Giây Phút Tìm Về
Lâm Quang Khải

Tuỳ bút ngắn

1. Giây Phút Tìm Về:


Bến Thế

Không phải là Bến Thế
Mới thật là
Bến … Thế đó.
Năm tôi mươi, mười hai tuổi, trưa trưa hay len lén ông già đạp xe đạp lên Tương Bình, Bến Thế chơi, và thường đi như vậy.
Khi thì từ Miểu Tử Trận đi lên Mỹ Hảo tới một ngả ba. Quẹo trái thì đến một lò đường ven sông, quẹo phải đi một đoạn ba bốn cây số, tới mộ phần của ông bà Cố .
Hoặc từ ngả cầu Ông Đành, tới Suối Giữa bên trái có hai con đường, khi thì đi con đường dưới, ẩm mùi nước mương, nước suối ; khi đi con đường trên, xung quanh cảnh khô cằn hơn. Tới một ngả ba, đi thẳng lên Phú An, quẹo trái thì tới.
Quanh quẩn bên mộ, nghe lá cây dầu già xào xạc trong làn gió , miệng thì thầm nói chuyện với bà Cố tôi. Ông Cố nằm kế bên, vì ông mất lúc tôi chưa sanh nên chưa quen với ông. Nhưng giai thoại về ngày cố mất, tôi thích nghe lắm. Nghe nói, biết trước giờ cố mất, sáng đó ông cố sai bảo người nhà, kêu bà con tụ hợp về, cố sẽ từ giả cõi đời vào lúc xế trưa, trong bụng không ai tin, nhưng vẫn làm theo lời sai bảo. Qủa xảy ra y như vậy: Cố về với tổ tiên buổi xế chiều hôm đó . Phía sau mộ phần là những rừng chồi phóng mắt nhìn tận xa xa những ngọn đồi nho nhỏ, chập chùng xem thật sướng mắt. Phía bên hông ``nhà thờ phụng`` có một cái giếng sâu và cây me già, Không hiểu tại sao lúc ấy, mặc dù còn rất nhỏ, mà tôi ước nữa chết, chỗ nằm của mình sẽ là ở dưới gốc me kia. Hai ba mươi năm sau, có một thầy địa lý nói, đó là chỗ đắc địa nhất khu đất này.
Mặt trước phần mộ con đường dẫn ra lộ, có trồng hai hàng cây dương, coi bề thế. Nhưng, ý tôi thì cho là mặt tiền phần mộ nên quay nhìn về phía sau, có tầm nhìn ra những đồi nhỏ chập chùng hay hơn. Sau này cũng do thầy địa lý nhắc trên, nói là mộ phần này được an táng phần đuôi con rùa, nên nằm thế ``tuyệt đia`` đường con cái sẽ tuyệt hậu.
Ở chơi khoảng độ cả tiếng rồi ra về. Và mãi tới lớn, rảnh rỗi hay đến đây và dạo chơi xung quanh Bến Thế, đến mộ phần sống với ông bà, đến khi rời nước ra đi.
Tục ngữ: "Sống vì mồ vì mả, chứ không ai sống vì cả bát cơm" . Ông Nội tôi lập nên mộ phần này cho cha mẹ, sau đó nội ăn nên làm ra. Từ đó Nội tin về mồ mả lắm. Số ông nội, bà con cho là may mắn, Ông nội mất, vào 26 tháng tư 1975, khỏi thấy những cảnh đau lòng ngày ấy. Rồi sau đó con cháu ly hương tứ tán khắp năm châu, có đứa thì bỏ thân xác nơi rừng sâu biển cả.
Hình như ý tưởng mộ phần mồ mã không còn chỗ đứng của thế hệ này nữa chăng ? Thôi thì người mất sẽ thác về nơi vô sở trú vậy. Trú nơi không trú, trú chỗ nào cũng vậy mà thôi.
Thôi thì hành thâm Bát nhã ba la mật đa, chiếu kiến ngũ uẩn giai không … không đất đai mồ mả, không nối dõi tông đường, không quê hương nơi đó , đạt được cứu cánh, đâu cũng là đất tổ quê hương , thế giới là nhà, trong tâm ta vậy .

