40 năm, ngày
trở lại
Tư Nguyễn
Trời vừa hửng sáng. Tiếng ve đã râm ran bên vườn nhà. Chúng hòa
lên diệu nhạc du dương. Biến đi trong một thời gian dài nay chúng đã về
rồi, để báo cho ta mùa hè đến. Tiếng ve là dành riêng cho bọn học trò
khi hè về. Có lẽ bọn chúng tụ tập rất đông, nên khi cất tiếng kêu là
vang dây một vùng trời. Điệu nhạc mà chúng dâng cho người có lúc bổng,
lúc trầm, lúc vui tươi, lúc thi dữ dội. Con người chắc không sáng tác
được như thế.
Tôi nằm im lắng nghe tiếng nhạc dập dìu từ trên các ngọn cây
đưa xuống, lòng chợt xuyến xao, nhớ về một thời làm học trò. Ký ức hiện
về gần gũi thân thương, đong đưa theo từng kỷ niệm êm đềm. Nó luôn sống
mãi trong tôi hình bóng áo trắng ngày nào.
Đã bốn mươi năm xa trường, xa lớp, chưa từng một lần về lại
trường xưa. Vì sao? Tại ta quên trường hay trường đã quên ta? Ngày mai
nầy là ngày kỷ niệm sáu mươi năm thành lập trường, cũng là ngày kỷ niêm
năm mươi năm của khối 11 chúng ta. Ngày1 tháng 5 đó các bạn. Ban
tổ chức mời bọn mình về dự các bạn có nhớ không, thật vinh dự và hân
hoan biết bao.
Bọn chúng tôi ở lớp P1, đã hẹn nhau cùng đến dự. Đứa ở
Saigon, đứa ở Phú hòa Đông, đứa Bình Dương, đứa thì ở Búng. Cũng có đứa
ở tận bên kia nửa vòng trái đất, nghe tin đó nhưng không biết có về
không, xa xôi ngàn trùng, bao nhiêu là cách trở, phải không bạn mình
ơi?...
Hẹn nhau thì nhiều nhưng sáng nay khi họp mặt trước cổng trường
chỉ có 14 đứa. Thôi bấy nhiêu cũng được. Cứ mừng mừng, tủi tủi, bắt tay
nhau , hồ hởi ôm nhau, hỏi hỏi cười cười... Ôi huyên thuyên chuyện chào
nhau...
Đây chị Hồng, chị Hai, Phùng, Tuyết Lê từ Saigon lên. Các
bạn đi xe buýt không biết hồi mấy giờ nhưng bây giờ đã có mặt rồi.
Chị Bảy, Kim Ngọc, Thái Hảo, Đỗ Năm từ Bình Dương cũng đã đến từ
trước rồi. Ai cũng nở nụ cười trên môi.
Thúy Vân dù bộn bề gia đình cũng cố gắng tìm xe ôm đến thật đúng
giờ.
Giác thì từ Thủ Đức qua cũng hiên diện đúng lúc với bạn bè.
Hạnh và Tâm không hẹn mà cùng đến một lượt.
Chị Lan và Tư thì sao dám trễ giờ vì là dân Búng.
Còn có một người dù không hiện diện nhưng đã mail cho mình từ sáng
sớm để hỏi thăm các bạn mình, chúc nhau lời chúc thương yêu,và hẹn nhau
vào dịp khác vì bạn không thể về chung vui với bạn mình. Xuân Dung đó
các bạn..
Bọn mình chào nhau inh ỏi như trẻ thơ mà quên rằng ai cũng bạc mái
đầu và đang đứng trước ngôi trường uy nghi..
Chúng tôi xong phần chào nhau thì cùng kéo vào trường, nơi đây
người ta đã ngồi chật kín cả hội trường, chỉ còn một dãy ghế trống mà
thôi. Trước khi vào chỗ ngồi thì mỗi người chúng tôi được ghi tên ở
khối nào và gắn huy hiệu 60 năm của trường vào ngực áo.
