Cây Đa Già ở Trường Nam

Nguyễn hữu Từ
Lưu Từ
 

     Nếu tình cờ có ai hỏi bạn “Cảnh vật nào bạn cho rằng đẹp nhất trong đời  mà bước chân bạn từng đi qua?”. Chắc hẳn bạn phải lần lựa dăm ba phút, lục lọi trong ký ức những hình ảnh từ một cuộc du lịch gần nhất hay là trong tuần trăng mật, hay hơn nữa trong những cuộc hẹn hò với người tình, làm một sự so sánh thật nhanh trong đầu trước khi bạn có thể xác định..”Vịnh Hạ Long…Chùa Thiên Mụ… Thác Cam Ly… Chùa Một Cột.. Tháp Hững Hờ ở Bà Rị nước Pháp….Thác Ná Thở ranh giới nước Mỹ và Gia Nã Đại…”
 
     Nhưng nếu bạn hói tôi câu hỏi nầy, tôi sẽ không một chút do dự trả lời cho bạn biết rằng … ”cây Đa già ở  trường Nam Trung Học Trịnh Hoài Đức là một sinh cảnh đẹp nhất trong ký ức tôi.”. Chắc bạn sẽ phì  cười vào mặt tôi và bảo:
 
     - Làm gì có cây Đa nào ở trường Nam.
 
     Bạn thật đúng nhưng tôi cũng không sai tí nào.

     Buổi nhập học đầu tiên sau khi trúng tuyển vào lớp Đệ Thất, với những bước chân ngập ngừng và bỡ ngỡ, sau khi bước  qua cổng trường, hình ảnh đầu tiên đập vào đôi mắt  rụt rè  tôi là một tàng cây cành lá xanh mướt, xum xoe, một vài chùm bông đỏ rực điểm hồng đó đây trên nhánh. Vẫn còn là một chú con trai nghịch ngợm, mới hôm qua tôi vẫn còn bắn cu-ly, thãi đáo, bắn chim, đánh trỏng, quýnh lộn với những thằng bạn lớp Nhất cùng trường; nhưng hôm nay tôi bổng cảm nhận một cái gì đó thoáng đổi khác trong tôi, với bộ đồng phục áo trắng quần xanh và phù hiệu Trịnh Hoài Đức trên ngực tôi bổng có một chút gì đó tự hào về chính mình, cả xóm đạo Búng lúc bấy giờ chỉ có duy nhất mình tôi học trường Trịnh Hoài Đức thôi, phải chăng vì chiếc áo trắng học trò nầy mà tôi trở thành một thư sinh áo trắng như mọi người từng gọi.

      Nhìn tàng cây lá xanh tôi tự hỏi đây là cây gì nhỉ, quê Búng tôi có thật nhiều loại cây ăn trái và rất dễ nhận. Cứ thấy mấy trái cây chín đen, đỏ hay quả còn xanh với mủ vàng chạy quanh thì tôi biết đó là cây măng cụt. Còn có cây quả thật to xù xì và như có đinh xung quanh thì tôi biết đó là cây sầu riêng. Có cây quả dính chùm lớn hơn ngón cái tôi một chút, treo lủng lẳng như những giọt nước mắt cá sấu thì tôi biết đó là cây dâu. Có cây mọc thẳng đứng như cây thước mà cái quả xanh của nó tôi thường thấy má thằng bạn tôi mua về nhai nhóp nhép rồi phun phì phèo màu đỏ choét thì tôi biết đó là cây cao….. Còn cái cây nầy tôi chưa từng thấy qua bao giờ, chẳng thấy quả của nó đâu nhưng trông dáng dấp thật quen thuộc.
 
