Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, người Bến Thế

 

(Kim Hương sưu tầm)


Giới thiệu:

 

Dưới thời thuộc Pháp năm 1901, thực dân Pháp cho mở trường dạy nghề Mỹ nghệ gọi là Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Thủ Dầu Một, để phục vụ công tác khai phá thuộc địa. Từ đó, nghề thủ công mỹ nghệ có thêm đội ngũ thợ lành nghề được đào tạo chính quy, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của các nghề thủ công cổ truyền ở Thủ Dầu Một. Trường chuyên tâm vào việc tạo dựng những đồ trang trí bằng gỗ, như giường, tủ, bàn, ghế...

Ngay khi trường mới mở đã có 40 học viên ghi tên học và làm việc. Một số ít đã có tay nghề trước đấy. Chương trình học gồm các môn như Gỗ, Ðiêu Khắc, Khảm Xà Cừ , Ðúc Ðồng.

Ba của Chị Cảnh, Chị Yên, anh Tâm đã tốt nghiệp Trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một và có hãng sơn mài Cảnh An đã có nhiều lần triển lãm tranh sơn mài tại Sài Gòn trong thập niên 50 và sản phẩm được người nước ngoài khen ngợi và mua đem về nước rất nhiều.

Tôi xin gởi đến quý anh chị loạt bài về:

 

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, con Út của Thầy Tư Thuốc Bắc người Bến Thế mà các bài trước tôi có nhắc qua.


- Sinh tại làng Tân An Xã, Thủ Dầu Một năm 1942.

 - Tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ Bình Dương 1960.
- Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1964.
- Từng là giáo sư trường Mỹ Nghệ Bình Dương và Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn trước năm 1975

GIẢI THƯỞNG:

- Huy chương bạc cuộc thi Mỹ Thuật do ESSO tổ chức năm 1960.
- 1990: Giải nhì cuộc thi Mỹ Thuật Quốc Gia, bộ sưu tập được chọn trưng bày tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội và Bảo Tàng Sài Gòn.

TRIỂN LÃM:

- 1963 – 1974: Tham dự các đợt triển lãm hàng năm tại Hội Họa Sĩ trẻ.
- 1972: Triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại ALLIANCE FRANCAISE SAIGON
- 1992: Tham gia triển lãm ASIAN MASTER GALLERY BHD, “ART &MATERIALS’92” tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Quốc Gia Singapore.
- 1993: Tham gia đợt triển lãm “ NEW SPACE” cùng các họa sĩ Việt Nam và Singapore
- 1994: Triển lãm tại LE SPACE JACQUES PREVERT Pháp, tại đại sảnh Thành phố Dunkerque Pháp, Phòng tranh Bellin Pháp, “ASIAN-VIETNAM INTERNATIONAL MODER ART” Sài gòn.
- 1996: Tại viện Bảo Tàng FUJITA VENTE Nhật Bản, giải nhì cuộc thi “Asian – Vietnam Internationnal Moder Art” Sài gòn
- 2000: Tham gia đợt triển lãm của viện Bảo Tàng Việt Nam tại Golden Colorado, trung tâm văn hóa Châu Á Oakland, bang California, Mỹ.
- 2001: Mỹ Thuật Việt Nam – Nhật Bản tại viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Sài Gòn.
- 2002: Tham gia vào đợt triển lãm “EPIC” tại phòng trưng bày Gajah , Singapore .
- 2005: Triển lãm nhóm tại phòng tranh Vanessa Link, Jakarta , Indonesia .
- 2006: Triển lãm nhóm tại phòng tranh Brigitte Mỹ.
- 2009: Triển lãm nhóm cùng với Lê Thanh – La Hon – Đỗ Duy Tuấn – Trịnh Thanh Tùng tại Phương Mai Gallery, Sài Gòn.