Tôi nhìn quanh tìm kiếm. Tất cả đã đổi mới. Nhiều dãy lâu khang
trang được bao quanh với nhiều cây xanh, cây kiểng làm cho ngôi trường
mát mẻ và nên thơ, không còn như ngày xưa khô cằn nắng và gió. Mừng cho
trường mình nay vươn lên tầm cao mới.
Sau 40 mươi năm trở lại trường xưa, tất cả hình ảnh ngày xưa đâu
mất rồi. Trường mình giờ mang khuôn mặt mới, khoác lên mình y phục rực
rỡ và tươi mát, không còn chút gì của ngày xưa. Tôi quên mất rồi nơi
nào là lớp của mình,và đâu rồi hình bóng những cô nữ sinh áo trắng đứng
trước cổng trường chờ nhau. Ngày xưa cổng trường được xây cao lên, bọn
mình hay đếm bước thong dong từ lớp học đi ra và điểm hẹn là nơi
cổng trường, nay đâu còn... Trường ơi mình đã xa nhau 40 năm rồi còn
gì...
Xa quá rồi, bọn mình đã thành người xa lạ. Bốn mưới năm đàn chim
tung cánh bay cao, bay xa khắp bốn phương trời, giờ đàn chim một
lần trở về tổ ấm ngày xưa. Tổ vẫn còn đây, hơi ấm thì đã phai mờ. Bọn
mình nhớ trường nhớ lớp, nhớ nhiều kỷ niệm thuở nào, nhớ hình bóng thầy
cô, nhưng đã xa rồi, không có hơi ấm cho bọn mình nữa, vì mình đã từ
giã nó và ra đi từ độ nào. Nơi nầy chỉ còn dành lại cho bọn mình chút
kỷ niệm mà thôi. Bọn mình chọn con đường xa lớp, xa trường, xa bạn bè,
vậy thì hãy giữ gìn những gì còn sót lại trong khung ký ức học
trò mà nó vẫn còn trong ta.
Tất cả đều quá xa. Một nổi buồn cứ day dứt làm cho tôi mãi lang
thang trong bộn bề của vùng ký ức mà quên đi buổi lễ đã bắt đầu. Sau
phần nghi thức là những bài phát biểu của các cấp lảnh đạo, những phần
thưởng cho các vị có công trong việc trồng người, rồi đến những phần
thưởng cho các em học sinh giỏi, những phần quà cho các em nghèo vượt
khó do sự tài trợ của các cựu học sinh. Tôi cứ nhìn, cứ thấy, nhưng tâm
tư thì đi hoang, tâm hồn tôi như chìm vào vùng kỹ niệm, hồn tôi như
đang nhìn ngắm, tìm kiếm một cái gì đó của ngày xưa thân ái.
Tiếng ngâm thơ của anh Vĩnh Xuyên khóa 1(anh Sùng), làm cho tôi
bừng tỉnh, thì ra anh cũng nhớ trường, nhớ lớp, nên anh xuất khẩu thành
thơ để tặng nhau.
Đến phần cuối là của bọn chúng tôi, cựu học sinh thuộc khối 11
được mời lên. Lớp P1 bọn tôi thì có 14 người, còn lại các lớp khác chỉ
khoảng 20 người, nữ đông, còn nam chỉ khoảng 5, 6 người, cả một khối
gom lại chưa bằng một lớp ngày xưa, buồn ghê...
Chúng tôi được gắn huy hiệu 50 năm của trường, một chút hãnh diện
dâng lên không biết vì sao. Niềm vui làm ai trong chúng cũng nở nụ
cười, quên đi những băn khoăn lúc đầu, nhưng riêng tôi vẫn nghe mình xa
lạ...
Lễ tan chúng tôi mời thầy Cửu lên để chụp hình. Cả khối ai cũng
dành chỉ một mình thầy, vì chung quanh ai cũng xa lạ, chỉ có thầy là
người thân thương của ngày xưa mà thôi. Cả khối chỉ cần có thầy. Thầy
nay đã 80 mươi mà vẫn còn tráng kiện, tuy tóc bạc phơ nhưng vẫn
rắn rỏi, khỏe mạnh, nụ cười thầy luôn nở trên môi.