Trong tam thiên đại thiên thế giới này ( vũ trụ ),
qua vô lượng vô biên kiếp,
chẳng Bến nào một kiếp đã một lần ghé qua.
và Thế , chẳng bến nào của một mình ta, trường cửu.
nay qua rồi còn lưu luyến làm chi.
nhĩ?
Bến Thế , cái địa danh đó tôi chỉ sống ``phơn phớt`` qua, không đi sâu vào làng mạc. Vậy thì, đâu phải là Bến Thế thực sự ‘’của'' tôi.
Bến, đó chỉ là cái Bến, mà một lần xưa Ông bà tôi, và tôi định nương ``gá`` hồn mình khi thân dạo chơi miền tiên cảnh…
Thế thôi.
Giờ đây để tiếp nối, hàng ngày đạp xe đạp vào Tâm tôi, để rong rũi tìm về nơi cố quận, tìm Bến đỗ nơi đâu. Xưa lần mò trong rừng chồi Bến Thế, nay thì ngõ ngách tâm tư;  mà sướng có một điều là khỏi ``len lén`` ông già`` như ngày xưa bé nhỏ.
Noel 2014.


Khu Mộ của Ông Bà Cố Lâm văn Đạo - Hà Thị Kiều ở Bến Thế
 
2. Xóm nhỏ ngày xưa : Bến Bạch Đằng (1)

Binh Dương xưa đưa ra một tấm hình, coi xong biến U 60, U 70 thành ra thằng nhỏ năm sáu tuổi. Đúng là biến hóa diệu kỳ . Nhìn cái nhà sàn xưa tưởng chừng không bao giờ thấy nữa, nay bỗng chợt hiện về. Hàng dương xưa thời gian chặt mất, lâu lắm rồi từ thuở 1954. Binh Duong xua làm cho mọc lại trong tâm tôi.
Như là đi cầu tàu hóng mát, chiều chiều khi nhà nhà cơm nước xong, hay tụ họp bên bác Hai Hiệp Thành. Ở đầu chợ trên đi xuống. Bác tư, bác năm, bác bảy Châu có dẫn con gái nhỏ theo nữa … Bên dãy phố bên nầy gia đình Ba Má và tụi tui bốn anh chị em, thêm hai vợ chồng bác Tám nhà đèn, qua. Đàn ông thì ngồi bên cánh trái của nhà, hướng nhìn ra chợ. Bàn chuyện quốc thái dân an, chuyện cô Quờn nổi ghen đốt chồng..v..v. Mấy bà và đám xây lủ cố thì ngồi bên góc phải, đám con nít chạy nhảy tung tăng. Bác Hai gái ngồi vừa ngồi chơi với khách, nói chuyện gẫu, vừa câu tôm. Thỉnh thoảng câu đươc mấy con tôm càn màu xanh mướt, cất vào nhà và tiếp tục câu.
Sinh hoạt hằng ngày đều như vậy. Có một lần, bác Tư nổi hứng xúi thằng em sáu tuổi của tôi: “ Con con, đâu con lại dở cái bùng rền ( áo đầm) của con Mỹ Hương xem nó có mặc si líp không con”. Thằng em tui làm liền, làm con nhỏ giận, te te bỏ về. Ba của bé gái là bác bảy Châu phải chạy theo con nhỏ. Cả đám cười sảng khoái.
Lúc đó thế giới bé nhỏ của tôi là cái nhà sàn này. Tạm chia thế này nha, chính giữ nhà là tiệm vàng. qua cánh phải là phòng ngủ. Cánh trái là chỗ thợ bạc làm việc và có bộ ván, tối ngủ ở đấy. Đằng sau nhà là phòng ăn và nhà bếp. Tôi thường chạy qua đây chơi, lòng vòng phòng này qua phòng nọ.
Ở nhà thì có cầu tiêu chứ, nhưng tôi lại thích qua nhà Bác Hai giải quyết đại sự . Đợi lúc buổi trưa vắng người hơn, chạy qua, xuống nhà bếp kiếm chị Mai hay dì Mười, làm bộ nói láp giáp một chút, rồi xin vô nhà cầu. Đó là một phòng, bên góc trái cuối nhà sàn vừa là nhà tắm và có khoét một lổ nhỏ 3x4 tấc để tiêu tiểu. Chỗ khoái chí tỉ của thằng nhỏ là ngồi mát đít, vì gió  từ giòng sông luồn lên mát rượi . Điểm ấn tượng là, sau khi nghe tiếng ‘’chũm’’, một bầy cá thác lác bu lại giải quyết cục nợ… Xem vui quá chừng. Sau khi hết bom đạn, tiếc cuộc vui chóng tàn, còn lấy đá hay cái gì liệng xuống nước thêm xí gạt mấy con cá cho vui. Ai nói cá thác lác ngọt thịt , lúc đó tui lại không ăn.
Bác hai trai Hiệp Thành thường hay cười híp mắt, con người vui tánh . Một lần kia, bác mua về một cái máy hát dĩa quay bằng tay để lên dây thiều, hình như lúc đó mới sáng chế. Bác để ở nhà hát cho cả xóm nghe. Tôi học thì dở , nhất là học thuộc lòng, học hoài mà không thuộc, nhưng lạ một điều là bài ca vọng cổ đầu đời này lại thuộc vanh vách ( lúc xưa) nay còn nhớ lỏm bỏm. Câu chuyện tình hai trẻ thương nhau, nhưng bị gia đình ngăn cấm:
Lời hát dạo,
Duyên trăm năm hứa hẹn rồi, anh giử lời… em đừng em quên.
Cái … Nhìn thôn trang vắng vẽ ngàn cây xanh mát mẽ, thấy vui thích trong tâm hồn điền diên
Sau vô sáu câu vọng cổ bù lon ( tiếng diễu thời ấy)
Canh một..(.quên rổi)
Bước qua canh hai anh thấy ngọn đèn vàng chờ người bạn cũ thủy chung đôi lời
Canh ba nguyệt đổi sao dời tính sao mà tính cho trọn niềm thủy chung
Canh tư cờ phất trống rung, măc ai ai tủi ai hờn mặt ai
Canh năm dựa phòng loan mõi mòn
kết:
Vì quá thương em anh mới quên câu tục ngữ tu là cõi phúc tình là dây oan.
Lúc đó và mãi tới bây giờ tôi cũng còn lảm nhảm "dô" hai ba câu.
 
