50 năm hạnh phúc

Phóng viên không chuyên nghiệp


Ngày 12/4/2014 một cuộc hội ngộ thật vui đã được tổ chức tại tư gia của thầy cô Nguyễn Mạnh Cẩm và Nguyễn thị Đức. Khoảng 30 cựu học sinh Trịnh Hoài Đức đa số thuộc khóa 1 & 2 đã đến tham dự. Trong số đó, có 4 gia đình CHS đến từ các tiểu bang xa như Maryland, Virginia, North Carolina, New Jersey... Ngoài ra, còn có một số cựu học sinh trường Lý Thường Kiệt và bạn bè của thầy cô,

Mở đầu chương trình cô Đức đã giới thiệu thầy Cẩm để thầy trình bày một câu chuyện văn học . Cô nói đây là bài giảng cuối cùng (trước lúc hoàng hôn!). Thầy nói về một cuốn sách có tự đề là “Siêu vi khuẩn ăn giấy”. Đây là một quyển sách khoa học giả tưởng nhưng được thầy trình bày rất lôi cuốn, mạch lạc và khúc chiết không thua thầy Cẩm thời còn trai trẻ!.

Tiếp theo, CHS Đặng Đình Long đã chúc mừng thầy cô và cho biết thầy là người đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự định hướng tương lai của nhiều anh chị cựu học sinh qua những lời giảng của thầy trong thời gian thầy dạy ở THĐ. Thêm vào đó anh đã đọc một đoạn thơ Kiều rất hay, đặc biệt nhấn mạnh đến chữ Tâm của các trò đối với thầy. Sau đó anh đọc trích đoạn một số thơ của CHS khóa 1 viết về thầy Cẩm. Theo đó, có một chị đã nhắc rằng trong thời gian dạy học ở THĐ thầy Cẩm đã làm một bài thơ khá dài với đầy đủ tên học sinh mà thầy đã dạy. Anh Long nói: " Nhưng anh thắc mắc tại sao bài thơ đó lại chỉ thấy tên nữ sinh mà không có tên nam sinh?".

Thầy Cẩm vui vẻ trả lời rằng: "Thật ra, thầy cũng muốn làm bài thơ có tên nam sinh chớ, nhưng nam sinh THĐ có nhiều tên rất lạ như Nguyễn văn Lặc, Nguyễn văn Te... rất khó đưa vào bài thơ".

CHS Cao văn Hở phát biểu chúc mừng thầy cô và cho biết: "Tên Hở của anh cũng rất khó làm thơ nhưng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư đã có hai câu thơ với chữ hở". Ngoài ra, khi vào quốc tịch Mỹ, anh có thể đổi tên Mỹ nhưng anh vẫn giữ nguyên tên do cha mẹ đặt chớ không thay đổi.

Tiếp tục chương trình, Anh Nguyễn văn Diệp đại diện Hội Ái Hữu CGS và HS Trịnh Hoài Đức tặng thầy cô một tấm plaque trên có một chiếc đồng hồ với hàng chữ : "Hội Ái Hữu Cựu Giáo Sư và Học Sinh Trường Trịnh Hoài Đức chúc mừng Kỷ Niệm Kim Khánh 50 năm Hôn Phối thầy Nguyễn Mạnh Cẩm và cô Nguyễn thị Đức 21/3/1964-21/3/2014". Ngoài ra, các CHS Khóa 1 cũng tặng cho thầy cô một số quà kỷ niệm.

Thầy Nguyễn Mạnh Cẩm và cô Nguyễn Thị Đức trong ngày 12/4/2104

Anh Nguyễn văn Phúc (A) kể về những kỷ niệm với thầy Cẩm. Anh nhớ mãi rằng thầy Cẩm có một đặc điểm rất dễ nhớ. Đó là thầy không nhìn lên, hay nhìn xuống, mà chỉ nhìn ngang. Thầy cười và trả lời: "Lúc thầy mới ra trường và đi dạy ở một trường nọ. Trong khi giảng bài, thầy nhìn thoáng thấy có một ánh mắt của một nữ sinh xinh xắn mà lại nhìn thầy rất mãnh liệt. Từ đó thầy nhũ lòng là chỉ nên nhìn ngang, không nhìn thẳng vào mắt ai để khỏi gây ra hiểu lầm tai hại!”.

