Tiếng bìm bịp cuối cùng

Bacsinhaque


Sáng thứ 7, nghỉ
cuối tuần, chưa biết làm cái gì thì một đồng nghiệp trẻ gọi điện hỏi anh rảnh không đi chỗ này với em, hỏi chỗ nào. Trả lời là câu cá rô đồng Mỹ Hảo, không đi năm sau nó thành đô thị hết chỗ đi à, em thấy có mấy cây Lộc vừng trong đồng sâu, anh vô nghiên cứu làm sao đánh về trồng. Vậy là đi, chợt nhớ một đàn anh cũng khoái vụ này, gọi điện thoại, anh nói anh mắc bận rồi, mà anh gởi thằng nhóc đi theo.

Vậy là 4 người, cả người yêu của anh bác sĩ trẻ, lên đường.

Đồng ruộng Mỹ Hảo là nơi mà hồi nhỏ tụi tôi thường hay đi bắt cá lia thia. Nhiều lần đang trưa nắng mấy thằng rủ nhau xách lục (cái bẩy chim) đi qua đây đánh chim hoành hoạch đầu trắng nữa. Đầu trần, đi bộ, có thằng còn đi chân không nữa, dù từ xóm tôi qua đây, đi tắt qua trường Công Binh cũng tới hơn 3 cây số, nắng chang chang.

Bây giờ đô thị hóa, con đường đất đỏ hồi xưa từ sân phơi của hợp tác xã vô đồng nhỏ xíu, chỉ vừa cho chiếc xe đạp và xe bò tránh nhau giờ rộng thênh thang, trãi nhựa láng cón. Ven đường người ta ở chật cứng. Vô sâu bên trong, trước khi qua cầu Cống để vô đồng còn có một nhà hàng ăn nhậu, tường rào thiệt "hoành tráng". Nghe nói trước đây là nhà hàng bia ôm của một ông bự nào đó.

Bên kia cầu Cống (cống thủy lợi) thì hết đường nhựa, là con đường đê vô đồng như xưa, nhưng giờ là đồng hoang, nham nhở vì đã vào qui hoạch khu đô thị mới, không còn đồng lúa bát ngát và những hàng cây sim ven bờ đê thơ mộng như xưa.

Dấu vết xưa chỉ còn bờ đê lớn với một lối mòn nhỏ và vài bờ ruộng làm lối đi, vài đám lúa còi còn sót lại giữa muôn ngàn cỏ dại. Cái mương nước thủy lợi của Hợp tác xã xưa rộng 4-5m mà giờ chỉ còn là 1 lạch nước chừng không tới 1m, chính là nơi câu cá rô đồng. Nghe nói chịu khó câu vài tiếng thì cũng được mười mấy con bằng cỡ 2-3 ngón tay, đủ làm một tô kho tộ...

Theo bờ ruộng vào sâu bên trong có một gò đất với một vườn cây tạp đủ loại: tràm, sim, lộc vừng... với vài ổ chim dồng dộc cũ xác xơ, hoang vắng, lủng lẳng treo trước gió, chẳng thấy một con chim nào, cũng không nghe một tiếng chim nào hết, chỉ nghe tiếng xe cộ ầm ì gió đưa từ đằng xa vọng lại. Chả bù với hồi xưa, ổ chim dồng dộc rất nhiều và thiệt đẹp. Chim dồng dộc màu vàng hơn se sẻ, ra vào líu lo, rồi chim chích chòe, chèo bẻo, chăn vịt, hoành hoạch đầu trắng... từng đàn, dập dìu, lảnh lót lúc bình minh hay chiều tà. Nhớ làm sao những buổi trưa hè qua đây đánh chim, bắt cá, nằm dài trên đống rơm chờ bạn thui con cá lóc mà nghe chim cu ngói, cu cườm vang rộn "cưa chưa được, cưa chưa được", hay "cục cúc cu cu, cục cúc cu cu". Con nào càng cà lăm thì càng hay, càng quí, phải đánh về cho bằng được, sư phụ hồi xưa đã dạy như vậy.