      Buổi nhập học đầu tiên trôi qua thật nhạt nhẽo không đúng với sự náo nức như tôi tưởng, không bạn bè quen biết, mấy ông giáo sư già quá nghiêm nghị, cả lớp học im thin thít không có lấy một tiếng la ơi ới nào như lúc tôi còn ngồi ở lớp Nhất, tới giờ ra chơi cũng chẳng thấy ai chạy ra sân bắn cu li hay chạy rượt nhau làm như sợ  dơ  áo quần, tôi lần tay tìm những cục đạn cu-li đang nằm buồn tênh trong túi quần, tôi đã dự định sẽ trổ tài bắn cu-li hôm nay cho những thằng bạn mới, nhưng buồn thay xung quanh tôi chỉ toàn những khuôn mặt xa lạ. Không biết làm gì trong giờ ra chơi, mắt tôi bắt đầu nhìn quanh quất xa gần làm quen với trường học mới mẻ nầy, lớp học của tôi nằm sát hàng rào với trường Tiểu Học Cộng Đồng, nhìn xa về phía văn phòng Hiệu Trưởng. Hình ảnh tàng cây xanh kia lại đập vào mắt tôi nhưng lần nầy tôi biết vì lý do gì nó trông quá quen thuộc, bạn tôi thường rủ tôi vào Chùa với má của nó vào những dịp lễ Cúng rằm và trên đường về, hai đứa bọn tôi thường nhìn lên mảnh trăng tròn đang lơ lửng giữa bầu trời để xem chú Cuội còn đó hay không ? Thuở ấy người lớn bảo bọn tôi rằng vào ngày Rằm chú Cuội sẽ bay đi tìm Hằng Nga và nếu tìm được, hai người sẽ trở về trần gian và chú Cuội sẽ không còn ngồi dưới gốc cây Đa nữa. Từ một khoảng cách xa, tàng cây sau văn phòng Hiệu Trưởng thật giống y như hình dáng cây Đa già chỉ là không có chú Cuội thôi, từ lúc ấy ở Trường Nam Trung Học Trịnh Hoài Đức có một cây Đa chắc chỉ riêng cho một mình tôi.
 
       Bạn đang cười và cho rằng tôi bướng bỉnh , ngoan cố, khi vẫn gọi  đó là cây Đa thì tôi chịu nhưng tôi xin hỏi bạn :
   
      -Tại sao bạn là A mà không phải là B ?
 
       Có phải vì cha mẹ đặt cho bạn tên A và mọi người chung quanh đồng ý gọi bạn là A. Nhưng nếu khi xưa  bạn được đặt là B thì nay mọi người đều gọi là bạn B phải vậy không?  Tên của vạn vật chỉ là cái bản hiệu được ông bà ta gắn lên cho vật nầy hay cái nọ. Nếu khi xưa ông bà ta gọi con Chó là Mèo thì ngày nay nếu ai nói đến Mèo mọi người đều hình dung trong khối óc hình ảnh một con Chó..bạn hiểu ý của tôi không ? Dù bạn gọi đó là cây Phượng hay cây Điệp nhưng nó vẫn là cây Đa già của tôi.
 
      Những buổi học nhạt nhẽo năm Đệ Thất rồi cũng qua nhanh, tôi bắt đầu thích đến trường hơn vì dần dà những gương mặt xa lạ lại trở thành là bạn bè của tôi. Năm Đệ Lục lớp học tôi ở trên lầu và gần văn phòng Hiệu Trưởng hơn, trong giờ học tôi thường có thể nhìn thấy một phần tàng lá cây  Đa già của tôi. Năm ấy vào giờ Việt Văn của thầy Đặng văn Thơm, tôi nhớ thầy có cặp môi chì, người lớn bảo vì hút thuốc quá nhiều, dù đã hơn bốn mươi lăm năm trôi qua tôi vẫn như còn thấy rõ bao thuốc lá Ruby xanh trong tay thầy và màu vàng chạch từ nhựa thuốc trên móng tay của của thầy,  những kỳ thi Lục Cá Nguyệt thầy thường mang cặp kính mát thật đậm ngồi trên thành cửa sổ quan sát bọn tôi làm bài thi. Nhiều bạn tôi chép bài “cọp” dưới gấu áo rất sợ cặp kính nầy vì không biết thầy nhìn ở đâu, thầy chắc biết điều nầy nên doạ chúng tôi thì phải vì bình thường thầy không hề mang kiếng.
 
