Lá thư Nebraska

Những cánh diều trên nền trời xanh

Phạm thị Nhung




Hồi học ở Trịnh Hoài Đức những buổi trưa đến trường, một trong những cái thú của tôi là đưa mắt tìm những con diều bay trên nền trời xanh.  Xuống xe đò hoặc xe lam, rồi phải đi bộ một đoạn đường dài mới vào đến cổng trường, rồi sân trường, rồi lớp học.  Bạn nghĩ xem trước khi phải vào lớp để ngập chìm vào những giờ toán đại số, hình học, lý hoá… trước khi phải đặt hết cả tâm trí vào những giờ làm bài kiểm, bài luận văn… thì với đoạn đường dài ấy quả thật là thi vị.

Xa xa nơi kia, một cánh diều bay bổng phất phơ theo làn gió, hai cái tai và đuôi diều uyển chuyển dịu dàng như những làn sóng nhẹ.  Lẫn trong khung cảnh ấy, là những mái nhà tranh và những hàng cau thẳng tắp, tôi rất thích nhìn con diều lên cao cao mãi. Người ta thường nói : Đẹp như một bức tranh, nhưng theo tôi thì bức tranh cũng không thể nào đẹp bằng cảnh ấy.  Bầu không gian như thế đưa vào tim mình một nỗi êm đềm khó tả.

Thường đó là những con diều màu trắng (chắc làm bằng giấy học trò) in hình trên nền trời xanh thẳm.  Và tôi cũng nghĩ là, có lẽ một tên con trai nào đó đã làm và đang thả con diều đang bay đó.  Vì bọn con gái tụi tôi không biết làm sao để cho con diều có thể bay cao đến được như vậy.

Có một lần trong những ngày nghỉ hè, tôi vô tình đi ngang qua chỗ một đám bọn con trai đang làm diều, tôi nhanh chóng nhìn lén và biết sơ hình dáng cùng cách sắp xếp các thanh tre để làm nên cái đầu con diều.  Còn cái đuôi ư, thì dễ ợt.  Tôi vội về nhà kể lại với bà vú và nhờ bà giúp cho một tay. Bà khéo lắm, bà vừa tìm cho tôi những thanh tre cứng, với một thanh dài hơn và mềm dẻo để tôi có thể uốn thành hình cánh cung, rồi lại đưa cho tôi một cuộn dây nhợ dài thật là dài.  Và sau đó bà giúp làm đúng theo như lời tôi tả lại. 

Tôi lấy cuốn vở nháp đã bỏ, ngồi cắt tỉ mỉ cái đầu con diều, rồi cắt thật nhiều những miếng giấy nhỏ dài để dán thành cái đuôi, và hai cái tai.  Rồi cột sợi dây nhợ vào cái đầu con diều sao cho cân, cho thật khéo. Bà vú thật dễ thương bà giúp tôi thật nhiều. Con diều đã gần xong.  Lòng tôi hân hoan vui vẻ quá.  Đó là con diều đầu tiên mà tôi tập làm, có sự “ giúp đỡ tận tình “ của bà vú.  Bây giờ chỉ còn chờ cho khô keo dán là tôi có thể cho con diều cục cưng của tôi bay lên thử.

Bà vú còn cẩn thận quấn sợi dây nhợ ấy vào một cái lon sữa bò đã rửa sạch hết sữa.  Bà cũng cẩn thận dặn tôi, nếu gió quá và diều bay cao quá hoặc đứt dây thì bỏ luôn đi đừng tiếc, bà sẽ giúp làm cho cái khác.  Đừng cố chạy theo hay níu kéo mà trầy xước tay chảy máu đau lắm đấy.

Buổi chiều ngày hôm ấy thật lộng gió, bà bảo tôi cho con diều bay thử xem sao.  Cạnh bên cư xá của Ty Hiến Binh Bình Dương có một khoảng đất trống, tôi và hai đứa em gái thường hay đến đấy đánh vũ cầu.  Tôi tay xách con diều với cái đuôi dài lê thê, tay kia cầm cái ống dây nhợ, lòng thú vị khôn tả.  Tôi đến đầu khu đất trống, tay phải cầm cái đầu con diều chỗ cột sợi nhợ thật cân, cố nhớ xem tụi con trai nó thả diều như thế nào tôi bắt chước làm theo như thế.  Tôi chạy suốt từ đầu khu đất đến cuối, và chỉ thấy gió thổi vào sau lưng mình chứ con diều không bay lên được.