Ban tổ chức mời tất cả cùng dự tiệc, nhưng mà các bạn biết
máu học trò của bọn mình khoái tự do, quên mình đã già phải nề
nếp, 60 mà ngở như trẻ thơ, nên kéo nhau rời trường kéo qua nhà Phùng.
Cả bọn cùng nhau chụp hình, cười nói, tâm sự những câu chuyện ngàn lẽ
một đêm của bọn ma quỷ học trò.
Đến trưa, cả bọn kéo nhau xuống Mỹ Liên ăn trưa. Đây là tiệm bánh
bèo ngon nhứt xứ Búng. Mỗi đứa đứa đều có một chiếc giỏ do trường tặng,
bên ngoài có in chữ “Kỷ niệm 60 năm trường trung học Trinh Hoài Đức”.
Khi bọn mình ai cũng xách chiếc giỏ làm ai cũng ngạc nhiên, trố mắt
nhìn, làm cho bọn mình nở mũi chút chút.
Cả bọn ăn trưa cũng vui, tất cả ngồi một dãy 14 ghế. Ăn ít mà nói
nhiều. Chuyện trên trời dưới đất, chuyện học trò ngày ấy. Sao mà thương
quá chuyện chúng mình.
Hình như chưa thể ngưng được chuyện kể, có bạn đề nghị đi
uống cà phê để nói năng tự do hơn. Thế là cả bọn xuống cầu cây Trâm,
vào quán cà phê Osaka gì đó ở chân cầu. Cả bọn kéo vào như cơn lốc, vì
bên ngoài trời nắng như đổ lửa,vừa dừng xe đã tuôn vào bóng mát của
quán.
Thế là một phen hú vía cho những người phục vụ. Họ vội vàng đến
chờ phục vụ và vô cùng ngỡ ngàng vì thấy 14 vị khách là những cô gái đã
về chiều mà ồn ào hơn bọn trẻ. Mỗi đứa một ly nuóc khác nhau, nào
là sinh tố dâu, cam, sữa chua, cà phê... Cả bọn đã trở về tuổi thơ ngày
ấy, quên không gian, quên thời gian quên tất cả những gì của đời
thường, chỉ còn hiện hữu là bạn bè và những mẩu chuyện của ngày xưa
thân ái.
Ai cũng kể nhau nghe chuyện ngày xưa, thời mà bọn mình còn phá
phách,vui đùa. Bọn mình chìm sâu vào kỷ niệm. Thời gian bị bỏ quên,
người phục vụ đã đem lên ba lần nước mà chẵng ai chú ý, cứ nói cứ
cười , quên cả bổn phận làm mẹ, làm bà mà hàng ngày ta phải cưu
mang, bây giờ bỏ nó lại sau lưng.
Đã 4 giờ chiều, cả bọn vội quay về với bổn phận. Bây giờ ai cũng
vội vã, nhưng cũng chưa chịu rời nhau, còn kéo nhau đi ăn bánh canh chả
cá gần đó, để được nói với nhau khúc chuyện còn dang dở.
Các bạn thấy không, chuyện của lớp P1 là chuyện dài nhiều tập, kể
đến bao giờ mới hết. Thôi thì bọn mình cứ hẹn nhau đi, năm sau ngày nào
đó sẽ lại gặp nhau, cứ tìm nhau, dù góc biển chân trời, ta còn thì sẽ
có ngày đoàn tụ. Các bạn ở bên kia đại dương nhớ nhé, hảy về... Chúng
mình vẫn chờ nhau mãi, chờ các bạn ngày quay về để cùng nhau cười đùa,
kể chuyện nhau nghe...
Chào nhau nhé, bắt tay, liếc mắt, ôm nhau cười, để kỷ niệm bọn
mình dầy thêm vài trang nữa, như chuyện ngàn lẻ một đêm cổ tích nhé
bạn… Chào thương yêu, tất cả những người bạn quý mến thuở nào.....