây dựng đầu thế kỷ 4 Tr TL.
Số lượng du khách lai vãng nơi đây quá đông đảo nên ban khảo cổ sợ làm hư
hao các phiến đá lót đường, nên vạch ra lối đi khác vòng quanh di tích. Chu
vi rộng lớn của những di tích nầy cho thấy tầm quan trọng của tôn giáo và
chánh trị nơi đây vào thời cực thịnh thuộc thế kỷ thứ 6 Tr TL. Delphi thực
sự là trung tâm tôn giáo của thế giới cổ Hy Lạp.
Cũng nơi đây tôi mới biết được sự khác biệt của cây thông đực và cái.
Cột cũng có cột âm cột dương, té ra quan niệm người Hy Lạp cũng giống người
Trung Hoa, họ ưa phân biệt âm - dương, nóng - lạnh, sáng - tối, đực - cái…
biết đâu ngàn xưa hai xứ đã từng có giao lưu văn hóa nhau hoặc chung một
cội nguồn. Trên đường về xe, chúng tôi đi ngang qua một tấm bảng có hình
vẽ khu di tích lịch sử ngàn năm với một hàng chữ lớn của cơ quan Unesco xác
nhận - nơi đây là cái nôi của nền văn minh nhân loại.
Phía dưới khu đền Apollo có một bảo tàng viện mới xây, chưng bày các
đồ vật của di tích đền Delphi tìm được. Trong đó có tượng con Sphinx cao
lớn gần đụng nóc trần, là một con thú có cánh, đầu đàn bà, thân sư tử, ưa
hỏi các nạn nhân các câu hỏi khó, nếu ai đáp trật sẽ bị ăn thịt, chỉ có Oedipe
là đáp trúng, vì thua cuộc nó tự lao mình xuống vực sâu mà chết; tượng người
đánh xe bằng đồng nổi tiếng, đường nét điêu khắc tuyệt hảo với từng nếp áo,
từng nét nhăn của khuôn mặt và xuất sắc nhứt là ánh mắt nhìn… (The Bronze
statue of the Charioteer)
Về nhà vài ba tháng sau, trong đầu tôi còn đầy những hình ảnh thần
Zeus, Athena, Poseidon, Artemis, Apollo, Hermes, Hercules… các hiền triết
Hippocrate, Aristote, Pythagore, Démocrite, Archimède, Euclide.. ngây ngất
và nhớ Hy Lạp, bèn vào thư viện mượn các tài liệu, phim ảnh, sách báo viết
về nước nầy để hiểu cho tường tận hơn những gì mình đã học, đã thấy, đã nghe
và đã biết. Một bữa tình cờ có đứa cháu nhân coi phim bộ Đại Hàn chợt hỏi
- bác ơi, thành phố Nhã Điển là thành phố gì và biển Ái Cầm là biển gì, nghe
lạ quá, con không biết?
Câu hỏi khiến tôi nhớ lại chuyến đi vừa qua và thấy vui vui. Người
Trung Hoa phiên âm các địa danh đó bằng tiếng Quan Thoại giọng Bắc Kinh hiện
tại, rồi người Việt mình đọc phiên âm đó bằng chữ Nho, cũng là tiếng Quan
Thoại nhưng rất xưa thời Mã Viện đời Hán, sau đó đời Đường, gần 2000 năm
trước, nên nghe lạ tai là phải. Thiệt ra không có gì là khó hiểu, để ý một
chút là thấy - Nhã Điển là thành phố Athens và Ái Cầm là biển Aegean của
Hy Lạp. Còn Hy Lạp là họ phiên âm từ chữ Hellas, danh xưng đất nước của Greece.
Võ Kỳ Điền
(Hy Lạp 02 June /2005 có bổ túc và sửa chữa)