3. Mùi nhớ ngất trời

Ngất trời đây là tận trời xanh, không một ý nghĩ ủy mị rên than buồn tủi. Mùi nó không tận trời xanh thì làm sao nó loang tỏa, vươn thời gian để tỏa tới ngày nay. Vươn không gian, để từ thiên đường tới địa ngục (trại tù cải tạo, trại cấm của tị nạn). Thiên đường là những ngày hoa bướm xưa nay. Tôi chẳng muốn nói những ngôn ngữ hư giã, bởi bản chất của ngôn ngữ là hàm hồ (kinh sách nói), mà thế giới ngày nay, người ta chỉ dùng vào lời nói rỗng tuếch, sáo ngữ, tôi, thêm để làm chi. Chỉ mong là , chỉ nói những lời phát tự chân tâm.
Để tiếp nhận thế giới xung quanh, tôi cảm mạnh nhất là mùi sau đó bằng nghe , âm điệu của thế gian, thấy những điều mắt thấy, những cái thấy, sâu hơn …
Trước 1954-55, Thủ Dầu Một còn dùng hệ thống cầu tiêu thùng. Dãy nhà đường Bạch Đằng phía sau có một đường hẻm, đi từ Phan Thanh Giản ra tới đường Bạch Đằng. Chúng tôi bọn nhỏ thường hay ra chơi… , ngày nay ai nghe chắc nhăn mặt. Nhờ vụ này mà sao này tù cải tạo tôi bình thản với vụ phân người, còn anh em có người ói tới mật xanh . Trong trại tị nạn, bốn năm trăm người, “làm vụ ấy” ở một bải đất lộ thiên nho nhỏ, tôi chịu được.
Trước nhà là con sông, khi nước ròng, tụi nhỏ bọn này hay lội xuống chơi, mò tìm này nọ. Mùi sình đằng chợ cá hôi cộng tanh, khác với mùi sình ngả ba BĐ/ PTG, thuí đậm mùi cống rảnh nồng nặc. Khúc ở Bungalo Đinh Bộ Lĩnh nhẹ hơn nhiều, và đây có nghe thêm mùi dầu nhớt của ty công chánh thoát ra. Và sau chót, nhà thủy tạ nhớm chút mùi sình đồng ruộng .
Người ta nói, khổ tận cam lai, tận mùi đắng sẽ thấy được vị ngọt. Tôi nghĩ chấp nhận được mùi thúi, sẽ thấy được thơm tho.
Bến Bạch Đằng tôi lại nghe được mùi ẩm mát từ mái ngói sau cơn mưa. Mưa như tắm gội lá cây và rửa sạch mái ngói; sau cơn mưa tạnh tôi có cảm tưởng,  mình và khung cảnh quanh mình sạch mát tươi vui .
Nhẹ mùi bông cau bên Ông Phủ Đẩu, có thêm mùi mận khi bông trổ . Mùi bông nguyệt quế thơm lừng cuối xóm ( nhà ông Xã Tề) .
Tôi hay đi ra chợ và vào lồng chợ để mua vài đồng… mùi nhớ. Dãy phía dưới lồng chợ, hàng thịt. sáng mùi thịt heo tươi còn nóng ấm, buổi ban chiều thớt thịt lẫn mùi heo. Qua hàng kim chỉ, nghe mùi như kim với chỉ , qua hàng vải thơm mùi hồ, vải mới tinh, tiệm bán bayar thơm mùi giấy mực … Ôi mùi vị của lồng chợ ngày xưa. Ngày xưa có ai bán hàng trong lồng chợ, cho tôi xin gặp để nghe lại mùi vị hương xưa.! Dẫu người bên Bỉ bên Tây, tôi vẫn biết phân biệt mùi nào ra mùi nấy . Có được không? Hởi người đã từng trong lồng chợ.
Đầu xóm trên, gần nhà Làng đúng là mùi nhà việc. Lên dốc Ông Cò mùi lá sao, lá dầu xào xạc nhẹ đưa, và lên đỉnh dốc ‘’Ông Cò’’ mùi của rừng cây đâu đó.
