ANH  DŨNG
(hay Tình Bạn B5 Tiếp Theo)

Lưu Thanh Bình


... Vào công ty được hai tháng thì mình được chuyển từ kế toán phân xưởng cơ khí sang kế toán phân xưởng cưa. Quy mô lớn hơn, lương cao hơn và đặc biệt là tiền thưởng hàng tháng gần bằng tiền lương, được trích ra từ quỹ phế phẩm. Gặp lại bạn B5 là thủ quỹ Tài ( nhưng không có dịp học chung vì khi mình rời trường thì bạn mới vào) cùng anh Dũng quản đốc là anh ruột của Tân, ngoài ra còn có Sương phó quản đốc cùng trang lứa và Chí Dũng phụ trách kỹ thuật cưa xẽ. Khi nhận nhiệm vụ, Minh có gọi lại dặn riêng: cần phân biệt rạch ròi giữa công việc và các mối quan hệ, có gì khúc mắc thì gặp thẳng, tôi cho ý kiến. Mình hiểu ý bạn, nhất là khi đã quen với công việc, tuy nhiên tiếc thay, lời dặn dò của Minh khiến mình ỷ lại và sau này có nhiều hành xử thái quá, cực đoan. Đúng như Minh nói, tình hình xưởng cưa khi ấy hết sức phức tạp, nội bộ lủng cũng không ai tin ai, sổ sách tài chánh không rõ ràng minh bạch, ai cũng có thể viết phiếu bán củi và ai cũng làm thủ quỹ được. Mọi việc bắt đầu ổn định khi phân công phân nhiệm lại rõ ràng, ai làm việc nấy không dẫm đạp lên việc người khác, phân xưởng cưa dần đi vào nề nếp.   

Thuở ấy (1984) nhu cầu về chất đốt rất lớn, mà điện và khí gaz không phải nhà nào cũng có, đa số đều phải đun củi hoặc than, vô tình thành ra kho củi phế phẩm của xưởng cưa trở thành quan trọng. Có hai loại củi : củi bìa và củi ván sàn, trong đó củi sau được ưa chuộng hơn vì cháy đượm và có nhiều than. Bếp ăn tập thể, lò hơi, quán cà phê, lò bánh mì, lò hủ tiếu, lò bánh tráng thậm chí chảo chiên bánh tiêu, xe phở bán rong, xe cháo, xe bò viên … đều khát củi, nên các xe ba bánh mua củi xếp dài dài ngoài hàng rào mỗi sáng, khi cánh cổng bảo vệ mở ra là tất cả ùa vào như vỡ chợ.  

Lần ấy, có hai xe củi chất đã đầy, khách mua vào văn phòng lấy phiếu. Khi lấy phiếu ra cổng xong, anh ta xoay sang thủ quỹ nói hết sức tự tin: “... Anh Dũng đề nghị tôi lấy hai xe củi trừ nợ…”. Thì ra đó là Vinh, sau này là chủ quán phở Huỳnh Hoa danh tiếng ở Lái Thiêu, toan lấy củi cấn nợ. Thủ tục ra cổng khi ấy, theo lệnh giám đốc, nếu trên phiếu xuất kho không có chữ ký của mình và mộc “đã thu tiền” của Tài thì dứt khoát bảo vệ không cho ra! Lửa giận bốc lên, mình đập bàn hét lớn: “Củi là củi của công ty chứ củi nào là của anh Dũng ? Không có tiền thì trút củi xuống, có ngon kêu anh Dũng tới đây bảo lãnh!”. Dĩ nhiên anh Dũng đã lánh mặt từ trước, còn Vinh thì vừa móc tiền ra trả vừa chửi rủa anh Dũng không tiếc lời. Sau này nghĩ lại, mình tự thấy đó là một hành vi nóng vội quá đáng, dù không sai nhưng cũng không đúng, đạt lý nhưng không thấu tình. Một phần do bản chất “mô phạm” trong con người khiến mình căm ghét cái sai quá cực đoan như vậy. Bây giờ mới ngộ ra, xã hội này, nhất là trong môi trường kinh tế, người ta “ăn” đều trời, “ăn” một lần hàng vạn, hàng triệu xe củi chứ không phải hai xe như anh Dũng. Còn Tài, giữ im lặng suốt buổi, chỉ nói nhã nhặn ít lời sau đó, khi chỉ còn hai đứa: “ … nếu mày bình tỉnh một chút thì tao đã đề nghị cho qua, vừa giữ thể diện cho anh Dũng vừa được lòng thằng Vinh. Thiếu gì cách giải trừ cho anh Dũng, mà sau này mày nói gì anh Dũng cũng phải nghe … Một ná bắn hai chim …”.

