Cây đa già không còn nữa
 
Sỏi Trắng




    Ở bên kia bờ đại dương xa thẳm, tôi nhận email  của người bạn nhỏ: "Anh L. ơi, ngày hôm qua em về ngang trường Nam, dừng xe đứng bên ngoài thật lâu mà lòng em thật buồn. Anh biết vì sao không?. Vì văn phòng cũ đã bị đập nát chỉ còn trơ một đống gạch vụn. Phía sau văn phòng trống quơ trống quác, cây ‘’đa già ‘’ của anh Lưu Từ cũng cùng chung số phận."

    Bao nhiêu năm qua rồi, cảnh vật cũng phải thay đổi. Đó là qui luật của  đất trời. Nhưng khi được tin văn phòng trường Nam và cây ‘’đa già’’ không còn nữa, cũng như  người bạn nhỏ, tôi thật buồn, vì đó là mất mát không nhỏ trong khung trời kỷ niệm ngày xưa cũ.

    Ngày xưa đó, trong khung trời kỷ niệm, tôi còn nhớ như mới ngày hôm qua, khi tôi còn đi học, văn phòng trường Nam thâm nghiêm cổ kính nằm dưới táng hàng cây cây dầu cao vút. Tượng ông Trịnh hoài Đức uy nghi sừng sững bên dưới giữa sân trước mênh mông xao xác lá vàng. Ngày ngày đến lớp, bọn học trò đi ngang văn phòng  phải nhìn lại mình coi áo có phù hiệu hay không, có ‘’lỡ’’ quên mang dép hai quai không, nếu lỡ quên thì coi chừng thầy Đô, vì thầy  thường đứng đó….

    Phía sau văn phòng là nhiều cây‘’đa già’’  rợp bóng mát. Thật ra đó là một hàng điệp tây (tên khoa học là cây cồng) già rợp bóng khoảng sân cát trắng mênh mông kéo dài tới cột cờ trước dãy lầu. Dưới gốc những cây điệp nầy bao nhiêu là kỷ niệm tuổi học trò hồn nhiên trong trắng.

    Mỗi năm bông điệp nở một lần. Mùa bông nở, những cánh bông nhỏ li ti như sợi chỉ màu hồng rụng xuống một lớp như nhung phủ kín cả một khoảng sân rộng. Xe hơi của thầy hiệu trưởng hay của thầy Nguyễn Trọng Nhượng thường đậu dưới gốc cây. Khi thầy đi về hay qua trường nữ dạy, chiếc xe hơi màu trắng chở đầy những chiếc lá điệp vàng và một lớp chỉ hồng của bông điệp rụng xuống. Bọn con trai chúng tôi thường đứng trên lầu nhìn xuống khoảng sân rộng đó, dưới táng điệp già xanh phủ, nhất là những ngày cuối năm trời không có nắng, lành lạnh, sương mù cùng khói rơm ai đó đốt lên mờ phủ cả cánh đồng lúa vàng đã gặt. Bên trong sân trường dưới  gốc những cây ’’đa già”, gió thổi nhẹ lá vàng lác đác rụng, làm tóc dài ai đó rối tung, và làm những tà áo dài trắng lớp 12 tung bay trong gió sớm, để bọn con trai trên lầu nhìn xuống, làm thơ. Đôi khi lại có một đứa im lặng suy tư một mình vì… hình như con tim đã đập sai  nhịp.

    Năm học lớp đệ tứ, dưới tàng cây đa già, tim tôi cũng bị lỗi một nhịp.

     ….Cả lớp xôn xao, ồn ào khi biết tin chiều nay các lớp 9 trở lên, trường Nam và luôn cả trường Nữ tập hợp dưới sân trường khoảng sau văn phòng, để sinh hoạt giao lưu với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly. Tiếng huýt sáo của lớp toàn là con trai  cộng với tiếng la ó vì vui thích làm lớp học như cái chợ nhỏ. Cô Đàn Hội đang dạy sử phải ngưng lại một lát lâu để kể cho lũ học trò biết Trịnh công Sơn, Khánh Ly là ai?. Cô cũng khuyên các học trò của mình đừng bỏ qua rất uổng.

    Đầu giờ trưa hôm ấy, cả đám nam sinh hình như đến sớm hơn, mặc quần áo tươm tất hơn dù là đồng phục .Chưa tới giờ mà dưới bóng mát rượi của những cây ‘’đa già’’ đã qui tụ đầy đủ bá quan văn võ của trường Nam. Đúng giờ học chiều, các nàng bên trường Nữ mới lục tục kéo đến. Họ như một bầy chim áo trắng ríu rít phủ trắng hết khoảng sân còn lại. Cả vương quốc của những chàng trai như hồi sinh.