Chính tại chân gò này, hồi xưa tôi đã bắt được con lia thia mọi đen trùi trũi, mình dài, miệng rộng, môi dày... đá đâu thắng đó, thắng luôn con cá xiêm vô địch của anh Đại. Sau này cho nó cảng (lai) với cá xiêm mái ra bầy con cũng thiệt là dữ dằn...

Phóng tầm mắt xa xa là một ngôi chùa cổ hay đình miếu gì đó ở trên một đồi cây khác, mà nghe nói cũng nằm trong vùng qui hoạch giải tỏa. Ở phía khác còn sót lại một ao sen khá lớn nhưng cũng xác xơ, sẽ là khu nhà ở xã hội. Không biết là nhà ở cho người nghèo thiệt hay không? Hay rồi cũng như khu "thu nhập thấp" ở kế bên bệnh viện, bây giờ toàn dân nhà giàu, nhà lầu, biệt thự ở mặt tiền, còn viên chức thu nhập thấp chỉ chừng mấy mươi nhà nhỏ ở trong hốc.

Buồn. Ở chốn nhà quê mà bây giờ cũng không còn đồng ruộng, tiếng chim nữa. Cứ đô thị hóa là phải không còn màu xanh cây lá, tiếng chim, hàng tre, giếng nước hay sao? Mà trên rừng bây giờ cũng đâu còn chim chóc gì nữa, bắt sạch, phá sạch rồi.

Ngược vào thôn xóm, nhà nhà chen chút nhau, nhà lầu có, nhà trệt có, kiểu mới có, mà xưa như chữ đinh hay ba gian hai chái cũng còn. Dấu vết chuồng trâu, xe bò cũng còn. Có vài nhà, vài miếng đất ghi bảng sang, bán hoặc cho thuê...

Có người nhận ra tôi, hỏi bộ đi mua đất hay sao bác sĩ, rồi mời vô nhà chơi. Nhà anh mới cất, chưa có la phông (trần), rộng chừng 5 mét ngang, cửa sơn màu lá mạ, là "màu xanh hy vọng" theo lời của anh. Gần 50 tuổi anh mới có được cái nhà của riêng mình, nhờ bán đất. Hồi trước ở chung đại gia đình với ba má anh, ngôi nhà ngay cạnh đây, một nếp nhà xưa ba gian chữ đinh lại có đúc cái "ô văng" bê tông đằng trước. Trong nhà có bộ ván ngựa, hai bàn thờ cũ kỹ... và nền nhà thấp hơn mặt đường, một dấu ấn của thời gian. Ba của anh chính là một bệnh nhân của tôi hồi năm ngoái, nên anh mới nhìn ra tôi mà kêu hỏi. Chứ anh nói bây giờ tụi lừa đảo giả dạng hỏi mua đất, hay bán hàng dạo nhiều lắm, mời vô nhà có khi mang họa. Đô thị hóa rồi, lối sống cũng khác xưa, đèn nhà ai nấy sáng, có khi ở gần bên mà cả năm trời mới quen với nhau, mọi thông tin chỉ nghe ngoài quán cà phê thôi. Tuy vậy, anh cũng cho biết tin tức vài nhà mà hồi xưa tôi có biết, người còn, người mất... thêm vào đó là bao chuyện vui buồn của thời đô thị hóa, đất mắc như vàng. Có nhà kia nề nếp bao đời, bây giờ chỉ vì chút đất mà anh em cắn xé nhau, đẩy nhau ra tòa, mà đâu nghèo đói gì cho cam, ai cũng có của ăn của để. Ông nọ bán đất chia đều cho con cháu, còn dư gởi ngân hàng để dành đi bia ôm hưởng đời, mấy năm sạch bách, con cháu cũng vậy, có tiền nhiều đâu biết làm gì ngoài việc "sống hết mình".

Rồi nhà kia có bà chị hai ở bên Mỹ, mấy năm trước hay gởi tiền về cứu trợ cho các em, nghe nói bán đất thì nói mấy em chia nhau đi, để dành làm ăn, tới chừng nghe nói được cả trăm ngàn đô la thì vội vã bay về biểu chia cho tao với chớ, mà còn đâu, dễ gì được.

