Ăn cơm chưa?

Bacsinhaque
(Kính tặng chú "Người Phương Xa", các bạn trường Nghĩa Phương và các bạn diễn đàn y khoa)


Hôm nay tôi phải trực. Chiều, đang nằm trong phòng một mình thì bác sĩ đàn anh bước vô hỏi:
-Ăn cơm chưa?
-Dạ chưa anh.
-Ra ngoài ăn gì không?

"Ăn cơm chưa?". Hình như lâu lắm rồi tôi không được hỏi như vậy, trong cái thời buổi mà chiều tối tới khuya ra đường đâu đâu cũng thấy ăn nhậu, ồn ào.

"Ăn cơm chưa?" dường như là câu chào hỏi đầu cửa miệng của đa số người Hoa hồi xưa, hồi tôi còn nhỏ.

Nghe Má tôi nói rằng, vì người Hoa hồi chiến tranh bị đói lắm, phải chạy sang Việt Nam, mà trên đường đi cũng bị chết vì đói rất nhiều (người), bạn nào có coi phim "Đất Khách" sẽ thấy rõ cảnh này. Cho nên bữa cơm đối với họ là rất quan trọng, cho dù sau này họ đã trở thành các đại lão gia. Cho nên khi gặp nhau họ thường hỏi "Ăn cơm chưa?"

Bố Già của tụi tôi hồi đó cũng vậy.

Hồi đó, ở trước cổng trường Nghĩa Phương của tôi (gọi theo tên xưa chứ lúc đó là trường Phú Cường 1) có một ông già người Hoa có một cái xe đẩy bán chè sâm bổ lượng và các loại chè khác. Chúng tôi thường gọi ông là Bố Già. Xe chè của ông ở đối diện cổng trường, bên hàng rào của khu tập thể công ty dược, mà người lớn kêu là hãng rượu.

Hồi đó tôi học lớp 7, học buổi chiều, mười hai giờ rưỡi nắng chang chang đã phải lội bộ 2 cây số để đi học. Mấy đứa bạn tôi có đứa còn phải đi 5-6 cây số để tới trường nên phải đi từ trước 12 giờ. Tới trường là mồ hôi nhuể nhại. Trong lớp cũng nóng như lò bát quái. Mà hồi đó đâu có chai nhựa như bây giờ, cho nên việc đem nước theo để uống là khó lắm. Đứa nào sang thì có cái bi đông của lính, đựng tới một lít nước, tha hồ cho bạn thân uống. Còn mấy bình bi đông nhựa làm cho học trò hồi đó, thì làm bằng nhựa hợp tác xã cho nên rất dễ bị bể khi rớt hay va chạm, nắp cũng không kín. Học trò gái trường tôi hồi đó thường đem nước theo uống bằng cái chai xá xị con cọp có đậy cái nút mốp. Con trai làm biếng hơn, ít đứa chịu đem. Cái chai đó nó còn có một công dụng nữa là dùng để đánh lộn, rất nguy hiểm. Cho nên bị nhà trường cấm. Mà nhà trường hồi đó cũng tệ, trường lớn, chỉ riêng cơ sở Nghĩa Phương đã có mười mấy lớp 7 học trong một buổi, mà không có cả nước xài, nói chi tới nước uống cho học trò. Ở khu vệ sinh có một cái hồ chứa nước, nước này do học sinh xách trong giờ lao động, từ dưới con rạch của cầu Bến Cỏ cách đó hơn 100 mét, chỉ để rửa chân và dội nhà cầu thôi. Vậy cho nên khi tới trường thì chúng tôi thường ghé Bố Già trước tiên, nếu không ăn gì thì bố cũng có một bình trà đá miễn phí. Mỗi đứa chỉ được cho một ly nhựa. Bây giờ tôi còn nhớ giọng của bố: "Uống ít ít thôi, lể dành cho lứa khắc lữa (để dành cho đứa khác nữa). Chời lắng uống nhiều quá bịn chếch à". Đứa nào không có tiền ăn chè thì bố cũng hào phóng bán thiếu cho một ly nước đá bào với si rô, mà phải giữ "quy tính"(uy tín), nhớ trả đàng hoàng nếu không thì Bố không bán nữa.