Sự việc thứ hai, xảy ra khi mình đã làm kế toán phân xưởng cưa được hơn năm. Khi ấy người thất nghiệp hãy còn đông, công ăn việc làm không phải dễ kiếm, nhất là được một nơi làm ổn định lâu dài. Do đặc thù của nghề cưa xẻ, nhân công thường không ổn định, ra vào như đi chợ, có người vào làm một vài ngày, không chịu cực nổi phải xin thôi, có người bỏ ngang không báo trước, riết rồi phòng tổ chức phải để cho phân xưởng tự tuyển người khỏi qua thủ tục (đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe …). Thợ cưa hưởng lương khoán sản phẩm, làm nhiều ăn (lương) nhiều, làm ít ăn ít. Hàng tháng, kế toán căn cứ bảng kê khối lượng gỗ và củi cưa xẽ được mà áp đơn giá khoán vào. Tổ trưởng nhận tiền về phân phối theo bảng chấm công và công việc của từng người. Thợ CD lương khác thợ cưa mâm, thợ mũi (mài lưỡi cưa) lương khác thợ cắt ván sàn, mỗi tổ trung bình gồm từ sáu đến tám người. Đa số tay làm hàm nhai, đâu có chịu đựng nổi một tháng trời nên thường thường giữa tháng phải tạm ứng trước, đến kỳ lãnh lương chỉ còn thực lãnh có phân nữa mà thôi.

Một lần mình tò mò xem một tổ trưởng chia lương cho anh em trong tổ, tổ có tám người nhưng sao chia lương ra làm chín phần ? Thì ra có một kẻ tên là Hà bi, chuyên làm nội trợ cho nhà anh Dũng nhưng cũng được dự phần. Mình lại nổi nóng, quát tổ trưởng : “Nó làm cho nhà anh Dũng thì anh Dũng trả tiền, sao bắt anh em phải gánh ? Tiền lương có bao nhiêu, lại phải chia năm xẻ bảy kiểu này ?”. Duy chỉ có Tấn Tài là giữ im lặng, mình đoán hắn đã biết từ lâu nhưng không nói. Cạy miệng mãi , nó mới thong thả nói : “Mày và tao chỉ phát lương đến tổ trưởng là thôi, hết trách nhiệm. Còn tụi nó chia sao mặc kệ, mày dây vào làm gì cho rách việc” ! Bây giờ (2014) thì khỏi nói các bạn cũng biết, muốn xin việc thì thủ tục “đầu tiên” không thể thiếu, ngoài ra muốn giữ việc thì lễ, tết, sinh nhựt, tân gia, giỗ kỵ, cưới xin … của sếp và gia đình, nhân viên đều phải “biết điều”. Xem lại việc cũ, việc anh em cưa xẽ xén chút tiền lương cho Hà bi làm gia nô đâu có gì lớn, nếu biết quà cáp bây giờ không phải là rượu ngoại nữa, quá thường, mà phải là chó Phú Quốc hoặc chậu kiểng bonsai kìa.

Việc xảy ra không lớn, hậu quả không nghiêm trọng nhưng cũng làm mối quan hệ giữa mình và anh Dũng khó bình thường như trước. Tuy nhiên cả hai đều không có tính cố chấp, thù dai nên rồi mọi việc cũng quên đi. Theo thời gian, mình và anh Dũng không còn làm việc chung nữa nhưng mỗi lần nghĩ lại, mình không khỏi ân hận, phải chi mình bớt nóng nảy, khéo xử lý hay hơn một chút thì tốt biết bao. Trung thực là tốt, nhưng nếu trung thực mà cộng với nóng nảy, đôi khi trở thành lỗ mãng. Giống như nhiệt tình là tốt nhưng nhiệt tình mà cộng với ngu dốt thì thành ra phá hoại.

Cũng cần nói thêm, mặc dù làm xếp sòng dân cưa xẽ, có lúc làm giám đốc xưởng cưa Lộc Tấn, nhưng anh Dũng tính hảo hán, hay giúp đỡ kẻ dưới, không hề nịnh trên đạp dưới hay tham ô móc ngoặt lấy của công làm của riêng. Duy chỉ có tật nhậu li bì khó bỏ. Anh em thương nhưng cấp trên không thích. Có câu chuyện vui mình xin kể ra đây: năm ấy XN 3/2 hân hạnh đón tiếp vị lãnh đạo cao nhất nước. Được tin báo, ông trưởng phòng tổ chức chạy đi khắp nơi, yêu cầu đồng phục chỉnh tề. Đến phân xưởng cưa, ông cũng yêu cầu như vậy nhưng thay vì chấp hành mệnh lệnh, cả đám công nhân ồ lên cười. Thì ra với tình trạng mùn cưa hòa quyện với mồ hôi bám đầy người, không ai có thể mặc áo công nhân dày cộp được vì sẽ xót lắm. Thế là ông trưởng phòng bèn chạy đi tìm anh Dũng quản đốc mắng vốn. Anh Dũng chỉ tủm tỉm cười và bảo ông ấy hãy thử đứng trong đám bụi mù ấy chừng năm phút xem sao. Cuối cùng thì ông trưởng phòng chịu thua, và giải pháp tốt nhất là hướng dẫn vị khách quý tham quan nơi khác, bỏ qua cái xưởng cưa quái quỷ ấy.  

(4.2014)