      Thầy còn trẻ và hình như là Giám Thị được nâng lên hàng Giáo Sư thì phải, hôm ấy đang lúc thầy đang thao thao bất tuyệt với tác phẩm “Bích Câu Kỳ Ngộ” một chuyện tình Liêu Trai giữa chàng thư sinh Tú Uyên cùng người đẹp Giáng Kiều trong tranh thì bên ngoài những cơn gió mát thoáng lướt qua trong buổi trưa hè nóng nực. Tôi lơ đãng nhìn tàng cây Đa xanh đang nhẹ nhàng đong đưa theo làn gió khiến tôi nhớ đến những đợt sóng lăn tăn đang chơi trò đuổi bắt với bãi cát vàng ở bãi biển Vũng Tàu mà tuần vừa rồi tôi được tháp tùng gia đình người dì tôi ra ngoài ấy. Rồi gió mỗi lúc càng mạnh lên, lồng lộng xô đẩy tàng cây xanh ngã tới nghiêng lui, thật mơ hồ lãng đãng, tôi bổng hình dung ra những cánh đồng lúa ngút ngàn chạy dài vô tận ở miền Tây với những cây lúa màu xanh đang ngả nghiêng chơi trò giựt giây với gió lộng……Bỗng dưng như có ai đang gọi tên tôi, giật mình khi nhận ra thầy Thơm đang đứng sát bên ghế tôi đang ngồi. Thầy bắt tôi đứng lên lặp lại những gì thầy vừa giảng, tôi chỉ biết ú ớ rồi đứng như trời trồng. Tôi bị thầy phạt đứng cho tới hết buổi học. Cuối năm ấy mặc dù tôi đứng hạng nhì toàn lớp nhưng trong danh sách lãnh thưởng cuối năm không có tên tôi vì bị điểm hạnh kiểm rất xấu trong Học Bạ, và thấy Thơm là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm ấy. Tôi rất buồn và giận thầy rất nhiều vì ở Đệ Thất tôi đã được lãnh thưởng cuối năm dù chỉ đứng hạng Tư.
 
       Nhưng không phải đấy là lý do duy nhất mà tôi nhớ đến thầy dù đã hơn bốn mươi lăm năm  “bóng câu qua cửa sổ”. Thầy đã bỏ vào túi hành trang  tôi một vốn liếng rất quí giá cho những tháng năm lưu lạc  xứ người, đã mở cửa cho tâm hồn đầy mộng mị viễn vong tôi bằng tập thơ “Hận Tha La”. Sau khi lớp tôi học xong tác phẩm “Bích Câu Kỳ Ngộ “ mà theo tôi nghĩ rằng lời thơ quá cầu kỳ khó nuốt, mà làm sao nuốt cho trôi với lứa tuổi mười hai mười ba nào đã biết yêu thương,  làm sao hiểu được tâm trạng dằn dặt thất tình mơ mộng của chàng thư sinh Tú Uyên, thế mà phải cố gắng tưởng  tượng nặn ra những lời bình luận diễn đạt tâm tư của một chàng thư sinh đầy mộng mị cùng người tình Liêu Trai Giáng Kiều. Dù đã mất vài tháng mới học xong tác phẩm nầy nhưng tôi không nhớ được dù chỉ là một câu của bài thơ .
   
        Sau “Bích Câu Kỳ Ngộ” thì những lớp đồng khoá tiếp tục với tác phẩm “Lục Vân Tiên” thì phải; nhưng lớp tôi không một ai biết đến tập thư nầy vì thầy Thơm hướng những bước chân còn thơ dại của lớp tôi vào ngôi làng “Tha La” với tập thơ “Hận Tha La”. Chỉ với vài câu mở đầu cho tập thơ đã khiến tâm hồn còn thơ dại tôi một cảm giác bâng khuâng, tôi có thể nhìn thấy từng làn khói quyện nhè nhẹ vào mái tranh nghèo nàn của những mái nhà xiêu dẹo của đồng bào tôi, và mãi đến nay khi khẽ nhâm nhi những vần thơ nầy tôi vẫn tìm lại được những hình ảnh xa xưa ấy vì lời thơ quá bình dân, giản dị, nhẹ nhàng trong sáng. Theo ý nghĩ của riêng tôi một bài thơ càng có giá trị nếu để lại một chút gì dư âm trong hồn người đọc và ít ra người thưởng thức cũng nhớ được một vàì câu, những danh từ cầu kỳ trau chuốt được  gán ghép khi đọc lên nghe rất hay, rất kêu nhưng vài tháng, vài năm sau chắc gì có ai còn nhớ tới. Ngay chính tác giả cũng đôi khi không nhớ nói gì đến người đọc. Tôi xin ghi lại những gì tôi còn giữ lại trong tôi bài thơ ấy dù hơn bốn mươi năm tôi chưa hề được dịp nhìn lại vần thơ nầy và cũng để cám ơn thầy Thơm dù mãi đến nay tôi không biết tin tức thầy, và tôi cũng không thấy tên thầy trong danh sách ban giảng huấn.
                   
Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt cây lành,
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh.
Ngậm ngùi Tha La bảo,
 “Đây rừng xanh, rừng xanh,
 Bụi đùn quanh ngõ vắng,
 Khói đùn quanh mái tranh.”
            ……………………………………………..
                                     