Có anh kia thiếu Bố đâu cỡ mười mấy ly gì đó, khi mà số tiền càng nhiều thì càng khó có cơ hội trả hết, cho nên anh cứ "lủi lủi" tránh mặt Bố Già. Có đứa còn chỉ điểm "nó kìa bố". Bố nói "Ây dà, cái thằng ló (đó) hổng lược, hổng quy tính dì hếch à" (cái thằng đó không được, không uy tín), "không có tiềng phải lói dới ngộ một tiếng mới lược chớ". Tụi tôi hỏi vậy chớ bố tha hả bố? Bố trả lời "tha cũng lược(được), mà đừng có ghẹo ló (nó) tội nghiệp à".

"Ăn cơm chưa?" lúc nào cũng là câu chào hỏi của Bố dành cho bọn tôi khi mới tới. Có đứa cười ngất "Hổng ăn sao học được Bố Già". Bố nói "dậy(vậy) chớ có người hổng có ăn cơm trưa à". Không biết Bố nói ai, chứ tôi biết có đứa trong lớp tôi thường không có ăn cơm trưa trước khi đi học, như thằng Giang ba má nó đi làm trưa không về. Nó mà muốn ăn phải tự nấu, bữa nào ham chơi thì nhịn đói đi học. Người nó nhỏ thó mà hình như nó cũng không có nhu cầu ăn uống. Tôi không thấy nó ăn hay uống nước bao giờ, cũng không bao giờ có tiền như tôi và các bạn khác. Năm học lớp 8, nó trốn học hoài nên tôi, với "cương vị" lớp trưởng đi với cô tới nhà nó, mới biết má nó mất hồi nó còn nhỏ, nó ở với ba và mẹ kế, ông bà đi làm tối mới về. Tôi thật vô tình quá. Tới lớp 9 thì nó không còn đi học nữa, tôi có ghé qua nhà nó thì người ta nói gia đình nó đã chuyển đi nơi khác rồi. Không biết sau này nó còn phải nhịn đói hay không (?). Còn Bố Già thì đã hóa ra người thiên cổ từ lâu rồi, nghe nói Bố bị tai biến mạch máu não.

"Ăn cơm chưa?". Tôi nhớ có một truyện ngắn của nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng có tựa đề như vậy. Mà tôi đọc được hồi còn nhỏ trong đống sách của Cậu Tư tôi. Tìm chừng 10 phút thì đọc được truyện trên mạng. Hay thiệt. Internet hay đã đành, mà truyện cũng hay nữa, cảm động, bối cảnh lại ở trong bệnh viện Bình Dương (xưa) nữa chớ. Có lẽ đây là một câu chuyện tình buồn của chính ông, nhà văn Bình Nguyên Lộc, bởi ông cũng từng sống ở Bình Dương, và trong các tác phẩm của mình, hầu như không thấy ông xưng "tôi" cho nhân vật chính bao giờ, như trong truyện này.

Mối tình ngắn ngủi của ông trong truyện vừa chớm nẩy nở đã sớm đi tới một kết cuộc thương tâm. Đó là cái chết đau đớn của cô gái trẻ người Hoa mà ông vừa đem lòng thương mến vì cô xinh xắn và đồng bệnh với ông, bệnh thương hàn. Đối với cô, một người Trung Hoa, chén cơm chính là sự sống, chỉ không có cơm ăn mới chết thôi. Mà có ngờ đâu cơm đem lại cái chết cho cô. Cô bị xuất huyết ruột vì đã ăn cơm khi bịnh thương hàn chưa dứt.

Cuối câu chuyện tự sự, Bình Nguyên Lộc đã giải thích vì sao ông đặt tên truyện là "Ăn cơm chưa?". Ông đã viết, ngày nay mỗi khi nghe một người Hoa chào ai rằng "Ăn cơm chưa?", tôi lại bâng khuâng nhớ về mối tình đầu mà nao nao buồn.