CHS Nguyễn Ngọc Quang về từ Maryland cũng lên phát biểu chúc mừng thầy cô. (Anh cũng là người chịu khó quay video đầy đủ của buổi họp mặt . Bạn nào muốn xem xin liên lạc anh NN Quang).

Chị Đỗi lại nói về kỷ niệm với cô Đức. Theo chị hồi nhỏ chị cũng hay nói chuyện trong lớp (bây giờ người ta gọi là "tám" chuyện!). Có lần cô Đức bắt gặp và phạt chị phải bị consine, nghĩa là chủ nhựt phải tới trường để học bài. Tới chủ nhựt, chị phải nói dối cha mẹ là tới nhà bạn, thật ra là tới trường để học bài. Chị nhớ, nhờ học bài Công Dân trong giờ consine mà sau nầy khi thi Lục Cá Nguyệt thì chị được hạng nhứt trong môn nầy !.

Trong phần hai của chương trình, cô Đức đã kể lại quá trình cực nhọc từ khi thầy bị bịnh hồi 25 năm trước. Lúc đó thầy phải ra vào nhà thương 8 lần, trong quá trình điều trị, có khi bác sĩ phải tiêm thức ăn  trực tiếp vào tim (?). Đây là một phương pháp điều trị rất tân tiến, rất khó khăn, điều khiển bởi computer mà chỉ có những y tá chuyên môn mới làm được. Sau nầy, cô cũng phải học để giúp tiếp tục điều taị tại gia. Trong những năm tháng khó khăn, thầy và cô vẫn luôn luôn yêu thương và khuyến khích nhau và cùng hy vọng và hướng về những tia sáng trong bóng tối khó khăn đang bao phủ. Rồi nhờ sự kiên trì và săn sóc của cô mà thầy đã qua cơn bạo bịnh và sống đến hôm nay. Quả là một sự nhiệm mầu khó tả.

Một người con trai của thầy cô đã phát biểu rằng: "Ba má của anh không bao giờ cải nhau trong suốt 50 năm qua". Người nghe có thể không tin nhưng đó là sự thật. Anh còn kể rằng, ba má ít khi nào rời xa nhau. Có một lần, cô Đức phải đi Canada thăm người thân sắp qua đời. Ở nhà thầy trông nhớ hàng ngày. Khi cô lên máy bay trở về Cali, thầy theo dõi trên computer coi máy bay đã tới đâu. Khi cô về tới nhà, thầy vổ vổ trên ghế sofa để cô ngồi kế kên. Sau đó thầy kề nghiêng đầu vào cô tỏ sự thương mến vô biên. Con trai thầy đã chụp được tấm hình đầy tình cảm nầy và in ra cho mọi người xem. Đây quả là một bức ảnh giá trị về một tình yêu nồng cháy!.

