Tình Thầy
Trò: Hơn 50 Năm Tìm Lại!
(Viết Kính tặng: Thầy
Lý Văn Trọng,
Và các bạn: Từ
Minh Tâm, Lưu Thanh Bình)
Nguyên Thảo
Người ta thường nói
“Tìm lại” là kiếm được cái gì đã
mất, tuy nhiên đây không phải là cái
đã mất mà chỉ là không được khơi dậy
mà thôi. Tôi chỉ làm một công việc
là ôn lại những kỷ niệm của thời ấu thơ cùng với
bạn bè đồng môn của trường Trung học Trịnh Hoài Đức
ngày nào. Cũng chỉ viết mà chơi, đồng thời phụ họa
cùng với Từ Minh Tâm và các bạn cùng
trường, góp phần “hoa lá cành” cho trang
nhà Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức. Nhưng những sự bất ngờ
đã đến, đến trong tư cách rất ư là tình cờ.
Một: Nhận được tin tức của người em gái ngày nào ở
trọ chung mà tôi đã đề cập đến trong bài
“Cho tôi một lời tạ ơn”. Rồi hôm nay tôi lại viết một
bài khác để “Tạ ơn” cho người “điều hành trang
Web” và người bạn khác là Lưu Thanh Bình,
một cộng tác viên đắc lực của trang Web.
Bạn thử tưởng tượng tôi và Thầy
tôi từ năm 1958 đã xa cách nhau rồi và từ ấy
đến nay chưa hề có tin tức hay liên lạc lại. Thế
mà, bây giờ chúng tôi lại trao đổi với nhau,
cũng như trước đây cũng qua sự liên lạc của Từ Minh
Tâm tôi đã được tin về Thầy Nguyễn Vũ Hải.
Trở lại năm 1958, quả thật là xưa phải
không bạn? Thuở ấy, trường Sơ Cấp Tân Phước Khánh
mới được mở thêm lớp Nhì. Tôi không nhớ
rõ sỉ số trong lớp là bao nhiêu, nhưng phỏng độ hơn
50, 60 học sinh vì không phải học sinh của trường
Tân Phước Khánh không thôi, mà
còn cộng thêm vào số học sinh từ trường Hóa
Nhựt, Tân Long, Tân Hội, Vĩnh Trường chuyển ra nữa. Một
ông thầy mới trẻ, đẹp trai rất có phong độ từ Lái
Thiêu lên thường hay cỡi chiếc xe gắn máy Sachs của
Đức (không biết có phải là Goebel hay không
hay Beta gì đó). Dù là trẻ nhưng Thầy rất
chững chạc và đạo mạo đúng như là nghề nghiệp:
Đó là Thầy Lý Văn Trọng. Cũng như đa số các
Thầy vào thời ấy, Thầy Trọng cũng thích văn nghệ
và đánh đàn Măngđôlin rất ư là
dòn dã. Những giờ Hoạt Động Thanh Niên,
chúng tôi luôn được Thầy Trọng dạy những bài
hát mới liên tục từ “Tía em hừng đông đi
cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa…”, cho
đến “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia…” ngoài bài
Quốc Ca và Suy Tôn Ngô Tổng Thống để chào cờ
mỗi buổi sáng; rồi đến “Bạch Đằng Giang”, “Bóng Cờ Lau”,
“Xuất Quân” (Dưới ánh ô vàng rầm rầm
đoàn quân ta tiến…), Trưng Nữ Vương, “Ai bảo chăn
trâu la khồ, chăn trâu sướng lắm chứ!…”, và
cái bài gì mà tôi không nhớ
tên tựa, nhưng mỗi lần Thầy bắt nhịp hát là thằng
Em Úng nó hát thật lớn “Ắng ình inh eo ắm
ươi àn a á…” khiến thằng Son phải la “mầy hát
cái gì vậy Em Úng, người ta hát Nắng
bình minh… còn mầy hát cái gì kỳ
vậy!”. Thằng Son chỉ ghẹo thôi chứ thằng Em Úng nó
ngọng cơ mà, làm sao mà nó hát cho
đủ chữ được. Thằng Son mãi đến lớn không bỏ được tật
lí lắc của nó. Đến năm Đệ Tứ lúc còn học ở
trên Tân Uyên, sáng thứ hai chào cờ sau
khi hát bài Quốc Ca xong đến hát bài “Suy
Tôn Ngô Tổng Thống” đến đoạn “bài phong kiến bốc
lột” không biết nó hát như thế nào đó
mà những thằng bạn đứng bên nó bỗng phát
lên cười khiến cả lớp cũng cười không thể hát được.