Xóm nhỏ mùi xưa, bao nhiêu chút đó, xin ghi lại nơi đây làm vốn hành trạng.
Tôi không đồng ý lắm, câu: “Nắng ở đây, đâu (bên trời Tây) bằng nắng ấm quê hương”.
Bởi, quê hương nếu ta có mang theo hành trang đầy đủ. Nắng đâu cũng là nắng ấm của quê hương. Tôi, có ghi nhận cái lành lạnh của mùa xuân quê nhà nhân cận Tết. Cái nắng cháy da của mùa hè, nơi rừng cây đứng gió . Đem hai hình ảnh đó qua xứ tuyết này, có buổi ngoài trời lạnh trừ hai ba chục độ - C, ngồi trong nhà, trong xe sưởi ấm; chợt nhìn những cây khô cành trơ lá, tôi lại liên tưởng tới hình ảnh xưa mà (mùa hè nơi quê xưa, trơ vài cành cây khô héo,) cảm thấy người chợt ấm lên ,cái nóng của quê xưa. Hoặc có những buổi trời trong, rực nắng , nắng trong veo, tôi liên tưởng tới cái lành lạnh của mùa xuân quê nhà nhân cận Tết. Lại thấy nắng của quê xưa, mặc dù ngoài trời lúc ấy còn – 5, + 5 độ C. .. như thấy là mình đang ở Bình Dương cận tết.
Lằn ranh nào chia quê hương đây đó, ngọn chỉ tơ nào chia dĩ vãng, hiện tại với tương lai. Tâm là kho chứa, lấy ra dùng thì… hằng sa diệu dụng. Tâm khô cằn chỉ tại mình thôi.
Nhớ lại Bến Bạch Đằng mùi cũ quê xưa.
viết do BD xua va nay, có dấu và không dấu, gơi nhớ…
2014-12-27

4. Đếm những hàng dương

Từ khi tỉnh nhà đổi Thủ Dầu Một ra là Bình Dương, tôi cứ tiếc mãi một điều là Bình Dương mà không có hàng dương thì không thơ mộng đúng nghĩa. Hàng dương mà ngày xưa, tôi đã yêu thương và nhớ từng cây một. Gió thổi hàng dương nhẹ nhàng, vi vút reo.
Như lời tự tình sông, nước mây gió thủ.. .
Gió hàng dương thì ru nhẹ thì thầm, như lời ru của mẹ
Gió hàng thông thì reo đi, réo rắt
Có lặng thinh đứng dưới cội dương già, yêu thương như thể bà con ruột thịt. Mới cảm nhận hết , tiếng thì thầm ru nói của hàng dương. Những lời này tôi lắng nghe tự đáy lòng tôi nói. Rất đau lòng khi từng cây mất, bởi bạo tàn của người lẫn với thiên tai và lẩn vô thường tính.
Đặt từng tên, nhớ từng cành, thương từng cái lá, tôi bứt ra, lại gắn vào, như thể chưa từng bứt ( bạn có biết lá dương khác với lá thông ra sao không bạn?). Trái thì nhỏ nhắn, bén nhẹ sơ sơ, Ướm vào tim, đủ rướm máu yêu thương, mà không bén nhọn, để tan nát lòng nhau.
Tôi xa Bình Dương xưa, Thủ Dầu Một, tôi không tiếc nuối (chuyện đã rồi). Chứ còn ở lại, để (đôi khi) nhìn sự bạo tàn với Bình Dương , nghe những tàn phai, với cây trời sông nước, của những người , nói là làm đẹp cho quê nhà. Làm sao ra cho đẹp được với những kẻ không có tâm hồn thương yêu và văn hóa.
Hàng dương già bên bờ sông Thủ, Ngươi mãi còn ngự ở tim tôi, muôn thuở.
28/12/2014