Đói cơm nào phải riêng là ác mộng của chỉ người Hoa đâu?

Dân  Việt  của mình cũng đâu có khác gì?  Hai ngàn năm lịch sử, hết cuộc chiến tranh này, đến cuộc chiến tranh khác, loạn lạc triền miên, an vui được mấy ngày? Người nghèo lúc nào cũng khổ, muôn đời vẫn khổ. Bà Cố tôi kể rằng, năm Ất Dậu 1945, người ta chết đói nhiều lắm, xác chết đầy đường, không có ai chôn.

Bà nói rằng trong năm đó, nhà mình vẫn có cơm ăn. Đó là nhờ phước đức ông bà để lại. Bà còn nói: nhờ có "Má thằng Hai Ích" (tức ông Hai ở xóm dưới) đi mò cua bắt cá mà con Bê (tên của má tôi hồi nhỏ) không phải ăn cháo với muối. Bà dặn tôi phải đối xử tốt với gia đình ông Hai. Vì nhớ lời của Cố, mà sau này tôi đã tha cho ông khi ông đang cắt trộm rau nhà tôi đầy cái giỏ cần xé, và một lần khác, ông đang "đạo chích" ổ gà đang ấp của tôi. Và thằng Lợi con ông...

Kính xin hương hồn ông Hai tha tội  khi tôi nói mấy chuyện này ra đây. Ông không có tội đâu ông, bởi vì bầy con cháu của ông đang đói ở nhà. Bần cùng sinh đạo tặc. Tôi biết rất rõ hoàn cảnh của  ông mà ông ơi.

Tiếc rằng hồi đó tôi không thể giúp được gì cho gia đình của ông. Đúng bảy mươi tuổi, ông còn phải đi hái dừa mướn, để phải té bể đầu mà chết... Than ôi. Bảy mươi chưa gọi là lành. Hồi xưa tôi cũng nghe người lớn hay nói câu này, mà tôi đã giải thích cho mấy đứa em của tôi là: Bảy mươi tuổi chưa chắc không bị tai nạn, đui què sứt mẻ gì, hiểu chưa(?).
 
Bây giờ tôi mới bốn mươi mà hết leo cây dừa nổi rồi. Tôi buồn man mác mỗi khi nhớ tới ông và những thảm cảnh hồi xưa của gia đình ông. Nghe kể lại rằng, mười lăm tuổi ông đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa giành chánh quyền năm 1945, rồi cuộc kháng chiến 9 năm đánh Pháp. Sau đó ở nhà cày thuê cuốc mướn nuôi má của ông. Lập gia đình trễ, gần bốn mươi tuổi ông mới có đứa con đầu lòng. Cha già con cọc, người con gái đầu của ông bị tật nghễnh ngãng lãng tai, suốt đời chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Người con gái thứ hai thì lại quá khôn lanh, mà tiếc thay lại không được học hành gì, chỉ học toàn ba cái thói lọc lừa, đá cá lăn dưa ngoài chợ, gây ra bao buồn bực cho vợ chồng ông, lâu lâu lại đem về thêm cho ông một đứa cháu ngoại không cha. Thằng con trai thứ ba hiền lành, cục mịch từ nhỏ, tới khi lớn lên lại thích làm con gái, theo đám pê đê ngoài chợ, son phấn lập lòe, ưỡn ẹo, quái dị vô cùng. Chịu không nổi, ông phải đuổi nó ra khỏi nhà. Nói là nhà chớ thiệt ra là một cái lều tranh cũ mèm, không hơn không kém, tranh mục, vách rệu, ở đậu trên đám đất sát bờ rạch của ông bà "Ba miếng". Bầy con ngày một lớn, ông cơi nới "cái nhà" ra tứ bề bằng tất cả những thứ gì lượm được, xin được, từ miếng giấy dầu, tấm lá buông, tấm fibro xi măng che chuồng heo nhà tôi, cho tới cọng kẽm gai rỉ sét. Vậy mà ban đêm cũng bị ăn trộm. Bất nhân chưa? Có cái gì đâu mà lấy, ngoài mấy "bộ" quần áo vá chằng vá đụp, mấy con gà giò đẹt, ốm nhom vì phải tự kiếm ăn, và cái nồi của bà để bán chè chuối mỗi ngày. Bất nhân chưa? Nồi cơm của người ta mà cũng không chừa, thiệt là là loài lang thú, cấu xé, ăn thịt nhau mà sống.