Ông Tổng Giám Thị Mã Sấm tức quá bảo
hát lại, tới đoạn đó lại cũng cười nữa, thế mà
thằng Son không cười mới là hay. Ông Tổng
Giám Thị quát cho một hồi rồi xếp hàng vào
lớp, bỏ dỡ bài ca ấy. Sau 75 nghĩ lại thời ấy cũng may, nếu sau
75 mà như vậy chắc là đã có chuyện lớn rồi!
Không ở tù thì cũng gặp rắc rối khó khăn!
Có bài hát mà
tôi cứ nhớ mãi không thôi, nó gắn liền
với những kỷ niệm dấu yêu cả trường lẫn làng quê
đó là bài mà Thầy Trọng đã dạy
“Trường Làng Tôi” (Trường làng tôi
không giây phút tôi quên dù
cách xa muôn trùng trường ơi!…) của Phạm Trọng Cầu
mà thuở đó tôi chỉ chép là Phạm Trọng
cho nên tôi đã phạm một lỗi nghiêm trọng trong
bài “Tân Khánh: Quê hương thời tôi
lớn”, tôi đã viết tên Thầy tôi là Phạm
Văn Trọng mà không là Lý Văn Trọng,
tôi đành tạ lỗi với Thầy tôi! Một năm lớp Nhì
được học giỏi, hát hay!
Sau nầy, tôi có ghi lại những kỷ
niệm đáng nhớ vào thời lớp Nhì ấy trong bài
“Âm Nhạc Với Đời Sống” (với bút hiệu Đồ Ngông) như
sau:
“Đồ
tôi vốn biết hát chút chút, hát với
trẻ con mà Đồ tôi phải cầm thước gõ đầu thì
được. Nhưng mỗi lần hát, trẻ con lại bụm miệng cười khúc
khích vì tiếng Đồ tôi giống như vịt đẹt kêu
lên khi bị người ta đuổi chạy. Thế mà Đồ tôi lại
thích các bài hát, thế mới chết! Trong cuộc
đời của Quý vị không biết thế nào, chứ Đồ tôi
gần như có những kỷ niệm thiết tha và yêu
quý không cùng mà dám chắc trẻ con
Việt nam trên xứ Úc, hay bất cứ trên xứ nào
cũng không thể có được. Vì rằng vào thời
các giai đoạn ấy, trên đài phát thanh rất
thường hay hát các bài hát ấy. Bây
giờ thì có bài Đồ Ngông tôi nhớ
tên, có bài chỉ nhớ được vài câu,
có bài không biết tựa là gì, nhưng
nó vẫn là kỷ niệm của Đồ tôi".
Ngoài bài Quốc ca: "Nầy
Công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng,
đồng lòng cùng đi hi sinh tiếc gì thân
sống...", trong lớp học đầu tiên ấy có mấy anh mấy chị;
nào là Cờ, Tướng, Tự, Sơn, Chi, Son, Gõ,
Năm...Và bên nữ chị Mây, Thay, Tuyết, Mới, Khởi,
Băng Tâm...đứng sắp hàng mỗi sáng "nhóng mỏ"
ca thật lớn, trong khi đó thì hai bạn đứng kéo cờ
lên. Xong tới bài "Suy tôn Ngô Tổng Thống".
Ôi! Bây giờ trong lứa bạn có người mất, người
còn, những dáng trẻ con ấy không thấy nữa, đầu
đã bạc, răng bắt đầu rụng, con cháu đầy đàn.
Vào cuối năm lớp nhì cả lớp lại bùi ngùi,
lau nước mắt tiển thầy Trọng đi động viên vào quân
đội. Và năm sau lần đầu tiên viết chánh tả với
cô giáo người Bắc: Vũ thị Hồng Ngọc. Cô đọc tựa
bài "Cách định bệnh", có đứa thì viết
đúng, có đứa viết "Cách địch bạch", đứa thì
viết "Cách định bạch" rồi "địch bệnh" cùng nhau ngơ
ngác. Khi bắt lỗi đứa ít nhất cũng là 8 lỗi, đa số
đều trên mười lỗi lãnh "dê rô" ốc ngỗng. Tuy
nhiên trong các thời gian ấy nào là
bài "Khỏe vì nước", rồi "Ngày bao hùng binh
tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết tiến..." hoặc
"Dưới ánh ô vàng rầm rầm hùng binh ta
tiến.." rất khí thế. Lúc thầy Trọng còn ở trường
thầy dạy nhạc nhiều lắm, có lúc thầy đem đàn
Măngđôlin đàn đệm nghe dòn dã. Rồi có
những ngày, các thầy ở trường khác quy tụ về vừa
bắt giọng trò ca, các thầy cũng ca, Ôi! Thật
là vui vẻ cả trường!
Bây giờ những Thầy không biết ở
nơi mô? Thầy Khuê thích thể dục thể hình
đã mất đi từ năm 61 trong chuyến công tác ở
trên Tân Uyên, Thầy Liệu, Thầy Viễn, Cô
Cúc? Thầy Hòa và Cô Nga đã về
Sài Gòn từ lâu. Thầy Di cũng đã “đi” rồi!