    Hôm ấy, khi tiếng hát nồng nàn của Khánh Ly vút cao: “… Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ… Dài tay em mấy…’’, như có linh tính mách bảo, tôi chợt nhìn qua lớp tứ A2  bên cạnh. Trong đám áo dài đang say sưa nghe hát, tôi bắt gặp một đôi mắt to tròn len lén nhìn mình, bắt gặp một lần, rồi lần nữa…lần nữa…lần nữa… Hai ánh mắt giao nhau rồi giã vờ quay đi, rồi lại bắt gặp…Thằng con trai đệ tứ P4 còn tinh nghịch hồi sáng, chiều nay bỗng dưng bối rối, vụng về với mớ sách vở cầm trên tay. Còn đôi mắt to tròn bên lớp A2 kia, với mái tóc dài che ngang gương mặt bỗng ửng hồng. Hôm ấy hình như có hai người không biết Khánh Ly và Trịnh công Sơn hát những bài gì, vì hai trái tim đập lỗi nhịp: đó là tôi và em. Gốc “đa già’’ đứng đó làm bằng chứng cho giây phút đầu tiên gặp gỡ mở đầu cho mối tình học trò thơ mộng sau đó.

    Sau giây phút đầu tiên gặp nhau dưới gốc điệp già hôm ấy, ngày nào tôi cũng cố ý đi ngang qua nhà em ở chợ Búng. Hình như em cũng cố tình đứng trước nhà chờ tôi đi qua, đôi mắt to tròn nhìn tôi như mỉm cười khi tôi tới sớm hay như hờn dỗi khi tôi đến trễ. Rồi sau đó tôi làm… Ngày Xưa Hoàng Thị, cho tới đầu đường rầy ngang nhà cô Tám Định, em rẽ phải qua trường Nữ, còn tôi rẽ trái qua trường Nam. Ngày nào cũng vậy, em ôm cặp sách đi trước, tôi đạp xe chầm chậm đi sau. Không ai nói với ai một lời. Nếu có nói thì nói rất ít: “Ngày mai tan trường chờ L. nghe?”. “Chi vậy L.?”. “Ngày mai rồi biết, nhớ nghe C.”. Trưa hôm sau, khi em đi học về tới đầu đường rầy, thì tôi cũng vừa đạp xe tới. Tôi tặng em một chồng sách tôi mới vừa lãnh thưởng. Đôi mắt to tròn nhìn tôi long lanh hạnh phúc, em nói :
    - “L. học giỏi quá, C. học dở không có lãnh thưởng đâu’’.
    - “L. chia hai, L. phân nửa, C. phân nửa’’.
    - “C.  ơi, tuần sau nghỉ hè rồi làm sao L. gặp C. được? L. đến nhà C. được không?”.
    - “C.  về An Sơn ở, nhưng không tới nhà được, má không cho đâu!.”
    - “Vậy làm sao?”.

    Hai đứa nhìn nhau không trả lời được câu hỏi.

    Hè năm đó, tôi cũng về phụ má tôi bận bịu với vườn tược, tôi mất liên lạc với em ba tháng trời.

    Ngày tựu trường, tôi gặp lại em. Mái tóc em như dài hơn, em như nhổ giò cao hơn trong chiếc áo dài trắng tinh anh. Đôi mắt em to tròn nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Đôi mắt ấy hình như có một giọt nước, long lanh ướt. Tôi dò hỏi nhưng em lắc đầu không nói. Em vẫn đi trước, tôi đạp xe chầm chậm theo sau cho tới ngã ba quẹo vô trường nữ. Tôi buồn bã đứng nhìn đến khi bóng áo dài khuất nẻo.
   
    Đó là lần cuối tôi làm “Ngày Xưa Hoàng Thị”, vì ngày mai và nhiều ngày mai sau nữa em không còn chờ tôi ở trước cổng nhà em ở chợ Búng nữa. Nhiều lần tôi đón em ở cổng trường Nữ để hỏi tại sao?. Mắt to tròn vẫn nhìn tôi buồn rười rượi nhưng em không nói một lời. Vì sao?. Với tự ái của thằng con trai, tôi không tìm cách gặp em nữa và bóp nát trái tim mình chôn chặt mối tình đầu với một câu hỏi chưa trả lời .

    Bốn mươi năm sau tôi gặp lại em trên trang web trường cũ. Hai đứa ở hai bên bờ đại dương xa ngút trùng khơi. Trường xưa như còn đó trên trang web in bao kỷ niệm ngọt ngào lẫn đắng ngắt. Trong tiếng chim các khoá xao xác gọi bầy nhau, tôi email cho em. Ở tuổi  đã qua lưng chừng con dốc, mình được gặp nhau là một hạnh ngộ. May mắn ta đã tìm được nhau. Tôi còn có em trong những ngày cuối đời… không còn nhiều nữa.
   … Và câu hỏi sau bốn mươi năm chờ đợi vẫn chưa được trả lời./.

    SN buồn tháng 8.
    Sỏi trắng.