Sau đó ư, tôi lại chạy từ cuối khoảng đất, ngược về lại từ chỗ bắt đầu.  Lần này thì đúng hướng gió cho con diều cất cánh bay lên rồi.  Thoạt tiên nó liệng qua một bên, rồi liệng về bên kia chút xíu, tôi nhớ bà vú dặn lúc ở nhà, là nhớ thả dần dây nhợ ra cho nó bay lên cao.  Con diều từ từ vươn lên, sợi dây căng thẳng ra, gió thật là mạnh, tôi thả dây nhợ dài thêm dài thêm, con diều của tôi đang gối lên ngọn gió lành, và bất chợt bay bổng lên. 

Tôi ngước nhìn một cách thích thú.  Tay cầm cuộn dây nhợ, tay kia bắt chước tụi con trai giật giật sợi dây, con diều đã lên cao, tuy không cao lắm như những con diều mà tôi đã từng trông thấy trên đường đi học.  Nhưng con diều của tôi thật là dễ thương làm sao.  Hai cái tai vẫy vẫy trong gió, cái đuôi uyển chuyển dịu dàng và không ngừng rung rung nhẹ, nó đang tung tăng trong làn gió, trong ánh nắng vàng.  Và bạn ơi, tôi nghe tiếng nó hát, thật đó tôi nói thật mà.

Lúc ấy thật sự tôi nghe tiếng con diều của tôi hát, tay tôi vẫn cầm cái cuộn dây nhợ cuốn vào cái lon sữa bò.  Tôi nghe vang vang tiếng hát truyền xuống thính giác của tôi qua sợi dây ấy:

“ Tung trời xanh, én nô đùa reo mừng.
Ta đi mau, gió la đà vướng chân. 
Trong nắng tươi hát cười, lòng ta bay theo mây hồng.
Nước nước, non non tràn lòng ta. 
Dưới bóng cây kia trường làng ta. 
Đang chờ đón lòng thiết tha “.

Nó vừa hát vừa lắc lắc cái đầu, vẫy vẫy hai cái tai dài, cái đuôi vẫn như có làn sóng nhẹ nhẹ lướt.  Con diều này thật là lém lỉnh đấy bạn thấy không nào.  Nó biết là trong lớp thầy Bé Tám dạy tụi mình bài hát ấy là nó bắt chước hát theo liền.  Chiều tối hôm ấy về nhà tôi bị cơn sốt nặng vì đi thả diều suốt cơn nắng ban chiều.  Bà vú ngồi suốt đêm bên giường để chườm bao nước đá, đêm tôi mơ hoảng la lên mấy lần, bà vú lay tôi dậy cho tỉnh táo để đừng sợ hãi.  Tôi mơ thấy từng đoàn người dài mặc áo trắng, tay mỗi người cầm một ngọn đèn nhỏ, không nói năng gì với nhau chỉ lặng lẽ bước về một hướng.  Tôi sợ quá mà la thét lên.

Trước khi đi ngủ cha tôi đã rót thuốc si rô cảm sốt cho tôi uống, và bà vú nấu cháo cho tôi ăn với sữa.  Sáng ngày trong khi gọi xe xích lô và chuẩn bị để đưa tôi đi bác sĩ, tôi nghe cha tôi nói với bà vú : Tôi biết bà thương cháu, nhưng đừng chìu chúng nó quá, chúng còn trẻ người non dạ, hay đòi những điều không tốt cho chúng.  Các cháu mồ côi mẹ, không biết rõ những gì tốt hoặc tai hại đâu.

Cha tôi nói lời rất từ tốn với bà, nhưng tôi cứ ân hận là vì mình mà mọi người trong nhà phải lo lắng quá.  Nhưng khi nhớ đến con diều giấy thì vẫn cảm thấy vui vui.  Đó là một trong những kỷ niệm của mùa hè cuối năm đệ Thất.

Sau đó thì không bao giờ tôi có dịp đụng đến một con diều giấy nào cả, là vì ở nhà chẳng ai cho tôi đụng đến.  Rồi tôi lên lớp đệ Lục rồi đệ Ngũ, những buổi trưa đi học tôi vẫn cứ mơ một ngày nào mình sẽ thả được những cánh diều cao vút kia.  Cuối năm đệ Ngũ tôi về Sài gòn, từ đệ Tứ tôi học ở trường Trưng Vương. 