Trong phần ba của chương trình, thầy Cẩm có kể lại về chuyện tình của thầy cô. Thầy và cô cùng dạy Trịnh Hoài Đức nhưng khi làm bạn với cô thì thầy đang thụ huấn quân sự tại Nha Trang. Mỗi lần viết thư cho cô thì thầy viết rất dài, 20 , 30 trang giấy là thường và theo cô cho biết thì thầy viết rất hay (giáo sư dạy văn mà!). Về cách xưng hô trong thư thì thầy xưng là anh và gọi cô là Đức. Tuy nhiên, trong khi viết thư rất dài, thì thầy lại tỏ tình với cô bằng cách đánh điện tín. Trong điện tín chỉ có hai chữ: “Je t'aime”. (Đây có lẽ là câu tỏ tình ngắn nhứt thế giới!). Đánh điện xong, thầy trông đứng, trông ngồi với hy vọng cô sẽ đánh điện trả lời. Chờ hoài không thấy điện tín, thầy phải tìm cách xin phép về tìm cô ở Sài Gòn. Khi gặp cô, thầy hỏi về điện tín “Je t'aime” thì cô trả lời với chữ: “Em…”. Chắc cô rất xúc động và nói không thành lời. Đây chắc cũng là câu trả lời tỏ tình ngắn nhứt thế giới. Trước đây thì xưng là “Đức”, bây giờ là “Em” thì hiểu ngầm được rồi!. Thế là hai người nắm tay nhau nhìn nhau đắm đuối trong hạnh phúc. Một hạnh phúc kéo dài hơn 50 năm qua dù trong cuộc sống hai vợ chồng có rất nhiều khó khăn, nhứt là về sức khỏe của thầy.

Đến 12:30 thầy cô mời các bạn hiện diện xem một số hình ảnh gia đình và dùng cơm trưa thân mật. Dùng cơm xong, phái đoàn vào cắt bánh kem để mừng thầy cô. Một số bạn khác được dịp hái và thưởng thức cây quít đầy trái ngọt sau vườn của cô.

CHS Cao văn Hở còn yêu cầu cô phải hôn thầy. Thế là tất cả máy ảnh đều quay về thầy cô, đèn flash chớp sáng liên tục để ghi lại bức ảnh tình tứ có một không hai nầy. (Từ từ, anh NN Phát sẽ gởi cho trang nhà để đăng tải, mời bạn đọc ghé thăm trang hình ảnh thường xuyên để xem).

Buổi họp mặt kết thúc lúc 2 giờ cùng ngày. Nhiều bạn còn lưu luyến tiếp tục nói chuyện và kể lại những kỷ niệm xưa. Chị Võ Ngọc Mai có một bộ hình rất quý về những năm tháng học ở Trịnh Hoài Đức. Một bạn trẻ nhận xét: " Những cuộc họp mặt thân mật như vầy thật vui vẻ và mọi người có dịp tâm tình và hàn huyên về kỷ niệm thuở  nào. Chúng ta nên tìm cách để tiếp tục có những buổi họp mặt tương tự. Có như thế tình cảm anh thầy trò và học sinh của chúng ta mới càng ngày càng tăng tiến”.

Xin cám ơn thầy Cẩm và cô Đức đã giúp chúng ta có một ngày họp mặt thật vui. Chúc thầy cô nhiều sức khỏe và luôn hạnh phúc.

(4/2014)

(Mời xem thêm rất nhiều hình ảnh do anh Nguyễn Ngọc Phát chụp trong trang Hình Ảnh Họp Mặt...)


        Chuyện bên lề:

Có một cựu học sinh trường Lý Thường Kiệt là Bác Sĩ Nguyễn văn Chí. Anh bị thay gan nên sức khoẻ không tốt lắm nhưng với tình cảm chân thành với thầy cô, Anh Chí đã chạy xe hơn 7 tiếng đồng hồ từ Bắc Cali về tham dự buổi họp mặt.

Cô Đức rất lo cho sức khoẻ của anh. Dưới đây là email của cô Đức :

... Phát ơi dưới đây là email của một cựu HS LTK, anh này hiện là một bs nhưng rất nhiều bệnh,  ở rất xa, phải lái xe 7 tiếng vừa đi vừa về để đến dự. Thầy cô năn nỉ mãi là đừng có tới vì quá nguy hiểm, khi nào có phim Cô sẽ gửi cho xem, nhưng anh ta nhất định đến làm thầy cô cũng muốn đứng tim, Cô gửi cho mọi người xem để thấy sự thành công của buổi hôm đó. Cô cũng nhận được phone và email nói về ngày hôm đó, mọi người rất thích và khen rằng thầy trò chúng mình làm được một buổi quá ý nghĩa. Phát gửi cho tất cả mọi người hộ Cô...
Cô Đức