5. Bù xít ... miên man
Già mà sao giống con nít quá, sáng vừa mở mắt dậy, mở FB liền, rồi bỏ đó đi nấu nước pha trà rửa mặt xong, coi FB có gì…hôm nay.
“Thần” Nguyễn Bước BD mang cho tôi, bông bù - xít, làm cho tôi lại nghĩ ngợi .. miên man vào vùng tâm thức, nhớ về ông bà ông vãi thuở xa xôi.
Thuở mười mấy tôi thường “lỏn tỏn” theo ông già đi tiếu ngạo, vùng Bến Cát, sông Thị Tính, Kiến An… Mùa này bông bù xít nở trắng cả rừng chồi. Thằng nhỏ mê lắm, ngửi bằng mũi. Tay bứt, dò nát lá cũng lại ngửi… nghe nó thơm nhe nhẹ mùi thuốc bắc, nhớ lại lá nó… mềm, mịn màng vì làm thành những sợi long tơ trắng mịn. Leo lên cành cây cho nó cao cao, phóng tằm mắt ngắm bông bù xít nở trắng cả cánh đồng. Mùi thơm của cỏ cây, mùi hanh của nắng nóng, tiếng cu gáy, đúng là khung cảnh của thời thái bình, thịnh trị 1954-1958.
“Thần” Nguyễn Bước BD lại tả… Miền đông nếu còn đất trống sẽ thấy màu trắng của bù xít như thế, vùng Phước Long những năm ấy mùa đông còn có thảm bông cỏ tranh như tuyết.
Ông Nội Siro lại còn chêm vào ... đúng rồi.. đúng rồi ! cỏ tranh, lồ ồ và có cọp nữa …v ..v., Kết luận “xanh dờn” , sợ cọp ăn thịt !
Minh già thiệt rồi ông Bước oi ! Sao cứ nhớ chuyện ngày xưa ...
Ông Nội Siro lại tiếp… Bù Đăng , làm cho tôi nhớ Bù Đốp … Nói cọp tôi lại nhớ beo. Ba Má đóng cửa tiệm, chiều gia đình hay thả lên Hớn Quản chơi. Lúc xe vừa qua giốc Hố Le, có con beo thủng thẳng băng qua lộ. Cả gia đình thấy, ai cũng "teo", vừa run nhưng vừa khoái .
Khi nào thấy bù xít nở trắng đồi là sắp Tết rồi!! Nhanh quá , mới đây mà gần 40 năm ! Chẳng lẽ mình và bạn bè già mau vậy sao !?
...Tôi thêm vào: khi nào nghe mùi... bù xít nở trắng đồng, thì tôi biết mùi lành lạnh của tiết mùa xuân sắp đến, Tết đến rồi!
Có bạn nào viết câu : “Bông Bù Xít báo hiệu mùa đông vùng Nam Bộ”.
Đừng trách ai đó sao cứ tra xét “lý lịch ba đời”, tôi sửa lại câu trên bằng: “Bông Bù Xít báo hiệu mùa Xuân vùng Đông Nam phần sắp đến…” Xin lỗi bà con ở chỗ này, tôi không có ý chính chị chính em gì ở chỗ này, chỉ muốn nhắc lại ngôn ngữ của vùng quá khứ mà thôi. Trên FB ai đó dùng chữ  “Dinh Tỉnh Trưởng”…cũng mang cho tôi một chút hơi ấm của ngày xưa.
Vậy thì ngôn ngữ nó luôn mang một “lịch sử”đi kèm theo, cũng như sách vở đã thường nói sao?
Thôi thì ai thích nói sao cứ nói như “dậy” đi, miễn là ta nghe được những điều tận đáy lòng của kẻ nói mà thôi. Trân trọng quí mến lẫn nhau, đủ rồi. So đo thắc mắc làm chi.
Xin lỗi Anh Nguyễn Bước. Xin lỗi thánh thần. Tôi “cưởng bức” dùng chữ ‘’ thần’’ ở đây là, bởi vì “chỉ ra một chiêu nhẹ nhàng”, anh đưa người vào vùng đất cũ…thần tiên, không dùng chữ thần ở đây, ai chỉ dùm tôi thay cho chữ khác.
Cám ơn Nguyễn Bước BD và Ông Nội Siro.
Ghi vội vì chợt thấy bông bù xít, hứng: 04-12-2014.
Xin lổi Anh cho "mượn tạm" hình này.
 