Hoạ Sĩ Hồ Hữu Thủ và bức Tượng bằng đồng của nhà thơ Trần Dần (do Họa Sĩ Thủ đúc) ở tại Nhà của
Họa Sĩ Thủ trong làng Nghệ Nhân Hàm Long Quận 2, Sài Gòn.                                  

*****

 

Phỏng Vấn Họa Sĩ Hồ Hữu Thủ

Phan Hoàng thực hiện

Nổi danh trong làng hội họa Sài Gòn từ trước năm 1975, đến nay họa sĩ Hồ Hữu Thủ vẫn rất sung sức trong sáng tạo bằng một “Tâm thức thiền”. Đặc biệt, ông đạt nhiều thành tựu về tranh sơn mài trừu tượng, chinh phục cả những người thưởng ngoạn khó tính trong và ngoài nước. Dù đã nhiều lần gặp gỡ và xem tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ từ hơn 15 năm trước, nhưng đến bây giờ tôi mới có dịp thực hiện cuộc phỏng vấn ông tại phòng tranh. Trong thời tiết lành lạnh của một chiều cuối năm, thật thích thú khi tôi vừa được trò chuyện vừa chiêm ngắm những bức tranh sơn mài nổi tiếng của ông. Dường như thế giới trừu tượng trong những bức tranh sơn mài kia cũng thổn thức, cũng muốn “bay” vào cuộc đối thoại hào hứng giữa chúng tôi.

*Thưa họa sĩ, được xem những bức tranh mới vẽ của ông, với một sức sáng tạo đáng nể, tôi có cảm giác Hồ Hữu Thủ cũng như nhiều họa sĩ thế hệ ông không hề có ý niệm về thời gian, tuổi tác?
- Còn sức khỏe là tôi còn sáng tạo. Đúng là ngay cả các bạn trẻ trong nghề cũng phải ngán. Nhưng như vậy tôi vẫn thấy chưa đủ. Đã thành thói quen, bình thường cứ mỗi sáng sau khi uống cà phê xong là tôi về lao vào giá vẽ. Cảm hứng đến trong quá trình sáng tạo. Tôi không bao giờ chờ đợi cảm hứng.
*Con đường riêng của ông khởi đầu có gì đặc biệt? Và ông có học hỏi từ những bậc thầy hội họa nào không?
- Hồi trẻ tôi vốn rất mê đọc và nghiên cứu sách văn học, triết học, mỹ học, tôn giáo từ Đông sang Tây. Nhờ đó tôi tự “du nhập” cho mình kiến thức của nhiều trường phái: ấn tượng, trừu tượng, siêu thực,… một cách tự nhiên. Tôi đặc biệt thích tranh của Paul Goguin vì nó thể hiện được những gì sâu kín nhất của tâm hồn, gần với tinh thần Á Đông, khác với tranh của Pablo Picasso vẽ lập thể. Có lúc tôi chịu ảnh hưởng tranh của các bậc thầy trên, cả Paul Cezane nữa, nhưng khi phát hiện ra tôi liền bỏ ngay để tìm hướng đi cho riêng mình. Con đường hội họa của tôi được hình thành từ quá trình tự lớn lên.
* Khoảng hai năm trước, họa sĩ cùng thế hệ ông ở Sài gòn là Trịnh Cung tung lên mạng bài viết cho rằng họa sĩ Hồ Hữu Thủ và họa sĩ Việt kiều Lâm Triết là bảo thủ, lực cản của hội họa Việt Nam hiện đại ngoài giá vẽ ( sắp đặt, trình diễn). Ông nghĩ sao?
***
Tôi không muốn tranh luận, nhưng anh hỏi thì tôi phải trả lời. Tôi nghĩ mình không bảo thủ, cũng không cản trở ai hết. Tôi luôn nghĩ đến cái mới, khuyến khích các bạn trẻ làm cái mới, nhưng tác phẩm phải đẹp và rung động lòng người chứ không phải chỉ dừng ở cái lạ không mỹ cảm hoặc đánh đố, lừa bịp người thưởng ngoạn. Tôi không thích kiểu hội họa chỉ bày đủ trò lỗi thời rác rưởi cũng như thơ ca bắt chước thứ dâm đãng, nhục dục phản lại tính nhân bản.
* Ông thấy tuổi trẻ thế hệ mình có gì khác biệt với thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay?