Khi sống ở chốn đô thành, tôi nhớ nhung biết bao nhiêu khung trời tuổi nhỏ của tôi với những cánh diều bay cao lơ lửng trên nền trời xanh thẳm.  Nhìn quanh con phố chỉ nhà là nhà, phố xá với cao ốc khô khan, hoạ hoằn nhà nào có mảnh vườn và một cái sân rộng thì đó phải là biệt thự của những nhà giàu có lắm.  Cây cối thì chỉ có ở những đại lộ hay những con đường của nhà giàu. 

Chẳng như khi xưa, lũ học trò nhỏ bé chúng tôi đâu tiền bạc giàu có gì nhưng vẫn được ngắm nhìn cây cỏ hoa lá trời mây, sống hoà với thiên nhiên như một nhu cầu trong nhịp sống hàng ngày.  Tôi cũng nhớ con sông Bình Dương với dòng nước trôi lặng lờ êm ả, đem cùng với nó những đám lục bình có hoa màu tim tím.  Những buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi, từ đường Ngô Quyền bà vú dẫn chúng tôi xuống đi dọc theo bờ sông hóng cơn gió thoáng mát trong lành. (Tôi cứ nghe người ta gọi đó là con sông Sài Gòn, Sài Gòn đâu mà ở đấy thế. Với riêng tôi, đó mãi mãi là con sông Bình Dương, con sông Bình Dương của tôi ).  Đứng bên này bờ sông, đôi khi tôi cũng thấy một vài cánh diều thấp thoáng bay cao bên Phú Hoà Đông.

Còn ở Sài Gòn, bước ra khỏi nhà là xi măng, là nhựa đường làm cho cái nắng càng thêm khô khốc, và càng làm cho tôi nhớ đến ngôi trường xưa hơn.  Năm ấy tôi vừa 14, và tôi có cái tính hay sống ru rú ở trong nhà từ đấy.  Mặc dù người anh thứ nhì của tôi là một sĩ quan Hải Quân, đơn vị của anh đóng ở căn cứ Hải Quân Cát Lở Vũng Tàu, thì có thật nhiều dịp để chúng tôi ra nghỉ mát cuối tuần ở Vũng Tàu đấy, nhưng đã lỡ làm một con gián ống thì cứ làm con gián ống luôn, trong nhà ai muốn đi nghỉ mát thì cứ đi.

Tôi xếp lại và cất kỹ trong tim mình một niềm yêu thích , vì càng ngày thì càng thành người lớn chứ.  Chắc bạn cũng đồng ý với tôi là một thiếu nữ thì chẳng có bao giờ mà đi thả diều như thế.  Cứ chạy tưng tưng theo con diều thì kỳ cục thật đấy.  Kinh Thi chẳng nói là : “ Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu “đó sao.  Tuy chẳng phải là tôi đã có “ người yêu dấu “ đâu.  Vì mới ở cái tuổi 14,15 như cái cô bé “ Đi chùa Hương “ của Nguyễn Nhược Pháp  thì tôi cũng như cô bé ấy :…Em, em chưa yêu ai.  Vì thầy bảo người mai.  Rằng em còn bé lắm.  Ý đợi người tài trai….

Nhưng các bạn cũng đừng cười tôi nhé, vì tôi cũng không có ý đợi đâu.  Thế rồi cuộc sống cứ trôi nhanh, những năm mà vợ chồng tôi chuyển về tiểu bang này sống, một hôm tôi tình cờ xem thấy một show trên TV, thì bạn ơi tôi xin phép bạn thốt lên một câu này thôi : Ý mèng đéc ơi, không còn một ai trên cõi đời này mà không đi thả diều hết trơn đó nghe.

Tôi mừng rú lên, gọi ông xã tôi cùng xem, không những họ thả những con diều thật to lớn tuyệt đẹp, mà tất cả mọi người từ già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái còn dự một cuộc thi nữa.  Họ dự thi cá nhân, hoặc một nhóm.  Ngay lập tức tôi mở trái tim mình ra và con diều của tôi lại bay phất phơ chập chùng trước mắt.

