Còn đâu bóng mát vườn măng

Nguyễn thị Hai



    Lái Thiêu là một huyện của tỉnh Bình Dương ( Thủ Dầu Một). Từ lâu Lái Thiêu đã được người Sài Gòn xem như một điểm du lịch cuối tuần lý tưởng vì chỉ mất từ 30 phút
đến 40 phút là tới (ngày xưa không có kẹt xe).

    Lái Thiêu được ví như đất lành trái ngọt, có lẽ nhờ phù sa của sông Sài Gòn chảy qua nên hầu hết các loại trái cây ngon đều được trồng ở Lái Thiêu như măng cụt, dâu xiêm, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm, dừa, chuối, mãng cầu, xoài… Mùa nào trái nấy, quanh năm có đủ ngon ơi là ngon.

    Từ Vĩnh Phú cho đến An Sơn, những vườn cây ăn trái luôn xanh mát quanh năm, nhưng có lẽ những vườn măng cụt luôn là điểm dừng chân lý tưởng.



 Măng cụt xuất xứ từ Malaysia. Thời kỳ Pháp thuộc, các cố đạo đã mang về trồng ở nước ta. Tuy trồng rất nhiều nơi nhưng chỉ có ở Lái Thiêu là sống và phát triển tốt, nhất là dọc sông Sài Gòn từ Vĩnh Phú, Bình Nhâm, Thạnh Quý và An Sơn.

    Măng cụt Lái Thiêu đã nổi tiếng từ lâu nhờ hương vị ngọt thanh, múi trắng phau, vỏ mỏng, ăn bao nhiêu vẫn không thấy chán.

    Những trái
măng ngon nhất thường được nhà vườn gọi là “măng bẹo”. Những trái măng nầy thường trổ hai hoặc ba trái trên một cành, vì vậy trái nhỏ, cuốn măng thì cong veo. Trái ngon nhất là những trái trổ chót vót trên ngọn, hoặc ngoài cùng của tàng măng nên da cám, sần sùi, nhìn không đẹp, nhưng ép trái măng bẹo nào trái măng bẹo nấy đều ngọt lịm, nuốt vào cổ họng rồi mà vị ngọt vẫn còn đọng lại trong miệng.

    Vườn măng của Ngoại tôi ở Bình Nhâm, chỉ cách sông Sài Gòn khoảng 300m nên cũng rất tốt. Lúc tôi được 12 tuổi thì những cây măng cụt vườn nhà Ngoại đã được trồng 60, 70 năm rồi, nên cây rất cao. Từ gốc đến ngọn khoảng chừng 7 – 8 m, tàng măng rất lớn đường kính khoảng 5 – 6m (tùy cây).

    Tàng măng của gốc này sát gốc kia, các nhánh măng không mọc thẳng đứng mà xòe ra và cong cong xuống, nhánh lớn to bằng bắp chân từ trong thân lớn càng ra ngoài càng nhỏ dần, đứng dưới đất nhìn lên thấy đều đặn trông rất đẹp. Lá măng to bằng bàn tay xòe ra (có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn chút đỉnh), lá dày màu xanh nâu nâu, chứ không mỏng như các lá cây khác.
   
    Tàng măng thì lớn, nhánh nhiều, lá dày nên đứng dưới gốc rất là mát, khi trời nắng chỉ thấy ánh sáng xuyên qua kẻ lá mà thôi, đặc biệt khi hái măng ngoài vườn mà mưa luồn đột xuất, chạy vào chòi không kịp chỉ cần đứng sát vào gốc măng hay trèo lên một nhánh gần đất nhất ngồi là không hề bị ướt (nói thiệt đó).

    Dân Sài Gòn hồi xưa đi chơi, chỉ cần chặt cho họ vài tàu lá chuối để lót ngồi, hoặc có người mang giấy báo theo là họ ngồi chơi thoải mái từ sáng tới chiều dưới gốc măng mà không sợ nắng.

    Hồi xưa mưa thuận, gió hòa, nên cây trái sum sê, hằng năm cứ hể đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 là măng cụt bắt đầu trổ hoa; đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 là chín. Năm nào trời lạnh nhiều thì năm đó trúng mùa, nhìn lên cây thấy trái đặc quánh vậy đó.