Thời trẻ tôi cũng ham nhiều ý tưởng, triết lý, màu sắc. Mà tuổi trẻ nào cũng phải vượt qua giai đoạn ấy. Có điều tôi thấy các bạn trẻ bây giờ ít chịu khó đọc và nghiên cứu. Mà như vậy chẳng khác nào con ngựa bị bịt mắt. Do đó, họ thường rơi vào bế tắc, không có nhận thức nắm bắt đời sống, không có con đường sáng tạo riêng mà chỉ thấy cái gì lạ là chộp lấy dù những thứ ấy ở phương tây người ta đã có từ lâu rồi.
* Nghĩa là theo ông những gì giới họa sĩ trẻ nước ta đang làm ào ạt như nghệ thuật sắp đặt, trình diễn…là thất bại?
Tôi cho là gần đúng như vậy. Việc thiếu một nền tảng văn hóa cơ bản không chỉ riêng ở giới trẻ Việt Nam , mà còn là hiện tượng chung của thế giới phương Tây. Đây là sự bế tắc về nhân sinh quan. Phương Tây có nền khoa học kỹ thuật phát triển đỉnh cao đã giải quyết được vấn đề nhu cầu vật chất của con người, nhưng chưa giải quyết được vấn đề tinh thần, nhu cầu đời sống tâm linh. Điều đó dẫn đến sự không hài hòa, không cân xứng trong cuộc sống. Thế giới phương Tây vốn có sẵn những tôn giáo lớn và họ cứ tưởng như vậy là có thể giải quyết được vấn đề tinh thần của con người, nhưng không biết vô tình đã biến con người thành những tín đồ giáo điều, nô lệ cho một đấng tối cao nào đó.
Sự phóng chiếu của tâm trí con người như kiến thức, hiểu biết, quá khứ vào tác phẩm là không có gì mới, là sáng tạo. Tuổi trẻ Việt Nam không nhận thức được vấn đề ấy, cứ thấy cái gì nảy sinh từ phương Tây đều cho rằng đó là nhu cầu thực sự nên bị thất bại. Mà không chỉ phần đông họa sĩ trẻ, kể cả một số người lớn cũng sa vào lối tư duy như vậy.

