HOA NẮNG SÂN TRƯỜNG

Nguyễn Kim Nên
Viết cho A2 khóa 9, cám ơn Nga, Thúy, K. Oanh.
 


Nó ngồi thu mình trên một góc giường, nhăn nheo đôi mắt nó đọc ngấu nghiến tập bích báo mà người bạn vừa đi Việt Nam về gởi cho nó. Mắt nó bây giờ yếu kém lắm, nhất là sau một ngày làm việc mệt mõi, cũng may là nhờ có cặp kiếng lão chứ không thì nó chẳng khác chi người mù. Mới ngày nào mỗi lần Má nó may vá thì thường nhờ nó xỏ kim, vậy mà bây giờ nó lại nhờ con gái nó xỏ kim dùm, còn Má nó thì đã mất lâu rồi. Nó thở dài… thời gian ôi là thời gian… nó hối tiếc ngậm ngùi. Nó không hiểu tại sao cả cuộc đời nó là những nhớ nhung, ray rứt về một quê hương bỏ lại. Ai cũng bảo nó hoạt bát, lanh lẹ, vui vẻ nhưng ai nào biết nó sinh vào tháng bảy “Bắc Giải” là con cua  ngoài vỏ thì cứng cỏi nhưng ẩn dấu bên trong một tâm hồn trầm tư, nhậy cảm. Có chuyện phải khóc mà nó không khóc, vậy mà mỗi độ mùa thu về nó lại dễ dàng xúc động khi nhìn chiếc lá vàng bay.

Cầm trong tay tờ bích báo năm nào mà người bạn gái đã nhiệt tình in lại và gởi tặng. Nó vội vã lật từng trang báo, tìm kiếm như một kẻ đói ăn, mà nó đói ăn thật những món ăn tinh thần mà nó đã dại khờ đánh mất từ lâu. Màu vàng nâu nghèo nàn của tờ giấy gợi nhớ năm nào đi học bị bà giám thị cầm tờ giấy nộp bài thi của nó giơ cao cho cả lớp xem, và bà quở trách là tờ giấy nộp bài thi màu vàng nâu mà lại có cái lỗ rách là thiếu kính trọng. Nó cảm thấy xấu hổ với bạn bè vô cùng, thật tội nghiệp cho nó vì muốn tiếc kiệm nên nó mua tập vở rẻ tiền. Còn cái lỗ rách là vì nó quá vội vàng hơi mạnh tay khi giựt miếng giấy ra khỏi hai cọng kẽm nhỏ, chứ bảo nó thiếu kính trọng thì thật là oan ức.

Tờ bích báo Hoa Nắng là cả khung trời kỷ niệm, thiên đường của tuổi học trò. Ngày ấy dáng nó cao cao, gầy gầy, tóc mây xõa dài dưới đôi mắt của cô Mỹ Hạnh nên cô chọn nó làm nàng Hạ, để rồi bốn mươi mấy năm sau nó vẫn không tìm ra cái nét nàng Hạ ở trong nó. À đây rồi, nó tìm được vài bài viết của nó với bút hiệu “Thương Hoài”. Nó tự hỏi sao là “Thương Hoài” nó cố moi móc cái trí óc già nua hay quên của nó nhưng không tìm ra câu trả lời. Trong cuộc đời thăng trầm của nó, cho đi nhiều hơn nhận lãnh, thì cái bút hiệu “Thương Hoài” có phải chăng là hành trang nó mang theo trong chuyến xe đời.

Bỏ học lấy chồng sớm nó hội nhập đời sống mới, bên cạnh những người trai trẻ với nét mặt thật là thư sinh, chưa hưởng được một giây phút thanh bình trong thời đất nước chiến tranh, để trở thành những người lính trẻ bỏ lại sau lưng khung trời hoa mộng yêu thương. Nó bùi ngùi nhớ có lần nghe tâm sự của một người bạn học kể rằng: “Năm lên lớp 12 thì lớp anh chỉ còn vỏn vẹn không hơn 10 đứa” làm nó buồn mấy ngày… cứ nghĩ đến mà thương quá đi thôi. Những khuôn mặt của những bạn trai học cùng chung một trường mà nó chưa một lần nói chuyện vẫn còn vương vấn đâu đây. Trường Nam Trịnh Hoài Đức  mùa Hè nắng nóng dưới mái nhà tôn nơi để dựng xe đạp, một đám con trai chen chút nhau, đứng ngồi xem mấy đứa con gái múa hát. Làm sao tìm lại được những ánh mắt ngây thơ, những hình dáng năm nào quấn quít bên nhau. Tuổi trẻ của nó ngoài giờ học thường vui chơi với những sinh hoạt lành mạnh, đơn sơ, mộc mạc tràn đầy tình bạn, thương thay tuổi trẻ đời nay vật chất dư thừa vẫn thấy thiếu vắng, chán buồn. Tấm hình sinh hoạt văn nghệ năm xưa vẫn ở bên nó như một kỷ vật quý báu mà những người bạn trong hình đã phiêu bạt nơi nao.

Nó chợt nhớ sân trường Nữ THĐ mùa Hè nắng ấm năm nào, thân nó gầy gầy với chiếc áo dài suông đuột, nón lá trên tay, nó đứng trên sân cỏ dưới bầu trời bao la trong xanh, vài đám mây nhẹ nhàng trôi, nó được chụp hình để làm Nàng Hạ. Nó yêu tha thiết cái sân trường nhiều kỷ niệm vui buồn, từ hành lang nhìn ra sân trường được bao bọc chung quanh ruộng lúa. Nó nhớ hoài nhất là mùa lúa lên cao che khất con đường dẫn vào trường nên thầy nào chạy xe máy dầu thì chỉ thấy có cái đầu thôi, thế là đám học trò tinh quái la ơi ới, đoán là thầy nào đang chạy xe tới, đặt tên mới cho thầy rồi cùng nhau cười ngoặc nghẽo thật là vô tư. Sân trường giờ tập thể dục nó với đám bạn cột hai tà áo dài chung nhau cho ngắn gọn, thế là  tập nhảy cao, tập nhảy nằm theo hình lăng trụ. Cũng sân trường nầy có lần đám học trò và nó kinh hoàng, sợ hãi bò lăng bò càng … Tiếng súng nổ… Người lính trẻ nằm xuống. Nhìn tà áo trắng nhuộm màu xanh của cỏ nó đã bật khóc thương tiếc cho một người không quen biết. Tuổi thơ của nó là  những ánh mắt, những khuôn mặt, những tâm hồn ngây thơ vô tội. Tuổi già của nó chứa đầy những ưu tư, khoắc khoải, bất lực, tuyệt vọng, chán chường. Dù anh thắng nó thua, dù anh ở nó đi, nhưng sân trường Hoa Nắng vẫn là của nó.