    Tôi nhớ năm tôi 14 tuổi rồi mà ở nhà vẫn chưa dám cho tôi trèo măng, chỉ ở dưới đất lượm măng mà thôi. Trời ơi mà hồi đó lượm măng cực lắm đó nhe, cúi xuống, cúi lên đau lưng lắm., Vậy mà còn bị măng rớt trúng đầu, trái chín đỏ rớt trúng còn đở, gặp trái măng điểm còn xanh, rớt trên đầu nghe các “cốc” là u một cục à nha.

    Nhiều lúc thấy ông Ngoại leo tuốt trên đọt để hái mấy trái “măng bẹo”, tôi thường hỏi: “ Ông Ngoại ơi, leo tuốt trên đọt có thấy gì hôn? ”. Ông Ngoại trả lời một cách hóm hỉnh: “Thấy chợ Lái Thiêu”. Tôi thật thà nghĩ thầm trong bụng, bữa nào mình lén leo lên để ngắm chợ Lái Thiêu chơi ta. Bụng nghĩ vậy mà làm thiệt à nha. Bữa đó ông bà Ngoại đi đám giỗ xa, má thì mắc bận trên vườn dâu. Tôi lẹ làng chạy một hơi ra vườn măng, hít một hơi thật sâu, hai tay nắm hai cái gù măng - những nhánh măng gãy rồi còn cái phần trong thân nhô ra, mỗi khi leo lên vừa vịn vừa đạp riết rồi mòn lẵng và tròn -, tôi chầm chậm leo lên trên, từng chút từng chút một, cuối cùng cũng tới đọt măng. Sau khi l
y tay vén mấy nhánh măng nhỏ trên đầu, tôi ló đầu ra khỏi ngọn măng để ngắm chợ Lái Thiêu. Mèn đét ơi, bên phải, bên trái từ gần tới xa, bốn phương, tám hướng đều là ngọn cây không hà, có thấy chợ búa gì đâu ???. Kỳ vậy ta… Thất vọng não nề, tôi từ từ tuột xuống đất, bỗng tôi ngẫm ra và nhảy cẫng lên: “A ha! Mình biết leo măng rồi. Ha! Ha!…". Kể từ đó, tôi dần dần được leo măng hái trái phụ ông Ngoại.

    Năm học lớp 11, gần tới ngh
hè, các bạn được đến chơi vườn nhà Ngoại. Cả bọn kéo nhau ra vườn. Tôi leo lên cây măng hái liệng xuống cho các bạn ăn. Mỗi lần liệng xuống tôi gọi đây là của Tuyết, đây là của Hà, trái nầy của nhỏ Tâm. Cả đám lộn xộn, la lối rần trời, ăn măng đã, đến ăn dâu xiêm chôm chôm… Chơi xong, cả bọn được Ngoại chiêu đãi món Bún chả giò (chả giò do Ngoại làm), ngon ơi là ngon (hổng biết giờ các bạn có còn nhớ không nhỉ).

    Ngày xưa….

    Hiện nay vườn măng cụt của Ngoại không còn sum sê nữa, có những lúc khó khăn phải đốn bỏ hết phân nửa vườn măng để làm ruộng.

    Vườn măng ở Bình Nhâm đã từ từ không còn, nhìn những cây măng chết dần, chết mòn, lòng tôi đau như cắt. Măng chết, người ta cưa cây xuống chất đống làm củi, những dòng nhựa màu vàng trên thân cây chảy xuống, tựa như những dòng lệ của cây.

    Cũng có những vườn măng tơ mới trồng sau 1975, cây còn nhỏ, nhưng do bị ảnh hưởng của khí hậu và môi trường, nguồn nước ô nhiễm do nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy sản xuất. Cây măng cụt giờ èo uột lắm, trổ một cây không bằng một nhánh của ngày xưa.

    Nhìn vườn măng của Ngoại, tôi nghe xót xa trong lòng, nước mắt chỉ chực trào ra. Còn đâu những trái “măng bẹo” ngọt lịm, còn đâu bóng mát vườn măng trời mưa núp dưới bóng cây mà không bị ướt.

    Nhớ lại lúc xưa, khi gần đến giờ sửa soạn đi học mà tôi vẫn còn hái măng ngoài vườn, sợ trễ giờ tôi cằn nhằn: “Trổ gì mà trổ nhiều dữ vậy"‘. Giờ lòng thấy ân hận vì những lời lẽ của mình ngày xưa, cái thời “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy mà./.