Tôi nhớ  lần họp dân cả ấp để kiểm điểm gia đình của ông, cuối buổi họp, ông tổ trưởng dân quân ấp nói: "Chính tui gặp, ba giờ sáng, hai cha con ông vác cái bao đi đâu mà kêu không đứng lại, gia đình Hai Ích là một gia đình ăn trộm".
 
Đám con ông lồng lộn lên tức thì, còn ông đứng đó, thẫn thờ, đau khổ, lưng khòm xuống, tóc bạc lơ thơ...  tội nghiệp gì đâu.
 
Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ.
(Lý Bạch- ý nói con người trong trời đất cũng như là ở trong một quán trọ vậy)

Có bao lăm..

Như thoi đưa, bóng sổ, như gang tay này...
 
Nhưng ngẫm lại, cuộc đời của ông, bảy mươi năm, hai vạn năm ngàn năm trăm ngày, trường kỳ cực khổ.
 
Nhờ phước đức ông bà cha mẹ ở đâu? Sao ông lại khổ như vậy, phải chăng cái "biệt nghiệp" của ông và cái "cộng nghiệp" của gia đình ông nó phải chịu khổ như vậy. Quan Thế Âm Bồ Tát, người ở đâu? Quan Thế Âm Bồ Tát, người ở đâu?

Mấy năm sau cùng của ông, ông già lắm, ốm đi nhiều, không còn gân guốc như hồi trước. Bà cũng bị đau nhức khớp và xương sống, không còn đi bán chè chuối nữa, mà có bán cũng ít người ăn. Bây giờ đâu còn ai thích ăn mấy món dân dã bán bưng như trước nữa. Mấy đứa con gái nhỏ của ông theo chồng cũng nghèo và vất vã. Thằng Năm, là đứa con trai còn lại cũng đi làm lao công tuốt ở Sài Gòn. Nó là đứa có khuôn mặt giống hịch mà sáng sủa hơn ông nhiều, cũng hiền hòa ít nói như ông. Hồi đó, sở dĩ nó đánh người ta đổ máu vì người ta coi thường và xúc phạm gia đình nó. Nó bị buộc phải "xù lông nhím". Tôi hy vọng rằng cuộc đời của nó sẽ khá hơn ba của nó.

Mấy năm sau này, trong xóm của tôi, hầu như không còn ai thuê mướn ông làm cái gì nữa, vì bây giờ vườn ít, nhà nhiều, mà ông cũng già quá. Cực khổ, đói ăn đã làm ông  già trước tuổi, làm được bao nhiêu đâu, mà rủi có bề gì thì mắc công lo, cho ông ít đồng là được rồi.  Ai cũng nghĩ như vậy mà không chịu nghĩ cho cái sự đói của ông và đám cháu ngoại của ông.

Má tôi nói ngày ngày ông hay đi hết nhà này tới nhà khác để hỏi có việc gì làm hay không, để ông làm cho, đừng kêu ai khác. Rồi ông ít đi dần, không biết vì ông không khỏe hay vì ngại người ta nói ông tới chỉ để xin tiền. Miệng đời thiệt là vô tình và độc ác làm sao.

Ngày cuối cùng của ông. Má tôi nói sáng đó ông có ghé nhà của tôi, hỏi Má tôi có việc gì cần làm hay không. Má tôi nói không và mời ông một chút  bánh canh. Ông ăn không hết và nói mấy ngày nay bị sốt, mệt, ăn uống không được...

Một lát sau thì nghe làng xóm nói ông bị té bể đầu chết rồi. Người mướn ông hái dừa là bà Mười T, một nhà giàu mới, bà nói tại vì thấy ông năn nỉ quá nên mới tội nghiệp, cho làm, chứ đệ tử của bà thiếu gì.