Thời gian thấm thoát mà
đã mấy mươi năm, ngày xưa trường học lèo
tèo mấy xã mới có một trường; bây giờ trường
Phổ thông Trung học khắp nơi. Mỗi tỉnh cũng thường có
trường Đại học, học sinh ôi, sao đông ơi là
đông. Mà nhân tài để làm cho đất nước
tiến lên lại chẳng thấy. hay chỉ tại mình không đi
đúng đường đó chăng?
Thấy bây giờ để nhớ lại thời xưa,
tình thầy trò lúc ấy thật là hiếm hoi như
trời hạn mà trông mưa. Thế cho nên mấy mươi năm mới
có được tin thầy, quả thật là đáng quý
vô ngần. Điều ấy nếu mà tôi chẳng có
“duyên” để viết. Thầy tôi không có duyên
để đọc thì chắc cũng chẳng bao giờ lại được bắt tin nhau. Một
cuộc truy tầm vòng vo mà Lưu Thanh Bình dí
dỏm trong Email như sau:
“Đúng
ra là các anh nên cám ơn anh Tâm
vì chính anh Tâm mới là người đầu tiên
tạo điều kiện để thầy trò có cơ duyên hội ngộ sau
nữa thế kỷ."
Vậy
là một người VN , nhờ sự giúp đỡ của một người Mỹ ,
đã làm cầu nối liên lạc cho hai người Pháp
và Úc gặp nhau."
Xin
nói thêm anh Trọng là dân Lái
Thiêu , bạn với những người anh họ của Thanh Bình , nhờ
đọc bài " Người Hoa ở Lái Thiêu" trên trang
THĐ mà nhìn ra đồng hương với nhau.
Anh Thạch
là "sư huynh" của Thanh Bình.
Một niềm vui
tinh thần cho người sáng lập ra trang nhà THĐ.
Bình”
Lưu Thanh Bình đã đúng,
tôi và Thầy tôi trước tiên phải cám ơn
Từ Minh Tâm mới là phải việc. Nhưng cái
“duyên” mà Thầy tôi lại “mò” tới trang Web
CHS Trịnh Hoài Đức mới là quan trọng. Tôi biết chắc
là Thầy tôi không có học ở trường Trịnh
Hoài Đức. Tôi sẽ không hỏi Thầy tôi về
lý do mà chỉ để “đoán già đoán non”
cho nó tăng thêm phần hấp dẫn. Thầy được sự lôi cuốn
của bài Lưu Thanh Bình viết về “Người Hoa ở Lái
Thiêu” để rồi Thầy “lưu ý” đến bài “Tân
Khánh: Quê hương thời tôi lớn” của tôi. Thầy
chỉ nhạy cảm với chữ “Tân Khánh” vì nơi đó
thầy đã có dính líu trong một thời gian
ngắn, Thầy cũng không ngờ trong bài viết lại có đề
cập đến một năm ngắn ngủi mà đầy kỷ niệm của Thầy. Để rồi Thầy
lại truy tầm Email của Lưu Thanh Bình trong “Sổ Lưu Niệm”,
và Thầy rất khéo léo với Thanh Bình như sau:
“ Thân gởi chú
Thanh Bình,
Xin lổi gọi là chú
vì thấy email có số 1954, tôi đoán là
năm sinh ,nếu đúng như vậy thì nhỏ hơn tôi mười mấy
tuổi.
Tôi mới đọc bài
"Ngưòi Hoa ở Lái thiêu " do Lưu Thanh Bình
viết, tôi tìm trong "Sổ lưu niệm "của trường Trung học
Trịnh Hoài Đức và may mắn tìm được địa chỉ nầy của
chú.
Đọc xong bài viết, tôi
biết ngay tác giả là người Lái Thiêu 100% ,
vì mọi sự kiện và nhơn vật trong truyện rất chính
xác như tôi từng biết hồi còn nhỏ ở quê
nhà; tôi sanh quán tại chợ Laithiêu, nhưng
không có học trường THĐ, chỉ có hồi thời Tiểu học
có học tường Laithieu, bạn học thửơ đó sau làm
thầy giáo rất nhiều như thầy Phúc, thầy Tại , thầy Nghị,
thầy Chiểu, thầy Ren, cô Lôi , cô Khứ, cô
Khiết...
Trong truyện có nói tới
võ sư Quí, và bà tám Ngắn, đó
là dì tám của tôi . Tôi cũng lai
Tàu, 1/4 thôi, khai sanh hồi trước có ghi hai Minh
Hương trong dấu ngoặc.
Dài dòng về tôi,
quên hỏi chú Bình phải ở bên phía chợ
cũ không? vì bên chợ mới tôi biết gần hết mấy
gia đình Tàu Việt.