* Ông cho rằng họa sĩ trẻ bây giờ đang gặp bế tắc. Vậy thì theo ông có cách nào tháo gỡ sự bế tắc ấy?
Con người không chỉ sống bằng vật chất mà còn có nhu cầu về tinh thần, biết thưởng ngoạn nghệ thuật, tôi gọi chung đó là tâm thức. Vừa thỏa mãn kiến thức vừa thỏa mãn tâm thức thì con người mới cân bằng. Đối với người nghệ sĩ, nền tảng của sự sáng tạo không phải từ kiến thức mà là tâm thức. Kiến thức chỉ là mớ rác đọng lại của quá khứ. Chúng ta có thói quen sống với quá khứ kéo dài hàng ngàn năm không thay đổi. Kiến thức có giới hạn. Kho tàng tâm thức vô hạn trong mỗi con người mới là cội nguồn của sự sáng tạo. Khi nghệ sĩ cố tình sử dụng kiến thức thì tâm thức sẽ bị chìm đi. Ngược lại, khi nghệ sĩ sáng tạo bằng trực nghiệm của tâm thức thì kiến thức sẽ bị hóa giải. Tất cả nền văn hóa nhân loại đều bắt nguồn từ tâm thức. Người nghệ sĩ moi cái thần để thể hiện qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh…làm cho tâm hồn mình lẫn người thưởng ngoại cảm thấy sảng khoái, hạnh phúc. Khi đó người nghệ sĩ mới đạt được mục đích.
* Đối với người thưởng thức nghệ thuật , theo ông cần phải sử dụng kiến thức hay tâm thức?
Người thưởng ngoạn cũng phải dùng tâm thức khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật. Có như vậy mới cảm nhận được vẻ đẹp toát ra từ tác phẩm.
* Bằng kinh nghiệm bản thân, ông có thể cho biết cụ thể sự vận động của tâm thức mình trong quá trình sáng tạo?
Tâm thức giống như dòng chảy tuôn trào, không chấm dứt. Lúc vẽ tôi vô tri, không dùng ý tưởng, không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ khi đã hoàn thành, tôi mới dùng kiến thức để hoàn chỉnh thêm bức tranh. Nhiều lúc tôi ngồi vẽ thì trong đầu kiến thức mách bảo cái này đẹp cái kia đẹp, tôi dứt khoát từ chối hoặc bỏ dở bức tranh đứng dậy. Điều nguy hiểm nhất là mình bị ý tưởng khống chế, chi phối, muốn làm chủ. Ý tưởng chỉ rải rác trong đầu. Có người cứ biểu diễn hiện tượng các trường phái mới của phương Tây như sắp đặt trình diễn,… đều bắt nguồn từ ý tưởng, nói chung là từ đống rác của quá khứ. Đó là phản sáng tạo. Sáng tạo là phải sinh ra một cái hữu thể chưa có ở trên đời này. Sáng tạo như một đóa hoa đang nở, mới và đẹp.
* Tranh của ông từ sơn dầu đến sơn mài thường vẽ trừu tượng hoặc siêu thực. Nhưng có vẻ ông thiên về trừu tượng hơn?
Tôi chọn trừu tượng để phóng chiếm tâm thức của mình ra, tìm cái đẹp, cái chân thiện. Còn tranh siêu thực với tôi chỉ để giải trí.

Thưa họa sĩ, ông từng đưa tranh đi triển lãm nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, từ đó chắc ông có cái nhìn nhận riêng về nghệ thuật hội họa nước mình?
Nghệ thuật Việt Nam phong phú và có truyền thống từ lâu đời hơn tất cả các nước Đông Nam Á. Thế giới đánh giá cao hội họa Việt Nam . Dân tộc ta vốn có bản chất lãng mạn, lại sớm học được kỹ thuật tiên tiến của châu Âu để thể hiện tâm hồn Việt, tính cách Việt. Tôi nghĩ hội họa Việt Nam có khả năng đại diện cho châu Á trên trường quốc tế.
* Với riêng giới hội họa Sài Gòn, ông trân trọng những ai?
Ờ Sài Gòn, hội họa có nhiều phong cách, qui tụ nhiều tài năng. Bậc thầy Nguyễn Gia Trí là tài năng lớn của Việt Nam . Tôi cũng trân trọng tranh của các anh Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Thái Tuấn, Đinh Cường,…Giới trẻ thì có Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình,…Đối với các bậc tiền bối phía Bắc, tôi thích tranh của các họa sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh…
* Trên đây ông có nói bản chất dân tộc Việt lãng mạn, nghĩa là thế nào?
Người Việt bản chất lãng mạn, thơ mộng, ai cũng có thể làm thơ được. Điều đó gần gũi với tâm thức sáng tạo. Hồi nhỏ thích đọc Tự lực văn đoàn nên tôi nghĩ làm một bài văn phải có đầy đủ hình ảnh, màu sắc, thiên nhiên. Và tôi đã làm một bài văn rất hay đến các thầy giáo cũng phải nghĩ chắc tôi cóp của ai. Nhờ đó tôi bắt đầu có tư duy làm nghệ thuật.
* Trong thời buổi đời sống vật chất đang lấn át như hiện nay, liệu bản tính thơ mộng của người Việt có giảm đi?
Không phải bây giờ mà từ lâu, do một số sai lầm về nghệ thuật, bản chất lãng mạn của người Việt bị suy giảm. Tệ hơn nó còn làm cho khả năng sáng tạo của con em kém phát triển. Học vẹt, học để trả bài lại cho thầy cô. Đào tạo ra những con người máy móc, rập khuôn. Chúng ta sản sinh ra con người chứ không phải sản xuất ra công cụ. Giáo dục của chúng ta gặp nhiều thất bại.
* Từng có dư luận trên báo chí rằng họa sĩ Hồ Hữu Thủ tự đấu tranh mình để lập bảo tàng mỹ thuật riêng, điều này sự thật như thế nào?
Tôi đem tranh triển lãm nhiều nước, tự phát hiện rằng tại sao mình lại đem tinh hoa cho người ta xem. Trong khi người Nhật chẳng hạn, muốn thuê một bức tranh của danh họa Châu Âu đưa về nước cho công chúng thưởng ngoạn phải tiêu tốn hàng vài triệu đôla cho tiền bảo hiểm, vận chuyển bằng chuyên cơ đặc biệt. Vì vậy tôi muốn giữ lại những bức tranh ưng ý, nhất là tranh sơn mài trừu tượng để làm một bảo tàng mỹ thuật tư nhân riêng để phục vụ cho nhân dân mình, còn người nước ngoài nếu ai thích thì bỏ tiền mua vé máy bay sang xem.
* Càng tiếp xúc với ông càng thấy tinh thần dân tộc của họa sĩ Hồ Hữu Thủ thật mạnh mẽ.
Mấy hôm nay theo dõi thời sự, tôi đang hết sức căm giận Trung Quốc luôn muốn xâm lăng nước mình. Chuyện phản ứng người dân, trong đó có tri thức văn nghệ sĩ về Hoàng Sa và Trường Sa chính là lòng yêu nước nhiệt thành của người Việt.

