Địa danh Thủ Dầu Một
NGUYỄN THANH LỢI
  (Đăng lại từ blog 360 plus)


Ở Nam Bộ trước nay tồn tại một số địa danh có thành tố “thủ” đứng trước như:
•    Thủ Dầu Một, Thủ Đồn Sứ, Thủ Nhơn, Thủ Chánh (Bình Dương),
•    Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Đào, Thủ Hy, Thủ Huấn, Thủ Khúc, Thủ Tắc, Thủ Tọa, Thủ Thuật ( TP. Hồ Chí Minh)
•    Thủ Thừa, Thủ Đoàn ( Long An)
•    Thủ Triệu, Thủ Cấm, Thủ Chánh ( Tiền Giang)
•    Thủ Chiến Sai ( An Giang)
•    Thủ Tam Giang ( Cà Mau)
Nguồn gốc các địa danh này thường gây tranh cãi trong giới nghiên cứu, trong đó có địa danh Thủ Dầu Một (TDM).

Theo Paulus Huỳnh Tịnh Của thì: “Thủ ngữ là chức quan giữ của biển” (1869). J.F.M Génibel ghi trong tự điển của mình là: “Quan thủ ngữ: Captaine de port” (Quan canh giữ đồn biển ) (1898).Eugène Gouin cũng chua nghĩa tương tự:”Thủ ngữ : Garder le port” (Đồn canh phía biển) (1957).Về sau này các nhà nghiên cứu cũng hiểu yếu tố “thủ” trong địa danh theo nghĩa đó, như Sơn Nam:”Thủ là chăm sóc, giữ gìn, còn có nghĩa là một đồn binh, đồn tuần tra”, Vương Hồng Sển:” Thủ ngữ, tấn thủ: chức quan giữ của biển, đồn thủ tại của biển”.Theo Nguyễn Đình Đầu:”Thủ để thu thuế và giữ việc trị an”. được đặt tại nơi xung yếu để giữ an ninh trật tự”.Chú giải của Lý Việt Dũng trong bản dịch Gia Định Thành thông chí: “ Thủ sở, thủ ngự sở, gọi trại thành thủ ngự là nơi đóng đồn trên bộ để phòng giặc kiêm luôn thu thuế khóa như Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn, Thủ Dầu Một, Thủ Thừa…” Chỉ thuần túy có chức năng thu thuế:”Thủ ngự là viên chức trông coi một thủ ( nhỏ hơn tuần ty ).Hay có một cách hiểu khác đi một chút như Bùi Đức Tịnh:” Danh từ chỉ các đồn canh gác dọc theo các đường sông”. Hoặc như Nguyễn Đình Tư bổ sung cách hiểu về “thủ” là trạm gác được lập ở những chỗ giáp giới rừng núi, chỗ chính quyền chưa kiểm soát được về mặt hành chính. Thủ được thiết lập dọc theo các con suối, đường độc đạo, bến đò ngang mục đích là kiểm soát sự đi lại và thu thuế.

Thủ ngự có hai nghĩa :
1.Chức quan võ phụ trách quân đội canh gác dọc biên giới.
2.Chức quan trong coi một thủ nhỏ hơn tuần ty, giữ việc thu thuế.

Thủ Dầu Một đầu tiên là địa danh vùng, rồi địa danh các đơn vị hành chính các cấp: hạt TDM (1869), tỉnh TDM (1899), thị xã TDM (1975).

 

Chợ Thủ Dầu Một, ảnh chụp lại từ cuốn Quê Hương Sông Bé của Sở văn hóa thông tin Tỉnh Sông Bé, 1990

Trước nay có ba cách giải thích về nguồn gốc địa danh này.

1. Thuyết thứ nhất cho rằng địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer “Thun Đoón Bôth” có nghĩa là gò có đỉnh cao nhất. Vương Hồng Sển đã bác bỏ giả thuyết trên khi cho rằng: “Chữ Đoón” không đúng giọng Thổ, phải nói “doeum” có nghĩa là cây. Bôth theo tự điển, pannetier viết doeum pou là “banian” tức cây lâm vồ, cây bồ đề, nơi Phật Thích Ca nhập niết bàn, và người Miên trọng nể cây lâm vồ này lắm.Thul là gò.

2.Thuyết thứ hai giải thích địa danh TDM là địa danh thuần Việt, được ghép theo phương thức: thủ (đồn , trạm) + tên thực vật + số từ.