Một trong những thú tiêu khiển của ông xã tôi là đi câu cá vào cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ, mùa đông anh còn cái thú “ ice fishing “ nữa.  Tuy tôi không ngán cái lạnh của tiểu bang này lắm, nhưng khoan băng đá để mà câu cá thì thực sự là cái thú của các đấng mày râu.  Tôi không thích, mà chỉ thường đi theo anh vào những ngày nắng ấm, nhưng cũng không ra câu cá mà chỉ ngồi dưới những tàn cây lớn đọc sách báo hay nhìn phong cảnh đẹp chung quanh mà nghĩ ngợi xa xôi.

Tuần ấy, tôi đi tìm mua mấy con diều, quả thật là kỹ thuật đã làm cho đời sống dễ dàng hơn, ngay cả đến việc người ta làm một con diều.  Con diều nào khi mua về cũng gối lên ngọn gió mà bay lên cao vút một cách dễ dàng.  Những con diều tôi mua về, cũng cần trang điểm thêm cho nó đôi chút thôi, tôi nối thêm cho nó cái đuôi dài hơn, và nhiều hơn.  Gắn thêm vào hai bên cái tai cho tai dài hơn và nhiều hơn.

Ngồi dưới bóng mát của một tàn cây lớn bên bờ hồ, bờ bên kia xa hút tầm nhìn, mây trời lang thang gió lồng lộng thổi.  Khẽ dựa vào cái ghế và nhìn xa xa, một vài cánh thuyền lênh đênh trên mặt nước, trên cao con diều xinh xắn của tôi đang bay chập chùng trên nền trời xanh thẳm.  Nhớ lúc nãy, trước khi rời tay tôi để chuẩn bị cho chuyến viễn du, nó khẽ chao nhẹ một bên tôi như chào tạm biệt.  Tôi đang chuẩn bị cho nó một chuyến bay lên cao thật đẹp và cẩn thận cố không làm một lầm lỗi nào.  Như vẫn còn lưu luyến, nó lại chao nhẹ qua bên kia, rồi trước lúc bay vút lên cao theo làn gió mới vừa ào đến, tôi thoắt nhẹ giật mình vì nghe tiếng nó hát : Hôm nay, trời nhẹ lên cao…trời nhẹ lên cao…tôi buồn…Ô hay, chẳng hiểu vì sao…chẳng hiểu vì sao tôi buồn…

Không cần cả tiếng sáo diều bạn ạ, vì con diều của tôi biết hát.  Tôi ngồi nghe tiếng hát bay trong không gian, bay qua đồi núi xa xăm, bay vượt biển khơi nghìn trùng, bay đi với những đám mây trắng trên nền trời xanh xanh kia.  Cái đầu nó khẽ lắc nhè nhẹ, hai cái tai vẫy vẫy, cái đuôi vẫn trải dài và gợn như những làn sóng nhẹ.

Tôi cũng có một con diều lớn nó bay một cách dũng mãnh hết sức vậy đó, người bán hàng nói với tôi là khi cho nó bay lên cao, mấy chiếc Jet cũng nhìn thấy nó nữa.  Nghe thì biết vậy chứ tôi thì cũng không mong gì những chiếc Jet ấy nhìn thấy con diều của tôi.  Mỗi lần vuột ra khỏi tay tôi để vút lên nền trời xanh cao kia, tôi nghe nó hát vang vang: "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng giống Lạc Hồng giống Anh Hùng Nam Bắc Trung..."

Bạn thân mến,

Tôi có nhiều con diều lắm, nhưng khi thả diều thì biết, không con nào giống nhau cả.  Mỗi con có một cá tính khác nhau, nên thú vị lắm bạn ạ.  Trong số các con diều mà tôi có, con diều làm cho tôi ngạc nhiên nhất là một con có cá tính giống y hệt con diều năm xưa còn bé, mà bà vú nuôi giúp tôi làm, bạn có còn nhớ không. Nhưng nay tôi nghe nó hát khác, nó không hát : Tung trời xanh én nô đùa reo mừng, ta đi mau gió la đà vướng chân…Không, nó không hát như vậy nữa mà tôi nghe tiếng hát của nó sao hơi buồn:

Cho tôi lại nhà trường…
Bao nhiêu là người thương…
Tôi không thù không oán…
Ai cũng bảo tôi ngoan…