6. Tôi đi ăn kem Tứ Hải

Thuở đó khoảng năm ngàn chín trăm năm bảy năm tám gì đó, tôi nhớ không chính xác lắm. Buổi chiều sau khi cơm nước xong, lúc bảy tám giờ tối gì đó, Ba tôi dẫn cả nhà đi ăn kem tiệm Tứ Hải, đường Thái Lập Thành đầu chợ trên, gần Bùng Binh. Có thể nói đây là một trong những ``biến cố `` đầu đời mà tôi hằng nhớ mãi. Lâu lắm rồi, đâu nhớ được mùi vị kem ra sao.. chỉ nhớ là ``thằng nhỏ`` sướng lắm. Được ngồi tiệm, được mút ly kem đầu đời , làm sao nói lên được cảm giác lân lân thời đó. Lớn lên từng đi ăn những tiệm kem nổi tiếng của Sai gon với người yêu. Ra hải ngoại này, với tâm hồn thích ăn uống, tôi nhủ lòng phải biết và ăn những tiệm, hiệu kem ngon nổi tiếng nhất . Nhưng sao vẫn là nhớ lại hoài ly kem Tứ Hải ngày xưa. Làm sao nó bằng Sàigon và thế giới, Nhưng Sàigon và thế giới, sao bằng được dư vị ngày xưa. Lẽ dĩ nhiên tôi phân loài đươc những rung cảm của tâm lý chứ .Và vật lý là ``cân, đo, đong, đếm``. Nhưng mặt nào đó những lằn ranh nhỏ nhiệm đó, những biên tế ``bất khả``đó sao lại rõ phân chia.
Cái thuở ban đầu lưu luyến đó,
Nghìn năm hồ dể mấy ai quên.
Vậy hương vị mà kem Tứ Hải ngày xưa còn đọng lại trong tôi là gì.. Là ly nước lạnh mà sau khi ăn kem mà người ta cho tôi uống. Lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi từng uống nước đá lạnh, nhưng đây là lần đầu tiên tôi uống ly nước ướp lạnh, mà người ta còn ``làm điệu`` bỏ vài giọt si rô bạc hà. Vị ngọt sau khi ăn ly kem, hớp nước mát lạnh vị bạc hà ``đầu đời`` vào thì quả thật hồ dễ mấy ai quên.
Tiệm kem Tứ Hải, theo tôi biết nếu không lầm, phải được ghi vào trang Bình Dưong xưa (có dấu và không dấu) đó là tiệm kem đầu tiên của tỉnh, quí vị nghĩ sao..( và hỏi lại, có phải sau đó là nước đá Tứ Hải cũng đầu tiên hay không..)