        Bản chất của thằng con trai ngỗ nghịch và vô tư từ từ lặng lẽ âm thầm ra đi mỗi ngày một ít. Chỉ không lâu, trước đây khi vẫn còn đùa vui với bạn bè ở lớp Đệ Ngũ, khi nhìn những tà áo dài trắng, những mái tóc đen óng ả, những vành nón lá bài thơ của những nàng nữ sinh tô điểm vẽ đẹp cho Quốc lộ 13, tôi không thấy gì khác lạ. Nhưng khi bước chân tôi lang thang trên những tam cấp đưa tôi đến lớp Đệ Tứ, bỗng dưng tôi thích nhìn những mái tóc óng ả ấy lâu hơn. Một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng xâm chiếm khi nhìn những tà áo dài trắng thì thầm vùng vẫy trong làn gió nhẹ nhàng. Trong mắt tôi như rạng rỡ thoát tục và tôi gọi những nàng ấy là “Tiên Áo Trắng”
 
      Thường vào những buổi trưa hè nóng nảy, không một ngọn gió, tôi thường núp dưới tàng cây Đa tìm cho mình một bóng mát. Nhìn những chiếc lá  nho nhỏ lười biếng ru ri tìm gió tôi bổng mường tượng thấy đâu đây đôi lông mi dài của người tình đầu đời đang khép hờ động đậy trong giấc ngủ chập chờn, cái nóng bức của một bữa trưa hè làm nàng khó chìm vào giấc ngủ an lành. Trong những giờ ra chơi tôi thường đứng ngoài lan can dõi mắt xa xăm về hướng trường Nữ Trung Học Trịnh Hoài Đức, nơi ấy có người tôi yêu và người yêu tôi, chắc giờ nầy cũng là giờ ra chơi bên ấy và chắc nàng cũng đang ngóng về ngôi trường Nam thân yêu của tôi. Tôi thường nghĩ mình là hoá thân của Ngưu Lang với Trường Nam là đầu sông Tương và Trường Nữ là cuối sông Tương, nơi ấy có nàng Chức Nữ của tôi . Mối tình học trò thật đẹp của tôi rồi cũng tan vỡ như bao mối tình học trò khác vì ai ? vì tôi ? Để rồi hơn bốn mươi năm sau đứng bên  nầy bờ đại dương mắt ngóng trông về quê hương cũ thầm ước được là hoá thân của Ngưu Lang  để lòng thèm thuồng một …” Tháng Bảy…   
 
MƯA NGÂU

Anh vất bỏ sau lưng, tuổi mười bốn,
Em tốn ba năm, trăng mới đủ tròn.
Tình lãng mạn, nên trời già ghét bỏ,
Đày chúng mình, cách biệt bởi dòng sông.
 
Ngưu Lang kia Chức Nữ, có mưa ngâu,
Mỗi năm tiếp nối cho một nhịp cầu.
Ngày ân ái, thoáng thoả tình chồng vợ,
Dẫu chia lìa, nhưng vẫn có mưa ngâu.
 
Anh và em thì chẳng có mưa ngâu,
Chẳng có ai bắt giúp một nhịp cầu.
Hương tình ái, chỉ là kỷ niệm cũ,
Bốn mươi năm dài, mộng mị canh thâu.
Lưu Từ  
 
        Thật không gì đẹp và lãng mạn cho bằng trong một đêm Noel lành lạnh, một vài vì sao đang nhập nhoè nguýt hái ghen thầm khi chứng kiến một tuyệt cảnh trần gian đang diễn biến. Giữa khoảng tối mông lung của vạn vật, một người con gái mới mười ba đang ngã đầu trên vai cậu con trai mười lăm, cùng sánh bước giữa hai dãy thép lạnh đường xe lửa như ngăn cách những gì phàm tục xúc phạm đến giây phút thiêng liêng giữa đôi tim non. Hai quả tim trẻ trung kia đang cho nhau những gì trung thực nhất của tình yêu .
 
     Phải chăng vì người con gái mười ba ấy đã dám vượt qua những định luật nhân gian cùng cậu con  trai mười lăm kết nên một cuộc tình lãng mạn khiến trời già ghen ghét, đày cậu ta về trời làm chú Cuội.
 
     Trường Nam Trung Học Trịnh Hoàì Đức có cây Đa già và tôi là chú Cuội./.