DÒNG SÔNG QUÊ HƯƠNG

Dốc sỏi xưa


Dòng sông từ sông cái chảy vào như dòng sữa mẹ ôm ấp nuôi nấng những vườn cây trĩu quả. Dòng sông đi mãi, đi mãi… qua bạt ngàn vườn măng xanh mướt, qua những hàng dừa cong vòng xuống mé nước. Đó là dòng sông tuổi thơ của tôi ngày xưa cũ, của hơn bốn mươi năm về trước. Những chiều vương bóng nắng cả bọn đứng trên những thân cây dừa cong vòng ấy nhảy ùm xuống sông tắm. Những trưa hè trốn ngủ, nước ròng sát đáy, bọn con trai lấy sình bôi đen mình mẩy, mặt mày để làm ông táo cười nhe hàm răng trắng toát nhát ma bọn con gái.

Rồi dòng sông đi ra song song với con lộ 13, một bên là vườn măng ngút mắt với những mái nhà rêu phong lợp ngói âm dương ẩn hiện xa xa. Mùa hè tiếng ve kêu mênh mang với ký ức những đêm khuya cầm đèn đi soi ve non bị bò cạp cắn.  Những cơn mưa tháng sáu nhạt nhoà làm cho vườn cây đầy trái chín để nụ cười của má tôi tươi hơn vì bán được nhiều tiền để có thể may thêm cho đàn con bộ đồ mới, để mâm cơm tinh tươm hơn có canh mụt măng hầm giò heo mà tôi rất thích. Có lẽ vì cầu bắc ngang để ra lộ 13 nên người ta đặt tên là Cầu Ngang. Con đường 13 ôm lấy dòng sông tới chợ nhỏ tên gọi chỉ có một vần, có cây đa già thả tàng xuống nước, ở đây người ta làm bến cỏ. Đường nhà thờ là nhà tôi, đường rầy xe lửa cắt ngang dẫn đến đầu chợ dưới là nhà em. Đi nữa, đi nữa, tới ngã ba quẹo phải là trường nữ trắng toát giữa cánh đồng lúa chín. Quẹo trái một lúc là trường nam, hai trường cùng mang một tên danh nhân lịch sử.

Ôi dòng sông quê hương, dòng sông của tuổi thơ hồn nhiên êm ã.

Ôi chợ nhỏ quê hương, chợ nhỏ thân quen mọi người đều biết mặt biết tên, có nhà em sau chợ, có con đường rầy đi qua nhà em một thời tôi làm Ngày Xưa Hoàng Thị .

Ôi quê hương bé nhỏ nghèo nàn với ngôi thánh đường cổ kính vút cao ngân nga tiếng chuông mỗi buổi chiều tà và sáng sớm tinh mơ. Sân giáo đường in đầy dấu chân tuổi nhỏ. Đó là nơi mỗi ngày em đạp xe chạy nhiều vòng quanh sân rộng mênh mông dưới hàng sao già lộng gió. Có một mùa trong năm, dưới gốc sao có những sợi tơ trời lũng lẵng những con sâu sao bằng ngón tay. Băng qua sân nhà thờ là ngôi nhà có nụ cười thật hiền và ánh mắt thật thương yêu đợi sẵn.
Ôi ký ức êm ã thánh thiện của ngày xưa đó phải chăng là hình ảnh người con trai cao nhồng, áo trắng, quần xanh học lớp đệ tứ mỗi ngày đạp xe nhiều lần qua ngôi nhà có dàn hoa giấy tím nằm sau chợ. Ký ức đó có phải là tà áo dài trắng, học sau hai lớp, mang phù hiệu cùng ngôi trường tỉnh lẽ, ngày ngày ra ngõ chờ đợi bóng dáng thân yêu đạp xe đi qua. Ôi ký ức của mối tình đầu trong trắng!

Thời gian trôi qua, trôi qua… Hơn bốn mươi mùa phượng nở, hơn bốn mươi lần ve sầu rên rĩ, hơn bốn mươi mùa trái chín đã qua, dòng sông quê hương vẫn còn đó, ngày hai lần thuỷ triều lên xuống, những bè lục bình lặng lẽ trôi đi, rồi lặng lẽ trở lại chở đầy nhớ nhung mong đợi và chở đầy những dấu hỏi.

Dấu hỏi của ngày xưa hình như đã có lời giải, còn dấu hỏi ngày hôm nay còn mới tinh. Cho đến bao giờ? Có còn nhiều thời gian nữa không? Ai chờ đợi được bốn mươi năm nữa để có câu trả lời?

Tất cả vẫn còn đó, ngôi trường xưa với tượng người xưa dưới táng cây dầu cổ thụ. Chợ nhỏ cạnh dòng sông vẫn còn đó với những nụ cười thân quen đã in đầy dấu hằn năm tháng. Ngôi giáo đường cổ kính vẫn còn đó và mỗi chiều vẫn vang vọng tiếng chuông ngân. Và bên kia bờ sông xưa, dưới những gốc dừa già oằn cong mé nước, gió thổi mịt mùng, tự bao giờ có một tảng đá hình người, in bóng xuống dòng sông, thầm lặng và cô đơn, quay mặt về hướng đông như trông chờ  một bóng người trở về với một lời hẹn ước…

Người có trở về không? Hay người đã quên đi dòng sông xưa trên quê hương bé nhỏ nghèo nàn nầy?

Gió không ngừng thổi trên mặt sông lạnh buốt, vườn măng âm u lặng câm không một lời.

Xa xa  … bên bờ sông, dưới hàng dừa cổ thụ, tượng đá cô đơn vẫn ngước mặt về hướng đông chờ đợi… Gió xao xác từng cơn  thì thầm… Người vẫn đợi… vẫn đợi mãi mãi ...

Tiếng chuông nhà thờ vang vọng hoà lẫn trong tiếng lá hát mênh mông… như tiếng vọng về từ ngàn thu sâu thẳm…

Một ngày mưa tháng 6
27/6/2011
dốc sỏi xưa