***Là một họa sỹ tài năng, Hồ Hữu Thủ còn là một tri thức yêu nước, một nhân cách sống đáng quí trọng. Tâm huyết với sáng tạo nghệ thuật. Tự hào và day dứt về bản sắc văn hóa dân tộc. không khoan nhượng với sự giả tạo, trò lừa bịp hư danh. Một cách giản dị và thuyết phục. Hồ Hữu Thủ đã có vị trí xứng đáng trong nền hội họa đương đại Việt Nam

Một vài nhận xét của Nguyễn Viện về Họa Sĩ Hồ Hữu Thủ:

 

HỒ HỮU THỦ - MỘT MỸ CẢM SIÊU THOÁT

Nguyễn Viện

 

Thấm nhuần tinh thần phật giáo với một tâm thế hòa bình, Hồ Hữu Thủ đã hóa giải được mọi xung động bên trong cũng như ngoài để chỉ còn là một tâm hồn thuần phác và mẫn cảm trước cái đẹp. Bởi thế tranh của Hồ Hữu Thủ đa sắc, giàu nhịp điệu nhưng vẫn toát ra một niềm dịu dàng và thơ mộng.


Hồ Hữu Thủ đã từng nói: “Hội họa là một trò chơi của một tâm hồn vắng lặng đầy sự thật và được biểu hiện qua những ẩn ngữ của mọi người đang có, đang khao khát, thứ dấu ấn tinh khiết vụt mở ra làm ta ngạc nhiên trong say đắm”.

Hồ Hữu Thủ là người hoàn toàn lý giải được những điều mình vẽ. Ý thức được công việc trong lúc sang tạo, nhưng ông không bị mắc mứu vào các ý tưởng của mình. Do đó, một ý tưởng đến từ bên ngoài hoặc xảy ra từ trong đầu thì cũng chẳng ăn nhập gì đến việc sáng tạo. Hai cái đó không phải là đời sống nghệ sĩ ngay cả khi anh ta đứng trước giá vẽ. Bị ép buộc lệ thuộc vào một ý tưởng có trước thì tác phẩm sẽ không thực. Khi vẽ, tâm hồn người họa sĩ sẽ hoàn toàn khác với cái ý định của anh ta trước đó. Nó là một thực tại tự do có khả năng sản sinh ra những ý tưởng hoàn toàn mới.