Trong “Gia Định Thành Thông Chí” đã thấy ghi nhận về địa danh “Dầu Một”. Trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” (1820) đã thấy ghi nhận về địa danh này:” Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An tục danh chợ Dầu Một ở bên lỵ sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập, đông đảo”.Như vậy địa danh “Dầu Một” đã tồn tại trước địa danh Thủ Dầu Một.

L. De Grammont, sĩ quan quân đội Pháp, từng chỉ huy đồn binh Thủ Dầu Một những năm 1861, 1862 đã có những ghi chép về chợ Phú Cường hay chợ Thủ Dầu Một, đoạn bến sông Sài Gòn: “…Những thân cây dầu trần và rất cao tạo thành vòng đai cảng. Dưới chân chúng, một cây đã đã có hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vương tay che chở bảo vệ vùng đất này”.

Tác giả Sơn Nam cho biết, địa điểm chợ TDM ngày nay, trước kia là một bến xe trâu, thuận lợi để tắm trâu và rửa xe. Nơi đây có quán trà Huế, quán cơm, dần dần thành chợ. Chỗ mé sông (ngang dinh chủ tỉnh) có cây dầu lớn, trốc gốc sau cơn bão ( có lẽ bão năm Thìn 1904 ), ngọn cây gây cản trở giao thông giữa lòng sông. Người Pháp phải huy động dân phu giải tỏa, gốc to “đôi ba người ôm”.

Hiện nay trong khuôn viên của Tỉnh ủy Bình Dương và trường Sĩ quan Công binh (Phường Phú Cường , TX TDM) cũng còn một số cây dầu. Hay như đoạn đường Bạch Đằng chỗ gần trường trung học Mỹ thuật BD vốn trước đây có cây dầu bị đốn hạ khi mở rộng con đường này.

Ở Ngã ba Nguyễn Tri Phương – Bùi Quốc Khánh thuộc phường Chánh Nghĩa, hiện vẫn còn cây dầu đôi với tên gọi đã trở thành địa danh Dầu Đôi.


Trên đường Nguyễn Tri Phương , chỗ khu Lò Heo cũ hiện vẫn còn cầu Thủ Ngữ, nằm ranh giới phường Phú Cường và phường Chánh nghĩa. Con rạch chảy từ sông Sài Gòn vào có tên là rạch Thủ Ngữ. Cạnh đấy là cung thiên hậu được xây lại năm 1988 ( địa điểm cũ của chùa bà Bình Dương trước 1923).


Người Hoa gọi địa danh Thủ Dầu Một là “Cổ Long Mộc”[1] . Dầu ráy được gọi là mãnh hỏa du, còn gọi là dầu chai để trét thuyền, nhúm lửa v.v.

Sách Phú Cường lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng cho biết, cách đây vài trăm năm cây dầu hoang mọc kín cả mấy ngọn đồi Phú Cường và Bà Lụa. Những rừng dầu lâu năm được cư dân ở đây khai thác lấy gỗ để đóng đồ dùng sinh hoạt, đóng thuyền khai thác nhựa để làm chất đốt và chất chai trét thuyền. Xóm Dầu Đặt (tức An Nhất) chuyên đóng ghe thuyền cho địa phương, nẵm ở quãng từ chợ TDM lên tới Thành Quan. Xóm Dầu vàng ( tức thôn Phú Lợi Tây) tương ứng với khu vực ấp Bộng Dầu.

Đây là cách giải thích được đa số ý kiến các nhà nghiên cứu chấp nhận nhất.

3. Và thuyết thứ ba cho rằng địa danh Dầu Một là do Dầu Miệt (vùng có cây dầu ) mà ra. Nếu chữ miệt có nghĩa là vùng thì kiểu kết hợp trong địa danh Dầu Một / Miệt là không phù hợp. Ví dụ, phải nói miệt vườn, miệt biển, miệt trên, miệt dưới, miệt thứ, miệt U Minh, miệt Đồng Tháp…

Như vậy địa danh TDM có thể hiểu là “cây dầu lớn/ cả (duy nhất) mọc vượt lên trên nằm bên cạnh đồn/ thủ”.

Tóm lại, địa danh TDM có kiểu định danh: thủ + tên thực vật + tính chất. Việc nghiên cứu các địa danh có kiểu định danh này sẽ giúp tìm hiểu rõ hơn quy luật cấu thành các địa danh Nam Bộ.