Và email của BS Nguyễn văn Chí:

----- Original Message -----
From: Chi Nguyen
To: cam1932@sbcglobal.net
Sent: Monday, April 14, 2014 11:03 PM
Subject: 50 Năm Hạnh Phúc

Thưa thầy cô:

Hôm dự buổi họp mặt tai nhà thầy cô về nhà nghĩ lại em thấy em đã  rút được một bài học rất quí giá.
1- Khi cô nói cô luôn luôn "Tìm điểm sáng trong bóng tối", câu nầy là kim chỉ nam trong cuộc sống vì nó giúp mình lúc nào cũng tìm được nguồn sống chứ không bị depression, về nhận xét này thì em đã biết và  đã áp dụng cho chính bản thân em rất nhiều lần trong các tình huống bi đát nhất của cuộc đời em.

2- "50 năm chưa một lần hờn giận chưa một lần to tiếng" tình nghĩa vợ chồng của thầy cô như thế nầy thì thật là tuyệt vời vì trên đời nầy em chỉ thấy một chứ không thấy hai, vì chưa bao giờ em gặp được một cặp vợ chồng nào nói với em "25 năm" chứ đừng nói tới 50 năm thì quá dài!
Dòng chữ ấy làm tối hôm qua em phải tâm sự với nhà em:

 " Anh và em sống với nhau đã 38 năm rồi, bây giờ anh chỉ còn lại một khoảng thời gian ngăn ngủi để sống với em vì ghép gan thấm thoát đã được 14 năm rồi, anh sẽ chết trước em, tới lúc bắt đầu coutdown by year rồi vậy anh xin anh và em từ nay về sau sẽ sống theo gương cô thầy Cẩm, nhất định không bao giờ hờn giận, nhất định không bao giờ to tiếng với nhau, nhất định không bao giờ xưng tôi với nhau.  Em có đồng ý không ? Tại sao lúc sống chúng ta cãi nhau  về những chuyện lặt vặt làm mất vui để  lúc chết lại khóc thương nhớ nhau, như thế là chúng ta đã mâu thuẫn vói chính chúng ta rồi , ngay từ bây giờ, tại sao chúng ta không vui sống, không thương quí nhau, không sống trọn vẹn cho nhau để lúc chết chúng ta không  phải tiếc nuối, không phải khóc cho nhau!"

Nhà em chưa trả lời dứt khoát.

Tình nghĩa vợ chồng của thầy cô là một tấm gương chói sáng cho em và nhà em . Em nghĩ chuyên 50 năm hạnh phúc của thầy cô, chuyên bà vợ 58 tuổi nuôi chồng tật nguyền 21 năm mà khi người chồng mất bà vợ nói với mọi người " Tôi đã mất đi một báu vật"  và chuyện một bà, chồng chết đã  13 năm thế mà 365 ngày một năm, mỗi ngày đều đến thăm chồng.  Ba câu chuyện nầy theo em nghĩ  phải được vinh danh  trên báo chí để làm tấm gương sáng cho cộng đồng VN biết mà noi theo để sống, nhưng trước hết em xin hứa vời thầy cô là em xin áp dụng cho em và nhà em trước và em xin báo  với thầy cô tổng kết những lần chúng em vị phạm (to tiếng, cãi nhau, xưng tôi v. v. )

Một buổi họp mặt thật có ý nghĩa với em.  Xin cảm tạ thầy cô đã cho em những bài học quí giá, được dẫn chứng qua  chính của cuộc đời của thày cô chứ không phải như những bài giảng của các vị tu hành mà chính họ không trải qua.

Em kính chúc thầy cô vui mạnh

Kính thầy cô
Nguyễn Văn Chí