Tội nghiệp ông, đang bịnh mà còn cố đi làm, mệt nên mới té mà nên nỗi...

Cũng tại cái đói, cái nghèo, và sự vô tình của bà con lối xóm, trong đó có tôi, ông ơi.
 
Người nghèo hồi xưa ở đồng ruộng, còn có thể mò cua bắt cá, hái rau bờ ruộng, bưng biền mà ăn. Trên rừng, có rau rừng, củ mài củ chụp, chim chóc, hươu nai. Bây giờ sao được vậy, về Bến Cát, Phước Long, miền Tây mà coi, môi trường hủy hoại hết rồi, con cò ma ốm nhách, hôi rình, mà cũng phải ăn. Đành bỏ quê đi làm công nhân với đồng lương chết đói, người già  lên phố bán vé số, bới  thùng rác nhà người ta mà sống qua ngày.
 
Đọc báo ngày nào cũng thấy trộm cướp, lừa đảo như rươi. Giết ngay cả người đã cưu mang mình, chỉ vì mấy trăm đồng bạc nhìn thấy trong tủ, bóp cổ đứa con nít ba tuổi, chỉ vì đôi bông tai 2 phân vàng. Giang hồ hiệp nghĩa, ngày nay đâu còn.
 
Công nhân xa nhà bây giờ cũng khổ lắm, trong cái đất nước mà người ta luôn tự hào "Nhân công giá rẻ cũng là một thế mạnh để phát triển đầu tư". Đi làm từ sáng sớm tới 9 giờ tối, mệt không được nghỉ, đi vệ sinh không cho, trưa nghỉ có 45 phút đề ăn cơm với cá ươn, cà héo. Ở thua ổ chuột, con cái không được đi học vì không có hộ khẩu, muốn có hộ khẩu phải có nhà, muốn có nhà phải có hộ khẩu? ( Ha ha, miễn bàn thêm).

Thế nên phải gởi con thơ về quê cho ông bà hoặc trong những nhà giữ trẻ "cá mòi" mạt hạng, để cho người ta hành hạ, bỏ đói con mình. Hãy lên youtube mà coi.

H
hoàn toàn không được hưởng một chút xíu "thành tựu tốt đẹp" nào của một đất nước "đang hóa rồng". Chúa nhật chỉ biết ở nhà giặt giũ, giành chỗ phơi đồ trong nhà trọ tồi tàn, hay đi chợ chồm hổm mà mua ba cái đầu gà đít vịt về để kho mặn ăn cả tuần. Đàn ông con trai chỉ biết ngồi đồng trong quán, coi ba mớ phim đánh đấm rẻ tiền, hay là toàn cảnh hiếp dâm, bạo lực. Không bảo hiểm tai nạn, không bảo hiểm y tế, chẳng đọc báo, cũng chẳng tivi,  nào biết phúc lợi hay an sinh xã hội là cái quái gì.
 
Không dám nghĩ gì tới "Tương lai quá khứ" (lại nhớ Bình Nguyên Lộc rồi)
 
Xin lỗi quí đọc giả, vì đã làm nặng lòng quí vị. Nhưng tôi chỉ tường thuật. Thuật nhi bất tác.
 
Chúng ta nào có muốn làm tổn thương đất nước?
Hay chống báng, dập vùi... khiêu khích ai đâu?
Chúng ta chỉ tìm đến nhau
Trên không gian mạng, tưởng lạnh lùng vô cảm.
Nhưng chúng ta đã biết cách làm net bừng lên hơi ấm
Để chia sẻ tình người, tình đời
Và lắm chuyện tào lao cho cuộc đời thêm tươi nở .
Cho cô em gái quên đi nỗi đau hôm qua tình phụ
Cho lão ông quên đi mình đang già
Để cuộc đời hát ca ....
(Sưu tầm trên net)


"Ăn cơm chưa?"

(BV Bình Dương mùng 6 Tết Tân Mão)