7. Nước đá đậu đỏ bánh lọt

Hổm rày nghe bà con nhắc tới xe nước đá, nhắc tới ông bán nước đá, nhắc tới si rô nước đá nhận, cho thêm một vào chút xíu nước chanh muối, xong mút cục đá nhận đó. Mùi bạc hà cay cay, sướng thấu cả trời xanh, nhờ vị chút mằn mặn của chanh muối, mình mới nhớ ra rằng còn ở trần gian, mút nước đá nhận; đó là lúc ít tiền, bữa nào đủ tiền là chơi một ly đậu đỏ bánh lọt. Ôi, nghe nó đã làm sao! .
Ông bán nước đá, lấy cái ly, múc một muỗng đầy đầy, khi thì múc thêm một chút xíu, khi thì bỏ bớt ra hay thêm vào ba bốn hột đậu đỏ cho đủ phân lượng. Vậy phần đáy của ly là đậu đỏ màu đỏ đỏ. Ví dụ như đậu đỏ là năm phần, ông múc thêm một muỗng đậu xanh (tán nhuyễn), thì đậu xanh phải ít hơn ba phần, xong chan bánh lọt nước dừa vào, nước dừa ngập hơn phần đậu một chút. Chế hai muỗng nhỏ nước đường, bào nước đá đầy hơn mặt ly, nhận nhè nhẹ cho nước đá bằng mặt ly.
Ly nước đá cao, muỗng thì dài hơn đầu ly một chút. Quậy nhè nhẹ. Đậu đỏ bánh lọt trộn lẫn vào nhau, có màu hơi đo đỏ một chút vàng và xanh xanh của bánh lọt. .. Thế là xong, thằng nhỏ cầm ly nước, đá đậu đỏ, chơi liền.
Ngày còn con nít, tôi cho là chú bán nước đá hà tiện nên cân đo từ chút, lớn lên rồi , tôi lại thấy ông làm ly nước đá, cân đo với cả một tâm hồn, quả ngon là như vậy.
Ông nước đá mà tui ăn tự thuở lên năm, bán ở ngã ba Bạch Đằng - Phan Thanh Giản khúc nhà Phủ Đẩu. Lúc đó còn nhỏ quá chỉ biết ăn thôi. Ông này là ba của thằng Ná , nhà ở đối diện ông Xã Tề. Nhớ một điều là mặt ông buồn buồn, chắc vì vậy mà làm ăn không khá, sau phải sang xe nước đá này cho chú nước đá tôi gọi là ông ốm. Tôi bắt đầu ghiền nước đá đậu đỏ từ đây.
Lúc thì có tiền thì ăn, trả liền, lúc không tiền, ông bán chịu, lâu lâu thỏ thẻ với Má, con thiếu ông nước đá năm mười đồng gì đó, má cho tiền trả
Sau xe nước đá này dời lên đầu chợ trên, bán trước nhà dãy phố Phan Thy - Thanh Lợi. Có lẽ là do nhân duyên tiền định, hay ông trời thương tôi vì thấy tôi có tâm hồn ``ăn nước đá đậu đỏ quá mức', nên xe nước đá đó ngự trước nhà nàng. Lúc đó mới yêu nhau, tình yêu hai đứa hạnh phúc ngập tràng. Nhớ, mỗi trưa lên nhà em, tôi hỏi nàng, em có biết đêm ngủ anh trông mau tới sáng để lên nhà em, đố em để làm gì, em biết không.. ? Nàng dể thương hỏi lại , để làm gì hả anh, ( chắc nàng nghĩ là gặp mặt em chớ gì). Tôi trả lời là để ăn ly đậu đỏ. Nàng phụng phịu. Tôi có một màn năn nỉ giải thích.
Từ khoảng 1955 tới 1975 tôi chưa ăn nước đá đậu đỏ ở đâu ngon như ông này, kể cả ở Saigon. Tôi cho là tôi không phải chủ quan, mà nó ngon nhất ở chỗ, phân lượng đâu đó, hạt đậu phải ngọt mềm bùi, bánh lọt thơm nước dừa tươi.
Tôi phân biệt chè có hai loại. Chè xe nước đá thì chè, bánh lọt nước dừa và nước đường bỏ riêng, khi ăn thì mới trộn chung. Chè gánh của mấy bà Việt nam, nấu chung, và như vậy nước dừa nấu và không nấu, mùi vị nó khác nhau.
Bỏ nước ra đi 1978, tôi tưởng đậu đỏ bánh lọt đã chắp cánh bay đi rồi không còn bao giờ gặp lại nữa. Nào ngờ lại hội ngộ ở Montreal Canada. Cũng lại chủ quan nữa. Tôi cho là chỉ có một tiệm bán nước đá đậu đỏ ngon nhất . Bây giờ người ta kêu là chè ba màu, và chỗ ngon nhất của nó là cân lượng đạt tiêu chuẩn như ly đậu đỏ ngày xưa của khung trời kỷ niệm Bình Dương, của những ngày xưa thân ái.