Chú Bình có
email của người tên Nguyên Thảo, tác giả bài
Tân Khánh quê tôi...? Nếu có cho
tôi xin , có thể là người tôi quen vì
tôi có ở Tân Phước Khánh một thời gian ngắn.
Rất vui mừng biết được thêm một
đồng hương ,mong có dịp gặp lại.
Trọng / Paris.”
Quả thật Thầy tôi đã biết “học
trò” của Thầy đã viết bài “Tân Khánh:
Quê hương thời tôi lớn” rồi. Nhưng Thầy muốn truy tầm
và xác minh, thế thôi! Thế là Thầy
trò hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Một người (ở) Pháp phải nhờ đến một người (ở) Việt Nam; người
(ở) Việt Nam nhờ đến một người (ở) Mỹ để nối kết một người (ở)
Pháp với một người (ở) Úc. Lưu Thanh Bình thật
là thông minh và có óc hài
hước đáo để.
Và Từ Minh Tâm cũng chia sẻ niềm
vui như sau:
“Rất vui khi thấy anh em, thầy
cô liên lạc được với nhau
Tâm”.
Thế là, nhờ Từ Minh Tâm mở ra
trang Web mà CHS Trịnh Hoài Đức đã có
tiêu điểm để nhìn, để hoạt động, để kết nối từ những thế
hệ lại với nhau kể cả Thầy lẫn Trò. Còn riêng
tôi, tôi lại một lần nữa “Cho tôi một lời Tạ ơn” với
Từ Minh Tâm và không phải “người viết” kín
đáo nữa mà với một cái tên hẳn hoi:
Đó là Lưu Thanh Bình, người đồng hương Lái
Thiêu với Thầy tôi!
Nguyên Thảo,
13/04/11.
Sau khi bài viết được đăng,
trang nhà CHS THĐ có nhận được email của thầy Lý
văn Trọng từ Paris. Xin chép lại ở đây:
Em
Thạch mến,
Quả
là một niềm hãnh diện vô biên khi nhận được
bài
viết "Tình thầy trò: hơn 50 năm tìm lại" do em
viết đặc biệt để tặng Thầy.
Mau
lẹ và giỏi thiệt, nhịp cầu liên lạc mới nối lại có
mấy
ngày mà em đã cho "ra
lò" một bài viết rất
hay, vừa tình cảm chứa chan pha với
lối khôi hài dí dỏm làm cho
Cô và Thầy không khỏi bật cười
ngất khi đọc tới đoạn các em
học trò Tân Phước Khánh viết trật chánh
tả tùm lum lúc Cô giáo người Bắc
đọc ba
chữ "Cách định bệnh". Thời điểm đó (1959) lối
phát âm của đồng bào di
cư từ Bắc vào, còn xa lạ đối với bà con người
Nam
nhứt là trong thôn quê như
Tân Khánh mình.
Em
có một trí nhớ tuyệt vời khi nhắc lại những bài
hát
vào thời kỳ đó, nhớ cả chiếc xe gắng máy hiệu
Sachs cũ kỷ của Thầy đi làm từ
Lái Thiêu lên Tân Khánh hằng
ngày, qua những đoạn đường gồ
ghề đất đỏ. Em nhớ gần hết các Thầy Cô mà
ngày nay phần lớn đã ra đi. Ngày
nay thì đường xá trong tỉnh tương đối tốt hơn xưa. Thầy
có về thăm quê mấy lần
và thấy cảnh vật đều thay đổi nhưng đúng như lời em Lưu
Thanh Bình mới viết về
Lái Thiêu Bình Dương:... quê hương yên
lành, hiền hòa dễ sống, con người tốt
bụng dễ gần.. mà có đi xa mới nhớ, có thiếu vắng
mới thương...
Nhân đây, xin
cảm ơn hai đồng hương Lưu
Thanh Bình và Từ Minh Tâm, nhờ hai bạn mới
có thơ qua lại mấy ngày nay, điều
nầy rất quý cho những ai xa xứ.
Với
Từ Minh Tâm, tuy chưa được gặp lần nào nhưng tôi
đã "biết" em Tâm qua nhiều bài viết hữu ích,
có tính cách phóng sự
tìm hiểu, đăng trên Đặc san của Hội
Ái Hữu Bình Dương mà anh Nguyễn Hữu
Của, Hội trưởng, thường xuyên gởi cho chúng tôi
vào những dịp tất niên
và dịp Hè .
Thôi,
tạm ngưng ở đây, xin gởi lời
thăm hết ba CHS Trịnh Hoài Đức, nếu cơ duyên đưa đẩy,
mình sẽ có ngày
gặp nhau.
Lý Văn
Trọng/ĐH. Bình Dương/Paris.