Dù cho nhà nước nói rằng, đất đai là sở hữu của toàn dân, chỉ giao quyền sử dụng mà không giao quyền sở hữu cho người ta, với bao điều luật tưởng chừng chặt chẽ, như là khi chuyển nhượng phải ra chính quyền làm giấy chứng nhận rằng tôi có nhu cầu sử dụng và chưa có nhà đất ở địa phương, còn bên kia thì là "tôi hết nhu cầu sử dụng". Đất đai bây giờ đã trở thành một thứ hàng hóa mang lại lợi nhuận rất cao, như ai đó đã nói "Mua thổ không bao giờ lỗ".

Những mảnh ruộng, những căn nhà hương hỏa đã trở thành một thứ của cải có giá trị rất lớn đối với gia đình, gia tộc. Người ta chỉ biết tới tiền, vàng và đất, thay vì phải lo củng cố, gìn giữ gia phong mà ông bà truyền lại. Do vậy mà tình cảm, nề nếp gia đình bị lung lay trầm trọng trong các cuộc tranh chấp về đất đai hay nhà cửa. Đây chính là đòn đánh trí mạng của công cuộc đô thị hóa này lên nền văn hóa gia đình, làng xã của dân tộc chúng ta. Nhà kia chỉ có 2 anh em, người em gái quá lứa lỡ thì sống riêng trong một gian bìa, gia đình người anh ở 4 gian còn lại và mặc nhiên coi toàn bộ cái nhà là của ông ta vì cha mẹ để lại cho con trai, nữ sanh ngoại tộc. Tới chừng ông muốn bán nhà, có hứa cho cô em một ít tiền mà cô không chịu, nói để em sống hết đời của em rồi anh muốn bán thì bán, còn không phải cho em một gian để ở. Vậy mà vợ chồng ông anh không chịu, réo chửi suốt ngày, đòi đuổi em đi. Cực chẳng đã, phải ra tòa. Ông tòa chia hai, tham thì thâm. Người em được hai gian rưỡi, cũng bị bất ngờ vì mình không biết luật. Bức tường gạch dựng lên liền, ngay chính giữa bàn thờ ông bà cha mẹ, mà người anh nhứt định không chịu dời bàn thờ qua một bên, vì còn chống án. Còn người em thì tòa chia sao làm vậy, cho bõ ghét bà chị dâu, mặc làng xóm chê cười, dị nghị. Tết này không biết có rước ông bà hay không? Ông bà về biết làm sao đây? Đi luôn cho rồi...



Đang trò chuyện cùng anh và bác thì chợt nghe xa xa như có tiếng bìm bịp kêu, đâu phía ngoài đồng. Anh nói đã lâu rồi đồng ruộng Mỹ Hảo không còn bìm bịp, vì người ta lùng bắt ngày đêm, đuổi cùng diệt tận vì nghe đâu rượu ngâm bìm bịp trị nhức mỏi và "cái khoảng kia" hay lắm. Con này mới về đây đâu khoảng chừng một tháng nay, chắc đâu bên miệt Bình Mỹ, Củ Chi bay qua. Chiều chiều nó kêu nghe buồn lắm.

Giống bìm bịp này thích sống nơi bưng biền, bờ rạch rậm rạp, hoang vắng. Bắt các loài rắn độc mà ăn. Bây giờ mấy bờ rạch bị đổ xi măng hết rồi, đâu còn chỗ cho nó nữa. Bên Củ Chi nghe nói cũng sắp lên quận nội thành rồi, tấc đất tấc vàng, chắc là nó bị rượt dữ lắm mới chạy qua đây. Mà cũng hết đường rồi, sớm muộn gì họ cũng thịt nó thôi.


Chiều nay tôi phải dẫn con tôi trở lại đây mới được, để nó được nghe tiếng chim bìm bịp kêu, lần đầu tiên của nó mà cũng là sau cùng của tôi. Mai này may ra còn có thể nghe được tiếng bìm bịp kêu trên băng dĩa CD mà thôi.

Còn bây giờ, phải nghe cho được tiếng bìm bịp cuối cùng của đồng Mỹ Hảo, cho tới khi nào nó mất.

(2/ 2011)



Mời nghe tiếng bìm bịp kêu chiều: ( Bấm vào đây )