Điều ấy không đối lập với tính chuyên nghiệp của một họa sĩ bởi tính chuyên nghiệp không bắt đầu từ những logic, hệ thống kiến thức. Tính chuyên nghiệp không phải là tính bài bản. Sáng tạo bắt nguồn ở sự vượt qua, sự chối bỏ cái có trước.

Hồ Hữu Thủ vẽ cả tranh có hình lẫn trừu tượng. Ông cho biết: “Nghệ thuật có hình với tôi như một sự giải tỏa tâm hồn. Nó không gắn chặt với hiện thực xã hội, mà được nâng lên một tầng khác không cần ý nghĩa. Với tôi, cái cần đạt tới là mỹ cảm siêu thoát, thăng hoa. Còn trừu tượng, nó là sự thật của tâm hồn. Kỹ thuật chỉ là phương pháp để hoàn thiện sự sáng tạo của mình. Nghệ thuật với tôi nó là thuần túy”.

Một đóng góp không nhỏ của Hồ Hữu Thủ với sự phát triển của sơn mài cũng cần được ghi nhận. Thời kỳ Mỹ Thuật Đông Dương trước 1945, các họa sĩ như: Nguyễn Gia Trí, Hoàng Đích Chủ đã có công lớn trong việc biến sơn mài từ hàng thủ công mỹ nghệ trở thành những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Theo truyền thống đó, một tác phẩm sơn mài đều được mài hết, để được gọi đúng là sơn mài. Sau 1975, Hồ Hữu Thủ cũng như nhiều họa sĩ khác đã ngả hẳn về sơn mài. Ông khám phá trong sơn mài hoàn toàn có thể phát triển theo hướng nghệ thuật hiện đại, nghĩa là không nhất thiết phải mài hết mà có thể chừa lại những chỗ mình thích, hoặc đắp nối bằng bố hay chất liệu khác trên tác phẩm sơn mài, hiệu quả nghệ thuật không thua gì các chất liệu khác như sơn dầu chẳng hạn. Phương pháp này cũng đã có một số họa sĩ làm theo. Từ thành tựu đó, Hồ Hữu Thủ cũng đã mạnh miệng đề nghị nên thay đổi thuật ngữ sơn mài bằng “Sơn ta” hoặc “Sơn Phú Thọ”.


Với Sen trắng của Hồ Hữu Thủ

 
Phương Ngạn

Nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự tàn lụi của cái đẹp trước thời gian? Cơn ám thị nhì nhằng về sự vĩnh cửu không có thật? Phút thăng hoa của ý thức bền bĩ về Chân – Thiện – Mỹ? Sự bồng bột của cảm xúc khi trở về, đối diện và lắng nghe âm thanh của tự thể, của tâm thức?... Có không ít những dấu hỏi nép mình sau toan vải, màu sắc và nhân diện có cái tên "Sen trắng" của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ.

Những câu hỏi được phơi trần dưới sương sớm nắng chiều cùng những bông hoa tinh khôi đang dần đi vào cõi chết bằng vũ điệu luân hồi trên từng sát-na dâng hiến sự sống. Và đâu đó trong lan man khói sương mơ hồ cuộc đời này, người nghệ sĩ như một hành giả miên man lời truyền tụng bất tận về ngày sắp tới, về bóng dáng, hình hài nguyên sơ của một mối tình, đơn sơ như chính phút giây đang sống, yêu và phôi thai ý niệm vô thường…

Mười sáu đoá hoa sen, một con số có tính ẩn dụ nhằm ám chỉ về quãng thời gian tuổi hoa tươi đẹp, tinh khôi và viên mãn của đời người? Hay đó là sự ngẫu nhiên của khoảnh khắc giao thoa giữa ý thức và linh cảm? Cũng có thể mọi câu hỏi đều có lý, nhưng yếu tính của đối tượng không nằm trong câu hỏi mà ở ngay trong vô thức của nó. Mười sáu bông sen trắng, hồng, phớt trên nền không gian xanh xám, ánh sáng huyễn ảo đã tạo ra ấn tượng về sự bất toàn của tạo hoá, sự không cân xứng giữa cái toàn mỹ chân như và cái phù du hữu hạn.