8. Bậy bạ, vòng vo… xuống piscine

    Nhìn tấm hình này (xuân này) chợt nhớ… xuân xưa. Chữ xuân đây, là lòng xưa phơi phới tuổi xuân xưa, một mùa xuân bất tận ở mãi lòng ta.
Người ta quân tử đi đường ngay nẻo chánh, kẻ tiểu nhân này (tiểu là nhỏ, là thời con nít, chớ ‘’tiểu’’ này không có ý bậy bạ đâu nghen)… lại thích lòn lách, ngỏ hẻm mà đi. Tới piscine thì từ Ngã Sáu đi lợi, hay từ Ngô Quyền đi tới. Tui hổng chịu như vậy. Đường lớn thì ai ai cũng biết, lối nhỏ đường đi lách lòn, chỉ có tui khoái tìm. Từ đỉnh dốc ông Cò, có một khuôn viên một mái nhà hơi xưa xưa, lúc đó 1955, 56 gì đó, là Ty Thú Y. Tôi quên rồi, không nhớ rõ lắm. Không biết là từ khuôn viên nhà này, hay đi vòng phía ngang hông, có con dường dốc trải đất , xuống Ngô Quyền, quẹo vô đi lòn lòn một chút… Ra piscine, thằng nhỏ..sư..ớ..ng quá, nước đây rồi…. Cây cối , bông hoa , bông giấy rậm rạp (như hình 1 piscine 1946) Tôi hay đứng trên bờ thành hồ này, để nhìn ngó xuống dãy phố nhà bên kia đường Ngô Quyền. Tưởng mình đang trên cao (núi) ngó xuống nhân gian, thấy người dưới thế đi qua lại, sinh hoạt của cõi ta bà. Nhìn qua nhà thờ, với những bậc tam cấp đi lên, những tưởng rằng mình có thể đi lên gặp Chúa cả trời cao! Đúng là giàu tưởng tượng. Lúc này tui mới năm, mười tuổi gì đó, piscine này là biên giới ‘’chót’’ bé nhỏ của tôi. Chửa biết Giếng Máy, chớ nói chi ‘’thọt’’ tới Suối Giữa hay Bưng Cầu, Bến Thế.
Cũng thế, tôi ở xóm Bạch Đằng, khi mà có thể tự đi một mình để vô Nội , xóm Cầu Mới, hay còn gọi là đường đắp mới ( không biết nhớ trúng tên gọi hay không).

<>     
    Tôi đi tới Đinh bộ Lĩnh, quẹo phải, tới dốc Ông Cò, lên tới đỉnh dốc. Khi thì quẹo trái, xuống con đường trải đất, xuống Ngô Quyền vô đường đắp mới qua cầu mới mà vô. Không thì ‘’nổi tính ta bà’’, xuống tới Ngã Sáu, quẹo theo quốc lộ 13, khi qua ngả tư piscine, qua hãng nước đá Tứ Hải (thời này chưa có), kế bên có một nhà xưa, khu đất khang trang có nuôi một con công, xè đít, múa… coi khoái quá chừng, đứng coi cho đã. Đi tiếp qua cầu ông Đành, lên dốc tới ngã ba quẹo trái, vô ngã Thành Quan, xuống dốc Thành Quan (của đường đấp mới)… Dô NỘI. Giờ nhớ lại, đây là đây là quê hương, chiếc nôi tinh thần của đời tôi. Sẽ kể sau.

    Nhắc tới trên dốc ông Cò có Ty Thú Y , nhớ lại chuyện xưa, anh bạn kể… Bữa lễ hội gì đó, người ta phải đọc diển văn qua lại. Tới một ông đại diện nông dân, đọc diễn từ cám ơn… như vầy: … Kính thưa ông tỉnh trưởng, kính thưa ông phó tỉnh trưởng, kính thưa Bác sĩ Trưởng Ty Y Tế, kính thưa bác sĩ… chỗ này bác nông dân hơi ú ớ, vì danh từ nầy mới qúa…. Đành nói, Kính thưa bác sĩ trưởng ty…súc vật. Cả hội trường muốn cười mà không dám, phải nín cười, riêng đám con nít tụi này, nghe anh bạn kể cả đám cười ngất. Sau này bọn con nít tụi tôi gặp ông ta, len lén nói nho nhỏ bác sĩ súc vật đó tụi bây ơi. Hằng năm, tôi thường dẫn chó lên đây để chích ngừa bịnh dại cho chó. Bác sĩ ‘’súc vật’’ này tánh tình rất là dễ thương cắt nghĩa tận tình. Lúc sau này, nhân đọc Hồ Biểu Chánh, mới biết ra danh từ bác-vật là kỹ sư, không hiểu có phải danh từ bác sĩ súc vật do đây mà ra không?

    Cám ơn anh Tâm Từ, vì coi tấm hình piscine của anh, mới nảy ra viết bài này, kể vòng vo tam quốc, chuyện bậy bạ, mà không có ý bậy bạ, cũng như ngôn từ phương Nam chúng mình: “Thôi gặp bữa, mời dô làm bậy bạ vài ba hột cơm”, vậy mà.

   

    Sân bóng chuyền Ty Thanh Niên - năm 1966