"Sen trắng" của hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ

Người đàn bà trong tranh vừa có nét trong sáng của một thiếu nữ với gương mặt thơ ngây nhưng đồng thời vừa có nét u uẩn, bí ẩn của một thiếu phụ với đôi mắt xa xăm và buồn hoang hoãi. Nàng được mô tả như một bông sen thoát thai từ nguồn cội sự sống.

Vẻ mong manh, yếu đuối, tinh khiết của nàng dường như hàm ẩn bóng đêm – nơi khai thị của vĩnh hằng và độc sáng. Với đôi vú không còn săn mọng, khoé môi lạnh và bờ vai buông xuôi, nàng đã nói lên tất cả nỗi khổ luỵ, yếu đuối của mình, ngay đầu đời, tuổi 16. Và nàng cũng là một đoá sen trắng trên khóm sen hồng phớt mà người nghệ sĩ đã miêu tả bằng cái nhìn kính ngưỡng và cảm thông, nét vẽ siêu thoát, mềm mại, bố cục tĩnh, sắc độ vừa đủ mạnh, vừa đủ mềm để chuyển tải sự bí ẩn của đời sống…

Mảnh trăng khuyết được đặt ngay điểm thấu thị như một dự cảm không yên lành đang quấn lấy những bông hoa (trong đó có người đàn bà) và phía sau chủ thể là cụm đối tượng không cho dấu hiệu nhận biết về bản tính ẩn dụ, về một quá khứ hay tiền kiếp nào đó không thân thuộc càng nhấn mạnh cảm giác mênh mông, vô định của hiện hữu.

Sự kết hợp, phối ngẫu nhịp nhàng, nhuần nhuỵ giữa những gam màu nóng – lạnh, sáng – tối, trầm – nhã, giữa những đường nét, mảng, khối đã hé mở mâu thuẫn trong cái nhìn tưởng chừng như thanh thoát vô ưu nhưng đầy trắc ẩn và suy tư của người nghệ sĩ khi suy tưởng về vẻ đẹp thoát tục trước đời sống trần luỵ. Gợi lên mối cảm hoài nhân sinh về tồn vong miên viễn…

Điểm nhấn đặc biệt (và có thể nói rằng đây là gợi mở đượm màu phồn thực hiếm hoi trong lối vẽ của Hồ Hữu Thủ) chính là vệt tối dưới bụng, giữa hai đùi người đàn bà. Nó phát biểu đầy đủ, trọn vẹn sự viên dung giữa cái đẹp thuần khiết và nhục thể, sự thoát tục và trần thế. Nó không cho thấy mối dây nhị nguyên, phân biệt giữa thanh tao và tục luỵ. Đơn giản, nó là sự thăng hoa giữa thường hằng.

Và, mỗi lần "đọc" "Sen trắng", tôi lại nghĩ đến những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong ca khúc "Đoá hoa vô thường" – một tổ hợp những kí tự man man nỗi buồn của cái đẹp vĩnh cửu, sắc – không: "…từ đó em là sương, rụng mát trong bình minh…"

Tôi đã suy ngẫm về điều này không ít lần trong cuộc đời, trong những lần ngồi nhâm nhi từng giọt cà phê nơi quán vắng, trong những lần cùng người bạn thân ngồi ví von cà phê rơi như điệu vũ slow… Và Hồ Hữu Thủ đã vẽ lên điều tôi không thể diễn tả thành lời…

Vài tác phẩm của Hồ Hữu Thủ


Chân dung thiếu nữ


Tĩnh vật

 

Trừu tượng